Chờ Mặt Trời Lên

  • Tác giả : William Boyd
  • Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3
  • Chuyên mục : Trinh thám

Chờ mặt trời lên là một cuốn tiểu thuyết trinh thám li kì về chàng diễn viên đẹp trai, hào hoa, Lysander Rief, khi bị ép phải dấn thân vào cuộc đời một điệp viên để giải mã những bí ẩn liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc.

Năm 1913, Lysander từ Anh quốc đến Vienna để chữa trị chứng rối loạn cực khoái cảm – một vấn đề tế nhị nhưng có ý nghĩa sống còn với cuộc đời mỗi con người. Đúng tại đây, anh gặp Hettie Bull, một cô nàng nghệ sĩ có vẻ đẹp lạ lùng, có khả năng từng bước chế ngự anh, chữa khỏi bệnh cho anh, dù rằng mỗi người đều đang có một nửa của mình. Những tháng ngày ngất ngây vụng trộm trong tình yêu tưởng chừng cứ vậy trôi qua bất chấp tất cả, thì bất ngờ Hettie cáo buộc Lysander tội cưỡng dâm, đẩy anh vào những tình huống vô cùng khổ sở vật vã, đến mức phải đào tẩu trở về quê nhà nhờ sự giúp sức của những nhân viên ở đại sứ quán Anh đi kèm điều kiện là một khoản tiền nợ mà Lysander phải mất cả đời để trả.

***




Sinh năm 1952, William Boyd là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Scotland.

Các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và dành nhiều giải thưởng lớn trên các văn đàn thế giới, đặc biệt là về truyện trinh thám, điệp viên. Trong đó có A Good Man in Africa, đạt giải Whitbread và Somerset Maugham; An Ice-cream War đạt giải John Llewllyn Rhys và được đề cử cho giải Booker; Brazzaville Beach đạt giải James Tait Black Memorial, Any Human Heart đạt giải Prix Jean Monnet; Restless đạt giải Costa Novel of the Year…

Vào tháng 4 năm 2012 William Boyd được tổ chức Ian Fleming (tổ chức duy trì và bảo tồn các tác phẩm về James Bond từ khi tác giả Ian Fleming qua đời mời chắp bút cho phần tiếp theo câu chuyện của siêu Điệp viên 007 James Bond. Dự kiến cuốn tiểu thuyết sẽ được công bố vào mùa thu năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 60 năm kể từ ngày Ian Fleming ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Điệp viên 007.




***

1913, chàng diễn viên điển trai ăn mặc bảnh bao người Anh, Lysander Rief đang rảo bước trên những con phố thành Vienna với tâm trạng bồn chồn, rối bời trước buổi trị liệu tâm lí đầu tiên với bác sĩ Bensimon.

1914, Binh nhì Lysander Rief đã tình nguyện nhập ngũ khi chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, với nhiệm vụ là tiếp xúc và trấn an các tù binh người nước ngoài bị tạm giam tại Anh.




1915, Đại úy Lysander Rief, một quân nhân được biệt phái đến Bộ Tham mưu của Anh với quyền hạn và nhiệm vụ vô cùng đặc biệt của một điệp viên ngầm giữa thế giới đầy rối ren, nơi ranh giới giữa sự thật và dối trá chỉ mong manh trong chớp mắt. Anh phải tìm ra chìa khóa giải mã bí mật liên quan đến sự an nguy của Anh quốc, và phải sử dụng tất cả các kỹ năng có thể để thế giới tối tăm của những nghi ngờ và phản bội không xâm phạm và làm phương hại đến cuộc sống của anh – mẹ anh, con trai anh, và những người anh yêu thương.

Chờ mặt trời lên là một cuộc hành trình vào miền tâm lý con người, một bức tranh khổng lồ về chiến tranh Thế giới thứ nhất ở châu Âu, một cốt truyện đan xen nhiều tình tiết như một cuộc đua đầy áp lực đến nghẹt thở, và một hồi kết vô cùng bất ngờ nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.

***




Điều ngỡ là thật lúc bình minh sẽ là ảo ảnh dưới nắng trưa.

ERNEST HEMINGWAY

Nói dối thật chẳng ra gì; nhưng khi sự thực có nguy cơ gây ra một cú sốc kinh khủng thì nói dối có thể tha thứ được.




SOPHOCLES

“Một siêu phẩm. Đọc truyện của William Boyd giống như mở một chai rượu, châm lửa hút thuốc, ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành và chắc chắn rằng tác phẩm này sẽ đưa bạn đến một chuyến đi vô cùng thú vị mà không thể đoán trước được điều gì sắp xảy ra”.

(The Spectator – UK)




“Hơn hết thảy, Chờ mặt trời lên là một dấu mốc điển hình của cách kể chuyện: tinh khôn, khéo léo, hài hước, và luôn luôn cuốn hút… Đây là sự kiện văn học của năm”.

(The Times – UK)

“Một tiểu thuyết về điệp viên đầy gợi mở và có nhịp độ nhanh…”




(The New York Times Book Review)

***

MỘT NGÀY HÈ trời trong và rực rỡ tại Vienna. Bạn đang đứng giữa một vùng nắng vàng chanh hình sao năm cánh nghiêng, tại một góc ngoặt giữa đường Augustiner Strasse và đường Augustinerbastei, đối diện nhà hát opera. Bạn đứng đó lười nhác ngắm nhìn cả thế giới trôi qua trước mắt, đợi chờ ai hay điều gì khiến bạn chú ý và run lên vì phấn khích. Không khí của thành phố hôm nay có vẻ lạnh lẽo đến kinh ngạc, gần giống như mùa xuân dù đã qua lâu rồi. Nhưng bạn vẫn nhận ra một chút cái bồn chồn của mùa xuân ở những người đi qua, sự sôi nổi tiềm tàng trong không khí và có thể là cả sự liều lĩnh – dù tại thành Vienna này, chẳng ai dám nói sự liều lĩnh ấy có thể là cái gì… Dù thế bạn vẫn mở to mắt, bình thản đến lạ lùng, sẵn sàng đón nhận bất kì điều gì – một mẩu vụn bánh mì hay một đồng xu lăn – mà thế giới này có thể ném xuống con đường bạn đang đi.




Và rồi bạn thấy- ngay bên phải một thanh niên đang sải bước ra khỏi công viên Hofgarten. Độ ba mươi tuổi, có thể gọi là đẹp trai, nhưng anh ta hấp dẫn bạn vì không đội mũ, một điều bất thường giữa đám đông dân Vienna hối hả này, ai cũng mang mũ, nam cũng như nữ. Và khi anh đi lướt qua, bạn sẽ phải để ý đến mái tóc nâu đẹp nhẹ bay theo gió, bộ vest màu xám nhạt và đôi giày màu máu bò bóng lộn. Anh có vóc người trung bình nhưng đôi vai rộng, khổ người cân đối của dân thể thao. Bạn sẽ nhận ra điều này khi anh chỉ cách bạn hai bước chân. Mày râu nhẵn nhụi – cũng là một điều lạ ở nơi đây, thành phố của râu ria – và tấm áo choàng được may rất khéo, bó sát eo lưng cùng những nếp gấp tỉ mỉ của chiếc khăn tay lụa màu xanh nhạt nằm hững hờ trên túi áo ngực. Có điều gì đó kĩ tính và thận trọng trong cách ăn mặc – có thể thấy anh khá đẹp trai nên cũng có vẻ là một kẻ biết ăn diện. Bạn quyết định đi theo anh vài phút, vì vô tình bị hấp dẫn và cũng vì chẳng có việc gì hay hơn để làm.

Trên đường vào quảng trường Michaeler Platz, người thanh niên ấy đột ngột dừng bước, nhìn chằm chằm vào cái gì đó trên tấm biển quảng cáo rồi lại đi, gấp gáp, như thể không muốn trễ một cuộc hẹn. Bạn theo anh đi quanh khu phố và rẽ vào đường Herrengasse – vài tia nắng chiếu xiên rọi sáng những chi tiết trên các tòa nhà khổng lồ, vững chắc, phủ bóng đen sắc lạnh, tối om lên các cột tượng đàn bà và các trụ ngạch, trán tường và mái gờ, lan can và dầm đầu cột. Anh dừng chân tại một ki ốt bán báo và tạp chí nước ngoài, chọn mua tờ The Graphic, mở ra đọc các đề mục. À, anh là người Anh – thế mới chán – hết cả hứng tò mò. Bạn quay về chỗ có ánh mặt trời nắm góc lúc nãy, hi vọng sẽ bắt gặp được vài thứ hấp dẫn hơn, bỏ mặc chàng người Anh sải bước đến bất kỳ đâu và gặp bất kì ai anh ta muốn…

Tay lơ đãng vuốt nhẹ mái tóc thẳng đẹp, Lysander Rief trả tiền mua tờ Graphic số ra ba ngày trước (bản nước ngoài), liếc nhìn vào một đề mục – “Hiệp định đình chiến được ký kết tại Bucharest – Kết thúc Chiến tranh Balkan lần Thứ hai”. Cái mũ! Chết tiệt. Anh quên đâu nhỉ? Trên ghế đá ở Hofgarten – dĩ nhiên rồi – nơi anh đã ngồi mất mười phút nhìn chằm chằm một luống hoa trong thế tiến thoái lưỡng nan đầy sợ hãi, bối rối tự hỏi có phải mình đang làm đúng, bất ngờ cảm thấy không tin tưởng vào bản thân với chuyến đi đến Vienna lần này và tất cả những gì được cảnh báo trước đó. Nếu tất cả là một sai lầm, vô vọng và về cơ bản là vô nghĩa thì sao? Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Mẹ kiếp, lại thế rồi. Anh sẽ trễ hẹn nếu quay lại. Anh thích cái mũ rơm vành hẹp với dải lụa màu nâu sẫm, mua ở hiệu Lockett trên phố Jermyn. Người ta sẽ lấy nó ngay thôi, anh chắc chắn – một lý do khác để không cần quay lại thêm lần nữa tự nguyền rủa sự sao nhãng của mình và tiếp tục sải bước lên đường Herrengasse. Qua chuyện này bạn có thể thấy anh căng thẳng, bối rối như thế nào. Rời khỏi chiếc ghế đá và quên biến cái mũ. Rõ ràng sự căng thẳng hoàn toàn dễ hiểu và rõ nét kia vẫn chưa nói hết được sự khiếp đảm, hốt hoảng của anh trước buổi gặp này. Bình tĩnh, anh tự nhủ, lắng nghe tiếng lộp cộp đều đặn của những miếng kim loại hình trăng lưỡi liềm dưới gót giày da khua trên mặt đường lát đá – bình tĩnh, Chỉ là một cuộc hẹn đầu tiên thôi – ta có thể bỏ đi, quay về London – chẳng ai ép ta phải đến đó.




Anh thở mạnh. “Đó là một ngày đẹp trời tháng Tám năm 1913”, anh tự nói thành tiếng nhưng bằng giọng thấp để thay đổi chủ đề và điều chỉnh lại tâm trạng mình. “Es war ein schöner Augusttag des Jahres.. à năm 1913”, anh lặp lại bằng tiếng Đức, thêm phần ngày tháng bằng tiếng Anh. Lysander gặp rắc rối với những con số – những số dài và ngày tháng. Dù vốn tiếng Đức đang tiến bộ nhanh nhưng anh vẫn phải hỏi ông Barth, giáo viên tiếng Đức trong khoảng một tiếng về những con số, để cố gắng ghim chúng vào đầu. “Ein schone Augusttag”. Anh thấy một tấm áp phích khác bị xé trên tường, giống tấm áp phích anh đã để ý khi vào Michaeler Platz – đây là lần thứ ba anh thấy nó kể từ khi rời khỏi phòng trọ sáng nay. Tấm áp phích bị xé nham nhở trên pa nô. Tấm đầu tiên – ngay cạnh trạm chờ tàu điện ngầm gần căn phòng anh đang thuê – anh tập trung nhìn phần cơ thể còn lại (cái đầu đã mất) của một cô gái ăn mặc hở hang. Cô ta gần như khỏa thân, nằm co rúm, hai tay khum lại như muốn che giấu bộ ngực ngoại cỡ, đường cong mờ ảo nửa kín nửa hở của tấm mạng che tự tạo này chẳng thể che được đường nối đầy đặn ở hai hông cô ta. Sự lõa thể của bức họa này có điều gì đó hấp dẫn một cách đặc biệt, song lại cách điệu hóa bối cảnh xung quanh cô ta (cái tấm mạng bằng tay, nửa kín nửa hở ấy khiến anh phải dừng lại, nhìn gần hơn. Anh không hiểu nội dung bức ảnh này là gì vì mọi thứ khác đều đã bị xé hết. Tuy nhiên, trên tấm áp phích bị xé thứ hai, phần cuối còn thấy một cái đuôi thằn lằn có hình như vảy cá, có răng cưa. Điều này đã giải thích tại sao bức họa nữ thần, nữ chúa kia hay là gì đi nữa lại có vẻ đáng sợ như vậy. Và giờ đây trên tấm áp phích thứ ba chỉ còn một chữ “PERS…”, bên dưới là chữ “und” và dưới nữa là “Eine Oper von Gottlie Toll…”.

Anh suy nghĩ “Pers… Persephone* à? Một vở nhạc kịch về Persephone? Chẳng phải cô ta đã bị lội xuống âm phủ và Narcissus* – đúng không nhỉ? – phải xuống theo để đưa cô ta lên mà không được phép nhìn xung quanh sao? Hay đó là Euridice*? Hay là cái gì đó… Orpheus à? Đây không phải lần đầu tiên anh bực tức trước trình độ kiến thức chắp vá và lập dị của mình. Anh chỉ biết rất rõ một vài thứ và hiếm khi hiểu biết được toàn bộ mọi chuyện. Anh đang từng bước cải thiện tình hình – đọc càng nhiều càng tốt, sáng tác thơ – nhưng cứ thỉnh thoảng sự ngu dốt lại nhìn thẳng vào mặt anh. Một trong những hạn chế đối với nghề nghiệp, anh thừa nhận là vốn kiến thức nhất định về thần thoại cổ đại và những gì liên quan đến nó là một đống hơi lộn xộn trong đầu, nếu không muốn nói là một cái lỗ hổng kiến thức to đùng.

Anh quay lại nhìn tấm áp phích. Toàn bộ bức tranh bị xé gần hết chỉ còn lại nửa trên. Những nét lượn của mái tóc bay phần phật theo gió và đôi mắt mở to nhìn thẳng ra bờ mép tơi tả của vết rách nằm ngang, như thể cô ta đang nhìn chằm chằm lên phía trên tấm ga giường một cách khiếp đảm, Lysander nghĩ vậy. Ráp các mảnh còn lại của ba tấm áp phích với nhau, trong đầu anh bắt đầu tưởng tượng ra một cơ thể nữ thần. Lysander thấy mình bị kích động một chút, hơi cương cứng. Một cô nàng khỏa thân, trẻ trung, xinh đẹp, dễ bị tổn thương trước sự đe dọa của một con quỷ có vảy nào đó, không nghi ngờ gì nữa, nó có hình thù của dương vật, chuẩn bị hãm hiếp cô nàng… Và chắc chắn đây là nội dung của các tấm áp phích, hơn nữa, chính nó đã thổi bùng lên cơn phẫn nộ của giới tư sản kiểu cách khiến vài công dân ngoan đạo quyết định phá hủy nó. Tất cả đều rất hiện đại – đều rất Vienna – anh cho là vậy.




Lysander tiếp tục sải bước, thận trọng phân tích tâm trạng của mình. Tại sao khi tự suy đoán khả năng người phụ nữ thần thoại bị hãm hiếp trên tấm áp phích kia lại làm anh hưng phấn nhỉ? Có tự nhiên không? Chính xác hơn, anh có liên quan gì đến hình ảnh ấy – đôi tay như che lấy, như ôm lấy bộ ngực mềm mại, nửa gọi mời nửa e ấp? Anh thở dài: ai có thể trả lời được những câu hỏi này cơ chứ? Trí tuệ con người luôn hỗn độn không ngừng nghỉ, phức tạp và bướng bỉnh. Anh tự ngừng lại – phải, phải, phải rồi. Đó chính xác là lí do tại sao anh phải đến Vienna.

Anh băng qua đường Schottenring và khoảng không rộng rãi của quảng trường trước mặt một trường đại học rộng lớn mang màu xám đậm. Đó là nơi anh phải đến để tìm hiểu về Persephone – hỏi một vài sinh viên học chuyên ngành tiếng La tinh và Hy Lạp – nhưng có điều gì đó ngăn cản anh. Tuy nhiên, anh không thể nhớ ra tên con quỷ tham gia vào câu chuyện về Persephone… Kiểm tra những con phố mình đang đi qua – gần đến rồi – anh dừng lại chờ tàu điện đi qua, rẽ phải xuống đường Berggasse, rồi rẽ trái trên đường Wasgasse. Nhà số 42.

Anh nuốt khan, miệng tự nhiên khô khốc, suy nghĩ: có lẽ mình nên quay đi, gói ghém đồ đạc, trở về London và tiếp tục cuộc sống bình yên, phẳng lặng. Nhưng anh tự nhủ rằng vẫn còn đó vấn đề đặc biệt của riêng mình, chưa được giải quyết… Anh bước qua những cánh cửa chính to, rộng trông ra phố của ngôi nhà số 42, đi thẳng vào sảnh lớn. Không thấy lễ tân hay bảo vệ. Một chiếc thang máy bằng thép sẵn sàng đưa anh lên tầng hai nhưng anh chọn đi cầu thang bộ. Một tầng. Hai tầng. Những ban công bằng sắt rèn, lan can bằng gỗ đánh véc ni, một loại đá granite lốm đốm tạo thành các bậc thang một tay vịn ốp tường, dưới chân là lớp gạch lát hoa văn cỏ xanh, trên đầu là lớp sơn trắng. Anh tập trung vào những chi tiết này, Cố gắng không nghĩ đến hàng tá – có lẽ là hàng trăm người đã từng bước lên những bậc cầu thang này trước cả anh.




Anh lên đến chiếu nghỉ. Hai cánh cửa lắp vững chắc bên những ô cửa sổ hình bán nguyệt đứng cạnh nhau. Trên một ô đề “Phòng riêng”; ô kia có một tấm biển bằng đồng nhỏ phía trên chuông cửa riêng đã bị mờ, cần được đánh bóng. “Tiến sĩ J. Bensimon”. Anh đếm đến ba và rung chuông tự nhiên thấy vững tin vào điều đúng đắn đang làm, tự tin vào một tương lai mới mẻ, tốt đẹp hơn mà anh đang hoạch định để bảo đảm cho chính mình.

Mời bạn download ebook Chờ Mặt Trời Lên ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *