Sau khi trở thành người giàu có thứ hạng tại Việt Nam và là doanh nhân nổi tiếng Châu Á, ông đang viết sách. Đó không phải loại sách văn chương mà những người có tiền nhiều khi lấy để tô điểm cho mình, hoặc thoả mãn cái thú thơ từ. Đó cũng không phải loại sách truyền bá kinh nghiệm làm giàu mà những người thành đạt thường xuất bản. Sách của ông kén người đọc. Nó mang màu sắc mênh mông, trừu tượng của những tư tưởng triết học. Vẻ đẹp của nó lấp lánh từ tư duy của một con người có bản năng sống mạnh mẽ và không ngừng chiêm nghiệm về đời sống.
Ông thừa nhận mình không phải là một nhà hàn lâm và cũng không có ý định trở thành như vậy. “Nhưng tôi là một người đam mê quan sát cuộc sống. Chính đam mê này và sự hấp dẫn của cuộc sống đã thúc ép tôi phải có những lý giải về nó“. Và ông đã hơn một lần nói rằng: nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà kinh doanh hay nhà chính trị… chỉ là những trạng thái khác nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau của cuộc đời một con người. Chả ai sinh ra đã cố định với một thiên chức nào đó. Và ở giai đoạn này ông là một người viết. Giờ làm việc của ông bắt đầu từ 7 giờ sáng và không khi nào kết thúc trước 10 giờ khuya. Sức làm việc của ông thật đáng ngưỡng mộ với sự dày dặn của những trang viết, với những đề tài và những lý giải sự vật vã của đời sống. Đến nay ông đã có khoảng 2.000 trang viết. Và ông dự định sẽ kết thúc cuộc đời với 15.000 trang viết! Ngoài cuốn sách “Văn hoá và Con người” dày 250 trang vừa ra đời, trong năm nay cuốn “Tự do sinh ra con người” khoảng 500 trang cũng sẽ được xuất bản.
Ông viết với một thái độ thận trọng, trân trọng người đọc. Người nghệ sĩ chân chính ngượng ngùng trước những cơn phải gió – những tác phẩm nghệ thuật, trong đó thể hiện bản ngã của anh ta. Càng có tài càng khiếm tốn. Ông viết sau những suy nghĩ đến chín nẫu, rụt rè thận trọng trước phản ứng của người đọc, không hề có chút lỗ mãng mà những người cầm bút nhiều khi mắc phải. Đó là thái độ liều mạng nói về mình, áp đặt những ý nghĩ chủ quan nhiều khi lệch lạc, rao giảng những triết lý sống.
“Văn hoá và con người” – như ông bộc bạch: Cuốn sách là một phần trong những cố gắng nhằm lý giải một số hiện tượng của cuộc sống xuất phát từ những đòi hỏi của chính nó. Ông không có tham vọng to tát mang tính triết học mà chỉ mongnhững nghiên cứu của mình như là kết quả của những suy tưởng khởi nguồn từ những ý niệm lắng lại trong tâm hồn mình, khi cuộc sống đã đi qua nó.
Chẳng hạn như về tự do, một đề tài trăn trở qua nhiều tiểu luận của ông, ông so sánh: Các công ty Mỹ như một tổ ong, có người ra và người vào, dựa trên một tiêu chuẩn nào đó với cơ chế thông thoáng. Mô hình này tốt hơn, bởi nó dựa trên sự tự do của con người, bởi vì sớm hay muộn, sự phát triển của xã hội cũng dựa trên sự thức tỉnh của các giá trị cá nhân. Toàn cầu hoá và hội nhập là một minh chứng cho sự dần mất đi của các giá trị khu trú để cho phép con người trở thành một đối tượng độc lập. Đó là cá nhân.
Ông hiếm khi ra khỏi “tháp ngà” của mình trừ những việc giao đãi quan trọng. Ông không trực tiếp điều hành công việc kinh doanh. Vậy ông làm gì trong suốt những khoảng thời gian dài tĩnh lặng đó? “Tôi suy nghĩ và bán trí khôn cho người khác” – Câu trả lời có vẻ ngạo mạn, nếu như người ta không hiểu ông. Ông có lối nói chuyện bóc trần và gọi đúng tên của sự vật mà không tô vẽ hay làm giảm nhẹ sự thật dù vẻ đẹp đẽ hay xấu xa của nó.
Tác giả – như tôi biết – là người của suy nghĩ và hành động, vì thế những trang viết của ông vừa có sự mơ mộng trí tuệ vừa như cuốn theo cả cái nóng hổi, bức bối của đời sống với biết bao là vấn đề hàng ngày đòi hỏi phải được đối thoại, xem xét, tìm ra câu trả lời. Có thể thấy ông cố gắng đi theo một con đường riêng trong việc tiếp cận, lý giải những vấn đề vốn đã bị nhiều người làm cho nhàm chán, thổi vào đó niềm đam mê của chính mình và vì thế kích thích mối quan tâm của người khác. Bạn có thể đồng ý hay không với những luận điểm được thể hiện trong cuốn sách, nhưng tôi tin rằng khi gấp sách lại, bạn cũng như tôi, khó mà không tiếp tục suy nghĩ về chúng.
Tạ Duy Anh
Người đàn ông này có xuất thân như bao nhiêu chàng trai xứ Nghệ khăn gói ra Hà Nội học, cái nghèo bám đuổi sau lưng. Xứ nghèo ấy có một con đường, một truyền thống là phải học giỏi để đỗ đạt. Ông cũng tự nhận “đuổi theo và bắt trượt vinh quang như bắt con bồ câu nhà hàng xóm”. Nhưng ông sớm nhận ra, nếu con người cứ theo đuổi những ước vọng của riêng mình, bất chấp nghĩa vụ với bản thân, với người thân và với xã hội thì là con người không cao thượng. Có lẽ chính điều này làm ông thức tỉnh. Và chính vì thế, ông rời viện nghiên cứu để lập một công ty tư nhân, bước chân vào kinh doanh. Điều đó là số phận của công hay là sự toan tính đầy lý trí thì cũng khó phân định rạch ròi.
Về công việc viết lách, ông phân định: Có ba loại người viết. Loại thứ nhất truyền đạt, giáo dục cuộc đời bằng kinh nghiệm và tình yêu, sự hiểu biết. Loại thứ hai giải toả chính tâm hồn mình, ý nghĩa giáo dục nằm ngoài ý thức người viết. Loại thứ ba viết để trang điểm, làm sang cho bản thân. Đây cũng là nhu cầu chính đáng thôi. Ông cười: tôi muốn làm loại thứ nhất, nhưng về khả năng thì đứng vào loại thứ hai, và tuyệt đối không ở loại thứ ba… Ông viết hối hả với ý nghĩ rằng cuộc sống là thứ gì đó mà không tranh thủ sẽ trôi qua. Ý nghĩ cũng là một cuộc gặp gỡ vãng lai của những điều có lý, nếu không ghi lại cũng trôi qua không dấu vết. Ông đọc nhiều và khuyến khích cộng sựđọc sách. Invest consult có một thư viện bề thế rất ấn tượng. Chính điều này ảnh hưởng đến nhân viên, cộng sự của ông, để họ sống trong một guồng máy chi phối bởi tư duy sáng tạo và không ngừng phát triển.
Leave a Reply