Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy

BẠN VẪN TƯỞNG:

Bạn là một sinh vật của logic và lý trí.

SỰ THẬT LÀ:




Bạn là một sinh vật có lý trí và khả năng tư duy logic, nhưng lại thường xuyên thất bại trong việc sử dụng chúng theo những cách vô cùng dễ đoán.

Đây là cuốn sách về sự tự ảo tưởng và cũng đồng thời là khúc ca khen ngợi nó. Bạn thấy đó, giống như ngón tay hay ngón chân vậy, và đó cũng chính là điều mà chúng ta sẽ khám phá tại đây. Sự tự ảo tưởng nhé, không phải là các loại ngón đâu.

Bạn thường tự cho rằng mình thông minh, giỏi giang, là con người lý trí và đầy ắp những ý tưởng huy hoàng, với tổ tiên là những người đã sáng chế ra môn đại số và bánh quy gừng. Bạn được sinh ra với niềm kiêu hãnh có sẵn, và rồi, niềm kiêu hãnh ấy lớn dần lên thành sự tự cao tự đại. Nó là một điểm yếu, tồn tại dưới muôn hình vạn trạng ở loài người, mà đây là tôi đang giả định rằng bạn là con người. Nếu bạn là một chú chó siêu thông minh, sinh vật ngoài hành tinh hay một nhà sử học robot tới từ tương lai, thì tôi xin lỗi; mời bạn vui lòng nhảy thẳng sang Chương Một. Còn nếu không phải, hãy đọc tiếp để tiến tới sự giác ngộ nhé.




Trí óc con người rõ ràng là lớn và mạnh mẽ hơn nhiều so với trí óc của bất kỳ loài vật nào khác, đó là điều mà toàn bộ giống loài của chúng ta đã nhận ra trong suốt chiều dài lịch sử. Chính bạn có lẽ cũng từng nghĩ tới điều này khi tới thăm sở thú hoặc khi chứng kiến một con chó tự đánh nhau với chân sau. Loài người dường như là đỉnh cao tuyệt đối của sự tiến hóa, hay trái ngon cuối cùng trong sự vận động của vũ trụ. Đây thực sự là một ý tưởng khá thú vị. Ngay từ khi chúng ta còn chưa có giày trượt patin và Salvador Dalí1, thì nhiều nhà tư tưởng vĩ đại đã đắm mình trong niềm tin đó rồi. Và đương nhiên là, ngay khi vừa mới chuẩn bị tận hưởng suy nghĩ ấy, bạn lại vô tình gửi cho sếp một email đáng ra phải gửi tới bác sĩ hậu môn hoặc đọc được tin về việc pizza nhồi xúc xích đã trở thành món ăn thịnh hành nhất hiện nay. Có một thực tế là cứ mỗi khi bạn chiêm nghiệm về loài người và bắt đầu cảm thấy tự hào, thì ngay sau đó, bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt những điều ngớ ngẩn có khả năng lập tức đập tan hoàn toàn cảm giác kiêu hãnh bạn vừa có.

Sự thật là bộ não con người tạo ra một trí óc đầy thiếu sót. Có những việc bạn làm chẳng giỏi và sẽ chẳng bao giờ thành thạo được. Bằng chứng cho sự vụng về của bạn hiện hữu ở mọi nơi. Máy tính, giấy nhớ, danh sách việc cần làm, sổ ký quỹ, đồng hồ báo thức – có hàng trăm nghìn sáng chế và ứng dụng được tạo ra cùng hàng loạt các ngành nghiên cứu tồn tại để bù đắp cho những khiếm khuyết của não bộ.

Cuộc bàn luận của chúng ta về những nghiên cứu khoa học với chủ đề tự ảo tưởng có lẽ nên được dẫn dắt bởi khái niệm về định kiến. Vậy hãy cùng bắt đầu bằng câu chuyện ngắn kể lại lần đối đầu thứ ba mươi mốt giữa Đại học Dartmouth và Đại học Princeton trên sân bóng bầu dục nhé. Trận đấu này đã là bệ phóng cho vô vàn cuộc thám hiểm trí óc con người, và bạn sẽ được tham khảo một số nghiên cứu ngay khi đoạn văn này kết thúc.




Cùng được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, Dartmouth và Princeton là hai trường thuộc Ivy League – tập hợp những trường đại học danh giá ở miền Đông Bắc Mỹ. Có lẽ bạn cũng đã nghe danh sáu ngôi trường còn lại rồi: Brown, Columbia, Cornell, Harvard và Yale. Đối với phần lớn người dân Mỹ thì Ivy League gần như đồng nghĩa với những con người “xịn sò”. Tên của những ngôi trường này luôn là thứ mà người ta mong muốn được viết vào sơ yếu lý lịch. Tuy vậy, Ivy League lại khởi nguồn từ thuật ngữ các phóng viên thể thao sử dụng để miêu tả tám ngôi trường ở khu vực New England vốn hay đối đầu nhau, chủ yếu là trong các môn thể thao, và hầu như trong tất cả các lĩnh vực khác.

