Lịch sử Do Thái của Paul Johnson bắt đầu bằng những sự kiện được viết trong Kinh Thánh và kết thúc khi thành lập Nhà nước Israel. Cuốn sách không chỉ giới thiệu về lịch sử 4.000 năm tồn tại của người Do Thái mà còn đề cập đến những tác động, ảnh hưởng cũng như những đóng góp của họ cho nhân loại.
Người Do Thái tạo nên một bản sắc riêng biệt và cụ thể sớm hơn bất cứ dân tộc nào còn tồn tại tới ngày nay. Họ đã duy trì được nó giữa những nghịch cảnh khủng khiếp cho tới hôm nay. Sức chịu đựng phi thường này từ đâu ra? Sức mạnh ý chí đặc biệt cháy bỏng nào đã khiến người Do Thái khác biệt và giữ cho họ thuần nhất? Sức sống bền bỉ của họ nằm trong bản chất bất biến, hay khả năng thích ứng, hay cả hai? Liệu lịch sử của họ có cho thấy những nỗ lực như vậy là đáng giá? Hay nó cho thấy họ đã hoài công?
Những gì Paul Johnson đã tìm hiểu, nghiên cứu và thuật lại trên từng trang sách, sẽ phần nào giúp độc giả tự trả lời những câu hỏi này.
Ảnh bìa: Tranh trên bìa là một trang trong cuốn sách Mahzor của người Do Thái xuất bản ở Ba Lan năm 1913.
TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Lịch sử người Do Thái có thể được mô tả như một chuỗi những đỉnh điểm và thảm họa nối tiếp nhau. Nó cũng có thể được coi là một miền liên tục không dứt của việc học hành kiên nhẫn, sự cần cù năng suất và thói quen tập thể mà phần lớn trong đó không được ghi lại. Nỗi buồn tìm thấy tiếng nói khi niềm vui câm lặng. Nhà sử học phải ghi nhớ điều này. Trải qua hơn 4.000 năm, người Do Thái chứng tỏ mình không chỉ là những người sống sót vĩ đại, mà còn đặc biệt khéo léo trong việc thích ứng với các xã hội nơi số phận xô đẩy họ, và trong việc tích lũy bất cứ tiện nghi nhân văn nào mà những xã hội này mang đến.”
(Trích Phần bảy: Zion)
***
Có thể nói Do Thái là một dân tộc có số phận rất đặc biệt. Họ được nhắc nhiều trong Kinh Thánh với tư cách là những người được Chúa chọn. Là một trong những dân tộc được đánh giá là thông minh nhất, người Do Thái cũng đồng thời phải hứng chịu hàng loạt bi kịch lớn lao bậc nhất trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình: bị đàn áp, thảm sát và lưu đày. Mặc dù vậy, lịch sử và văn hóa Do Thái vẫn mang một sức sống mạnh mẽ, khơi gợi cảm hứng tìm hiểu, nghiên cứu của rất nhiều học giả trên thế giới từ xưa cho đến nay, và số lượng tác phẩm đồ sộ xoay quanh sắc dân này là một minh chứng cụ thể, tiêu biểu cho điều đó.
Lịch sử Do Thái là một trong những cuốn sách tạo nên tên tuổi của Paul Johnson, vị sử gia hàng đầu Anh quốc, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng khác của ông như: Modern Times, A History of Christianity…Công trình này xuất bản lần đầu tại Anh năm 1987, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và được độc giả khắp các châu lục đón nhận. Theo quan điểm của Paul Johnson, thế giới có xu hướng coi người Do Thái là một chủng tộc tự trị thời cổ đại và ghi chép lại về mình trong Kinh Thánh, sau đó lui vào hậu trường trong nhiều thế kỷ; tái xuất chỉ để hứng chịu cuộc thảm sát tàn khốc của Đức Quốc xã; và cuối cùng, trở về nơi chốn khởi đầu để lập lại quốc gia của riêng mình: một quốc gia với chủ quyền gây tranh cãi và bị bao vây. Đó là những sự kiện nổi bật mà thông qua Lịch sử Do Thái, Paul Johnson muốn kết nối chúng lại với nhau để khám phá những gì còn khiếm khuyết, nghiên cứu rồi ghép chúng vào trong một tổng thể để có thể hiểu được tất cả.
Paul Johnson xem cuốn sách của mình là một sự giải thích mang tính cá nhân về lịch sử Do Thái, nên bố cục, cách phân kỳ lịch sử cũng mang nhiều nét khác biệt. Lịch sử hơn bốn ngàn năm của dân tộc Do Thái với những thuộc tính, đặc trưng được ông chia thành bảy phần chính, không có thêm bất kỳ một tiểu mục nào khác. Các sự kiện lịch sử trong mỗi phần không liệt kê một cách khô khan mà được kết nối với nhau thành chuỗi những câu chuyện sống động đầy mê hoặc. Để giúp bạn đọc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nội dung, tác giả đã bổ sung thêm các tiểu mục trong Phụ lục và hệ thống Từ vựng, nguồn tài liệu phong phú ở cuối sách.
Ấn bản tiếng Việt Lịch sử Do Thái của tác giả Paul Johnson, dịch giả Đặng Việt Vinh là cuốn sách mới nhất nằm trong Tủ sách Israel và dân tộc Do Thái. Trong tủ sách này còn có các tác phẩm: Câu chuyện Do Thái, Con đường thoát hạn, Miền đất hứa của tôi, Từ Beirut đến Jerusalem, đã được ra mắt công chúng và nhận được sự hoan nghênh cũng như những phản hồi tích cực từ phía độc giả. Với tủ sách này, Omega+ mong muốn đem đến cho bạn đọc cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết, cũng như đa chiều hơn về lịch sử hình thành, phát triển, những vấn đề xoay quanh văn hóa và con người Do Thái từ xa xưa cho đến hôm nay.
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM
***
Cuốn sách này là một sự giải thích mang tính cá nhân về lịch sử Do Thái. Những quan điểm được trình bày ở đây (và có thể có sai sót) đều là của tôi. Nhưng bất cứ ai khi nhìn vào các chú thích nguồn đều sẽ thấy rõ tôi mắc nợ nhiều học giả. Tôi đặc biệt biết ơn các biên tập viên của Encyclopaedia Judaica, bộ từ điển đã cung cấp sự chỉ dẫn không thể thiếu được, và cuốn sách đầy giá trị do H. H. Ben Sasson biên tập, A History of the Jewish People (Lịch sử dân tộc Do Thái). Hiểu biết của tôi đã được soi sáng bởi những nghiên cứu rất quan trọng của S. W. Baron, S. D. Goitein, G. G. Scholem, và tôi cũng nhờ cậy nhiều vào tác phẩm của các sử gia như Cecil Roth, Alexander Marx, Alexander Altmann, Hyam Maccoby, Jonathan I. Israel, Michael Marrus, Ronald Sanders, Raul Hilberg, Lucy Davidowicz, Robert Wistrich, và Martin Gilbert. Tôi đã tham khảo về đức tin và quan điểm Do Thái từ những cuốn sách đặc biệt hữu dụng của Samuel Belkin, Arthur A. Cohen và Meyer Waxman. Cả Chaim Raphael lẫn Hyam Maccoby đều đã vui vẻ đọc toàn bộ bản thảo, đưa ra nhiều gợi ý và chỉnh sửa hữu ích. Tôi cũng biết ơn biên tập viên Peter James và con trai tôi Daniel Johnson đã đọc bản thảo, và đặc biệt cảm ơn biên tập viên Linda Osband ở Nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson, người đã nhiều lần đem đến cho cuốn sách của tôi sự hỗ trợ không gì có thể sánh được. Cuối cùng, tôi rất cảm ơn ngài Weidenfeld vì đã dũng cảm tạo điều kiện cho tôi viết về chủ đề rộng lớn và dễ gây nản lòng này.
***
Tại sao tôi lại viết một cuốn sách về lịch sử người Do Thái? Có bốn lý do. Lý do thứ nhất đơn thuần là tò mò. Khi viết cuốn History of Christianity (Lịch sử Kitô giáo), lần đầu tiên trong đời tôi mới hiểu Kitô giáo nợ Do Thái giáo nhiều đến mức nào. Không phải như tôi từng được dạy là Tân Ước thay thế Cựu ước, mà là Kitô giáo đã mang lại cách hiểu mới về một chủ nghĩa độc thần (Monotheism) dạng cổ xưa, dần phát triển thành một tôn giáo khác nhưng chứa đựng nhiều nội dung về thần học đạo đức và giáo lý, nghi lễ, thiết chế và các khái niệm cơ bản của Do Thái giáo. Do đó, tôi quyết tâm là nếu có cơ hội thì sẽ viết về những người đã tạo nên đức tin của tôi, khám phá lịch sử của họ từ khởi thủy cho tới ngày nay, nói lên suy nghĩ cá nhân về vai trò và ý nghĩa của họ. Thế giới có xu hướng coi người Do Thái là một chủng tộc tự trị thời cổ đại và ghi chép lại về mình trong Kinh Thánh; rồi lui vào hậu trường trong nhiều thế kỷ; tái xuất chỉ để bị Đức Quốc xã tàn sát; cuối cùng, lập ra một quốc gia của riêng mình, gây tranh cãi và bị bao vây. Nhưng đây mới chỉ là những sự kiện nổi bật. Tôi muốn nối chúng lại với nhau để tìm ra và nghiên cứu những phần bị khuyết, ghép chúng lại thành một tổng thể, và hiểu được nó.
