Nhảy Việc Hay Thay Đổi Chính Mình

Nếu bạn muốn một công việc tốt hơn, hãy bắt đầu với thái độ tốt hơn.

Nếu bạn muốn một công việc mới, hãy bắt đầu với thái độ mới.

Nếu bạn muốn theo đuổi ước mơ, hãy bắt đầu với “thái độ trong mơ” – có vẻ khá ngớ ngẩn khi bạn gõ từ ấy ra.




Thái độ ảnh hưởng đến mọi thứ. Hãy bắt đầu từ đó.

Đó chỉ là một trong rất nhiều lời khuyên chân thành của Jon Acuff trong cuốn sách này. Là người từng trải qua nhiều lần nhảy việc vì những lý do chủ động lẫn bị động, với tinh thần tích cực và cả tiêu cực, tác giả sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về nhảy việc. Nhảy việc đơn giản là Làm lại từ đầu, với một tinh thần và một nhận thức mới.

70% người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát Gallup nói rằng họ ghét công việc đang làm hoặc cảm thấy thiếu gắn bó với công việc. Như một văn hóa, chúng ta tự lừa dối chính mình rằng làm việc là phải thật khổ sở. Chúng ta chỉ mong chờ cuối tuần bởi những ngày trong tuần là lúc những giấc mơ chết lặng.




Hiếm có ai chưa một lần nhảy việc trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Tác giả cuốn sách sẽ giúp bạn “bắt bệnh” bốn kiểu chuyển đổi công việc, nhưng dù thuộc kiểu nào, bạn đều cần xây dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp để có thể Làm lại từ đầu một cách thông minh và hiệu quả. Jon đã đúc kết nên công thức để xây dựng tài khoản này:

 

Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp = (Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất) x Nhiệt huyết




Bốn yếu tố này không hề mới, cái mới là cách mà chúng ta kết hợp chúng. Nếu thiếu đi một trong bốn yếu tố này, bạn sẽ khó lòng đạt được hiệu quả tối ưu trong sự nghiệp.

Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn nhận ra rằng Làm lại sự nghiệp sẽ không hề khó.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!




Hà Nội, tháng 8 năm 2017

CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA

***




Nếu là bưu tá, bạn không nên xin dùng nhờ nhà vệ sinh của người khác.

Nhìn lại những gì đã qua, có lẽ tôi không cần học bài học đó bằng kinh nghiệm bản thân. Thế nhưng tôi vẫn đứng đó, ở bậc cửa với đống thư từ phải phát ngày hôm nay cùng một lời đề nghị kỳ cục.

Là một cây viết sáng tạo, nhưng tôi lại là một bưu tá rất tồi. Tôi sống bừa bộn, vụng về và còn hay làm hạt tiêu dây vào mắt mình. Một ngày nọ, tôi thay đổi lịch giao thư buổi chiều sang buổi sáng, nghĩa là những người đáng lẽ nhận thư trễ hơn sẽ nhận được thư sớm hơn. Một vị chủ nhà vui vẻ nói rằng tôi giỏi hơn người đưa thư kia mà không hề biết rằng bà đang vô tình nói đến chính tôi. Tôi hùa theo: “Anh ta là người dở nhất đấy ạ. Một tên ngớ ngẩn ấy mà.”




Con đường sự nghiệp của tôi tiếp tục đi qua những nơi như cửa hàng tiện lợi “Apple Country” – tên là vậy mà chẳng hề có quả táo (apple) nào được bán ra ở đây và cửa hàng “Maurice The Pants Man” – không có ông Maurice nào nhưng lại có rất nhiều quần dài (pants) ở đó.

Tôi đã dành 15 năm làm việc cho nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ, viết quảng cáo cho Home Depot, làm thương hiệu cho Bose và tiếp thị cho Staples. Tôi bị cắt hợp đồng ở một công ty khởi nghiệp, bị sa thải khỏi một công ty khác, tự điều hành công ty của riêng mình nhưng rồi cũng bị phá sản, sau đó tôi tìm được công việc mơ ước nhưng chẳng bền lâu. Trong suốt đoạn đường đã qua, tôi đã học được một bài học về công việc.

Bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn bạn tưởng.




Bạn hoàn toàn có thể tìm được một việc tốt, nhận một việc tệ hại, được làm công việc bạn mơ ước hay thậm chí là thất nghiệp.

Điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta. Dù chúng ta thường thích đổ lỗi cho người khác, cho nền kinh tế hoặc cho một vị sếp nào đó đã không chịu “hiểu” chúng ta, nhưng sự thật thì một công việc tốt hơn luôn bắt đầu bằng việc cải thiện chính bản thân mỗi người.

Công việc không phải là kẻ thù.




Công việc không phải là một nhà tù không song sắt đầy khốn khổ mà chúng ta tự nguyện dành trọn đời mình trong đó cho đến khi được phóng thích lúc nghỉ hưu.

Trái lại, công việc có thể rất tuyệt.

Nếu chúng ta biết cách cứu vãn ngày đầu tuần. Nếu chúng ta sẵn sàng làm mới nó. Nếu chúng ta quyết không chấp nhận bế tắc.




Cuốn sách này không viết về vấn đề thôi việc. Tôi đã viết một cuốn như vậy rồi, cuốn sách tên là Quitter (tạm dịch: Kẻ bỏ việc).

Cuốn sách này cũng không viết về sự khởi đầu. Tôi cũng đã viết một cuốn như vậy rồi, cuốn sách có tựa Start (tạm dịch: Sự khởi đầu).

Thay vào đó, cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay viết về việc xây dựng sự nghiệp một cách có chủ đích sử dụng bốn khoản đầu tư mà bất kỳ công việc phi thường nào cũng có.




Các khoản đầu tư này quá hiển nhiên đến mức bạn có thể bỏ qua chúng. Vào một tối nọ, người bán bóng bay hình thú đã nhắc tôi về điều này.

Để phòng trường hợp bạn e rằng tôi đã dành thời gian cuối tuần cho trang Craigslist, hãy để tôi giải thích thêm một chút. Tôi đảm bảo với bạn là tôi có thể giải thích về cuộc gặp gỡ dưới ánh trăng giữa tôi và anh chàng mặc quần có dây đeo cầu vồng kia.

Tôi đang xếp hàng chờ cùng với vợ và các con ở Đêm hội Gia đình (Family Fun Night) tại một trường tiểu học ở khu chúng tôi sống. Đó là một tối thứ Sáu và ngay sau người phụ nữ vẽ mặt nghệ thuật, thì anh chàng bán bóng bay là người mà tôi đến gần.




Vừa bện xoắn vừa kéo mớ bóng bay đầy màu sắc, người thợ khéo léo làm nên những tác phẩm bằng cao su được thổi phồng đứng trên ghế và nhìn xuống tôi.

“Tôi thích những cuốn sách của anh,” anh ta nói khi nhận ra tôi và mỉm cười, nhưng rồi một ý nghĩ nào đó khiến đôi mắt sáng của anh ta tối sầm lại.

Anh ta nói thêm bằng giọng nghiêm túc hơn: “Tôi rất tiếc vì việc hôm nay. Tôi cầu chúc anh những điều tốt đẹp nhất đền đáp lại những nỗ lực trong tương lai của anh.”




Người bán bóng bay đang động viên tôi bởi anh ta tin rằng tôi đã mất rất nhiều.

Và anh ta đã đúng, tôi thực sự đã mất đi một thứ gì đó. Luôn là như vậy khi ta từ bỏ những chốn cũ để tìm đến những cuộc phiêu lưu mới.

Ngay sáng hôm đó, tôi đã từ bỏ công việc mơ ước của mình.




Cũng cùng lúc ấy, tôi bỏ lại phía sau thành quả, tiền tài và những cơ hội điên rồ nhất mà tôi từng có.

Nếu phải ghi lại ngày hôm ấy thì có lẽ đó là ngày thất bại nhất trong đời tôi. Ngay cả khi đọc về những thứ mình đã từ bỏ, tôi vẫn cảm thấy như thể tôi đang hét vào mặt người bán bóng bay bằng lời bài hát của Phil Collins: “Hãy nhìn tôi lúc này đi, ôi chỉ là sự trống rỗng mà thôi.” (Take a look at me now, oh there’s just an empty space.)

Tôi không trách anh chàng đang mang một mớ bóng bay vì đã lo lắng cho sự nghiệp tương lai của tôi.




Nhưng tôi có điều mà anh ta không biết.

Một bộ đồ nghề mà tôi chưa bao giờ bỏ quên.

Một bộ đồ nghề mà bạn có lẽ cũng đã có.




Một bộ đồ nghề mà Nate, bạn tôi sẽ cần đến.

NGÀY CỦA MỌI ĐỔI THAY

Vào một ngày thứ Sáu nọ, Nate, anh hàng xóm của tôi bị mất việc.




Nếu bạn từng được mời họp riêng với sếp lúc chiều muộn của ngày thứ Sáu thì đó không phải một cuộc họp mà là một cái bẫy vụng về.

Sự nghiệp của Nate đã nhanh chóng thay đổi vào ngày hôm đó.

Đột nhiên, cuộc đời anh ấy trở nên bấp bênh một cách đầy bị động.




Tôi đã hẹn đi cà phê với anh ấy một tuần sau đó.

Vẫn chưa hết sửng sốt, anh ấy kể với tôi cảm giác của mình khi bị mất đi một công việc mà anh đã gắn bó suốt tám năm.

Anh ấy làm việc rất tốt và luôn đạt doanh số. Mọi người yêu mến anh ấy. Khách hàng còn nhắn tin chia buồn với anh ấy vào những ngày sau đó. Anh ấy đã và vẫn là một người tuyệt vời.




Nhưng anh ấy lại gặp rắc rối.

Được bao bọc suốt tám năm trong một công ty lớn, an toàn và rồi đột nhiên anh ấy bị ném ra đường. Mái ấm sự nghiệp mà lâu nay anh ấy gây dựng đã không còn nữa, và phần còn lại của thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi Nate bước vào vòng xoáy công việc đó.

Nate nói đầy bức xúc: “Tôi thậm chí còn không biết cách dùng LinkedIn.”




Không ai mong chờ sự thay đổi công việc đột ngột, đó là lý do vì sao người ta thấy bất ngờ khi bị như vậy. Và nếu bạn đã đi làm được hơn một năm, có thể bạn từng thấy việc tương tự xảy đến với bạn hoặc một người bạn quen. Một con sóng mang tính cách mạng của công ty khiến chiếc thuyền chao đảo.

Giữa những đợt sóng dữ dội khi thay đổi công việc, còn có những vấn đề khác tuy ít cấp bách hơn nhưng cũng đe dọa đến công việc của chúng ta, ví dụ như Đỉnh cao của sự nghiệp.

Đỉnh cao của sự nghiệp là bậc cao nhất trong nấc thang sự nghiệp. Đó là đỉnh cao mà một công việc bất kỳ sẽ đưa bạn đến. Tôi đã từng đạt được đỉnh cao đó khi đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Thiết kế nội dung tại một công ty phần mềm.




Tôi bắt đầu làm việc tại đó như một nhà thầu. Thời gian trôi đi, tôi đã có được chỗ đứng thật sự trong công ty, và trong vài năm, chức vụ của tôi là Trưởng phòng Thiết kế nội dung. Đó là lúc tôi thực sự đã đi đến đoạn cuối con đường sự nghiệp của mình.

Ở vị trí đó, tôi kiếm được nhiều tiền nhất trong đời mình và không phải làm bất kỳ công việc viết lách nào trong công ty. Cách duy nhất để tôi tiến thân là trở thành giám đốc sáng tạo, và điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ quản lý các nhà thiết kế và những người viết quảng cáo. Đó là lựa chọn tuyệt vời đối với một số người, nhưng đối với tôi thì việc đó đồng nghĩa với việc tôi ít được làm công việc viết lách mà tôi thực sự yêu thích hơn.

Tôi 32 tuổi và cuộc sống của tôi trở nên trì trệ một cách thầm lặng. Trong những năm tháng đó, vài ba lần tôi được tăng lương chút ít và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, nhưng về cơ bản thì đó vẫn là sự trì trệ.




Về sau vợ tôi cũng nói rằng cô ấy thực sự rất lo. Với hai đứa con nhỏ, một hợp đồng thế chấp và cuộc hôn nhân vừa mới bắt đầu, thật đáng sợ khi dồn 30 năm cuộc đời vào một sự nghiệp đơn điệu. Tôi không phải kiểu người thích phiêu lưu, nhưng “an phận” với một sự nghiệp ở tuổi 32 quả thật khó mà chấp nhận được.

Khi bạn đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, bạn chỉ có một số ít lựa chọn như sau:

Xin việc ở một công ty khác;




Làm một công việc mà bạn không thích, ví dụ như giám đốc sáng tạo;

Cam chịu và chết dần trong khoảng thời gian gần 30 năm.

Lựa chọn đầu tiên không giải quyết được gì ngoài trì hoãn mọi thứ. Bạn có thể có chức vụ khác và kiếm được nhiều tiền hơn. Ở công ty khác có thể cũng sẽ có vị trí “Quản lý của Trưởng phòng nội dung”, và rốt cuộc bạn sẽ nhận thấy mình lại đạt được đỉnh cao tương tự như trong công việc trước đó.




Ở lựa chọn thứ hai, bạn chỉ trao đổi nấc thang nghề nghiệp hiện tại để lấy một nấc thang khác. Kế hoạch này sẽ không hiệu quả bởi vì rốt cuộc, bạn chỉ làm thêm việc mà bạn vốn không thích ngay từ đầu. Nếu không muốn trở thành giám đốc sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy việc tiến lên theo nấc thang đó không phải là sự thăng tiến, mà là sự trừng phạt. Bạn sẽ còn lún sâu hơn vào sự nghiệp sai lầm đó.

Lựa chọn thứ ba là lựa chọn đáng chán nhất nhưng lại là lựa chọn thường thấy nhất. Đó là lý do vì sao vào năm 2013, 70% người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát của Gallup nói rằng họ ghét công việc đang làm hoặc cảm thấy thiếu gắn bó với công việc. Như một văn hóa, chúng ta tự lừa dối chính mình rằng làm việc là phải thật khổ sở. Nếu mọi người hạnh phúc với công việc của mình, thì bộ truyện Dilbert1 đã không bán được hàng triệu bản như thế. Tại sao chúng ta lại ăn tối tại nhà hàng TGI Friday chứ không phải TGI Monday2? Chúng ta sống để chờ tới cuối tuần bởi chúng ta thấy rằng những ngày trong tuần là lúc những giấc mơ chết lặng. Nếu đang đọc cuốn sách này trong giờ làm, bạn hãy ngẩng đầu lên mà xem, có bảy trong số mười người bạn thấy cũng đang chán ghét công việc. Không ai muốn gắn bó với công việc mà người đó không thích cả.

1 Loạt truyện tranh hài hước nổi tiếng của Scott Adams, viết về thế giới của những ông chủ và nhân viên văn phòng với nhân vật chính là kỹ sư Dilbert. (BTV)




2 Một cách chơi chữ của tác giả. Nhà hàng đó đặt tên là TGI Friday (Thank God It’s Friday) chứ không phải TGI Monday vì đầu tuần chúng ta còn phải đi làm, chỉ có tối cuối tuần là được đi ăn mà thôi. (BTV)

Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không diễn ra như vậy? Sẽ thế nào nếu ta có được công việc yêu thích ngay từ đầu? Sẽ thế nào nếu chúng ta không cố tránh nhảy việc, thay vào đó là thử nắm bắt chúng? Bởi vì việc đó đang xảy đến với tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta sẽ có lần Nhảy việc, trải qua những Cú hích trong công việc, đạt Đỉnh cao sự nghiệp và giành lấy Cơ hội nghề nghiệp.

Làm thế nào để Nhảy việc một cách thông minh?




Làm cách nào để vượt qua những Cú hích trong công việc?

Làm thế nào để phá vỡ những Đỉnh cao sự nghiệp?

Làm thế nào để tận dụng được những Cơ hội nghề nghiệp bất ngờ?




Cả bốn câu hỏi trên đều có chung một câu trả lời: chúng ta cần xây dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp.

MỞ HẦM DỰ TRỮ

Trong vòng 24 giờ sau khi nghỉ công việc gần đây nhất, có 100 người bạn sẵn sàng chìa tay muốn giúp đỡ tôi.




Trong vòng một tuần, tôi được một nhóm giúp xây dựng một blog mới.

Trong vòng một tháng, tôi đã có những dự án viết lách mới.

Điều này xảy ra không phải do tôi là người siêu phàm hay có đầu óc chỉ huy siêu đẳng. Nó xảy đến vì tôi đã đặt cọc vào bộ đồ nghề mà tôi gọi là Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của mình. Là người dốt Toán, nên tôi đã nghĩ ra một công thức rất đơn giản để giải thích cho Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp (Career Savings Account™ – CSA™).




(Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất) x Nhiệt huyết = Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp).

1

Công thức có bổ sung chút ít tính chất của Twitter:




(Hội nhóm + Tuyệt vời + Tử tế) x Nỗ lực = Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp.

Mỗi cụm từ trên đây có nghĩa là gì? Sau đây là cách chúng ta định nghĩa chúng:

Mối quan hệ = Những người mà bạn quen biết. Nhóm người mà bạn có mối quan hệ mật thiết trong quá trình làm việc.




Kỹ năng = Những điều bạn có thể làm được. Cầu nối giữa kẻ nghiệp dư và chuyên gia.

Phẩm chất = Con người bạn. Chất keo gắn kết toàn bộ các yếu tố của CSA lại với nhau.

Nhiệt huyết = Cách làm việc của bạn. Nhiên liệu thúc đẩy bạn làm những việc mà người khác không làm, và vì thế bạn có thể tận hưởng thành quả đạt được trong khi người khác thì không.




Bạn đã làm quen với từng phần của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp. Bất kể tình hình công việc hiện tại của bạn như thế nào, bạn sẽ chẳng ngạc nhiên khi biết rằng mình cần một trong những yếu tố được liệt kê trong danh sách này. Chẳng có ai đọc công thức trên và nghĩ: “Phẩm chất ư? Tôi chưa từng nghĩ là tôi cần yếu tố này!”

Bạn cũng từng áp dụng các khía cạnh của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp vào đời sống rồi. Bạn đã làm việc dựa vào những kỹ năng của môn golf để ngày càng làm việc tốt hơn. Bạn quyết liệt sôi nổi khi hẹn hò với người yêu, giờ là vợ, để thuyết phục nàng rằng bạn là người xứng đáng. Bạn xây dựng các mối quan hệ với bạn bè bằng cách giữ liên hệ dài lâu với những người bạn ngay cả khi đã tốt nghiệp.

Những điều này không hề mới, cái mới là cách mà chúng ta tập trung vào chúng. Bạn đã có hầu hết những yếu tố cần thiết để nhảy việc, để vượt qua những cú hích trong công việc, phá vỡ đỉnh cao sự nghiệp hay giành lấy cơ hội nghề nghiệp, nhưng chỉ đơn giản là bạn không áp dụng yếu tố đó vào công việc của mình.




Giống như tôi trong bảy năm đầu của sự nghiệp, bạn chưa một lần kết hợp bốn yếu tố đầu tư này. Có thể bạn sẽ rất giỏi tạo mối quan hệ và có kỹ năng tốt, nhưng bạn chưa nắm vững nghệ thuật của nhiệt huyết. Hoặc bạn đã có được phẩm chất mà mọi người đều thừa nhận nhưng lại chưa bao giờ được rèn giũa một nhóm kỹ năng nào. Điều đó không có nghĩa là sự nghiệp của bạn tệ hại, nhưng nếu thiếu đi một yếu tố đầu tư thì ba yếu tố còn lại không bao giờ mang lại cho bạn hiệu quả tối ưu.

Sau đây là kết quả đạt được nếu bạn chỉ có được ba yếu tố của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp:

Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất – Nhiệt huyết = Lãng phí tiềm năng, trở thành cầu thủ “xuống phong độ” của giải NBA Draft3, hay ban nhạc chỉ có duy nhất một hit trong cả sự nghiệp.




3 NBA Draft là một sự kiện thường niên của Giải bóng rổ nhà nghề nước Mỹ (NBA). Những vận động viên tham gia Draft thường đang thi đấu tại các trường đại học của Mỹ. 30 đội bóng sẽ lựa chọn ra những cầu thủ xuất sắc và có triển vọng mong muốn tham gia giải vô địch. (BTV)

Kỹ năng + Phẩm chất + Nhiệt huyết – Mối quan hệ = Một bản sự nghiệp khác củaHoàng đế cởi truồng.

Phẩm chất + Nhiệt huyết + Mối quan hệ – Kỹ năng = Tôi khi chơi trong NBA hay Michael Jordan4 chơi bóng chày.




4 Cầu thủ bóng rổ nhà nghề nổi tiếng của Mỹ đã giải nghệ. Anh được xem là một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. (BTV)

Mối quan hệ + Sự nhiệt huyết sôi nổi + Kỹ năng – Phẩm chất = Những nhân vật nổi tiếng lắm tài nhiều tật như Tiger Woods, Enron, Guns n’ Roses.

Tôi không thực sự nhận thấy chính mình đang tạo dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp cho đến khi tôi nhìn nhận cách mình xoay xở khi nhảy việc và xem liệu những người khác nghĩ gì về việc ấy.




Người ta sẽ đến gặp tôi với khuôn mặt buồn bã, như thể tôi đã bị mất một phần cơ thể. Bằng giọng nói đầy quan tâm, nhẹ nhàng và êm dịu như hương trà hoa cúc, họ sẽ hỏi tôi những câu đại loại như:

“Anh sắp sửa chuyển đi à?”

“Chúng tôi có thể giúp gì cho anh không?”




“Chúng tôi có thể ôm anh thật chặt và khóc cùng anh một lát được không?”

Đây đều là những câu hỏi hay, nhưng chúng bộc lộ một niềm tin đầy thú vị: Người sắp sửa chuyển việc sẽ rất tuyệt vọng.

Lý do giải thích cho việc hầu như ai cũng nghĩ như vậy đó là người ta chẳng còn gì để mà trông đợi nữa. Khi phải làm lại từ đầu một cách đầy bất ngờ, họ buộc phải mở tung cánh cửa hầm dự trữ và thoạt tiên họ sợ hãi khi thấy nó trống rỗng. Họ chưa bao giờ gây dựng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp và cũng không biết rằng mình cần Tài khoản đó cho tới khi họ trở nên tuyệt vọng.




Tại sao lại có tình cảnh như vậy?

Bởi vì chúng ta được huấn luyện để thực thi công việc, chứ không phải xây dựng sự nghiệp.

TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN SỰ NGHIỆP?




Người ta thường nói điều quan trọng không phải là bạn biết điều gì mà là bạn quen ai. Khi gặp trục trặc với sợi dây cáp, tôi hỏi anh bạn làm ở Comcast. Khi hệ thống máy tính của tôi có vấn đề, tôi gọi cho anh bạn IT. Khi gặp vấn đề về tiền bạc, tôi nói chuyện với nhà tư vấn tài chính của mình.

Với hầu hết mọi tình huống mà bạn đối mặt trong cuộc sống, sẽ có một người nào đó mà bạn có thể gọi điện hoặc gửi e-mail để nhờ giúp đỡ.

Ngoại trừ công việc của bạn.




Ngoại trừ việc bạn đang làm ít nhất 40 giờ mỗi tuần.

Ngoại trừ việc bạn sẽ làm để trả hết món tiền vay 100.000 đô-la nợ thời sinh viên.

Lĩnh vực đó có rất ít chuyên gia hoặc chuyên viên tư vấn. Nhìn chung lĩnh vực đó mong manh và không được bảo đảm. Và như vậy không có nghĩa là chúng ta không biết tìm kiếm lời khuyên, hay chúng ta là những nhà hoạch định tồi. Hãy xem cách chúng ta dành dụm cho việc học.




Nếu bạn chưa bắt đầu để dành cho con học đại học thì tính đến trước khi bạn nuôi chúng trưởng thành với những nếp nhăn hằn sâu, bạn đã bị tụt hậu rồi. Và có lẽ bạn còn là một phụ huynh cực kỳ tệ hại nữa.

Ý thứ hai trên đây xuất phát từ điểm mấu chốt đó là khi bạn nhận ra thời điểm con bạn sắp sửa bước vào giảng đường đại học. Những phụ huynh khác sẽ khiến bạn cảm thấy tệ hại hơn khi liên tục nói với bạn trong những bữa tiệc liên hoan rằng: “Thời gian trôi mau quá. Bọn trẻ lớn nhanh thật, cứ như gió cuốn bụi bay vậy.”

Bạn gọi cho tư vấn viên tài chính của mình và thiết lập một kiểu tiết kiệm ngược dạng như Quỹ Hưu trí Cá nhân Roth IRA. (Tôi không biết chi tiết về điều này nhưng chắc chắn anh bạn Jeff của tôi đã từng nhắc đến những từ đó với tôi). Bạn bắt đầu tiết kiệm để trả nợ cho việc con chuẩn bị vào đại học.




Nhưng mọi việc không chỉ có vậy. Bạn cũng phải nhắc các con đăng ký các hoạt động phù hợp. Khi còn nhỏ, tôi đã dành suốt những năm tháng tiểu học chỉ để cố giữ cho chiếc xe đạp của mình không dính bẩn. Giờ đây, cứ mỗi năm nhu cầu hướng con trẻ vào những hoạt động đúng đắn khi xin vào đại học đang ngày một sớm hơn. Con gái tôi đã dành một ngày thứ Bảy để tham gia thi Olympic môn toán. Con bé đang trên đường đua toán học, con đường sẽ đưa nó tới tương lai và nhiều hy vọng được nhận vào đại học.

Và lúc ấy, con bé chỉ mới học lớp bốn.

Chúng ta giữ cò khẩu súng cao su mang tên đại học thật lâu, mãi cho đến khi thời điểm tốt nghiệp phổ thông trung học đến và chúng ta nhả cò. Chúng ta tiến thẳng về phía trước trong vòng bốn, năm năm đầy ngoạn mục. Cha mẹ chúng ta cần tới 18 năm để chuẩn bị cho giai đoạn này và công sức của họ thật xứng đáng.




Chúng ta tốt nghiệp đại học, sau cùng cũng tìm được việc làm và rồi chờ đợi để chuyển sang công việc kế tiếp mà chúng ta đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận, nhưng hóa ra đó là lúc ta nghỉ hưu.

Ở độ tuổi từ 22 đến 62, đây là điều duy nhất mà ta được dạy để sẵn sàng đón nhận. Chúng ta bàn bạc về tài khoản hưu trí 401k của mình. Ta bắt đầu chi trả khoản thế chấp nhà ở để có chốn dung thân khi công việc kết thúc còn xương cốt thì rã rời. Chúng ta mua bảo hiểm trợ cấp thu nhập chỉ để phòng khi bản thân gặp chuyện và không thể tiếp tục làm việc. Chúng ta viết nên những khát khao sống và sẵn sàng chờ đợi những điều tuyệt vời hơn thế.

Rồi chúng ta quên hẳn và hoàn toàn lờ đi những năm tháng sau đại học cho tới lúc nghỉ hưu.




Chúng ta quên rằng chúng ta còn phải vượt qua một khoảng thời gian dài chừng 40 năm.

Chúng ta dành dụm cho những ngày gặp khó khăn về tài chính nhưng chẳng hề làm gì để bảo vệ sự nghiệp của mình trước dông bão.

Chắc chắn một số lĩnh vực chuyên môn của chúng ta luôn cần được bổ sung kiến thức liên tục. Tôi biết những nhân viên ngành Bất động sản và Tư vấn tài chính luôn có sự hỗ trợ của thầy dạy kèm và người cố vấn trong quá trình làm việc. Nhưng phần đông chúng ta đều không biết dựa vào đâu nếu gặp bế tắc trong công việc.




Nếu hiện tại bạn là một nhân viên phát triển web 34 tuổi và cảm thấy dường như bạn đang ở nhầm chỗ, bạn sẽ gọi cho ai để nhờ giúp đỡ đây?

Mặc dù rất thích công việc tư vấn cá nhân, nhưng tôi biết rằng đối với nhiều người, đó không phải là lựa chọn dành cho họ. Bạn sẽ phải đắn đo suy nghĩ trước khi nhấc điện thoại gọi một người nào đó mà có thể cũng đang phải đấu tranh với những khủng hoảng của cá nhân họ.

Có thể bạn sẽ gọi cho bạn bè. Sau cùng thì họ cũng sẽ hiểu vấn đề. Có lẽ họ cũng đang chán ghét công việc. Có lẽ sau một buổi đi cà phê, bạn có thể than vãn đủ điều về tình trạng của mình. Sự khổ sở song hành cùng công ty, nhưng công ty lại thường khiến chúng ta khổ sở gấp bội. Những buổi cà phê lặng lẽ ở những nơi dành cho kẻ nổi loạn thường không thay đổi được gì nhiều.




Có thể bạn sẽ lên Twitter hoặc Facebook than phiền về công việc như thể những phương tiện truyền thông xã hội này là chốn riêng tư. Không bàn đến chuyện có những công ty kiểm tra thông tin cơ bản của nhân viên bằng cách đào bới tất cả những việc bạn đang làm trên mạng. Ở thời điểm hiện tại, 80% nhà tuyển dụng tìm hiểu thông tin về bạn trên Google trước khi mời bạn đến phỏng vấn. Mặc dù than vãn trên mạng có thể giúp bạn khuây khỏa tạm thời, nhưng điều đó đồng thời xây dựng một lập luận khá vững chắc rằng bạn xứng đáng bị đánh giá thấp trong công việc hiện tại và sẽ không được tuyển dụng cho công việc tiếp theo.

Có thể bạn lại lên mạng và tìm kiếm từ khóa “Hỗ trợ nghề nghiệp”. Tin tốt cho bạn là có đến 2 tỷ kết quả. Tin xấu cũng là có đến 2 tỷ kết quả. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Từ CareerBuilder, một trang web giúp bạn đăng CV xin việc chăng? Hay một bài báo trên tờ The Huffington Post nói về những điều độc đáo bạn nên làm để có được công việc mơ ước? Hay một người hướng dẫn công việc? Người đầu tiên mà tôi tìm được tính phí 1,99 đô-la mỗi phút và việc ấy khiến người này có vẻ giống một huấn luyện viên quần vợt hơn là người hướng dẫn công việc. Bạn luôn luôn có thể đánh bóng một số kỹ năng mà bạn chưa từng nghĩ đến kể từ lần cuối bạn nhìn vào bản CV của mình và tham gia ứng tuyển. Và thực ra đã có kha khá người ứng tuyển rồi.

Vậy là bạn gác máy, ngừng lên mạng và quyết định cam chịu thêm một ngày. Hoặc thêm một tuần hoặc thêm một năm nữa.




Rồi bạn cũng thấy khá hơn, tự an ủi là ít nhất bạn cũng đã cố gắng. Làm lại sự nghiệp một cách thận trọng thật quá phức tạp. Nó cũng quá yếu ớt và khó hiểu.

Mặc dù vậy, làm lại sự nghiệp không quá khó đến thế. Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp giúp việc làm lại từ đầu của bạn trở nên đơn giản đến khó tin. Tất cả những gì bạn phải làm là kết hợp những điều bạn đã biết, chẳng hạn như các mối quan hệ và các kỹ năng, rồi mở rộng chúng. Bạn cũng sẽ không phải đối mặt với quá nhiều kiểu thay đổi công việc đến thế. Thực ra thì chỉ có bốn kiểu chuyển đổi công việc.

BỐN KIỂU CHUYỂN ĐỔI CÔNG VIỆC THƯỜNG GẶP




2

Có bao giờ bạn cảm thấy choáng váng ngay khi vừa chớm nghĩ đến việc làm lại từ đầu không? Có thể ý tưởng cải thiện sự nghiệp giống như một khu rừng già dày đặc dây leo, những cạm bẫy nguy hiểm và khi chiến đấu để có thể trở về, bạn đã thực hiện một hành động cập nhật công việc vô cùng khủng khiếp. Đừng sợ hãi, công việc của chúng ta không quá phức tạp như vậy đâu. Trên thực tế, chỉ có bốn kiểu chuyển đổi công việc bạn phải đối mặt và phần minh họa dưới đây cho thấy rõ từng loại.

Đôi khi, trong công việc, bạn sẽ đưa ra những quyết định chủ động, ví dụ như ứng tuyển cho một công việc mới. Ở những thời điểm khác, quyền quyết định không nằm trong tay bạn, như khi bạn đột ngột bị sa thải, thì việc đó vô tình tác động đến công việc của bạn. Vẽ một đường thẳng từ trên xuống dưới, đường thẳng này biểu thị được mọi kiểu công việc mà bạn sẽ trải qua. Nhưng không phải mọi hoạt động chủ động đều tốt, bạn có thể sẽ sẵn lòng làm một công việc không thích hợp mà không hề lo sợ. Tất cả chúng ta đều có thể đưa ra quyết định sai lầm. Tất cả chúng ta đều có những người bạn chủ động hẹn hò với những gã ngốc lâu hơn mức cho phép. Không hẳn mọi hành động vô tình đều là tệ hại. Trong công việc, bạn có thể được thăng chức một cách đầy bất ngờ.




Bên cạnh đường kẻ dọc đại diện cho những hoạt động từ chủ động đến vô tình, chúng ta còn cần một đường kẻ ngang đi từ tiêu cực đến tích cực. Hai đường kẻ đơn giản này tạo thành bốn góc phần tư đại diện cho bốn kiểu chuyển đổi công việc mà bạn sẽ gặp trong đời.

Ở góc trên bên trái, ngay góc 9 giờ và 12 giờ, là ô vuông “Đỉnh cao sự nghiệp”. Khi tự nguyện làm một công việc mà bạn biết mình sẽ bị mắc kẹt trong đó, bạn đang trải qua giai đoạn “chủ động và trải nghiệm tiêu cực”. Trừ khi có ai đó dí súng vào đầu bạn cả ngày, nếu không bạn sẽ chọn mắc kẹt trong đó và có thể gặp thất bại! Bốn yếu tố đầu tư trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp sẽ giúp bạn dù bạn đang trải qua bất kỳ chuyển đổi công việc nào, nhưng mỗi trường hợp sẽ có một yếu tố hữu ích nhất. Khi bạn chạm được tới đỉnh cao thì chính những kỹ năng của bạn sẽ là chiếc búa giúp bạn phá tan đỉnh cao đó.

Đi theo chiều kim đồng hồ, bạn sẽ gặp một kiểu chuyển đổi thứ hai là “Nhảy việc”, ô vuông phía trên bên phải, góc giữa 12 giờ và 3 giờ. Khi bạn quyết định thay đổi công ty, bắt đầu thành lập công ty riêng, hoặc thay đổi chức vụ trong công việc, có nghĩa là bạn đã đưa ra quyết định tự nguyện và lạc quan. “Phẩm chất”, một trong những yếu tố đầu tư trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến năng lực của bạn để nhảy việc thành công.




Ở góc dưới bên phải, phần giữa 3 giờ và 6 giờ, chúng ta bắt gặp “Cơ hội nghề nghiệp”. Khi có một điều tuyệt vời xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn đang trải qua giai đoạn bị động nhưng lạc quan. Một người bạn đã lâu không nói chuyện bỗng gọi cho bạn cùng với lời đề nghị về một công việc hoặc là sếp của bạn phải lòng một ai đó và chuyển đến Hawaii, để lại một vị trí bạn luôn mong muốn có được. Hãy ghi chú “Nhiệt huyết” vào góc đó vì đó là thành phần trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp sẽ giúp bạn tận dụng tốt nhất những cơ hội bất ngờ ấy.

Ở ô vuông phía dưới bên trái, góc giữa 6 giờ và 9 giờ, là “Cú hích trong công việc”. Bạn bị cho nghỉ việc, mất việc khi công ty sa thải hoặc tốt nghiệp trong một nền kinh tế chỉ có 19 vị trí công việc. Đó cũng là một trải nghiệm không mong muốn nhưng nó không hề tích cực. “Các mối quan hệ” đóng vai trò quan trọng trong lúc này bởi vì cộng đồng là yếu tố sẽ giúp ta vượt qua những thử thách như vậy.

Những đường kẻ ngăn cách bốn góc phần tư chuyển đổi này có đơn giản như khi ta vẽ chúng trong phần minh họa ở trên không? Chắc chắn là không, cuộc sống rắc rối hơn nhiều và ranh giới giữa một số điều như nhảy việc và cơ hội nghề nghiệp có thể trở nên không rõ ràng. Cho dù vậy, với một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp được đầu tư đầy đủ, bạn sẽ sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi công việc nào mà bạn có thể phải trải qua.

Đó là phần hay nhất của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, bạn có thể tự do áp dụng tài khoản này vào từng trường hợp cụ thể. Đó không phải là công cụ cho những kiểu người có hoài bão về một số loại công việc nào đó. Đó là công cụ để làm mới công việc của bạn, cho dù cá nhân bạn chọn lựa cách định nghĩa mục tiêu đó như thế nào đi nữa.

Mời các bạn đón đọc Nhảy Việc Hay Thay Đổi Chính Mình của tác giả Jon Acuff.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.