Terry McCaleb không ở đỉnh cao phong độ của một đặc vụ FBI dày dặn kinh nghiệm. Ông mới ngoài bốn mươi tuổi, lẽ ra vẫn còn có thể tiếp tục cày xới thế giới tội ác ở Los Angeles, nhưng trái tim của ông đã đầu hàng, ông phải thay tim và thấy trước mặt mình một cuộc sống khác hẳn.
Rồi người phụ nữ đó xuất hiện, không hề báo trước, ngay tại nơi trú ẩn tuổi già của ông. Và McCaleb buộc phải gắng gượng tìm lại phong độ tưởng chừng đã vĩnh viễn mất đi, lần mò theo những lối đi gian nan nhất của sa mạc và của trí tuệ, với một trái tim của người khác đập trong lồng ngực. Terry McCaleb và Graciela Torres bỗng chốc khám phá ra rất nhiều điều bí ẩn của các tội ác, cũng như bí ẩn trong mối quan hệ tình cảm con người.
Michael Connelly ở độ chín của tài năng và phong cách, một cuốn tiểu thuyết trinh thám có nhịp điệu mạnh liên hồi, tàn khốc nhưng không mất đi sự mềm mại, nhân bản, thậm chí là lãng mạn.
Michael Connelly sinh ngày 21.7.1956. Ông là một nhà văn, nhà báo Mỹ. Văn đàn thế giới coi M. Connelly là “ông hoàng trinh thám Mỹ”, có lẽ bởi nhiều tác phẩm thuộc thể tài này của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và bản thân M. Connelly đã đoạt nhiều giải thưởng văn học quan trọng nhờ số truyện trinh thám mà ông đã viết.
Người biết M. Connelly nói ông viết truyện trinh thám không phải do tình cờ, cũng chẳng phải do sự bồng bột, một “tình yêu sét đánh nào đó”, mà là do ông có vốn sống giàu có về lĩnh vực điều tra tội phạm. Tất cả bắt đầu từ khi M. Connelly tốt nghiệp Đại học Florida năm 1980 và khởi đầu sự nghiệp bằng những bài viết trên tờ Daytona Beach News Journal về vấn đề tội phạm Mỹ, sau đó là viết cho tờ Fort Lauderdale News and Sun-Sentinel, cũng về lĩnh vực này.
Những giải thưởng đầu tiên đến với M. Connelly vào năm 1985, khi bài phỏng vấn những nạn nhân còn sống sót sau vụ rớt máy bay Delta Flight 191 của ông lọt vào danh sách đề cử giải Pulitzer – giải thưởng báo chí danh giá bậc nhất dành cho một nhà báo. Hai năm sau, chuyển đến sống tại California, M. Connelly cho ra đời tác phẩm trinh thám đầu tay của mình và gần như ngay sau đó, cuốn The Black Echo được xuất bản và đoạt giải Edgar Award năm 1992.
McCaleb thấy nàng trước khi nàng thấy ông. Ông đang bước xuống ụ tàu chính, băng qua dãy thuyền của cánh nhà binh thì nhìn thấy người đàn bà đứng trên mũi chiếc Biển Theo Ta. Lúc đó là mười rưỡi sáng một ngày thứ Bảy, tiếng thì thầm ấm áp của mùa xuân khiến nhiều người rời khỏi nhà kéo đến các ụ tàu ở San Pedro. McCaleb đang sắp hoàn tất cuộc đi dạo vào mỗi sáng – đi trọn một vòng quanh Cabrillo Marina, dọc theo đê chắn sóng xây bằng đá rồi quay về. Đến đoạn này thì ông đã mệt bở hơi tai, nhưng ông bước còn chậm rì hơn khi tiến lại gần thuyền. Ý nghĩ đầu tiên của ông là bực bội – người phụ nữ đó đã lên thuyền ông mà không đợi ai mời. Nhưng khi đến gần hơn, ông gạt ý nghĩ đó qua bên mà tự hỏi nàng ta là ai, nàng muốn cái gì.
Nàng không mặc quần áo dùng để đi thuyền. Nàng mặc bộ đầm mùa hè suông nhẹ dài tới giữa đùi. Làn gió nổi lên từ mặt nước cứ chực tốc váy nàng khiến nàng phải ép một tay vào hông để giữ yên. McCaleb không thấy hai bàn chân nàng, nhưng qua đường nét cơ bắp săn chắc ông nhìn thấy nơi đôi chân rám nắng của nàng, ông đoán nàng không mang giày dùng để đi thuyền. Nàng nhón gót lên. McCaleb lập tức hiểu ra, nàng đứng đây nhằm để gây ấn tượng với ai đó.
McCaleb thì ăn mặc sao cho chẳng gây ấn tượng gì. Ông mang chiếc quần jeans cũ rách te tua vì mặc quá lâu chứ không phải để làm dáng, áo phông mặc từ hồi dự giải Catalina Gold Cup tận mấy mùa hè trước. Quần áo lấm bê lấm bết, chủ yếu là máu cá, đôi phần là máu của chính ông, axit hydrochloric, nhựa poliuretan và dầu máy. Bộ đồ này ông thường mặc để đánh cá nhưng cũng mặc cả khi sửa máy. Cuối tuần này ông định sẽ sửa máy trên thuyền nên ông đang mặc bộ đồ phù hợp.
Ông bắt đầu có ý thức hơn về ngoại hình mình trong khi lại gần thuyền và thấy người đàn bà rõ hơn. Ông rút hai miếng mút của máy nghe nhạc ra khỏi tai rồi tắt CD giữa lúc bài “I Ain’t Superstitious” qua giọng Howlin’ Wolf đang phát nửa chừng.
“Tôi giúp gì được cho cô?” ông hỏi trước khi bước xuống thuyền của mình.
Giọng ông dường như khiến nàng giật mình, đang đứng nơi cánh cửa trượt dẫn vào buồng khách của thuyền nàng liền quay phắt lại. McCaleb đồ rằng nàng gõ lên mặt kính vì cứ nghĩ ông đang ở trong đó.
“Tôi tìm Terrell McCaleb.”
Nàng là một phụ nữ hấp dẫn ngoài ba mươi đôi chút, trẻ hơn McCaleb tròn chục tuổi hay hơn. Trông nàng quen quen, nhưng ông không nhớ ra ai. Chỉ là ngờ ngợ như quen, thật ra chưa chắc đã phải. Đồng thời ông lại thấy dường như ký ức mình bị đánh động khiến cho ông nhận ra, nhưng rồi điều đó qua nhanh và ông biết mình lầm, ông không quen biết người đàn bà này. Ông thường nhớ được mặt người ta. Mà cô nàng này thì mặt đủ xinh để ông không quên được.
Nàng phát âm sai tên ông, đáng lẽ Mác-cây-lép thì nàng nói Mác-ca-lớp, rồi thì nàng lại dùng tên ghi trên giấy tờ của ông, cái tên chẳng ai dùng trừ cánh báo chí. Chính khi đó ông bắt đầu hiểu. Giờ thì ông biết điều gì đã đưa nàng tới con thuyền. Lại một linh hồn lạc lõng đến nhầm nơi phải đến.
“McCaleb,” ông chữa lại. “Terry McCaleb.”
“Xin lỗi.
Tôi, ờ, tôi cứ nghĩ ông đang ở trong thuyền. Tôi không biết nếu bước lên thuyền mà gõ cửa thì có được không.”
“Thì cô vẫn làm đó thôi.”
Nàng lờ đi lời trách mà nói tiếp. Cứ như thể những điều nàng đang làm và những gì nàng phải nói, nàng đã phải tập đi tập lại nhiều lần.
“Tôi cần nói chuyện với ông.”
“Ồ, hiện giờ tôi hơi bận.”
Ông chỉ tay về phía cánh cửa dẫn xuống hầm thuyền vẫn đang mở toang, may phước là cô nàng chưa lọt xuống, chỉ tay vào đống đồ nghề ông đã trút ra trên một tấm vải màn cạnh cửa sổ đuôi tàu.
“Tôi đi loanh quanh tìm cái thuyền này gần cả tiếng rồi,” nàng nói. “Không lâu đâu mà. Tên tôi là Graciela Rivers, tôi chỉ muốn…”
“Này, cô Rivers,” ông nói, giơ hai tay lên ngăn lại. “Thực sự là tôi… Cô đọc được về tôi trên báo có đúng không?”
Nàng gật.
“Thôi được, trước khi cô bắt đầu chuyện của cô, tôi phải nói với cô rằng cô không phải người đầu tiên tới đây tìm tôi hay kiếm số phôn của tôi mà gọi tôi. Và với tất cả những người khác tôi nói gì thì với cô tôi cũng nói thế thôi. Tôi không phải đang tìm việc. Thành thử nếu chuyện là cô muốn thuê tôi hay nhờ tôi giúp cách này cách nọ thì rất tiếc, tôi không làm được. Tôi không phải đang tìm loại việc ấy.”
Nàng chẳng nói gì và ông cảm thấy lòng xốn xang cảm thông với nàng, cũng như ông từng cảm thấy với những người khác tới tìm ông trước nàng.
“Này, tôi có biết vài ba điều tra viên tư, tôi có thể giới thiệu họ với cô. Hội này giỏi đấy, làm ăn chăm chỉ, họ không lừa cô đâu.”
Ông bước lên mép đuôi thuyền, nhặt chiếc kính râm ông quên mang theo khi đi bộ, đeo vào, ra hiệu rằng cuộc nói chuyện thế là dứt. Nhưng cử chỉ và lời lẽ của ông cứ như nước đổ lá khoai đối với nàng ta.
“Bài báo nói ông tốt bụng. Nói rằng bất cứ khi nào có kẻ chuồn được là ông ghét cay ghét đắng.”
Ông thọc tay vào túi quần, nhún vai.
“Cô phải nhớ một điều. Không bao giờ chỉ mình tôi cả. Tôi có người cộng tác, tôi có đội xét nghiệm, tôi có cả Cục ở sau lưng hỗ trợ tôi. Khác xa cái kiểu anh chàng đơn thân độc mã làm gì cũng lầm lũi một mình. Khác nhiều lắm. Dù có muốn, e tôi cũng không giúp cô được.”
Nàng gật đầu nên ông đinh ninh đã làm nàng ta thấu hiểu rồi, và với cô này tới đây là hết chuyện. Ông bắt đầu nghĩ tới cái van trên một trong các động cơ thuyền mà ông đang thao tác dở, ông định sẽ làm cho xong nội cuối tuần này.
Nhưng ông đã lầm về nàng.
“Tôi nghĩ ông có thể giúp tôi,” nàng nói. “Có khi còn giúp chính ông nữa.”
“Tôi không cần tiền. Tôi kiếm đủ.”
“Tôi không nói chuyện tiền nong.”
Ông nhìn nàng trong khoảng một nhịp tim trước khi đáp.
“Tôi không biết cô nói thế là ý gì,” ông nói, cố tình tỏ ra cáu kỉnh. “Nhưng tôi không giúp cô được. Tôi không còn phù hiệu, mà cũng chả phải là điều tra viên tư. Tôi mà làm việc như điều tra viên tư hoặc nhận tiền mà không có giấy phép của nhà nước thì sẽ là bất hợp pháp đấy. Nếu đã đọc bài báo thì ắt cô biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Thậm chí tôi còn không được lái xe nữa kìa.”
Ông trỏ xuống bãi đỗ xe bên ngoài dãy ụ tàu và cầu tàu.
“Cô thấy cái xe trùm kín mít như quà Giáng sinh kia không? Xe tôi đó. Nó sẽ còn nằm đó chừng nào tôi chưa được bác sĩ chuẩn y cho lái xe lại. Đến nước này thì tôi còn là cái thứ điều tra viên nào nữa chứ? Đến mà phải đi xe buýt suốt.”
Nàng lờ đi lời phản đối của ông, chỉ nhìn ông với vẻ kiên quyết khiến ông lúng túng. Ông chẳng biết làm cách nào điệu nàng ta đi khỏi thuyền ông được đây.
“Để tôi đi lấy tên mấy người kia cho cô.”
Ông đi vòng qua nàng rồi đẩy cánh cửa trượt của phòng khách ra. Vào trong rồi, ông đóng chặt cửa sau lưng mình. Ông cần sự ngăn cách. Ông đi tới chỗ mấy ngăn kéo dưới bàn vẽ hải đồ, bắt tay tìm cuốn danh bạ điện thoại. Đã quá lâu không cần tới nên bây giờ ông chẳng biết nó nằm ở đâu nữa. Ông liếc ra ngoài qua cánh cửa, quan sát cô nàng bước tới chỗ đuôi tàu, tựa hông vào ô cửa sổ nhỏ trong khi chờ đợi.
