“Và Chúa đã tạo ra đàn bà, nhưng quỷ dữ đã tạo nên B.B.” – đó là câu quảng bá quen thuộc về bộ phim năm 1956 của đạo diễn Roger Vadim. Điện ảnh đã tạo ra hiện tượng nhục cảm khiêu khích với B.B – Brigitte Bardot – như biểu tượng của thế hệ “Làn sóng Mới” những năm hậu chiến ở châu Âu. B.B đã trở thành liều thuốc độc ngọt ngào hạ gục mọi trái tim đàn ông thế giới. Câu chuyện không thể đặc trưng hơn cho một thế hệ nổi loạn bằng vẻ tự nhiên tươi mát đến choáng váng, chống lại những luân lý và định kiến bảo thủ của một xã hội cũ kỹ. Câu chuyện kể về Juliette Hardy, một cô gái mồ côi khao khát tình yêu, nhưng vấp phải những rào cản định kiến xã hội và những người đàn ông không mấy thực tâm đối xử tốt với cô. Nhưng chính sự hoang dại tự nhiên của cô làm tất thảy không yên ổn với sự đạo đức giả của họ. Như một bài ca lãng mạn không chút bi ai xoa dịu những chấn thương tâm lý, câu chuyện thể hiện truyền thống ái tình hoan lạc rất Pháp.
Người ta đã so sánh Bardot với nàng tiên cá cất tiếng hát bằng ánh mắt và diễn xuất tự nhiên trời phú. Giai điệu mà đạo diễn Vadim tạo nên qua Bardot đã định cư trong đầu óc thời đại, bài ca đã dụ được đám kiểm duyệt thời đó va vào những thành vách ẩn sau sương mù và đập vỡ vĩnh viễn cái vỏ nghiêm cẩn của điện ảnh tránh né tình dục.
Bộ phim gây nên tranh cãi liệu có phải chính sự đơn giản của cốt truyện lại là đất để cho Vadim khai thác được vẻ đẹp diễn như không diễn của B.B. Sự tinh quái của nhà làm phim nằm ở chỗ không nhọc công biện giải cho vấn đề đạo đức, trưng ra một cô gái đẹp làm sững sờ tất thảy – vốn chẳng xa lạ gì trong kho tàng nghệ thuật nước Pháp, nhưng khác với Victor Hugo cho Esmeralda bị tử hình trong câu chuyện thời Trung cổ thì Juliette Hardy đã được tôn vinh ngầm qua những góc quay đầy khoái cảm của Vadim.
Với lối kể hấp dẫn, người đọc vẫn có thể cảm nhận được sức nóng của câu chuyện trên từng câu chữ và những hình ảnh đẹp về B.B in kèm trong cuốn sách.
***
Simone Colette là bút danh của Sidonie-Gabrielle Colette – nữ tiểu thuyết gia người Pháp (28.1.1873 – 3.8.1954). Bà nổi tiếng về quyển tiểu thuyết Gigi, mà Alan Jay Lerner và Frederick Loewe đã dựa vào để viết cuốn phim và nhạc kịch mang cùng tên
Colette là con gái của viên sĩ quan nghỉ hưu Jules-Joseph Colette và vợ là Adèle Eugénie Sidonie “Sido” Colette (nhũ danh Landoy). Colette sinh tại Saint-Sauveur-en-Puisaye, Yonne, vùng Bourgogne-Franche-Comté của Pháp. Bà học dương cầm từ khi còn nhỏ và đậu bằng tiểu học với điểm cao về môn toán và chính tả.
Năm 1906, Colette bỏ ông chồng Gauthier-Villars không chung thủy, tới sống chung với nhà văn nữ người Mỹ Natalie Clifford Barney. Hai người có mối quan hệ tình ái ngắn, và họ giữ tình bạn suốt đời.
Colette vào làm việc ở các phòng nhạc Paris, dưới sự bảo trợ của nữ hầu tước Mathilde de Morny, biệt danh Missy, hai người có một mối quan hệ đồng tính lãng mạn. Năm 1907, Colette và Morny cùng diễn xuất trong một vở kịch câm tựa đề Rêve d’Égypte (Giấc mộng Ai Cập) ở Moulin Rouge. Nụ hôn trên sân khấu của họ gần như gây ra một cuộc náo loạn, đến nỗi người ta phải gọi cảnh sát tới để lập lại trật tự. Do vụ bê bối này, buổi trình diễn tiếp theo của vở Rêve d’Égypte đã bị cấm, và họ đã không có thể sống chung với nhau một cách công khai, mặc dù mối quan hệ của họ vẫn tiếp tục trong 5 năm.[9] Trong thời gian này, Colette cũng có quan hệ tình dục khác giới
Bà là viện sĩ của Viện hàn lâm Hoàng gia Bỉ về Ngôn ngữ và Văn học Pháp (1935)
Nữ thành viên thứ nhì của Hội văn học Goncourt (1945)
Chủ tịch Hội văn học Goncourt (1949)
Bắc Đẩu Bội tinh hạng Chevalier (1920)
Bắc Đẩu Bội tinh hạng Grand Officier (1953)
Bà là người phụ nữ đầu tiên được cử hành lễ quốc táng ở Pháp và được mai táng ở Nghĩa trang Père-Lachaise, Paris – mặc dù bị từ chối các lễ nghi Công giáo do đã ly dị – vì đã có công che giấu các người bạn Do Thái và chồng mình trên tầng gác xép sát mái nhà trong thời Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp.
Nữ ca sĩ kiêm người viết ca khúc Rosanne Cash đã viết ca khúc “The Summer I Read Colette” trong album 10 Song Demo (1996) của mình để tỏ lòng ngưỡng mộ bà.
Truman Capote đã viết truyện ngắn “The White Rose” (1970) về bà.
Năm 2012, la Monnaie de Paris đã phát hành đồng tiền kim loại 10 euro bằng bạc có hình Colette.
Trung tâm nghiên cứu Colette của Pháp có nhiều đề tài liên quan tới cuộc đời của Colette.
Tiến sĩ Jane Gilmour đã viết quyển Colette’s France: Her Lives, Her Loves (Hardie Grant Books), nói về cuộc đời của Colette xuyên suốt các nơi mà bà đã từng sống
Trường Trung học cơ sở Colette là ngôi trường ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, có bề dày thành tích trong việc dạy và học không chỉ của quận mà còn của thành phố.
***
Và Chúa đã tạo ra đàn bà (tên tiếng Pháp: Et Dieu… créa la femme, 1956) không phải là phim đầu tiên Brigitte Bardot đóng nhưng được xem như cỗ máy đưa Bardot trở thành biểu tượng điện ảnh và văn hóa thế giới. Bardot, với tên gọi âu yếm B.B, đóng đinh vẻ đẹp của mình qua vai diễn Juliette với biệt danh “mèo con nhục cảm” đã làm dấy lên cơn sốt hâm mộ toàn cầu. Khi bộ phim được phát hành ở Mỹ, nó đã vấp phải rào cản kiểm duyệt và trở nên quá phóng túng so với tiêu chuẩn đạo đức xã hội đương thời. Vào thời điểm đó, bộ phim bị Liên đoàn Đạo đức Thiên chúa giáo của Mỹ kết án và cấm đoán. Tuy vậy, năm 1958, bộ phim đã thu được 4 triệu đôla ở Mỹ, trong khi chi phí sản xuất ước chừng 300.000 đôla.
Khi bộ phim chiếu ở Mỹ, Bosley Crowther, nhà phê bình phim của tờ The New York Times đã nhận xét: “Bardot chuyển động trong một lối thời trang hoàn toàn làm nổi bật lên vẻ quyến rũ của nàng. Nàng hiển nhiên là kết quả của một sự sáng tạo siêu việt không thể phủ nhận. Nhưng ngoài điều đó ra thì bộ phim khá rời rạc với kịch bản đơn giản. Chúng tôi không thể giới thiệu bộ phim nhỏ này như một sản phẩm hay nhất của phim ảnh xứ Gô-loa. Nó sắp đặt các yếu tố với nhau khá vụng về và được diễn xuất một cách kỳ quặc. Không có gì đáng kể ngoài sức nóng bỏng kinh khủng trong diễn xuất của Cô Bardot.”
Gần nửa thế kỷ sau, nhà phê bình phim Dennis Schwartz viết: “Bộ phim khiêu dâm hạng nhẹ được tô điểm thêm tuyến truyện có màu sắc bi kịch song vẫn khó có thể coi là một phim bi nghiêm túc. Nhưng dù cốt truyện mỏng thì nó vẫn luôn sống động và hút mắt, nhờ vào không gì hơn là một chuỗi những cảnh Bardot thể hiện mình như một con mèo con nhục cảm trong các lớp cảnh khỏa thân. Công chúng yêu thích bộ phim và nó đã trở thành một cú đột phá phòng vé, tạo nên làn sóng cho những bộ phim khêu gợi sau này. Bộ phim phơi ra những lời thoại dớ dẩn cùng sự phô trương của Bardot thành một đối tượng tình dục, mà ẩn bên dưới là lời kêu gọi cho sự giải phóng phản kháng lại giáo điều cũng như cái nhìn nhục cảm về tình dục.”
Mặc dù đã tham gia đóng phim từ năm 17 tuổi với không dưới 15 phim, nhưng phải đến Và Chúa đã tạo ra đàn bà, B.B mới trở thành ngôi sao thực sự. Lúc này B.B mới 21 tuổi. Bộ phim đầu tay của đạo diễn Roger Vadim ghi dấu ấn quan trọng đến nỗi người ta cứ ngỡ đó là bộ phim đầu tiên của B.B, song trên thực tế khi bộ phim ra mắt cũng là thời điểm hai người chia tay nhau sau 5 năm chung sống. Ông đã viết về người vợ trẻ của mình (ông đã là tình nhân của B.B từ năm nàng 15 tuổi) trong hồi ký: “Cô ấy là vợ tôi, con gái tôi và bà chủ của tôi.” Vốn là một nhà báo của tờ Paris-Match, Vadim (1928-2000) đã sớm phát hiện ra B.B và khi bắt đầu tiến hành thực hiện bộ phim, điện ảnh Pháp cũng đang chấn hưng với phong trào “Làn sóng Mới” (nouvelle vague), đua tranh với “Tân Hiện thực” của Ý, trở thành những ngọn cờ đầu của điện ảnh châu Âu.
Ba chục năm sau, Vadim đã nói về sự ảnh hưởng của những bộ phim thời đầu: “Tôi cảm thấy mình như một Bonaparte trẻ trung lúc khởi sự chiến dịch Ý, mà tôi chắc thắng.” (Bardot Deneuve Fonda, hồi ký, 1987).
Những bộ phim về sau của Vadim dần chìm vào tâm thế u tối của sự bi quan, không còn vẻ quyến rũ của thời ông liên tiếp là tình nhân và kết hôn với những minh tinh đẹp nhất thế giới. Sau Bardot là Annette Stroyberg (1958-1960), Catherine Deneuve (1962-1964), Jane Fonda (1965-1972). Người ta nhận xét rằng sự xuất hiện của B.B trong bộ bikini bên bãi biển là một hình ảnh xoa dịu sự khắc kỷ hậu chiến của châu Âu – có sức mạnh ma thuật hơn nhiều so với lời lẽ hay một hiệu ứng hào nhoáng – không giống như ảnh hưởng của thuyết tương đối Einstein hay cú lắc hông của Elvis Presley, những biểu tượng truyền thông toàn cầu khi ấy – Bardot đánh bại mọi ký ức văn hóa dễ dàng khi nàng hiện lên màn ảnh. Vadim ca tụng: “Nàng đến từ một chiều không gian khác, ở đâu đó ngoài vũ trụ. Khi người ta phát hiện ra nàng, họ không thể nào rời mắt khỏi nàng nữa.” vẻ đẹp của B.B vừa hoang dại lại vừa siêu thực, và từ Và Chúa đã tạo ra đàn bà, hình mẫu này đã đi trước cách mạng tình dục của thập niên 1970.
Trong hình hài một nàng Eva trong vườn địa đàng đầy rắn độc, Bardot đóng vai Juliette, linh hồn tự do bị cầm tù của St. Tropez: một thực thể quá tự nhiên đến nỗi giày dép dường như vướng cẳng nàng, và ngay cả trong thứ lẽ ra không thể bị xem là khiêu dâm như bộ váy cưới, nàng vẫn gây bàng hoàng. Juliette chạy theo bản năng, cự tuyệt những mơn trớn của nhà triệu phú Carradine để theo đuổi gã đê tiện to khỏe Antoine. Khi Antoine từ chối Juliette, nàng miễn cưỡng cưới em trai gã ta, anh chàng Michel nhân hậu nhưng ngây thơ. Cuối cùng; Juliette trút cơn cuồng vọng của mình vào điệu Mambo ma quái. Tạp chí Time viết về khoảnh khắc Vadim giới thiệu B.B đầu phim: “Brigitte nằm đó, trườn dài hết cả màn ảnh, chổng mông lên và trần trụi như con ngươi của nhà kiểm duyệt.”
Khi bộ phim được chiếu lần đầu cho các nhà kiểm duyệt Paris, Vadim kể lại, một vị tức giận đến mức ông ta quyết định cảnh Bardot không mặc quần lót diễu trước mặt một cậu trai vị thành niên phải bị cắt bỏ. Vadim cười thầm và cho chiếu lại cảnh đó, và quả nhiên không có vụ khỏa thân nọ. Trên thực tế, Bardot mặc một bộ đồ thể dục màu đen bó sát suốt đoạn đó. Nhà kiểm duyệt khăng khăng cho rằng Vadim đã quay hai bản, và bằng cách nào đó đã đánh tráo khi chiếu. Vadim nhận xét: “Đó là một trong những điều kinh ngạc nhất về sự xuất hiện của Brigitte trên phim. Người ta cứ nghĩ nàng khỏa thân lúc đó trong khi không phải vậy.”
Nhà phê bình John Baxtor nhận xét: “‘Mông nàng là một bài ca’, nhân vật nào đó đã thốt lên lời ngưỡng mộ Bardot ngay từ đầu phim. Có lẽ ý họ đó là tiếng hát của mỹ nhân ngư. Từ khoảnh khắc tạo tác đó, Bardot – biểu tượng tình dục, siêu sao, ký hiệu, ảo ảnh – trở thành giai điệu đã định cư trong đầu óc thời đại, bài ca đã dụ được đám kiểm duyệt va vào những thành vách ẩn sau sương mù và đập vỡ vĩnh viễn cái vỏ nghiêm cẩn của điện ảnh tránh né tình dục.” Sau này vào năm 1963, đạo diễn Jean-Luc Godard đã chọn Bardot đóng trong bộ phim Contempt [Sự khinh bỉ, dựa theo tiểu thuyết của Alberto Moravia], được xem như cùng một công thức với Và Chúa đã tạo ra đàn bà, đều khai thác vẻ đẹp bốc lửa hoang dại của B.B.
Bộ phim được như một liều thuốc độc ngọt ngào cho khán giả hậu chiến, và người ta tranh cãi rằng chính sự đơn giản của cốt truyện lại là đất để cho Vadim khai thác được vẻ đẹp diễn như không diễn của B.B. Sự tinh quái của nhà làm phim nằm ở chỗ không nhọc công biện giải cho vấn đề đạo đức, trưng ra một cô gái đẹp làm sững sờ tất thảy – vốn chẳng xa lạ gì trong kho tàng nghệ thuật nước Pháp, nhưng khác với Victor Hugo cho Esmeralda bị tử hình trong câu chuyện thời Trung cổ thì Juliette Hardy đã được tôn vinh ngẫm qua những góc quay đầy khoái cảm của Vadim.
Người ta vẫn coi năm 1959 như “một năm diệu kỳ” của điện ảnh Làn sóng Mới, khi những đạo diễn mới Truffaut, Camus và Resnais chiếm lĩnh Liên hoan phim Cannes. Nhưng sự khởi đầu thực sự chính là ở vào ba năm trước đó, khi cựu nhà báo 28 tuổi Roger Vadim tung ra sản phẩm đầu tay Và Chúa… Thành công khởi đầu có tính scandal này (succès de scandale) được chứng minh qua cơn sốt phòng vé, và lần đầu tiên những nhà sản xuất độc lập đã mở hầu bao ra đầu tư cho thế hệ đang lên của nền điện ảnh Pháp mới.
