Cẩm Nang Chọn Nghề
“Trường hợp của anh là hiếm lắm,” Mark, bạn tôi, đã nói thế khi tôi đưa ra quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình – bỏ việc để theo nghiệp viết lách. Ngày cuối cùng đi làm vô tình cũng là ngày sinh nhật lần thứ 30, một cột mốc mang nhiều ý nghĩa. Nhưng thật ra, bản thân ngày đó không quan trọng bằng quá trình đã dẫn tôi đến ngày này.
Nếu ai đó hỏi tôi làm thế nào có được ngày hôm nay, tôi thật sự không biết trả lời sao cho rõ ràng. Trải nghiệm tìm ra tiếng gọi vừa bí ẩn vừa thực tiễn. Bạn vất vả gắng sức, nhưng đôi khi lại cảm giác nó tự nhiên mà đến. Giờ đây, tôi đã nhận ra việc đi tìm mục tiêu của cuộc đời giống như đặt chân lên một chuyến hành trình hơn là theo đuổi một kế hoạch: Bạn sẽ gặp những ngã rẽ và khúc cua bất ngờ. Dĩ nhiên, những bất ngờ này rồi cũng đưa bạn đến với định mệnh của mình. Và đích đến hóa ra chỉ mới là một đoạn đường trong chuyến hành trình dài.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn hình dung được chặng đường phải đi, cũng như từng bước bạn phải thực hiện nhằm tiến về phía trước.
Mọi người có vẻ đều đang đi tìm lẽ sống để thỏa mãn những khát khao sâu thẳm trong tâm hồn. Tôi tin rằng họ đang đi tìm tiếng gọi. Vậy tiếng gọi là gì? Tôi dùng từ “tiếng gọi” theo nghĩa sự nghiệp, thiên hướng, công việc của cuộc đời, hay nói đơn giản hơn, tiếng gọi là lý do cho sự xuất hiện của bạn trên đời này.
Khi mới bắt tay vào dự án này, tôi cứ nghĩ mình đã nắm rõ quá trình theo đuổi ước mơ, nhưng hóa ra tôi còn khám phá được nhiều điều bất ngờ. Đi tìm tiếng gọi hóa ra không hề đơn giản. Chặng đường này ở mỗi người đều khác nhau, dù cũng có những chủ đề chung. Nếu xem xét kỹ các chủ đề chung này, ta có thể xác định bộ khung định hướng để hiểu hơn về thiên hướng nghề nghiệp.
Trường hợp của tôi có thực sự hiếm gặp không? Giả sử ai cũng có tiếng gọi của mình thì sẽ thế nào? Đó chính là câu hỏi thôi thúc tôi đi trên hành trình này. Những nhân vật xuất hiện trong cuốn sách này, do tôi đích thân phỏng vấn, đều không phải người phi thường, vì hẳn bạn đã nghe nhiều chuyện tương tự. Họ không phải là nhân vật thành công điển hình, tôi chọn họ vì có mục đích. Qua những câu chuyện có vẻ bình thường này, tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu rõ hơn về chính mình. Sẽ có độc giả cảm thấy thất vọng vì cuốn sách không được khách quan. Nhưng cuộc đời là thế, nó đâu phải là dự án nghiên cứu hay bản tóm tắt nội dung sách mà đòi hỏi phải khách quan. Cuộc đời là những câu chuyện cảm xúc, và qua từng trải nghiệm, ta nhìn ra sự thật có thể đã bị bỏ qua. Tôi hy vọng những câu chuyện này sẽ chạm đến bạn nhiều hơn so với những dữ liệu khô khan, và từ đó, bạn sẽ thay đổi.
Cẩm nang chọn nghề không phải là cuốn sách tôi định viết, mà là cuốn sách tôi phải viết. Tiếng gọi là thế: Bạn không hề dự tính, nhưng các nút thắt, ngã rẽ dẫn dắt kết nối mọi thứ, đưa bạn đến với kết quả cần đến. Quá trình viết cuốn sách này đã góp phần giúp tôi thấu hiểu lẽ sống và thiên hướng, và tôi hy vọng bạn cũng nhận được giá trị tương đương.
***
Giới thiệuUng thư cũng không ngăn được vận động viên ba môn phối hợp
Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.
— Matthew 22:14
Sứ mệnh nghề nghiệp không hẳn là kế hoạch có tính toán. Thường thì nó được vớt vát khi kế hoạch đổ bể.
Một buổi tối tháng 6 năm 2000, Eric Miller đã trốn họp ở công ty để đi xem cậu con trai chơi bóng gậy. Trong trận đấu, ông và vợ là Nancy để ý thấy cậu con trai Garrett bé bỏng không thể giữ thăng bằng và đánh trúng bóng. Hai vợ chồng lo ngại, dẫn con đi khám bác sĩ, và ngay lập tức bác sĩ chỉ định đưa cậu bé đi chụp CT. Khi hai vợ chồng được mời vào đợi trong phòng tư vấn, nơi vẫn thường được gọi là “căn phòng yên lặng”, Eric thoáng hiểu có chuyện chẳng lành. Là một y tá, ông hiểu rõ chức năng của căn phòng này. Đây là nơi người ta được mời đến để nhận hung tin. Lúc đó là 6 giờ tối.1
Đến 11 giờ 30 phút, Garrett được chỉ định nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng ở Denver, Colorado, và được đưa ngay vào phòng phẫu thuật. Sáng hôm sau, ngày 24/6, một khối u to bằng quả bóng golf đã được lấy ra khỏi não phía sau gáy của cậu bé. Cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào tủy* – một cụm từ mà Eric cho rằng con nít không nên biết.2 Sau cuộc phẫu thuật, Garrett bị mất thị lực, không nói được và bị liệt. Garrett giờ đây phải đeo máy thở, và học lại cách đi đứng, cách phát âm, học cách tự đi vệ sinh, tất cả làm lại từ đầu. Ngay cả nếu có phép màu giúp cậu bé làm lại được mọi thứ, cậu cũng chỉ có 50% cơ hội sống được thêm năm năm nữa.
* U nguyên bào tủy là khối u ác tính, hay gặp nhất trong các khối u sọ não ở trẻ em. U xuất hiện ở tiểu não, là vùng kiểm soát thăng bằng và một số chức năng vận động phức tạp. (BTV)
Gia đình Miller chỉ còn biết ngồi đếm từng ngày được sống bên cạnh cậu con trai bé bỏng của mình.
Trong một buổi điều trị ung thư, Eric ngồi nhìn con mà nghĩ đến sự nghiệt ngã của thời gian đang trôi qua, cuộc đời của cậu bé đang ngắn dần theo từng ngày. Đứng trước những khó khăn cậu bé phải chống chọi, đứng trước những lo lắng về căn bệnh, ông chợt nhận ra một điều. Một ý tưởng mới. Là người làm trong ngành y tế, “nơi chiếc đồng hồ đếm thời gian cuộc sống có thể dừng chạy bất cứ lúc nào,” Eric chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã sai. Không phải chỉ cuộc đời của Garrett có thể kết thúc bất cứ lúc nào, mà toàn bộ cuộc đời của mọi người trong nhà cũng thế. Không có gì chắc chắn về việc những người trong nhà sẽ sống lâu hơn Garrett.
“Chúng ta cần phải sống trọn vẹn từng phút giây,” Eric nói với tôi. “Vì không ai trong chúng ta dám chắc mình còn sống sau một hay hai giờ nữa.” Với thời gian còn lại, cả gia đình Miller quan tâm đến việc sống trọn vẹn hết mình.
Sau khi Garrett rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và không còn phải đeo máy thở, Eric tự hỏi không biết trên đời này có ai thấu hiểu cảm giác của ông. Ngồi một mình bên khung cửa sổ trong bệnh viện, ông lặng lẽ cầu nguyện có thể tìm ra câu trả lời cho nỗi tuyệt vọng đang tàn phá chút hy vọng còn sót lại của gia đình.3 Cũng trong thời gian này, ông được biết câu chuyện về Matt King, một kỹ sư IBM đồng thời là vận động viên xe đạp đôi mất thị lực nổi tiếng thế giới.4
Mùa thu năm đó, Eric dẫn con trai đến gặp Matt King nhân một sự kiện xe đạp tổ chức gần nhà, và Garrett được ngồi lên chiếc đạp xe đôi, nắm chặt ghi đông, cảm nhận bàn đạp dưới chân mình. Đó hẳn là lúc “lóe sáng” ý tưởng trong đầu Garrett. Cậu bé quyết định sẽ đạp xe trở lại, và từ đây bắt đầu chuyến hành trình không chỉ thay đổi cuộc đời chính mình mà còn tác động đến cuộc đời của nhiều người khác, dù ngay lúc đó cậu bé và cha đều không thể hình dung hết.
Vài tháng sau, Garrett nói với mẹ rằng cậu muốn thử đạp xe. Mẹ cậu không dám tin, nhưng cậu rất quyết tâm. Lúc đó, mắt cậu cũng đã nhìn được phần nào, và cậu đã đi lại chập chững dù còn khó khăn. Với sự giúp đỡ của mẹ, Garrett trèo lên chiếc xe đạp ngày trước và bắt đầu nhấn bàn đạp. Thoạt đầu, bà còn chạy theo khi cậu loạng choạng đạp để giúp cậu giữ thăng bằng. Nhưng chẳng mấy chốc đôi chân cậu đã đạp nhanh hơn, bà không thể chạy theo kịp chiếc xe, và cậu được tận hưởng dù chỉ một khoảnh khắc cảm giác tự do như trước khi bị căn bệnh ung thư hành hạ. Cùng hôm đó, cha cậu mang về nhà một chiếc xe đạp đôi mới toanh để hai cha con cùng nhau đạp xe.
Sáu tháng sau, ngày 24 tháng 6 năm 2001, sau một năm hóa trị và xạ trị, cậu bé Garrett sáu tuổi đã cán đích cuộc thi ba môn phối hợp lần đầu tiên. Cha cậu chạy theo phía sau, đẩy chiếc xe lăn. Hôm đó cũng là dịp kỷ niệm một năm ca mổ định mệnh.5 Đối với cặp cha con đã phải trải qua bao trắc trở, cuộc đua là cách họ tuyên bố với thế giới, cũng như với bản thân, rằng họ sẽ không để một khối u ngăn trở mình sống cuộc đời trọn vẹn, tận hưởng mọi khoảnh khắc cuộc sống. Nhờ vào các phương pháp điều trị, Garrett giờ đây có 90% cơ hội sống.
Và đó là câu chuyện cách đây 14 năm.
Từ sau ca mổ suýt biến cậu thành người tàn tật hơn chục năm trước, Garrett đã cùng cha tham gia thi đấu hàng chục cuộc đua ba môn phối hợp, thậm chí cậu còn từng thi đấu một mình. Thị lực của cậu dù không hồi phục hoàn toàn, nhưng cũng giúp cậu nhìn đồ vật một cách lờ mờ dựa trên hình dáng của chúng. Dù bị xếp vào nhóm khiếm thị, nhưng cậu đã làm được những việc mà trước kia bác sĩ cho rằng không thể. Nói không ngoa, Garrett là một phép màu sống.
***
Cuốn sách này không kể về những phép màu. Đây là cuốn sách về cách tìm ra tiếng gọi trong sự nghiệp, cách phát hiện tài năng thiên bẩm của bạn. Tiếng gọi chính là điều mà bạn không thể không làm, là câu trả lời cho câu hỏi ngàn đời, “Tôi phải làm gì với cuộc đời mình đây?”
