Che là người nổi loạn xuất chúng và thanh niên có thể lấy đó làm gương.
Che Guevara gần như là biểu tượng ở phương Tây, đại diện của phong trào phản văn hóa thập niên 60 và là gương mặt trên áo phông của hàng triệu sinh viên cấp tiến. Nhưng anh là người khác ở phần còn lại của thế giới: một nhà cách mạng có sức lôi cuốn, đã vẽ lại bản đồ chính trị của châu Mỹ Latin và đem hy vọng đến cho những chiến sĩ chống thực dân khắp mọi nơi.
Bà Lucía Álvarez de Toledo, tác giả cuốn sách Chuyện của Che, cũng có xuất thân tương tự Che Guevara: sinh ra và lớn lên tại Buenos Aires. Khi bà bắt đầu đi học thì Che đã học đại học, và sau này khi trở thành nhà báo, bà đã dõi theo sự nghiệp chính trị sáng chói của Che. Do đó, bà có khả năng đặt anh vào bối cảnh mà không nhiều người viết tiểu sử của Che có thể làm được, xóa tan nhiều quan niệm sai lầm phổ biến và bộc lộ những khía cạnh về cuộc đời Che chưa được đề cập đến.
“Đây là câu chuyện về cuộc đời của Guevara được viết bởi một người Mỹ Latin quê ở Buenos Aires đồng thời là một người phụ nữ. Tôi hy vọng giải thích tại sao mà hơn 40 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh giận dữ và đầy quyết tâm của ông trên ngọn cờ đen đỏ vẫn xuất hiện ở đầu những cuộc biểu tình khắp nơi, từ Buenos Aires đến Berlin đến Kathmandu. Tôi muốn đặt Che vào bối cảnh Mỹ Latin và truyền tải ý nghĩa của điều đó cho độc giả ở châu Âu, Bắc Mỹ và phần còn lại của thế giới”, nữ tác giả bày tỏ. Qua trang viết của mình, bà giải thích tại sao Che lại được những người thân quen ngưỡng mộ – và rộng hơn là xuyên khắp các tư tưởng chính trị ở Mỹ Latin – vì tính chính trực, sự dũng cảm và phong thái cuốn hút, sự tận tâm với người nghèo và thái độ thù địch với Mỹ. “Cảm xúc này cũng có ở nhiều người không ủng hộ bạo lực cách mạng, học thuyết kinh tế và các lý tưởng chính trị khác của anh”, tác giả nhận định.
Và dù mọi người ở quan điểm chính trị như thế nào, họ cũng tìm thấy ở Che điều để mình hâm mộ. Ở con người anh, sự gan lì, lòng quả cảm và khuôn mặt đẹp như các tài tử điện ảnh nước ngoài đã in đậm trong tâm trí mọi người. “Anh cũng giống như Errol Flynn hay Clark Gable, ngoại trừ một điều là anh chân thật và là người như bao người chúng ta. Những người vốn sống quá sung túc hay quá trẻ như chúng ta không thể hiểu được tư tưởng chính trị của Che nhưng vẫn có thể hiểu được anh đang đặt cược cả tính mạng vào những gì mà anh tin tưởng. Có một cái gì đó thật anh dũng ở con người đó thu hút chúng ta. Che là người nổi loạn xuất chúng và tầng lớp thanh niên có thể lấy đó làm gương”, Lucía Álvarez de Toledo nói.
Tên anh trong hộ chiếu là Ernesto Guevara de la Serna. Có những lúc anh được biết đến với tên gọi Téte, Fúser, Tatu, Fernando hay Ramón. Anh nhận hộ chiếu chính thức của Cuba khi một sắc lệnh ban quyền “công dân Cuba gốc Cuba” cho anh năm 1959 – một sự tri ân khác thường dành cho đóng góp của anh trong Cách mạng Cuba – mặc dù anh đã từ bỏ nó khi anh lên đường chiến đấu ở Congo. Từ đó trở đi, anh sở hữu vài hộ chiếu giả với những cái tên như Adolfo Mena-González: doanh nhân Uruguay và anh dùng danh tính này để tới Bolivia thực hiện chiến dịch cuối cùng của mình.
Cả thế giới biết đến anh với cái tên Che. Biệt danh đó được các đồng chí của anh đặt tại Mexico khi họ đang huấn luyện cho cuộc xâm chiếm Cuba năm 1955 – và anh thích cái tên đó. Anh nói: “Đối với tôi, cái tên Che thể hiện khía cạnh cốt yếu nhất, khía cạnh mà tôi thích nhất về cuộc đời mình. Làm sao tôi có thể không thích cái tên đó? Tên đầu và tên đệm của một người chỉ là điều nhỏ nhặt, riêng tư và không quan trọng. Trái lại, tôi rất thích mọi người gọi tôi là Che.”
Lúc đó, cái tên “Che” được sử dụng ở khắp Mỹ Latinh để chỉ những người Argentina. Đó là một từ mà chúng tôi thường chêm vào khi trò chuyện. Ngày nay, rõ ràng từ đó đã trở thành của riêng của Guevara, nhưng nó nhắc nhở chúng ta một khía cạnh quan trọng và thường xuyên bị lãng quên của cuộc đời anh: anh là một người Argentina.
Tôi cũng là người Argentina, sinh năm 1938 (có nghĩa là tôi trẻ hơn Ernesto mười tuổi) trong một gia đình cùng giai tầng xã hội với Che và tổ tiên tôi cũng là những bầy tôi cung túc của hoàng gia và đế chế như cha ông Che. Chúng tôi có cùng nền tảng xuất thân và đều chứng kiến những sự kiện chính trị giống nhau: Perón và Eva; những tổng thống quân phiệt thân Đức Quốc xã trên thực tế; một nền kinh tế bị Vương quốc Anh chỉ đạo; đời sống trí thức bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những nhà tư tưởng người Pháp, ngay cả những vị khai quốc công thần của chúng tôi cũng tra cứu các bách khoa thư của Pháp và trước tác của Jean-Jacques Rousseau để soạn thảo hiến pháp và bộ luật của đất nước; nhà thờ Công Giáo La Mã hữu khuynh thâm nhập khắp nơi; những người lưu vong cộng hòa Tây Ban Nha; nền văn hóa bị tàn sát thô bạo bởi quyền lực kinh tế thống trị của Hoa Kỳ.
…
Mời các bạn đón đọc Chuyện Của Che của tác giả Lucía Álvarez De Toledo.
Chia sẻ ý kiến của bạn