Công trình trên do giáo sư Trần Quốc Vượng – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Công trình đã được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản năm 2000, tái bản năm 2003.
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm” dày gần 1000 trang bao gồm các công trình đã công bố của GS. Trần Quốc Vượng do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật lựa chọn đưa vào Tủ sách Văn hóa học, nhằm cung cấp những kiến thức, tư liệu và kinh nghiệm để xây dựng ngành Văn hóa học còn đang ở giai đoạn ban đầu ở Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu được bố cục theo 6 chủ đề chính từ khái niệm – công cụ; không/thời gian văn hóa, con người văn hóa đến các thành tố văn hóa… Tất cả các bài viết dù được tiếp cận theo góc độ nào từ chung đến riêng hay ngược lại từ riêng đến chung đều thấu suốt và quán triệt quan điểm toàn diện trong nghiên cứu văn hóa để cố gắng đạt tới nhận thức khoa học khái quát và khách quan đến mức có thể. Trong mỗi chủ đề, thông qua việc diễn giải vấn đề cụ thể, tác giả sử dụng những hệ khái niệm được hiểu là những khái niệm công cụ, khái niệm chìa khoá dẫn dắt người đọc trên con đường khám phá chân lý khách quan và khái quát của lịch sử, văn hoá dân tộc.
Mỗi trang viết là kết quả của quá trình tìm tòi suy ngẫm và nghiệm sinh lâu dài, hiện đại về tư liệu, xử lý tài tình mối quan hệ biện chứng giữa Phá bỏ – Bảo tồn – Sáng tạo. Với cách viết rất riêng thâm thúy và khoáng đạt, đề cao tôn chỉ “Nghiêm thay sử bút” và thái độ tôn trọng sự đa dạng và khoan dung văn hoá, tác giả đã tiếp cận văn hóa Việt Nam quá khứ và đương đại theo nhiều chiều kích, thuận/nghịch; trong/ngoài; nội sinh/ngoại sinh… Những nghiên cứu lý thuyết, điền dã của tác giả về văn hóa Việt Nam là kết quả của quá trình từ nhận thức – nhận định lại – tái nhận thức đến nhận thức. Kết cuối của mỗi công trình nghiên cứu trong cuốn sách này cũng chính là mở Đầu cuộc tìm kiếm, chiêm nghiệm mới và cứ như thế…
Tập hợp từ những bài viết trong nửa thế kỷ qua “Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm” là một trong những công trình mang tính tổng hợp, “tập đại thành” đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa. Mỗi chương sách thực sự là một khám phá chứa đựng những ý tưởng khoa học mới, độc đáo và sâu sắc giúp gợi mở những hướng nghiên cứu mang tính liên ngành, đa ngành, xuyên ngành cho văn hóa học hiện nay nói chung và cho các nhà nghiên cứu văn hóa khi tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam Xưa – Nay cả về nội dung lẫn phương pháp tiếp cận.
Leave a Reply