Trên kệ sách có những cuốn cẩm nang hướng dẫn bạn đi tìm công việc mơ ước, hay trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định – nhưng không phải là cuốn sách này. Cẩm nang chọn nghề tập trung vào thiên hướng. Trong sách, tôi sẽ đề cập đến cách hiểu tiếng gọi không chỉ đơn thuần là công việc. Thông qua câu chuyện của những người quanh ta, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy thật sai lầm khi coi tiếng gọi như một công việc. Con đường đưa ta đến với công việc ý nghĩa không phải lúc nào cũng là một kế hoạch chủ động. Đôi khi con đường dẫn ta đến mục đích sống của đời mình lại thật rối rắm, và chính cách chúng ta phản ứng mới thật sự quan trọng hơn bản thân tình huống đó.
Mỗi chương là mỗi câu chuyện khác nhau, thể hiện một khái niệm chủ đạo, một trong bảy giai đoạn của tiếng gọi. Dù khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm tương đồng: mỗi người theo cách riêng của họ đều bị bất ngờ trước tình huống xảy đến. Và tôi nghĩ, những câu chuyện dạng này giờ đây ít được nhắc đến, dù chúng có thể góp phần giúp ta hiểu hơn về con đường sự nghiệp. Chẳng phải ta đã học được nhiều điều từ câu chuyện về cậu bé năm tuổi chiến đấu với bệnh ung thư não để trở thành vận động viên ba môn phối hợp sao?
Trong 18 năm, Garrett Rush-Miller đã hoàn thành cuộc đua bán-Ironman**, leo lên khu tàn tích Machu Picchu, và đạt cấp độ Hướng đạo Đại bàng. Những lúc không đi học hay không bận làm việc tại phòng tập leo núi, anh lại dành thời gian tham gia tình nguyện với Wounded Warriors, một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ cựu chiến binh. Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này, anh đang chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông và trên hết là muốn tìm bạn gái.
** Ironman là cuộc thi ba môn phối hợp nổi tiếng thế giới với chuỗi đường đua dài mà các vận động viên phải thực hiện trong một ngày và không có khoảng nghỉ giữa các môn đua. (BTV)
Sau khi nhận được e-mail của Eric đính kèm một số bài báo viết về con trai ông, tôi đã ngay lập tức gọi điện cho họ. Khi trực tiếp trao đổi với cả hai trong giờ nghỉ trưa của Garrett, tôi rất ngạc nhiên trước tinh thần tích cực và quan điểm sống của hai cha con. Câu chuyện của họ không phải là chuyện đi lên từ nghèo khổ hay trải nghiệm siêu tâm linh. Nó vừa truyền cảm hứng lại vừa chân thực. Họ không làm gì khác ngoài việc cố gắng sống, cố gắng hiểu cuộc đời, và do đó nó rất gần gũi với tôi.
Tôi hỏi Garrett liệu cậu có bao giờ suy nghĩ xem cuộc đời mình sẽ đi theo hướng nào nếu ngày hôm đó cậu không đánh trật quả bóng, không bị u não và không phải trải qua 64 tuần hóa trị.
“Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó,” cậu thừa nhận.
Cha cậu cũng nói thế. “Thực tế là,” Eric giải thích, “đây là những lá bài mà chúng tôi có, và chúng tôi phải chơi sao cho tốt nhất.”
Eric Miller vẫn luôn cố gắng hướng cậu con trai đến những thứ cậu có thể làm được, chứ không để tâm đến những thứ cậu không thể làm được. Và bài học nhỏ này đã tạo ra kết quả phi thường cho cả hai người. Món quà mà cha cậu mang đến không phải là sự bảo vệ Garrett khỏi đau đớn và tổn thương dù hẳn là Eric rất muốn làm thế cho con. Ông giúp Garrett nhận ra rằng cuộc đời phi thường không đến từ cơ hội ta gặp, mà đến từ cách ta phản ứng với chúng.
Mời các bạn đón đọc Cẩm Nang Chọn Nghề của tác giả Jeff Goins.
Leave a Reply