Vào năm 1951, Dartmouth và Princeton chạm trán trong trận bóng cuối cùng của mùa giải đối với cả hai trường. Princeton đã toàn thắng trong tất cả các trận tính tới thời điểm đó. Ngôi sao của đội, Dick Kazmaier, đã được đăng hình lên trang bìa của tạp chí Time và sau này trở thành cầu thủ cuối cùng từ Ivy League được nhận cúp Heisman. Đây là trận đấu quan trọng đối với cả hai đội, và đó là lý do mà Princeton gần như đã phát điên trong hiệp hai, sau khi một cầu thủ Dartmouth làm vỡ mũi Kazmaier. Trong hiệp bóng tiếp theo, một cầu thủ Princeton đã đạp gãy chân đối thủ từ Dartmouth. Trận đấu trở nên vô cùng khốc liệt, cả hai đội đã liên tục phạm lỗi cho tới khi Princeton chiến thắng với tỷ số chung cuộc 13-0.

Hai nhà tâm lý học Albert Hastorf tại Dartmouth và Hadley Cantril tại Princeton sớm nhận ra một điều khác thường: Sau trận đấu, những bài tường thuật được in trên hai tờ báo trường dường như viết về hai phiên bản khác nhau của sự thật và chúng cạnh tranh với nhau để trở thành phiên bản chính thức. Một năm sau đó, hai nhà tâm lý học đã công bố một nghiên cứu mà hiện giờ được nhiều người coi là xuất phát điểm tuyệt vời để bàn về sự tự ảo tưởng.




Hastorf và Cantril nhận ra rằng cách tờ báo trường và bản tin dành cho cựu sinh viên trường Princeton tường thuật lại trận đấu khiến Dartmouth trông như một đội bóng gồm toàn những kẻ đầu gấu chuyên chơi bẩn. Cùng lúc đó thì tờ báo trường Dartmouth lại có những bài viết vừa biện hộ cho những chấn thương của đối thủ do đội bóng trường mình gây ra, vừa đưa ra những bình phẩm về sự tệ hại trong chiến thuật của Princeton. Theo lời của các nhà nghiên cứu thì hai bên đã nhớ về hai phiên bản khác nhau của trận đấu. “Vậy điều gì sẽ xảy ra khi sinh viên từ hai trường được xem lại trận bóng?” Hai nhà nghiên cứu đặt câu hỏi. “Rõ ràng ký ức của họ là khác nhau, nhưng nếu ta phát lại trận đấu cho họ xem thì sao? Liệu cách nhìn của họ có khác nhau kể cả trong thời gian thực?” Để trả lời điều này, các nhà khoa học đã lấy một cuộn băng ghi hình toàn bộ trận đấu, chiếu cho sinh viên của cả hai trường, và yêu cầu những sinh viên này đánh dấu những thời điểm họ phát hiện ra cầu thủ phạm lỗi kèm theo độ nghiêm trọng của lỗi đó. Ngoài ra, các sinh viên cũng phải trả lời một bảng câu hỏi nữa.

Vậy kết quả thế nào? Trong buổi xem lại, sinh viên trường Princeton tin rằng trận đấu mà họ đang xem đã diễn ra một cách thô bạo và kém văn minh, nguyên nhân chính, tất nhiên, là do đội Dartmouth. 90% sinh viên Princeton đã nhận định rằng Dartmouth là bên khơi mào cho những hành động phi thể thao. Họ cũng đánh dấu số vụ phạm lỗi của Dartmouth nhiều gấp đôi số lỗi từ các cầu thủ Princeton, đồng thời cho rằng lỗi do đội bóng trường mình gây ra nhẹ hơn nhiều so với lỗi của đối thủ. Thế nhưng, sinh viên của trường Dartmouth lại thấy những điều hoàn toàn khác. Họ không cho rằng trận đấu đã diễn ra một cách thô bạo quá mức, mà lại là “kịch tính và công bằng”. Đa số các đối tượng nghiên cứu từ Dartmouth nhận định cả hai đội bóng đều có lối chơi rắn, và sinh viên Princeton chỉ đơn giản là đang giận dữ vì ngôi sao bên đội họ bị chấn thương. Họ đã đánh dấu số lần phạm lỗi gần như đều nhau cho cả hai đội, và nhìn chung là tự chấm cho đội mình ít lỗi hơn khoảng một nửa so với con số do các sinh viên Princeton đưa ra.

Các nhà khoa học giải thích hiện tượng này là do, mặc dù xem cùng một cuộn phim, nhưng mỗi người lại thấy một trận đấu khác nhau. Chúng ta mang theo mình những phiên bản khác nhau của thực tế, của sự thật, và đều bị ảnh hưởng bởi lòng trung thành.