Trên mặt kính cửa có lớp màng phản chiếu. Nàng không thể thấy ông đang quan sát nàng. Cảm giác quen quen lại xâm chiếm tâm trí ông và ông cố nhớ ra xem mình đã gặp khuôn mặt này ở đâu. Ông thấy nàng thật nổi bật. Đôi mắt hình quả hạnh sẫm màu vừa có vẻ u sầu lại vừa có vẻ thấu hiểu điều bí mật nào đấy. Ông biết giá như ông từng gặp nàng hay thậm chí chỉ từng quan sát nàng trước đây thì hẳn ông sẽ dễ dàng nhớ ra nàng. Nhưng ông chẳng nhớ được gì cả. Mắt ông bất giác chuyển sang hai bàn tay nàng, tìm xem có chiếc nhẫn nào không. Không có. Về chuyện giày dép của nàng thì ông đoán đúng. Nàng mang xăng đan có gót làm bằng bần, cao năm phân. Móng chân nàng sơn màu hồng, nổi bật trên làn da màu nâu mềm mại. Ông tự hỏi có phải lúc nào nàng cũng trông thế này không, hay nàng ăn mặc thế chỉ để nhử ông nhận làm cho nàng.
Ông tìm ra cuốn danh bạ điện thoại trong ngăn kéo thứ hai, liền nhanh chóng tìm mấy cái tên Jack Lavelle và Tom Kimball. Ông ghi lại tên và số điện thoại của họ vào một tờ rơi quảng cáo cũ của hãng dịch vụ tàu biển rồi mở cánh cửa trượt. Nàng đang mở ví trong khi ông ra khỏi buồng khách. Ông chìa tờ giấy cho nàng.
“Đây là tên hai người. Lavelle là thám tử Los Angeles đã nghỉ hưu còn Kimball hồi trước làm ở FBI. Tôi từng làm việc với cả hai, người nào cũng có thể làm việc tốt cho cô. Chọn một người mà gọi. Nhớ bảo anh ta rằng cô có được tên anh ta là nhờ tôi. Anh ta sẽ lo cho cô.”
Nàng không nhận mấy cái tên từ tay ông. Thay vì vậy nàng rút một tấm ảnh ra khỏi ví chìa cho ông. McCaleb cầm lấy không nghĩ ngợi gì. Ông nhận ra ngay đó là một sai lầm. Trong tay ông là bức ảnh một phụ nữ mỉm cười ngắm một đứa bé trai đang thổi tắt nến trên cái bánh sinh nhật. McCaleb đếm được bảy ngọn nến. Đầu tiên ông nghĩ đó là ảnh của Graciela hồi trẻ hơn bây giờ vài tuổi. Nhưng rồi ông nhận ra không phải là nàng. Người phụ nữ trong ảnh mặt tròn hơn, môi mỏng hơn. Cô ta không đẹp như Graciela Rivers. Tuy cả hai đều có mắt màu nâu sẫm, nhưng mắt người phụ nữ trong ảnh không có cái vẻ mãnh liệt như mắt người đàn bà đang quan sát ông lúc này.
“Em gái cô à?”
“Phải. Và con của nó.”
“Người nào?”
“Sao cơ?”
“Người nào chết?”
Câu hỏi đó là sai lầm thứ hai của ông, làm trầm trọng thêm sai lầm thứ nhất bởi nó lôi ông dấn vào sâu hơn nữa. Ngay lúc hỏi, ông đã biết rằng đáng lẽ ra ông nên khăng khăng đòi nàng ta nhận lấy họ tên hai thám tử tư kia rồi chấm dứt mọi chuyện ở đây.
“Em tôi. Gloria Torres. Cả nhà tôi gọi nó là Glory. Đây là Raymond, con của nó.”
Ông gật đầu rồi đưa trả bức hình nhưng nàng không nhận. Ông biết nàng muốn ông hỏi chuyện gì đã xảy ra, nhưng cuối cùng ông kịp kìm lại.
“Nào, thế này chả ích gì đâu,” rốt cuộc ông nói. “Tôi biết cô đang làm gì rồi. Chả ích với tôi đâu.”
“Ý ông là ông không hề có lòng thông cảm phải không?”
Ông ngần ngừ trong khi cơn giận sôi lên trong họng.
“Tôi có lòng thông cảm. Cô đã đọc bài báo, cô biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Xưa nay tôi gặp rắc rối gì cũng đều do thông cảm mà ra cả.”
Ông nuốt khan và cố gột sạch mọi cảm xúc khó chịu. Ông biết cô nàng này đang bị nỗi thất vọng khủng khiếp làm cho héo hon tiều tụy. McCaleb từng biết hàng trăm người như nàng. Những người thân yêu bị tước đi khỏi họ chẳng vì lý do nào hết. Không bắt bớ, không buộc tội, không phá án. Một vài người trong số đó chỉ còn như cái thây sống, đời họ bị thay đổi vô phương cứu chữa. Những linh hồn lạc lõng. Graciela Rivers giờ đây là một người như thế. Chắc chắn nàng là thế, không thì nàng đã chẳng tìm mọi cách lùng ra tung tích của ông. Ông biết, dù nàng nói gì với ông hoặc dù ông có tức giận đến mấy, nàng cũng không đáng phải hứng chịu thêm những cơn thất vọng của chính ông.
“Thôi nào,” ông nói. “Tôi không làm được đâu mà. Tôi rất tiếc.”
Ông đặt một tay lên tay nàng để đưa nàng trở lại bậc lên xuống thuyền. Da nàng ấm. Ông cảm nhận được bắp cơ khỏe mạnh dưới sự mềm mại đó. Ông lại đưa nàng tấm ảnh, nhưng nàng vẫn từ chối không chịu cầm.
“Xem lại đi. Xin ông làm ơn. Chỉ thêm một lần thôi, rồi tôi sẽ để ông yên. Nói cho tôi biết liệu ông có cảm thấy gì khác không?”
Ông vừa lắc đầu vừa phác một cử chỉ yếu ớt bằng bàn tay như muốn nói đằng nào thì cũng vậy thôi.
“Tôi là cựu nhân viên FBI chứ không phải nhà ngoại cảm.”
Nhưng ông vẫn làm ra vẻ giơ tấm ảnh lên nhìn. Người phụ nữ và chú bé xem chừng hạnh phúc. Là tiệc sinh nhật mà. Bảy ngọn nến. McCaleb nhớ rằng hồi ông bảy tuổi cha mẹ ông còn ở với nhau. Nhưng sau đấy thì không ở với nhau lâu nữa. Mắt ông bị hút vào đứa bé nhiều hơn vào người phụ nữ. Ông tự hỏi bây giờ không có mẹ thì thằng nhỏ sống ra sao.
“Tôi xin lỗi, cô Rivers ạ. Thực sự là tôi rất tiếc. Nhưng tôi chẳng làm gì được cho cô hết. Cô có muốn lấy ảnh này lại không?”
“Tôi có hai cái. Ông biết đấy, rửa một tặng một mà. Tôi tưởng ông sẽ giữ lại một cái.”
Lần đầu tiên ông cảm thấy có cái gì đó ngầm ẩn trong dòng cảm xúc. Có cái gì đó hệ trọng nữa đây, nhưng ông không biết là gì. Ông nhìn kỹ cô Graciela Rivers và có cảm tưởng rằng nếu dấn thêm một bước, hỏi cái câu hỏi thật hiển nhiên, ông sẽ bị cuốn hẳn vào.
Ông không kìm được.
“Sao tôi lại muốn giữ tấm ảnh dù tôi sẽ không thể giúp cô được?”
Nàng mỉm cười một cách buồn bã thế nào đó.
“Bởi nó là người đàn bà đã cứu mạng ông. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ, hẳn ông cần tự nhắc mình nhớ cô ta trông thế nào, cô ta là ai.”
Ông nhìn nàng chằm chằm một hồi lâu nhưng thật ra ông không nhìn Graciela Rivers. Ông đang nhìn vào bên trong mình, lục lọi trong ký ức và hiểu biết của mình điều nàng vừa nói, nhưng vẫn không hiểu được ý nghĩa của nó.
“Cô nói cái gì vậy?”
Ông chỉ hỏi được có thế. Ông có cảm giác quyền kiểm soát cuộc nói chuyện và mọi thứ khác đều đang tuột khỏi ông mà trượt qua boong tàu về phía nàng. Cái dòng chảy ngầm kia đã tóm được ông. Nó đang đưa ông đi.
Nàng giơ tay lên, nhưng rướn tay qua bức ảnh ông vẫn đang chìa ra cho nàng. Nàng đặt lòng bàn tay lên ngực ông, miết tay dọc xuống ngực áo ông, mấy ngón tay nàng lần theo vết sẹo giống như đoạn thừng dày cộm sau lần áo. Ông để yên cho nàng làm vậy. Ông đứng như hóa đá mà để nàng làm vậy.
“Trái tim ông,” nàng nói. “Nó từng là của em tôi. Nó là người đã cứu mạng ông.”
…
Mời các bạn đón đọc Việc Máu của tác giả Michael Connelly.
Chia sẻ ý kiến của bạn