Các cuộc chinh phục Brazil của người Pháp là một trong những sự kiện kì lạ nhất và ít được biết đến nhất của thời kỳ Phục hưng.
 
Brésil đỏ kể câu chuyện của hai đứa trẻ, Just và Colombe, bị ép tham gia chuyến thám hiểm để làm thông dịch viên với các bộ tộc da đỏ. Mọi thứ trong cuộc phiêu lưu này đều quá mức. Khung cảnh: vịnh Rio hoang dã vẫn còn các khu rừng rậm và các bộ lạc da đỏ ăn thịt người. Các nhân vật – trước tiên là hiệp sĩ Villegagenon, người đứng đầu cuộc thám hiểm, hoài cổ về các cuộc thập tự chinh, chì đắm trong nền văn hóa cổ xưa, tiền thân của D’Artagnan hay Cyrano. Các sự kiện: vụ xử kín kịch tính của Pháp miền nhiệt đới là sự lặp lại cuộc chiến tranh tôn giáo mười năm trước.
 
Đầy ắp những chân dung, phong cảnh, hành động, Brésil đỏ, được viết bằng một ngôn ngữ mỉa mai kiểu Voltaire, có dạng của một cuốn tiểu thuyết giáo dục và tình yêu. Nhưng sâu xa hơn, thông qua việc số phận và những lựa chọn của Just và Colombe, cuốn sách này đưa ra hai quan niệm đối lập về con người và thiên nhiên. Một mặt, nền văn minh châu Âu, thích chinh phục và toàn cầu, muốn giải phóng và gây chết chóc. Mặt khác, thế giới của người da đỏ, với những cảm xúc nhục dục, ý nghĩa của sự hòa hợp và cái thiêng liêng, tiếng gọi thường trực của hạnh phúc…
 

Well Leon dịch
***
JEAN-CHRISTOPHE RUFIN sinh ngày 28 tháng 6 năm 1952.
 
Khi thi đậu vào Trường Đại học Y khoa, chắc hẳn Jean-Christophe Rufin không nghĩ rằng ông sẽ thành đạt bằng nghề viết lách, chứ không phải bằng con dao mổ. Ngày 6.11.2001 Rufin đã đăng quang lần thứ hai trên văn đàn Pháp. Tác phẩm “Rouge Bresil” (Brazil Đỏ) đoạt giải Goncourt – giải thưởng văn học cao quý nhất nước Pháp.
 
Rufin còn là một nhà hoạt động xã hội lớn. Ông đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ không biên giới – tổ chức đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1999. Tại vòng bỏ phiếu thứ 10 của giải Goncourt năm nay, Rufin đã chiến thắng nhờ hơn đúng có một phiếu. “Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi hay tin này. Tôi đã thuyết phục mình rằng tôi sẽ không đoạt được giải này” – bác sĩ Rufin thổ lộ với kênh truyền hình LCI.
 
Địa điểm hội đồng giám khảo Goncourt gặp hàng năm để chọn tác phẩm trao giải “lãng mạn theo đúng kiểu Pháp” – đó là nhà hàng Drouant ở Paris. Giá trị vật chất của Goncourt chẳng nhiều nhặn gì – chỉ vẻn vẹn khoảng 7USD, song nó vẫn được coi là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp, bởi thu hút được sự chú ý lớn của báo chí và khiến tác giả ngay lập tức trở thành người nổi tiếng, còn tác phẩm được phát hành với số lượng vô cùng lớn.
 
“Rouge Bresil” là cuốn tiểu thuyết lịch sử thuật lại cuộc chinh phục của Pháp ở Brazil thời kỳ Phục hưng qua con mắt của hai đứa trẻ đi tìm cha mẹ mình. Just, cậu con trai sau trở thành quan chức trong bộ máy thực dân, còn Colombe, cô con gái lại đứng về phía những người da đỏ. Cô là đường dây độc đáo dẫn người đọc đi qua thế giới của người da đỏ mà giờ đây không còn tồn tại nữa. “Đây là loại tiểu thuyết sinh thái học, nếu ta có thể gọi được như vậy. Đó là sự đối đầu giữa hai khái niệm khác nhau về thiên nhiên” – Rufin nhận xét.
 