Bài học lớn từ trận đấu giữa Princeton và Dartmouth chính là: Chỉ cần một khác biệt nhỏ của các biến số là có thể thay đổi toàn bộ cục diện. Những sinh viên đã xem trận đấu, không quan trọng là họ có tới sân vận động hôm thi đấu thật hay không, đã trải nghiệm hai phiên bản khác nhau của thực tế, mặc dù về mặt lý thuyết, thì họ là những người gần như giống nhau: Những sinh viên tại trường nam sinh trong nhóm Ivy League giữa những năm 1950, về cơ bản, họ thuộc chung nhóm sắc tộc và có cùng địa vị xã hội. Vì là sinh viên, họ thuộc chung một nhóm tuổi. Đều là các công dân ở miền Đông Bắc Mỹ, họ có nhiều điểm chung trong các quan điểm văn hóa và tôn giáo. Điều khác biệt duy nhất là ngôi trường họ chọn để theo học. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu bạn có thể vặn ngược đồng hồ và đổi chỗ cho các sinh viên đó, thay đổi ngôi trường họ học, thì trải nghiệm về trận đấu của họ cũng sẽ thay đổi theo.

Đây là lúc mà định kiến dẫn dắt bạn tới với chủ nghĩa hiện thực ngây thơ (naive realism) – một khái niệm rất cũ trong triết học vốn đã bị khoa học đập chết ăn thịt từ lâu. Câu hỏi đặt ra như sau: Liệu tôi có thấy thế giới như thực tế nó vốn vậy? Dựa theo chủ nghĩa hiện thực ngây thơ thì câu trả lời là có. Nếu nhìn vào lịch sử loài người thì mãi cho tới khá gần đây, lý thuyết bạn-thấy-sao-thì-thực-tế-là-vậy này vẫn được khá nhiều người bảo vệ. Thế nên, nếu ví dụ về trận đấu Princeton-Dartmouth chưa đủ sức thuyết phục bạn, thì tôi sẽ phải đập tan lý thuyết này trước khi tiếp tục chủ đề của chúng ta.

Là một con người hiện đại, hẳn bạn cũng biết các bộ phim thực chất chỉ là những bức ảnh tĩnh thay đổi nhanh hơn so với tốc độ xử lý của não mà thôi. Khi nhìn một bông hoa, bạn nên hiểu rằng thứ bạn đang thấy đây không giống thứ mà một con bướm nhìn thấy. Nếu ta được nhìn qua đôi mắt của côn trùng, thì thế giới các loài hoa sẽ trở thành một vụ nổ điên rồ của các ảo giác. Căn phòng khách tắt đèn tối om vốn khiến bạn không thể đi lại được vào ban đêm lại là sân chơi bình thường với chú mèo cưng. Và nếu đã từng chiếu một chiếc đèn laser gần lũ mèo, thì hẳn bạn cũng nhận ra những gì diễn ra trong cái đầu nhỏ bé của chúng không giống với những điều diễn ra trong bộ óc của bạn. Bạn biết thế giới không hoàn toàn giống với những gì bạn thấy, và chỉ cần một trò lừa thị giác điêu luyện là có thể ngay lập tức chứng minh điều đó. Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ vốn rất… ngây thơ. Như việc các ngôi sao lúc nào chẳng hiện diện trên bầu trời, nhưng ánh sáng mạnh từ Mặt Trời tràn qua bầu khí quyển khiến chúng bị lu mờ vào ban ngày. Giả như bạn ném một hòn đá xuống mặt hồ, tiếng động sẽ làm cho con cóc và con cáo phải ngoái đầu nhìn, nhưng những gì chúng thấy không phải những gì bạn nhìn được. Mỗi sinh vật sẽ được trải nghiệm một phiên bản độc đáo của thực tế dành riêng cho hệ thần kinh của nó. Con cóc, con cáo và con người đều cùng trải nghiệm một thứ có thật, nhưng phản ứng thì lại khác nhau bởi hình ảnh hiện tượng ấy trong tâm trí mỗi loài đã được thay đổi. Sự nhận thức của bạn không phải là duy nhất, và nguồn thông tin đầu vào hoàn toàn có thể bị làm cho sai lệch, bởi vậy, hình ảnh trong đầu bạn không phải thứ đáng tin.




Đó là một khái niệm khá đơn giản, và có lẽ bạn cũng đã từng suy ngẫm về nó. Nhưng như nghiên cứu về trận bóng ở trên đã chỉ ra, chủ nghĩa hiện thực ngây thơ còn tồn tại ở một mức độ khác khó chấp nhận hơn nhiều. Giống như hầu hết mọi người, bạn thường không đặt câu hỏi về nó, và nó cứ thế tồn tại trong hầu hết tất cả những cái đầu trên địa cầu này.

Nhìn quanh một chút rồi đọc tiếp nhé. Những thứ bạn vừa thấy trong tâm trí mình không được tạo ra bởi các vật thể ngoài đời thực. Chúng không phải là kết quả đơn thuần của ánh sáng được thu vào mắt. Tất cả những gì bạn thấy, nhớ lại và cảm nhận, 100% đều được tạo ra bởi những phản ứng hoá học trong hộp sọ, nghĩa là chúng có thể bị ý thức ảnh hưởng, sửa đổi, lược bỏ, hay biến tấu theo bất kỳ cách nào trong quá trình xây dựng lại thực tế từ các thông tin thu nhận được từ bên ngoài và có sẵn bên trong. Theo lời của nhà tâm lý học Daniel Gilbert, thì ký ức, nhận thức và trí tưởng tượng đều chỉ là những biểu trưng chứ không phải là bản sao của thực tế.

Ký ức kém chính xác nhất khi được ngẫm nghĩ nhiều, và ít chính xác nhất khi bị động vào. Hai sự thật này khiến lời khai nhân chứng trở thành thứ, về cơ bản, là vô nghĩa. Thế nhưng đó không phải điều nhiều người có thể chấp nhận. Hai nhà tâm lý học Dan Simons và Christopher Chabris đã công bố một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy 63% những người được hỏi tại Mỹ tin rằng ký ức hoạt động như một cuộn phim, và 48% cho rằng ký ức là vĩnh cửu. Khoảng 37% cho rằng lời khai nhân chứng đủ để làm bằng chứng cần thiết duy nhất cho việc kết tội. Những phát hiện đó đã khiến các nhà tâm lý học và thần kinh học bàng hoàng, bởi vì không điều nào đúng cả. Bạn không có khả năng ghi nhận mọi thứ bạn thấy, thậm chí bạn còn không có khả năng nhận thức được hết tất cả các thông tin đi vào não bộ. Chỉ những thứ bạn chú ý mới được thu nhận qua tai và mắt. Ký ức cũng không phải là cuộn phim. Khoảnh khắc mà nụ hôn đầu đời của bạn kết thúc, ký ức về nó bắt đầu nhạt phai. Mỗi lần bạn nhớ về sự kiện đó, nó sẽ được tái tạo trong trí óc theo những cách khác nhau, chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hiện tại và tất cả những trải nghiệm khác mà bạn đã nhận được kể từ thời điểm đó, cộng với những chi tiết sai lầm bạn có thể thêm thắt vào.




Ngày nay, ngành tâm lý học đã biết được rằng bạn thường xuyên đưa ra những dự đoán và quyết định dựa trên những hình mẫu tâm lý và ký ức có sẵn. Hơn nữa, bạn còn tự cho rằng những hình mẫu và ký ức đó là chính xác. Cứ mỗi một nghiên cứu mới ra đời, sự thật lại càng rõ ràng: Hình mẫu tâm lý và ký ức của bạn có lỗ hổng, không hoàn hảo và dễ bị xuyên tạc. Từ đó có thể suy ra, những dự báo và quyết định của bạn cũng đầy sai lầm.

Bạn luôn đánh giá quá thấp khả năng tự đánh lừa bản thân của mình, và nhận thức của bạn có thể bị thay đổi hoàn toàn bởi những nhân tố nội tại. Cuốn sách này sẽ cho bạn thấy mình không những không hề thu nhận và xử lý thông tin về thực tại một cách thụ động, mà còn chủ động tham gia vào việc tạo nên vũ trụ của riêng mình.

Những nghiên cứu trong một thế kỉ gần đây đã cho thấy bạn và tất cả mọi người vẫn tin vào một dạng của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ. Bạn vẫn nghĩ rằng mặc dù các thông tin mà bạn tiếp nhận có thể không hoàn hảo, nhưng những suy nghĩ và cảm nhận cá nhân của bạn thì đáng tin cậy và dễ đoán. Chúng ta đã biết: Bạn không bao giờ cảm nhận được một thực tế “khách quan”, và bạn cũng sẽ không bao giờ biết được bao nhiêu phần trong thực tế chủ quan của mình là giả, đơn giản bởi vì bạn không có bất kỳ trải nghiệm nào khác ngoài những sản phẩm do trí óc của chính mình tạo ra. Mọi chuyện từng xảy ra với bạn đều diễn ra bên trong hộp sọ. Ngay cả cảm giác về cánh tay cũng được tạo ra bởi bộ não. Bạn có thể cảm thấy và nhìn thấy tay mình đang ở trước mặt, nhưng đó có thể cũng chỉ là ảo giác. Cánh tay, thực chất, nằm trong đầu bạn. Mỗi bộ não tạo ra phiên bản về thực tế riêng của mình, về cơ bản là giống nhau, nhưng cũng vô cùng khác biệt và có không ít những chi tiết sai sót.




Trong bài nghiên cứu của mình, Hastorf và Cantril còn nói rằng nếu đi sâu phân tích hơn nữa, thì trận đấu đó thậm chí còn không tồn tại. Giống như đĩa salad, về bản chất, chỉ là một đống rau củ hổ lốn được cắt nhỏ, trận đấu nói trên cũng chỉ là một chuỗi các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian giữa hai lần bấm của một chiếc đồng hồ đếm ngược. Dĩ nhiên là các vận động viên đã thực hiện hàng loạt hành động, và khán giả thì nhận biết được một vài trong số những điều đang xảy ra, nhưng nói cho cùng, trận đấu cũng chỉ là một ý tưởng, một khái niệm xã hội mà thôi. Trong hàng tỷ những sự kiện đã xảy ra ngày hôm đó, Cổ động viên của hai đội đã đặt nặng ý nghĩa của một nhóm sự kiện xảy ra tại một địa điểm và gọi tên là trận đấu bóng. Ý nghĩa được định hình bởi xã hội đó giúp những người quan sát định nghĩa trải nghiệm của mình. Khác với hầu hết mọi thứ trên đời, các môn thể thao sở hữu những hàng rào đẹp đẽ của luật lệ và ranh giới, chúng diễn ra trong một không gian xác định với các hành động đã được phân công rõ ràng. Nhờ vậy, chúng ta dễ dàng đồng thuận với nhau về những điều xảy ra trong khoảng thời gian được quy định. Ấy thế mà người ta vẫn thường xuyên cãi vã, dù rằng mọi thứ đã được thu hình và chiếu lại đúng y như những gì đã diễn ra. Thực tế không đơn thuần chỉ là thứ đi vào đôi mắt và nảy lung tung trong đầu bạn. Bạn tự thay đổi nhận thức của mình một cách vô thức, thậm chí ngay cả khi nó đang xảy ra. Đây là một thông tin vô cùng hữu ích khi được áp dụng vào chiến tranh, chính trị, các xu thế xã hội, kinh tế và tất cả những thứ vĩ mô khác có ảnh hưởng tới đời sống, mà không được lịch sử ghi chép lại một cách hoàn hảo.

Bạn thấy đó, thông minh là một trạng thái phức tạp và dễ bị hiểu sai hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Trong phần lớn các trường hợp, bạn hầu như không thể hiểu rõ đầu cua tai nheo của sự việc. Nếu coi đó là việc kiếm cơm hàng ngày thì hắn là bạn đã chết đói từ lâu rồi. Bạn tưởng mình là một con người có lý trí, bình tĩnh cân nhắc mọi mặt của cuộc sống trước khi đưa ra các quyết định và lựa chọn, và mặc dù đôi khi có vấp váp, về cơ bản, bạn vẫn làm tốt bổn phận này của mình, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Bạn tồn tại trong trạng thái thận trọng giả tạo. Bạn cực tệ trong việc tự giải thích bản thân, và bạn cũng không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của điểm yếu này. Nói cho chính xác, bạn thậm chí còn cảm thấy ngược lại. Bạn luôn tự tin một cách vô lý về nhận thức của bản thân, kể cả khi những giới hạn của bạn đã bị hé lộ. Chính tại nút giao của sự ngạo mạn và yếu đuối, nơi kết hợp đẹp đẽ của tính quả quyết và sự bất toàn này, chúng ta sẽ bỏ chút thời gian thảo luận với nhau. Đây sẽ là cuộc thám hiểm một số ảo giác thú vị nhất đã được khoa học xác định và đo đạc, những thứ cần phải có trong cuốn “hướng dẫn sử dụng cơ thể người” – cũng giống như những thông tin về chất béo chuyển hóa và chất gluten2 vừa được giới khoa học bổ sung vậy.

Trong cuốn sách này, bạn sẽ được giới thiệu về một vài khiếm khuyết trong tâm trí con người, cách mà bộ não vẫn nói dối bạn, cách mà nó ăn gian, biến đổi và bẻ cong thực tế, và lý do tại sao bạn vẫn luôn cho chân vào những cái bẫy đó hết lần này tới lần khác. Vậy rốt cuộc, chúng ta sẽ tìm hiểu những gì đây?




Chà, thường thì bạn không nắm rõ nguồn gốc của cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và ký ức của mình. Nhưng thay vì hoảng loạn và sợ hãi, bạn lại sở hữu một bộ đồ nghề khổng lồ gồm vô số mẹo vặt và kỹ năng; nhờ chúng, bạn sáng tạo ra những bối cảnh giúp cuộc sống dễ hiểu hơn, và rồi, bạn tin luôn vào những bối cảnh mình vừa phát minh ra. Từ năm này qua năm khác, đống bùi nhùi đó dần trở thành câu chuyện cuộc đời bạn.

Một trong những dụng cụ này là sự tự nghiệm. Để sống sót, tổ tiên chúng ta đã phải suy nghĩ và phản ứng nhanh trước các tình huống. Sự tự nghiệm là công cụ biến những ý tưởng lớn và phức tạp thành những ý nhỏ, dễ xử lý hơn. Nó giải thích những điều xảy ra trong thế giới xung quanh theo cách đơn giản nhất, cho phép bạn tiếp tục cuộc sống mà không bị phân tâm quá nhiều. Khi cần giải quyết vấn đề và ra quyết định, bạn có nhiều công cụ tự nghiệm khác nhau để biến những thứ phức tạp trở thành vô cùng đơn giản. Ví dụ, bạn sử dụng sự tự nghiệm cảm xúc để đưa ra các quyết định xoay quanh việc một người, một vấn đề hay tình huống mang tới cho bạn cảm xúc tiêu cực hay tích cực. Tay ứng cử viên cho chức thị trưởng làm bạn cảm thấy ghê sợ? Thôi, đừng bỏ phiếu cho hắn. Bà bác sĩ kia đã chọn màu xanh nước mũi để sơn tường phòng khám ư? Bạn sẽ không bao giờ tới đó nữa. Sự tự nghiệm xuất hiện ở những lúc bạn không ngờ nhất, như khi bạn cân nhắc xem có nên ủng hộ tiền cho những người làm quảng cáo về lũ chó mèo bị ngược đãi và bỏ rơi không. Khi suy nghĩ về việc ký séc, bạn không đặt câu hỏi về tính chính thống của tổ chức này, về khả năng những con vật có thể phục hồi, hay về lịch sử tài chính của họ. Thay vào đó, bạn chỉ để ý tới việc hình ảnh những con vật bị hành hạ kia có khiến bạn buồn hay không. Câu hỏi đó dễ trả lời hơn rất nhiều, và từ đó, bạn tự cho rằng mình cũng đã giải quyết xong những câu hỏi phức tạp hơn ở trên. Thuật giả kim cho tâm trí này được áp dụng lên mọi mặt trong cuộc sống, từ việc cân nhắc xem có nên bỏ việc hay không cho tới việc lựa chọn ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống. Những câu hỏi rắc rối phức tạp thường biến hình thành những bài thử cảm xúc, và cảm xúc lại vốn là thứ chẳng đáng tin bao giờ. Khi sử dụng sự tự nghiệm, bạn có xu hướng cho rằng mình đang cân nhắc một cách logic, nhưng thực ra là bạn đã đi đường tắt mà chẳng thèm ngoái đầu nhìn lại.

Một chướng ngại vật khổng lồ khác trong trí óc bạn là tập hợp những khuôn mẫu suy nghĩ vô cùng dễ đoán mang tên thiên kiến nhận thức. Thiên kiến là xu hướng suy nghĩ theo một chiều nhất định dù rằng có tồn tại những phương án khác tốt tương tự hay thậm chí là tốt hơn. Lấy ví dụ nhé, bạn có xu hướng rẽ phải mỗi khi bước vào tiệm tạp hóa mặc dù rẽ trái cũng không khác gì cả, như vậy là bạn có thiên kiến rẽ phải trong hành vi của mình. Hầu hết mọi người đều có chung thiên kiến này, và bởi vậy, các cửa hàng lớn đều tận dụng triệt để điều này trong việc thiết kế và trưng bày sản phẩm. Hầu hết tất cả các thiên kiến nhận thức đều có sẵn một cách tự nhiên, nên dù bạn có được sinh ra ở Ai Cập hay Alabama, vào năm 1902 hay năm 2002 đi chăng nữa, thì bạn vẫn mang trong mình một bộ sưu tập những thiên kiến nhận thức như tất cả mọi người. Các nhà khoa học cho rằng hầu hết các thiên kiến đều là cơ chế thích nghi, nghĩa là qua hàng triệu năm tiến hóa, chúng là chốn ẩn nấp đáng tin cậy khi bạn không chắc về cảm xúc của mình hay không biết cần phải hành động ra sao. Một ví dụ nữa là thiên kiến nhận thức muộn: Nó khiến bạn tin mình luôn đoán đúng về tương lai, bởi vì bạn tưởng bở rằng mình đã làm được điều đó cả đời rồi. Sự thật phũ phàng là bạn rất tệ trong việc tiên đoán tương lai, nhưng lại cực giỏi trong việc viết lại các ký ức của bản thân sao cho chúng có vẻ như là bạn đã đúng ngay từ đầu. Ngoài ra, bạn còn sở hữu thiên kiến xác nhận, thứ khiến bạn luôn tìm kiếm các thông tin củng cố cho thế giới quan của bản thân, trong khi tránh xa hoặc bỏ lỡ những thông tin đối nghịch. Qua thời gian, bạn tạo nên một cái bong bóng, mà mọi thứ trong đó có vẻ hoàn toàn phù hợp với những niềm tin có sẵn của bạn.




Sự tự nghiệm cho phép bạn suy nghĩ và hành động nhanh hơn, còn thiên kiến lại khiến bạn hành xử theo những cách vốn vẫn giúp các loài linh trưởng tồn tại. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, sự tự nghiệm và thiên kiến nhận thức luôn phải đứng trước những thử thách, và đó là lúc bạn lôi các loại ngụy biện ra.

Ngụy biện xuất hiện trong các cuộc tranh cãi. Bạn thường vào cuộc với một kết luận đã có sẵn trong đầu, rồi cố gắng chứng minh rằng kết luận đó không hề ngu ngốc. Cách bạn biện luận cho điều này thường phụ thuộc vào khả năng bẻ cong logic để làm mọi thứ khớp với nhau. Ta cùng xem một ví dụ cụ thể nhé: Có thể bạn cho rằng bánh mì kẹp xúc xích là thứ đồ ăn chế biến công nghiệp đáng kinh tởm, và bạn không thể tin nổi là em họ của mình đang cho con ăn cái món đó, vì không ai được phép bắt trẻ con ăn thực phẩm mất vệ sinh hết. Vậy là bạn vừa mới đưa ra một lập luận đầy ngụy biện, bởi giả định của bạn nằm ngay trong câu đầu tiên: Bánh mì kẹp xúc xích là thứ kinh tởm. Luận điểm của bạn chẳng chứng minh được gì cả. Nó thậm chí còn chẳng hề nói gì đến độ ghê tởm của thứ thịt nghiền lẫn mỡ bọc trong lớp màng ăn được. Bạn mới chỉ nói lên một niềm tin của bản thân, và cho biết nó là nguyên nhân cho một suy nghĩ nhất định. Bạn có thể nhìn rõ chân tướng của phép ngụy biện này bằng cách sắp xếp câu như sau: “Không ai được ép trẻ con phải ăn thứ thực phẩm mà tôi cho là kinh tởm”. Bạn thường xuyên bị lẫn lộn trong đám logic của bản thân, và cuối cùng thì nhất nhất bẻ cong từ ngữ để làm thế giới khớp với những định kiến của riêng mình.

Những ngụy biện thiếu logic, sự tự nghiệm rối rắm và các thiên kiến nhận thức đầy sai lầm cùng hợp lực với một loạt những hiện tượng kỳ lạ khác tạo nên cách tiếp cận vấn đề tệ hại mà bạn vẫn dùng để làm rõ mọi việc trong cuộc sống. Bạn chỉ có khả năng tập trung chú ý vào rất ít thứ một lúc, vậy mà bạn lại cảm thấy mình có thể nhìn được hết mọi thứ xuất hiện trước mắt hay nghe được mọi tiếng động gần tai. Ngay cả khi bạn có chú ý, thì những giác quan này cũng vẫn có rất nhiều hạn chế và không hề hoàn hảo. Rồi bạn dùng những thông tin thu thập được qua các giác quan đó, thêm thắt những thứ vốn không có thật và loại bỏ những thứ bạn không muốn chấp nhận, để xây dựng nên “thực tế”. Thêm vào phương trình này sự phức tạp, rộng lớn của hệ thống cảm xúc và trực giác, bạn có thể thấy được độ lệch lạc trong cái nhìn của mình về thực tế và sự thay đổi theo từng phút giây của nó. Độ lệch lạc đó được chuyển thành những ký ức kém chính xác và không hoàn thiện, lại còn xuống cấp dần sau mỗi lần xem lại. Chất hồ dính – bản năng kể chuyện nằm sâu trong mỗi con người – giữ cho mớ thông tin sai lệch hỗn độn này gắn kết với nhau. Chính khả năng này giữ cho bạn tỉnh táo và cân bằng, dù rằng những câu chuyện bạn tự kể cho bản thân có thể khác xa sự thật.




Mặc dù bạn rất dễ phạm sai lầm, mắc phải định kiến, dễ bị lừa, cũng như thường xuyên đi lừa người khác, và hình ảnh bản thân trong tâm trí bạn không thực sự khớp với thực tế, nhưng bạn vẫn sống tốt. Ít nhất là trong phần lớn các trường hợp. Nhưng như vậy cũng tạo ra một vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi các chính trị gia, các vị giám đốc điều hành và những người có quyền lực thay đổi cách thế giới vận hành bắt đầu lợi dụng điều này. Họ ném ra những luận điểm ủng hộ hay phản đối một thứ gì đó dựa trên những ảo tưởng tạo ra bởi sự bất toàn trong tâm trí và giác quan của bạn. Trong các ngành khoa học thần kinh, tâm lý và kinh tế, những khiếm khuyết lớn trong tâm trí con người đã được biết tới từ khoảng năm mươi năm nay. Nỗ lực nghiên cứu trong các ngành đó vẫn đang tiếp tục được xúc tiến, nhưng về cơ bản thì hầu hết những gì khoa học đã tìm ra về vấn đề này vẫn nằm dưới cái mũ học thuật. Bạn rất may mắn khi được sống trong thời kỳ mà các kiến thức vốn bị coi là cao siêu bắt đầu len lỏi vào những cuộc hội thoại thường ngày. Và đó chính là mục đích của cuốn sách bạn đang cầm trên tay đây: tiết lộ phần nào kiến thức về những khuyết điểm của bạn để chúng có thể được sử dụng một cách tốt nhất.

Trong những điều chúng ta sắp nói tới đây, một số sẽ liên quan tới cấu tạo của não bộ, số khác liên quan tới những ảnh hưởng văn hóa, và có cả những thứ dính dáng tới các thói quen đã có từ xa xưa. Bộ não trong hộp sọ của bạn được tạo nên qua quá trình tiến hóa, và thế giới của tổ tiên bạn chứa đầy những tình huống mà ngày nay bạn không cần phải đối mặt nữa. Tuy vậy, não bộ của bạn vẫn không ngừng đề phòng. Nếu bạn đang ngủ và bị ai đó ném sợi dây thừng vào người, thì cũng chẳng mất gì mà không hốt hoảng, la hét và giãy dụa (tất nhiên là vẫn cố gắng giữ cho quần không bị ướt). Nếu đó là một con rắn độc, thì phản ứng như vậy rất có ích. Thử nghĩ mà xem, sẽ nguy hiểm làm sao nếu lần nào bị đánh thức bởi vật giống con rắn, bạn cũng chỉ ngáp ruồi và nhẹ nhàng gạt nó qua một bên. Qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, những sinh vật không hoảng hốt trước sự xuất hiện của các vật thể giống-rắn đã không sống sót được đủ lâu và đẻ được nhiều con cái như những con người có phản ứng này, và bởi vậy, bạn thừa hưởng sự sợ hãi đó, cùng với nỗi sợ những thứ nhiều chân bò loằng ngoằng đáng ghê tởm, độ cao, những nơi tăm tối và người lạ. Bạn được lập trình để biết sợ những kẻ khủng bố hơn sợ đồ nội thất, mặc dù nếu nói về mặt thống kê thì mỗi năm, số người mất mạng vì bị ghế sofa và TV đổ đè lên người còn nhiều hơn là vì khủng bố. Khi bạn nhận thức được rằng thế giới đã nhào nặn nên tâm trí bạn chính là thế giới mà bạn đủ kỹ năng đương đầu nhất, thì cũng dễ hiểu tại sao những thứ như động cơ xe hơi, chế độ giảm cân hay công thức làm bánh soufflé lại khó nắm bắt tới vậy, và đó là còn chưa kể tới các loại thuốc nội soi và vật lý lượng tử đấy.

Đây không phải là cuốn sách về những hiện tượng tâm lý bất thường. Nó nói về những thứ bình thường trong tâm lý, những thứ thông thường, mặc định được cài sẵn trong bộ não của mỗi con người, từ các nhà khoa học chế tạo tên lửa, các nguyên thủ quốc gia đến các bà cô ở văn phòng, người dùng lịch in hình mèo cho những công việc cá nhân và lịch in hình các chàng lính cứu hỏa cho những buổi họp công chuyện. Bạn nghĩ thấy tận mắt thì sẽ đáng tin, rằng những suy nghĩ của bạn luôn dựa trên những bản năng đáng tin cậy và những phân tích hợp lý, và dù đôi khi cũng mắc sai lầm, về cơ bản, bạn vẫn là người điều khiển đầy thông minh và luôn tập trung cao độ của hệ thần kinh phức tạp nhất Trái Đất. Bạn tin khả năng của mình rất tốt, trí nhớ của mình rất tuyệt hảo, suy nghĩ của mình rất hợp lý và luôn mang tính ý thức cao, câu chuyện của đời của mình là thành thật và chính xác, tính cách của mình thì vững vàng không đổi và không chê vào đâu được. Nhưng sự thật phũ phàng là bộ não luôn nói dối bạn. Bên trong hộp sọ là một âm mưu to lớn và sâu rộng với mục đích giữ cho bạn không thể lật mở những sự thật về bản thân cũng như về khả năng thực của mình. Chính sự tự tin không đáng có mà bạn sở hữu đã thay đổi cách bạn hành xử, tạo nên cánh cửa sau cực lớn và dễ mở, chào đón những tên lừa đảo, các nhà ảo thuật, nhân viên quan hệ công chúng, các nhà quảng cáo, những tên giả khoa học, những kẻ buôn bùa chú và vô số những người khác nữa. Bạn có thể học được rất nhiều về bản thân khi nhìn từ góc độ của những người có khả năng nhìn thấu hành động và biết cách thao túng tính khờ dại của bạn: Hãy học từ chính những khiếm khuyết và thất bại của bản thân.




Nhờ vào một cách tiếp cận mới trong bộ môn tâm lý học, các nhà khoa học đã bắt đầu vẽ được bức tranh toàn cảnh về những lỗi lầm và khiếm khuyết trong mỗi con người. Cuốn sách này là bộ sưu tập gồm một số ảo tưởng thú vị nhất được phát hiện từ trước tới nay. Tôi hy vọng rằng khi đọc, bạn cũng sẽ được giác ngộ như tôi khi phát hiện ra chúng. Hãy coi đây là chiến dịch gây sốc và tạo sự kinh ngạc được thiết kế để giúp bạn cảm thấy kết nối hơn với cộng đồng loài người. Chúng ta cùng hội cùng thuyền cả thôi, và đây là những chướng ngại tâm lý chung mà ai cũng sở hữu. Hãy sử dụng những thứ bạn học được trong cuốn sách này để mở lòng hơn với người khác và để thành thực hơn với bản thân. Bạn không thông minh lắm đâu, nhưng có những cách tưởng chừng như vô lý, nhưng lại hiệu quả và thú vị vô cùng sẽ giúp bạn đỡ ngu ngơ hơn đấy.

Cùng bắt đầu nào.

Mời các bạn đón đọc Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy của tác giả David McRaney.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *