Năm 1945, Pierre Garnier tòng quân, gia nhập quân viễn chinh Pháp sang tham chiến ở Đông Dương. Giữa lúc đang hoang mang tột độ trước thực tế trần trụi của chiến tranh, cậu lạc bước vào tình yêu. Những mối tình mãnh liệt mà bất khả. Những niềm hạnh phúc không thể nào nắm giữ. Cho đến ngày thất trận.
Nhiều năm sau, có một người con trai quyết định lần về quá khứ, tìm lại những con người cũ, những mong vén được bức màn bí ẩn về cha, một người cha vắng mặt. Nhưng khi sự thật ấy được phơi bày, liệu lòng anh đã yên?
Cầu Ô Thước là một trang lịch sử bị tách rời, nơi thời gian ngưng đọng, nơi dựng lại cái không khí sôi sục của chiến tranh Đông Dương, nơi hiển hiện những nhân vật đã làm nên một phần thế kỷ XX. Nhưng hãy khoan nghĩ bạn đang đọc một cuốn sách lịch sử, bởi như tờ Le Figaro đã nói: “đây không phải một cuốn sách lịch sử, mà là một câu chuyện tình yêu.”
Tôi nhận được cuộc điện thoại vào lúc tối muộn. Một giọng nói lạ hoắc, xoe xóe hỏi xem có phải tôi tên là André Garnier, có đúng tôi là con trai của Pierre Garnier không và khi tôi đang lúng búng trả lời rằng đúng là tôi nhưng ai thế? ai vậy? thì giọng nói ấy tiếp tục: “Cha anh, ông Garnier sẽ tới nhà anh ngày mai. Lúc 10 giờ 30 được chứ?” Chắc chắn, chúng ta không sống trong một thế giới mà người cha là đoàn tàu và con cái là sân ga; chắc chắn người phụ nữ này không có thật, bà ta không xưng danh và tôi cũng chẳng hỏi. Thế nhưng, ngày hôm sau, có hai nhân viên cứu thương – một to con, một gầy nhẳng – gõ cửa nhà tôi rồi đưa một tờ giấy màu xanh cho tôi ký, cứ như là họ đi giao thư bảo đảm vậy.
“Đúng 10 giờ 30 phải không nhỉ?” người gầy nhẳng ra vẻ thành thạo hỏi, rồi hai người đàn ông rời đi không để tôi kịp ngậm miệng lại.
Bố và tôi cứ đứng trên lối nhỏ dẫn vào nhà, lạ lẫm với nhau. Ông hơi lắc lư người, hai bàn tay nắm chặt chiếc túi da du lịch.
“Mẹ con có khỏe không?” cuối cùng ông cũng lên tiếng và tôi thấy lòng mình ngổn ngang những cảm xúc đầy mâu thuẫn mà nổi trội là một cơn giận dữ rất thường tình – tức giận vì đột nhiên tôi phải làm người cha chăm sóc ông trong khi ông chưa từng một ngày làm cha tôi.
“Thế còn vợ con?” ông tiếp tục, với giọng niềm nở.
“Tốt cả,” tôi nói nhỏ, không cố để ông nghe thấy.
Ông đến chậm mất ba mươi năm so với ngày mẹ tôi mất, nhưng chỉ muộn có ba hôm so với ngày vợ tôi bỏ đi. Một chút cố gắng thôi là ông đã có thể đến kịp.
…
Mời các bạn đón đọc Cầu Ô Thước của tác giả Antoine Audouard.
Chia sẻ ý kiến của bạn