Lý do thứ hai là sự thú vị mà tôi tìm thấy trong suốt chiều dài lịch sử Do Thái. Từ thời Abraham tới nay là phần hay nhất trong bốn thiên niên kỷ. Nó dài hơn ba phần tư toàn bộ lịch sử nền văn minh nhân loại. Tôi là một sử gia tin vào những tiếp nối kéo dài và thích thú trong việc lần theo dấu vết chúng. Người Do Thái tạo nên một bản sắc riêng biệt và cụ thể sớm hơn bất cứ dân tộc nào còn tồn tại tới ngày nay. Họ đã duy trì được nó giữa những nghịch cảnh khủng khiếp cho tới hôm nay. Sức chịu đựng phi thường này từ đâu ra? Sức mạnh ý chí đặc biệt cháy bỏng nào đã khiến người Do Thái khác biệt và giữ cho họ thuần nhất? Sức sống bền bỉ của họ nằm trong bản chất bất biến, hay khả năng thích ứng, hay cả hai? Đây là những chủ đề gai góc cần giải quyết.
Lý do thứ ba là lịch sử Do Thái không chỉ bao trùm khoảng thời gian rất dài, mà còn trên nhiều lĩnh vực. Người Do Thái đã thâm nhập vào nhiều xã hội và để lại dấu ấn của mình ở tất cả các xã hội đó. Viết sử về người Do Thái gần giống như viết sử về thế giới, nhưng từ một góc nhìn rất đặc trưng. Nó là lịch sử thế giới nhìn từ quan điểm của một nạn nhân có học và thông minh. Thế nên nỗ lực nắm bắt lịch sử theo cách nhìn của người Do Thái mang lại những hiểu biết sâu sắc. Dietrich Bonhoeffer đã nhận ra tác động này khi bị giam trong nhà tù Đức Quốc xã. “Chúng tôi đã học cách,” ông viết vào năm 1942, “nhìn các sự kiện lớn của lịch sử thế giới từ bên dưới, từ góc nhìn của những người bị loại bỏ, bị nghi ngờ, bị đối xử tệ bạc, không có quyền lực, bị đàn áp và khinh bỉ, tóm lại là những người đau khổ.” Ông thấy ở đó “một trải nghiệm có giá trị không gì sánh nổi.” Sử gia này tìm ra một giá trị tương tự khi kể lại câu chuyện của người Do Thái: Nó bổ sung vào lịch sử một khía cạnh mới và tiết lộ về dân tộc bị thua thiệt này.
Cuối cùng, cuốn sách này cho tôi cơ hội để xem xét lại một cách khách quan, nhờ vào một nghiên cứu bao trùm gần 4.000 năm, câu hỏi nan giải nhất trong mọi câu hỏi của loài người: Chúng ta sống trên đời vì điều gì? Liệu lịch sử chỉ đơn giản là một chuỗi các sự kiện mà tổng của chúng là vô nghĩa? Liệu có sự khác biệt đạo đức cơ bản nào giữa lịch sử loài người và lịch sử loài kiến chẳng hạn? Hay liệu có một kế hoạch may mắn nào đó mà dù có khiêm tốn đến đâu thì chúng ta vẫn cứ là tác nhân? Xưa nay chưa có dân tộc nào kiên định hơn người Do Thái khi cho rằng lịch sử có tính mục đích và nhân loại thì có vận mệnh. Trong sự tồn tại mang tính tập thể, ở giai đoạn rất sớm họ tin rằng mình đã tìm ra một kế hoạch thiêng liêng cho loài người, mà xã hội của họ sẽ là người dẫn đường. Họ hành động trong vai trò của mình rất chi tiết. Họ bám lấy nó bền bỉ theo lịch sử dù phải đối mặt với khổ đau tàn bạo. Nhiều người trong họ vẫn tin vào kế hoạch đó. Những người khác thì biến nó thành nỗ lực dẫn đường nhằm cải thiện tình trạng của chúng ta bằng các biện pháp nhân văn thuần túy. Tầm nhìn Do Thái trở thành hình mẫu cho nhiều kế hoạch vĩ đại tương tự đối với nhân loại, của cả thần thánh lẫn con người. Do đó, người Do Thái đứng ở ngay trung tâm của nỗ lực trường kỳ nhằm mang đến cho cuộc sống con người một chân giá trị về mục đích. Liệu lịch sử của họ có cho thấy những nỗ lực như vậy là đáng giá? Hay nó cho thấy họ đã hoài công? Hy vọng câu chuyện dưới đây, kết quả tìm hiểu của tôi, sẽ giúp độc giả tự trả lời những câu hỏi này.
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Do Thái của tác giả Paul Johnson.
Chia sẻ ý kiến của bạn