Rufin bắt đầu cầm bút năm 1997 và ngay lập tức ông đoạt giải Goncourt cho tác phẩm đầu tay “L’Abyssin” (Người Abyssinia), Abyssinia là tên gọi cũ của Ethiopia. Hai năm sau với tác phẩm “Les Causes perdues” (Những mục tiêu bị đánh mất) kể về những sự mập mờ trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, Rufin đã đoạt một giải thưởng văn học khác. Ngao du nhiều nơi theo các hoạt động của tổ chức Bác sĩ Không biên giới, Rufin đã đưa vào tác phẩm của mình những vùng đất liên quan đến lịch sử nước Pháp.
 
“Người Abyssinia” đưa người đọc trở về năm 1699, khi Vua Louis XIV cử đại sứ đến yết kiến Negus, Quốc vương Abyssinia với hy vọng sẽ lôi kéo được đất nước này vào quỹ đạo chính trị và tôn giáo của Pháp. Jean-Baptiste Poncet, chàng dược sĩ trẻ chuyên bào chế thuốc cho các tổng trấn ở Cairo được Lãnh sự Pháp chọn dẫn đầu phái đoàn này. Họ đã vượt qua sa mạc Ai Cập và vùng núi hiểm trở của Abyssinia để đến cung điện của Negus, sau đó trở về Versailles, rồi lại quay trở lại. Trên đường đi chàng đã phải lòng con gái viên lãnh sự, chữa chứng bệnh kỳ dị về da cho Negus và tiếp kiến Vua Louis tại Pháp.
 
Trong phần hai của cuốn tiểu thuyết có tên gọi “The Siege of Isfahan” (Vòng vây ở Isfahan), Rufin đưa Jean-Baptiste Poncet đến những vùng đất huyền bí như Ba Tư, Nga trong bối cảnh 20 năm sau đó. Ngoài mối quan hệ với Vua Louis XIV, Poncet còn trở thành bạn của Quốc vương Ba Tư Shah và Sa hoàng Peter Đại đế. Trong một chuyến đi ở Trung Đông, vợ và con gái ông rơi vào vòng vây của quân đội Afghanistan và trở thành vật mặc cả của Quốc vương Mahmud. Bên cạnh sự hiểu biết uyên bác về Trung Đông và Nga, Rufin đã tiếp tục hoàn thiện phong cách viết lôi cuốn, huyền ảo với bố cục vô cùng chặt chẽ.
 
Nguồn: Lao Động, 10.11.2001
 ***
– Kính thưa Đức Ông, Ngài thử tưởng tượng một người nhìn thấy vạc nước sôi sùng sục sắp luộc chín mình, thì sẽ có cảm giác thế nào.
 
Nói rồi, người thủy thủ đưa mắt u sầu nhìn đống than hồng.
 
Người Anh điêng nhổm người lên, kêu:
 
– Nói bậy! Nói bậy!
 
– Sao, bậy ư? Dễ các người không ăn thịt đồng loại chắc? Hay mày cho cách thịt người như thế là chưa đúng, hở thằng khốn?
 
Rồi người thủy thủ lại quay sang thưa với viên sĩ quan:
 
– Thưa Ngài, đúng là không phải người Brésil nào cũng làm như cách bọn bắt được tôi đã làm. Một số bọn chúng còn “hun sống”, tóm lại là chúng quay chín anh. Mày chịu chưa, hở thằng khốn?
 
Anh thủy thủ, với sức lực yếu ớt nhưng ngoan cố của một người say, túm lấy áo người Anh điêng kéo vào sát cái mũi bóng loáng của mình. Hai bên gầm ghè nhau vài giây, mắt làm ra vẻ gườm gườm. Rồi anh thủy thủ bỗng buông tay, và hai người phá lên cười ha hả, bắt tay nhau rối rít. Tháp chuông lớn nhà thờ Rouen điểm tám tiếng, và tất cả các xà rầm trong quán rượu đối diện với công trình kiến trúc lâu đời ấy lại rung lên theo mỗi tiếng ngân.
 
Viên sĩ quan, người gày khẳng và mặt xương xẩu, trông có vẻ ảo não. Cuộc hội ngộ giữa hai người chẳng làm ông xúc động. Ông đang sốt ruột vì có việc phải lo. Đã giữa năm 1555 rồi, nếu để qua tháng sáu thì gió sẽ không thuận. Ông đập tay lên bàn, nói giọng hầm hừ như đe dọa ai:
 
– Ai cũng biết, bờ biển nơi ta sẽ đổ bộ là rất nguy hiểm. Nhưng ý ta đã quyết: tám ngày nữa, chúng ta sẽ nhổ neo để đi thiết lập một nước Pháp mới ở Brésil.
 
Anh thủy thủ và anh thổ dân da đỏ nhấp nhổm trong chiếc ghế đẩu ba chân. Chỉ mới nghe thấy từ Brésil, một niềm hứng khởi chưa hoàn toàn quên lãng và những hình ảnh khó có thể tả bằng lời lại đã thoáng hiện trong ký ức và tạo cho nét mặt họ một vẻ mỉa mai chua chát có lẽ chỉ là do trí tưởng tượng. Viên sĩ quan lạnh lùng nói tiếp:
 
– Chúng tôi không còn nhiều thời giờ nữa. Hai người nói xem, có đồng ý đi cùng đoàn viễn chinh của ta để làm thông dịch với bọn thổ dân hay không?
 
Thích thú vì được chiêu đãi bia, anh thủy thủ tìm cách kéo dài cuộc gặp mặt. Anh thì thầm, giọng lè nhè:
 
– Thưa Đức Ông, tôi đã thưa với ngài rồi: cứ đến đấy, ngài sẽ kiếm được khối thông dịch. Đã ba đời nay, những người Noócmăng chúng tôi đều đã tới đấy để kiếm thứ gỗ đỏ rất quý tạo ra màu đặc biệt riêng cho vải nhuộm của anh em nhà Gobelins. Bọn Bồ Đào Nha thật trâng tráo, dám nói chúng là người đầu tiên khám phá miền đất ấy! Thật ra chúng tôi đã làm ăn ở đó trước chúng nhiều.
 
Không ai nói gì, anh ta lại hăng hái:
 
– Ngài chỉ cần cặp bờ ai hôm là sẽ có hàng chục tên từ các làng gần đó kéo đến, sẵn sàng làm thông dịch cho ngài.
 
Viên sĩ quan tỏ vẻ mệt mỏi:
 
– Ta đã nói rồi, hiệp sĩ Villegagnon, là người cầm đầu đoàn viễn chinh, không muốn có điều gì bất trắc. Đoàn sẽ mang đủ mọi thứ cần thiết đến đấy lập cơ sở vững chắc. Chúng ta muốn có thông dịch của riêng mình, không phụ thuộc ai hết.
 
Mọi người trong quán đều chú ý đến đôi bạn không xứng hợp với nhau chút nào, một người da đỏ và một thủy thủ gầy nhẳng. Anh này đánh bạo hỏi:
 
– Ngài đã nói ngày nào đi, thế là rõ. Nhưng bao giờ về, Ngài cũng phải cho biết chứ.
 
– Không bao giờ về. Đi đây là đi lập một tỉnh mới cho Đức vua. Ai đi cùng chúng ta sẽ ở lại đấy mãi mãi. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ đủ mọi thứ cần thiết, song không ai được nói đến chữ về. Họ là người của nước Pháp, thì ở đó chính là nước Pháp rồi.
 
– Ngài đã đến đó bao giờ chưa? anh thủy thủ nheo mắt tinh quái.
 
– Chưa – viên sĩ quan lườm một cái dài. Nhưng ta đã từng phiêu bạt ở nhiều nước phương đông.
 
Anh thủy thủ đứng dậy, cả người chỉ còn lại một chút thịt dán sát vào khung xương mà cuộc sống bôn ba chưa lấy đi hết, lấy vẻ nghiêm trang tuyên bố:
 
– Tôi cũng từng đi biển sang phương đông. Mùi gì! Ở đấy như ở nhà mình. Châu Mỹ, thì khác. Tôi đã đi bốn lần, thật tồi tệ. Vẫn là cái xứ Brésil mà ngài nói định lập một nước Pháp mới ở đó. Đã trải đủ thứ: nào sốt rét, nào mọi ăn thịt người, may mà tôi thoát khỏi tay bọn chúng. Và bây giờ còn có lũ chó đểu Bồ Đào Nha, chúng mà chặn được thuyền ta ngoài khơi thì chúng chặt chân tay ta không thương tiếc. Ngài nghĩ tôi lấy đâu ra nghị lực để chịu đựng tất cả khổ ải ấy?
 
Anh vung tay, đưa một vại bia lên miệng, rồi nói như để chặn trước:
 
– Giầu sang ư, xin đừng nói tới! Vàng, vẹt, gỗ quý chỉ vỗ béo bọn chủ tàu, chúng ngồi nhà mà vơ hết. Còn thủy thủ mạt hạng chúng tôi thì ngài xem: may còn cái xác… Không, thưa ngài, ý nghĩa duy nhất khiến chúng tôi cố chịu đựng mọi hiểm nguy ấy – nói đến đây, anh ta lén nhìn người bạn da đỏ, cứ như thể anh chàng khốn khổ này là nguyên nhân gây ra những khó khăn nguy hiểm cho mình ở châu Mỹ ấy – là hy vọng chờ ngày trở về.
 
Anh thủy thủ nắm chặt hai tay đặt lên bàn, nói thật hùng hồn và dứt khoát phần kết luận:
 
– Rất tiếc làm ngài không vừa lòng, song thà nói ngay còn hơn, tôi không đi đâu.
 
Viên sĩ quan ngồi cắn môi. Phải lúc khác, ông đã giọt cho tên thủy thủ hỗn láo này một trận. Nhưng nếu làm thế, e rằng những người tự do khác trong đoàn sẽ chuồn hết. Còn lại người Anh điêng. Đến lúc này, anh ta mới hiểu, nhưng quá muộn, lời khước từ thứ nhất mà anh bạn thủy thủ vừa đưa ra đã đẩy anh vào tình thế phải hứng chịu cơn thịnh nộ dữ dội như thế nào. Ai nấy đều chú mục nhìn vào anh.
 
Trời cuối xuân bắt đầu nóng, anh vẫn mặc áo cài hết cúc lên tận cổ và bó chặt hai cổ tay. Cẩn thận vậy không phải để làm dáng hay do nhu cầu gì, mà bắt nguồn từ sự lo lắng âm thầm: không biết được cởi cúc đến đâu là phải phép. Trong mấy tháng bị đưa sang Pháp, anh chàng khốn khổ đã mấy lần bị hố về cách ăn mặc, cứ thản nhiên để lộ những bộ phận thân thể kín đáo nhất, với mục đích rất vô hại là muốn cho chúng được mát mẻ. Người ta đã riễu cợt anh nhiều lần về chuyện này.
 
Những ai bao dung lẽ ra nên thông cảm với anh. Bị đối phương bắt sống trong các trận chiến nơi rừng rậm Brésil, anh được các thủy thủ Pháp – trong đó có anh bạn đang ngồi cạnh anh – mua lại. Với mục đích bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Vua Henri II, Ngài đã báo trước là sắp tới sẽ đến ngự giá xuống Noóc-man-đi, một số nhà buôn ở địa phương đã gửi anh ta về Pháp cùng với khoảng năm mươi đồng hương khác. Vừa mới xuống tàu ở Rouen, người ta đã bảo anh nhẩy múa trước nhà vua và hoàng hậu, trên người chỉ đúng có túm lông che đậy, y như lúc anh bị bắt. Từng ở trần như vậy trước nhà vua nên sau đó, anh không hiểu rõ lắm, tại sao người ta lại bảo anh che đậy trước mặt dân thường người Pháp.
 

Mời các bạn đón đọc Brésil Đỏ của tác giả Jean-Christophe Rufin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *