Các đệ nhất gia đình của Mỹ nằm trong số những nhân vật có cuộc sống công tư đan xen nhau chặt chẽ nhất thế giới. Từ sự thần bí bao trùm cặp đôi Kennedy quyến rũ, đến vụ lùm xùm xoay quanh Bill và Hillary Clinton trong thời gian tổng thống bị buộc tội, đến sự hiện diện lịch sử mang tính đột phá của Barack và Michelle Obama trong Nhà Trắng, mỗi một chính quyền mới đưa đến Nhà Trắng những cặp vợ chồng độc nhất vô nhị – cùng hàng loạt thách thức mới cho những con người rất mực trung thành và luôn chăm chỉ phục vụ họ: các nhân viên tư dinh Nhà Trắng.

Không ai hiểu tổng thống Hoa Kỳ và gia đình ông ta hơn những người đàn ông và phụ nữ giúp vận hành Nhà Trắng mỗi ngày. Và đây là lần đầu tiên những câu chuyện về quãng thời gian năm mươi năm trong Nhà Trắng dưới mười đời tổng thống cùng vô số những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ được kể lại trong “Nhà trắng”. Bỏ ra hàng trăm tiếng đồng hồ để phỏng vấn các nhân viên phục vụ, hầu phòng, bếp trưởng, thợ cắm hoa, gác cửa và các nhân viên khác – cùng các cựu đệ nhất phu nhân và các thành viên khác của gia đình tổng thống –  Kate Andersen Brower, người đưa tin về nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama, cho ta một cái nhìn về một nhóm người chuyên sắp đặt những bữa tiệc tối thịnh soạn, luôn đứng chờ sẵn ở các cuộc họp với các quan chức cao cấp nước ngoài, chăm sóc cho các con nhỏ của tổng thống và đệ nhất phu nhân, và thỏa mãn mọi nhu cầu dù cao siêu hay lố bịch của vợ chồng tổng thống.

Qua giọng kể của chính các nhân viên làm việc trong tư dinh tổng thống, đôi lúc khôi hài châm biếm, thường xuyên chan chứa yêu thương, luôn hòa nhã và đầy tự hào, tôi xin giới thiệu cùng độc giả các câu chuyện của




  • Vợ chồng Tổng thống Kennedy – từ khoảnh khắc thân mật gần gũi trong đời sống hôn nhân của họ đến quãng thời gian hỗn loạn sau ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát.
  • Vợ chồng Tổng thống Johnson – nêu bật câu chuyện kỳ quái về nỗi ám ảnh của Tổng thống Johnson với hệ thống vòi sen trong Nhà Trắng.
  • Vợ chồng Tổng thống Nixon – kể cả sự xuất hiện bất ngờ của ông Richard Nixon trong căn bếp Nhà Trắng buổi sáng ngày ông từ chức.
  • Vợ chồng Tổng thống Reagan – từ đám cháy gây nguy hiểm cho ông Ronald Reagan ở cuối nhiệm kỳ hai của ông đến việc bà Nancy kiểm soát mọi chi tiết từ lớn đến bé trong Nhà Trắng.
  • Vợ chồng Tổng thống Clinton – cặp vợ chồng khiến các gia nhân đứng ngồi không yên với những trận cãi vã ác liệt cùng những màn chén bay đĩa bay của họ.
  • Vợ chồng Tổng thống Obama – cặp vợ chồng cùng khiêu vũ theo một bài hát của nữ ca sĩ da đen Mary J. Blige trong đêm đầu tiên dọn vào Nhà Trắng.
***

“Người Mỹ hiếm khi biết rõ cuộc sống bên trong Nhà Trắng thực sự ra sao. Những hình ảnh sinh động và gần gũi mà Kate Andersen Brower miêu tả về việc chăm sóc các gia đình tổng thống vì thế sẽ rất hấp dẫn các độc giả. Dù các bạn say mê chính trị hay lịch sử, hay là một fan trung thành của bộ phim truyền hình nhiều tập Downton Abbey, quyển sách này cũng sẽ giúp các bạn hiểu thêm về các vị tổng thống ở khía cạnh rất người của họ, điều mà cánh truyền thông chúng thường bỏ quên” – CHUCK TODD, người dẫn chương trình Meet the Press.

“Bằng văn phong tuyệt mỹ, Nhà Trắng – Những chuyện chưa kể cho ta một cái nhìn lôi cuốn có một không hai về những gì thực sự diễn ra bên trong cái thế giới riêng tư của Nhà Trắng. Một cuốn sách chắc chắn phải đọc!” – NORAH O’DONNELL, đồng dẫn chương trình truyền hình CBS This morning, cựu phóng viên chính đưa tin về Nhà Trắng cho CBS News.

***

KATE ANDERSEN BROWER có bốn năm đưa tin về chính quyền Obama cho hãng tin Bloomberg. Trước đây chị từng làm việc cho CBS News ở New York và Fox News ở Washington, D.C. Chị viết bài cho Washington Post, Bloomberg BusinessweekWashingtonian. Chị sống ở ngoại ô Washington, D.C., cùng chồng và hai con nhỏ. Chị có tài khoản Twitter tại địa chỉ: @katebrower.




***

Sống trong Nhà Trắng giống như đứng trên sân khấu, nơi bi hài kịch đan xen lẫn lộn. Và chúng tôi, những người giúp việc của Nhà Trắng, là dàn nhân viên hỗ trợ – Lillian Rogers Parks, phục vụ phòng kiêm thợ may của Nhà Trắng, 1929–1961, Ba mươi năm giúp việc cho Nhà Trắng.

Sống trong Nhà Trắng giống như đứng trên sân khấu, nơi bi hài kịch đan xen lẫn lộn. Và chúng tôi, những người giúp việc của Nhà Trắng, là dàn nhân viên hỗ trợ – Lillian Rogers Parks, phục vụ phòng kiêm thợ may của Nhà Trắng, 1929 – 1961, Ba mươi năm giúp việc cho Nhà Trắng.




Preston Bruce đang ngồi nghe radio trong căn bếp ở Washington D.C trong lúc ăn trưa với vợ – bữa ăn trưa duy nhất họ cùng ăn với nhau mỗi ngày – thì đột nhiên người phát thanh viên ngắt ngang chương trình để thông báo một tin khẩn cấp: tổng thống bị bắn.

Ông lập tức chồm người khỏi ghế, đầu gối đập vào bàn ăn làm mấy cái đĩa văng xuống đất vỡ nát. Khoảng một phút sau, một thông báo khác phát ra với giọng kích động hơn: tổng thống bị bắn. Tổng thống đã được xác nhận là bị bắn. Hiện chưa ai biết tình trạng ông ấy thế nào.

Không thể thế được, Bruce nghĩ thầm, ông khoác vội chiếc áo, quên không lấy cái mũ trong tháng 11 lộng gió, và nhảy lên xe lao vút ra đường. Sau lưng ông, vợ ông, bà Virginia đứng chết lặng trong bếp giữa những mảnh đĩa vỡ tung tóe trên nền nhà.




Người đàn ông điềm tĩnh thường ngày đang luồn lách giữa dòng xe cộ trên phố với tốc độ 80 km/giờ – “Tôi không biết mình đang phóng rất nhanh,” sau này ông kể lại – thì đột nhiên nghe tiếng còi cảnh sát vang lên sau lưng. Một sĩ quan cảnh sát đi mô tô cập sát xe ông ở góc đường Sixteenth Street và Columbia Road và nhảy xuống tiến về phía cửa xe.

“Sao gấp thế?” Anh ta chẳng có vẻ như muốn nghe biện minh.

“Anh sĩ quan, tôi làm việc ở Nhà Trắng,” Bruce nói không kịp thở. “Tổng thống bị bắn rồi.”




Tiếp đó là một khoảng lặng bàng hoàng. Không phải ai cũng nghe được tin chấn động này. “Đi nào,” viên sĩ quan cảnh sát nói giọng hoảng hốt và nhảy lên mô tô. “Theo tôi!” Hôm đó Bruce vinh dự được cảnh sát hộ tống đến tận cổng tây nam Nhà Trắng.

Hầu hết những người Mỹ sống năm 1963 đều nhớ chính xác họ đang ở đâu khi nghe tin Tổng thống Kennedy bị bắn. Thế nhưng tin này đặc biệt tác động đến Bruce bởi với ông, Kennedy không chỉ là tổng thống mà còn là ông chủ của ông và hơn thế nữa, một người bạn. Preston Bruce là người gác cửa ở Nhà Trắng được mọi người yêu mến. Chỉ mới sáng hôm trước, ông còn tháp tùng tổng thống cùng đệ nhất phu nhân và John John, con trai họ, đến chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến ở Bãi cỏ phía nam (South Lawn) để từ đó bay đến chỗ chiếc Air Force One ở Căn cứ Không quân Andrews. Sau khi rời máy bay, vợ chồng Kennedy sẽ tham gia chiến dịch tranh cử định mệnh kéo dài hai ngày tại năm thành phố của bang Texas. (Bé John–John, chỉ bốn ngày nữa là 3 tuổi, rất thích đi trực thăng cùng bố mẹ. Từ trước đến giờ, nó chỉ đến căn cứ Andrews là xa nhất, vì thế khi nghe nói mình không được cùng bố mẹ đi Dallas, cu cậu òa khóc nức nở. Đó là lần cuối cùng cậu bé nhìn thấy bố.)

“Tôi giao ông phụ trách mọi việc ở đây đấy,” Tổng thống Kennedy hét to với Bruce trong tiếng động cơ trực thăng ầm ĩ ở Bãi cỏ phía nam. “Ông cứ quản lý mọi thứ theo ý ông.”




Là con cháu những người nô lệ và con trai một tá điền ở South Carolina, Bruce giờ đây đã trở thành một thành viên danh dự của gia đình Kennedy, ông vẫn cùng xem phim với họ ở rạp chiếu phim của Nhà Trắng hay đứng nhìn tổng thống nô đùa với con. Ông nhăn mặt khi thấy Kennedy va đầu vào bàn trong lúc rượt đuổi bé John–John đang chạy lững chững quanh Phòng Bầu dục. (Bàn làm việc của JFK là một trong những chỗ ẩn nấp ưa thích nhất của John–John. Thỉnh thoảng Bruce lại phải lôi cậu bé ra khỏi gầm bàn trước khi bắt đầu một cuộc họp quan trọng.) Là một người trạc hơn năm mươi với dáng vóc cao gầy cùng mái tóc và cặp ria trắng sáng, Bruce thường mặc bộ complet đen gắn nơ trắng để đi làm mỗi ngày, ông tận tụy với công việc – bao gồm cả nhiệm vụ đưa các thực khách bỡ ngỡ ở các quốc yến [*] đến chỗ ngồi – đến mức tự tay thiết kế một chiếc bàn mang biệt danh “Bàn của Bruce” với mặt bàn hơi dốc để xếp các bảng tên lên đó dễ dàng hơn. Phát minh này của ông được sử dụng suốt mấy chục năm liền.

Ngày 22 tháng 11, Bruce chạy vội đến Nhà Trắng nhưng lòng vẫn chưa dám tin. “Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn cảm nhận cú sốc lan truyền khắp cơ thể,” ông hồi tưởng lại.




Sau khi đến tòa hành pháp, ông chỉ nghĩ được một điều duy nhất, đó là “phải chờ phu nhân Kennedy về,” ông cùng các nhân viên khác xúm quanh chiếc tivi trong Phòng Quản lý. Tin tức trên tivi xác nhận những gì tất cả các nhân viên Nhà Trắng đang lo sợ. Nhiều năm sau ông viết: “Hầu hết chúng tôi vẫn luôn ý thức rằng bất cứ một vị tổng thống nào rời khỏi tòa nhà 18 mẫu Anh này cũng có thể quay về trong tình trạng giống Tổng thống Kennedy.”

Khi bà Jackie Kennedy trở về Nhà Trắng lúc 4 giờ sáng trong chiếc áo vest hồng đẫm máu và bám chặt vào tay cậu em chồng Robert F. Kennedy, mặt bà trắng bệch và bình tĩnh lạ thường. “Bruce, ông đợi chúng tôi về à,” giọng bà dịu dàng như đang cố trấn an ông. “Vâng, bà biết tôi sẽ ở đây đợi bà mà, thưa phu nhân,” ông trả lời.

Sau khi nhanh chóng hoàn thành một việc ở Phòng Đông (East Room), ông đưa đệ nhất phu nhân và ngài bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ lên khu nhà riêng ở tầng hai. Trong khoảnh khắc yên tĩnh bên trong thang máy cạnh hai người thân thương nhất của Tổng thống JFK, Bruce cuối cùng đã bật khóc. Jackie và Robert cũng ôm nhau khóc theo cho đến khi lên đến tầng hai. Vào đến phòng mình, Jackie nói với Providencia Paredes, cô hầu phòng riêng và cũng là người tín cẩn của bà: “Tôi nghĩ chúng có thể đã giết cả tôi.” Cuối cùng bà cũng cởi chiếc áo thấm đẫm máu chồng ra để đi tắm.

Kiệt sức, suốt thời gian còn lại của đêm hôm đó, Bruce chỉ ngồi thẳng lưng trên ghế trong căn phòng bé tí ở tầng ba. Ông cởi áo khoác và nơ ra, sau đó mở nút cổ áo chiếc sơ mi trắng hồ cứng, nhưng không để bản thân gục ngã vì mệt mỏi. “Tôi không muốn đi nằm vì sợ lỡ phu nhân Kennedy cần đến tôi.” Lòng trung thành của ông sau đó đã được đền đáp. Sau đám tang không lâu, đệ nhất phu nhân đem tặng ông chiếc cà vạt chồng bà đã đeo trên chuyến bay đi Dallas. “Tổng thống hẳn sẽ muốn ông giữ chiếc cà vạt này,” bà nói với ông (JFK đã thay cà vạt ngay trước khi bước vào chiếc xe được hộ tống, và chiếc cà vạt đó nằm trong túi áo khoác của ông khi ông bị bắn). Robert Kennedy cũng tháo đôi găng tay của ông ra đưa cho người bạn đau buồn: “Ông hãy giữ đôi găng này,” ông nói với Bruce, “và luôn nhớ rằng tôi đã đeo nó trong đám tang anh tôi.”

Mãi đến ngày 26 tháng 11, tức bốn ngày sau vụ ám sát, người gác cửa Nhà Trắng mới chịu rời nhiệm sở để quay về nhà với vợ. Sự tận tụy của Bruce đối với công việc và đối với đệ nhất gia đình có thể được xem là rất tuyệt vời, nhưng ta không thể trông chờ điều gì ít hơn từ những người làm việc trong tòa nhà này.

***

ÍT AI BIẾT về cuộc sống của các đệ nhất gia đình nước Mỹ. Sự riêng tư của họ được bảo vệ cẩn mật bởi các trợ lý khu Cánh Tây (West Wing) cùng một đội ngũ khoảng một trăm người nằm ngoài tầm mắt mọi người: các nhân viên làm việc ở tư dinh Nhà Trắng. Những người giúp việc này dành phần lớn thời gian của họ trên tầng hai và tầng ba của tòa nhà rộng khoảng năm ngàn mốt mét vuông này. Đây là nơi mà các đệ nhất gia đình có thể thoát khỏi áp lực nặng nề của văn phòng, dù chỉ là vài giờ quý báu, để ăn tối hay xem tivi. Trong khi khách tham quan đang di chuyển dưới tầng một và những thợ ảnh nghiệp dư đang tập trung ở hàng rào vòng ngoài để quay phim bằng điện thoại di động, thì các đệ nhất gia đình tự do tận hưởng cuộc sống riêng tư của họ.

Không giống hàng tá trợ lý chính trị hăng hái trả lời phỏng vấn và phát hành hồi ký sau khi rời Nhà Trắng, phần lớn các cô hầu phòng, các nhân viên phục vụ cùng các đầu bếp, quản lý, kỹ sư, thợ điện, thợ ống nước, thợ mộc và thợ cắm hoa đang điều hành tòa nhà nổi tiếng nhất nước Mỹ này không muốn ai biết đến họ. Một nhân viên nói với tôi rằng các đồng nghiệp của ông có chung “niềm đam mê ẩn danh”. Kết quả là cái thế giới ngầm của các nhân viên Nhà Trắng vẫn luôn tràn ngập bí ẩn.

Lần đầu tiên tôi để ý đến cái thế giới này là khi, với tư cách thành viên đoàn báo chí Nhà Trắng, tôi được mời đến dự bữa tiệc trưa do bà Michelle Obama tổ chức để thết đãi nhóm phóng viên chưa đến chục người trong căn phòng ăn ấm cúng ở Tầng Khánh tiết [*] của Nhà Trắng. Trở thành Phòng ăn Gia đình cũ (Old Family Dining Room) sau khi bà Jackie Kennedy xây thêm một phòng ăn riêng trên tầng hai, nơi các đệ nhất gia đình sau này thường hay sử dụng hơn, căn phòng này nằm khuất phía bên kia Phòng Quốc yến (State Dining Room), nơi tôi từng đến đưa tin cho hàng chục sự kiện. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khu vực riêng phía bên này và thú thực là tôi cũng không biết căn phòng này tồn tại. Lối đi vào nhiều khu vực trong tòa nhà bị giới hạn nghiêm ngặt. Các phóng viên và thợ ảnh đến đưa tin ở các sự kiện chính thức – như tiệc chiêu đãi và tiệc tối ở Phòng Đông (East Room) – đều bị cách ly khỏi các khách mời Nhà Trắng bằng hàng rào dây (Hiện nay các sự kiện này thường được tổ chức trong một gian nhà trắng nguy nga ở Bãi cỏ phía nam). Và để chuẩn bị cho những bữa tiệc đông đúc này, Nhà Trắng thường tăng cường số nhân viên bằng cách thuê thêm nhân viên phục vụ bán thời gian và nhân viên dự bị.

Mời các bạn đón đọc Nhà Trắng – Những Chuyện Chưa Kể của tác giả Kate Andersen Brower.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.