Sau khi làm trợ lý cho đạo diễn Marc Allegret một thời gian, Vadim cảm thấy đủ tự tin để đạo diễn một bộ phim dành cho người đẹp tính khí thất thường và hay gây sự của mình. Trong dàn diễn viên, có sự tham gia của diễn viên người Đức Curd Jurgens trong vai nhà triệu phú Carradine nhằm đảm bảo sự quảng bá quốc tế. Diễn viên Jean-Louis Trintignant lúc đó hãy còn vô danh, đóng vai người chồng của Juliette, đã mau chóng có mối quan hệ tình ái khá ầm ĩ với cô.
Nhà phê bình John Baxter phân tích: “Theo đuổi ý tưởng về một bộ phim kịch tính và dùng màu sắc gây ấn tượng khêu gợi, Vadim dựng bối cảnh cho một Bardot da rám nắng giữa những cảnh nền trắng – cát, vải đũi thô – nhằm khuếch trương hiệu ứng. Hình ảnh cô đang tắm nắng phía sau những tấm ga trải giường phơi bập bồng trong gió và sau đó là cảnh dùng bữa sáng tân hôn quấn mình trong tấm ga trắng, là chứng minh cho dụng công đặc biệt đó của Vadim.”
Nữ diễn viên kỳ cựu Jeanne Moreau đã ghi nhận dấu ấn mang tính biểu tượng của bộ phim và Bardot: “Brigitte là một nhân vật cách mạng hiện đại thực sự đối với phụ nữ. Và Vadim, với tư cách một người đàn ông, người tình và một đạo diễn, đã cảm nhận được điều đó. Điều không thể chối cãi trong Làn sóng Mới, đó là bộ phim đột nhiên quan trọng này chứa đầy sự sống, nhục cảm, năng lượng, tình ái và đam mê. Bất kỳ ai cũng phải ghi nhớ rằng Vadim đã bắt đầu mọi thứ, cùng với Bardot.”
Năm 1987, đạo diễn Roger Vadim đã một bộ phim cùng tên bằng tiếng Anh song nội dung hoàn toàn khác, bối cảnh New Mexico ở miền Tây nước Mỹ, với diễn viên Rebecca de Mornay và Frank Langella nhưng không thành công. Đơn giản là vì không có Bardot.
***
Những câu thoại đáng nhớ
[Juliette đang tắm nắng khỏa thân]
ERIC CARRADINE: A! Vườn Địa đàng ở Saint-Tropez!
JULIETE HARDY: Ôi ông Carradine! Và em chắc ông là Quỷ dữ?
ERIC CARRADINE: Có lẽ vậy. Đằng nào thì tôi cũng mang táo đến.
***
JULIETE HARDY: Đó là bài hát yêu thích của em!
ANTOINE TARDIEU: Lần đầu tiên anh nghe đấy.
JULIETE HARDY: Em cũng vậy.
***
BÀ VIGIER-LEFRANC: Eric, tôi lo cho anh.
ERIC CARRADINE: Lo ư?
BÀ VIGIER-LEFRANC: Anh phải lòng cô ả rồi.
ERIC CARRADINE: Sao cô chắc vậy?
BÀ VIGIER-LEFRANC: Mỗi khi anh nhìn cô ta là trông anh ngốc hẳn đi.
***
ÔNG VIGIER-LEFRANC: Đã bao giờ cô nghe đến giày hiệu Vigier chưa?
JULIETE HARDY: Rồi.
ÔNG VIGIER-LEFRANC: Tôi đấy. Có khi cô cũng đã nghe nói đến máy hút bụi Lefranc rồi?
JULIETE HARDY: Rồi.
ÔNG VIGIER-LEFRANC: Cũng là tôi. Em có muốn nhảy một bài cha-cha-cha không?
JULIETE HARDY: Với máy hút bụi thì không!
Mời các bạn đón đọc Và Chúa Đã Tạo Ra Đàn Bà của tác giả Simone Colette.
Chia sẻ ý kiến của bạn