Chúng tôi đã xuất bản cuốn “Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ” trước Hội nghị Paris (năm 1990, tái bản năm 2000) và cuốn “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris” (năm 1996). Theo yêu cầu của nhiều bạn trong và ngoài nước, nay chúng tôi tái bản hai cuốn thành một tập duy nhất với những bổ sung cần thiết để người đọc có thể có bức tranh liên hoàn của quá trình chuyến biến ngoại giao từ chiến tranh sang hoà bình ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đến nay đã kết thúc gần ba mươi năm, mộ các chiến sĩ đã xanh bất chấp lòng người chưa vơi bớt nhớ thương. Trong thời gian đó, ông Mac Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống L.B. Johnson, suy nghĩ ngày đêm để tìm xem có cơ hội hoà bình nào ở Việt Nam bị bỏ lỡ hay không. Ông bà cùng nhiều tướng tá Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam và nhiều nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Mỹ sang Việt Nam trao đổi ý kiến với các cựu đối thủ của họ với lòng mong muốn cùng nhau tìm sự xác nhận rằng bên này hay bên kia đã bỏ lỡ những cơ hội kết thúc cuộc chiến tranh. Là người cùng dự hội thảo với họ, tôi thấy họ đã phân tích mọi tài liệu có thể có, lật đi lật lại các vấn đề, xem xét mọi khía cạnh trong những cuộc tranh luận cởi mở, thẳng thắn. Rất tiếc, sau nhiều cuộc gặp nhau, các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận “tranh cãi không cùng” (argument without end). Vấn đề đúng là phức tạp, lô-gích của người Việt Nam và lô-gích của người Mỹ dùng là khác nhau, nhưng chỉ có một sự thật,sao mà khó tìm thế. Chúng tôi nghĩ như mọi người rằng chiến tranh là chiến tranh và nó có quy luật của nó. Khi Johnson quyết định đưa lính Mỹ sang trực tiếp chiến đấu ở miền Nam Việt Nam và cho máy bay Mỹ trực tiếp ném bom miền Bắc Việt Nam, ông tuyên bố tại Baltimore “sẵn sàng thương lượng không điều kiện” với Hà Nội, hay khi ông quyết định đưa 500.000 quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam, ông mở chiến dịch ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, có phải ông thật sự muốn chấm dứt chiến tranh không? Trước Chúa, chắc ông cũng không dám nói thật, địch thủ của ông làm sao tin được. Nhưng dư luận Mỹ cũng như dư luận thế giới cũng hiểu rằng ông cần tỏ thiện chí hoà bình đế che giấu ý đồ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam sau khi “chiến tranh đặc biệt” thất bại. Khi chiến tranh lớn bắt đầu giữa nước Việt Nam nhỏ bé và lạc hậu và nước Mỹ siêu cường hùng mạnh, so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía Mỹ và người ta gọi đó là cuộc đấu tranh giữa David và Goliath của thế kỷ. Tất nhiên nhân dân Việt Nam phải chống lại xâm lược bằng mọi khả năng, kể cả việc tập hợp lực lượng hoà bình thế giới và Mỹ đồng tình và ủng hộ với cuộc chiến đấu tự vệ chính đáng của mình và khi đó tất nhiên họ không thể tin những “sáng kiến hoà bình” của Nhà trắng. Bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào khi chiến tranh mới nổ ra, tất cả các bên tham chiến đều tìm thêm đồng minh, tranh thủ thêm sự đồng tình làm cho so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho mình, đó là điều tất nhiên, là nhu cầu cần thiết vì như một tướng Mỹ đã nói “trong chiến tranh không gì thay thế được chiến thắng”. Nhưng cao quý hơn, đúng ra là tối cần thiết hơn chiến thắng là hoà bình, hoà bình giữa các Quốc gia, hữu nghị giữa các dân tộc. Khát vọng hoà bình của con người sâu sắc đến mức người ta cho rằng “một nền hoà bình tồi còn tốt hơn chiến tranh”.
Leave a Reply