Cung Đàn Báo Oán
- Tác giả : Seshi Yokomizo
- Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3
- Chuyên mục : Trinh thám
Trước hết, cần phải khẳng định lại một điều rằng, Cung đàn báo oán là một tập truyện gồm ba truyện ngắn khác nhau có tên: Cung đàn báo oán, Tiếng động lạ trong giếng nước, Án mạng ở quán Mèo Mun. Bởi cấu trúc cuốn sách như vậy nên tổng thể của tập truyện Cung đàn báo oánnói chung, mỗi truyện ở tác phẩm này nói riêng, đều không có được sự đồ sộ cả về mặt nội dung, tình tiết lẫn sự trải rộng về mặt thời gian sự kiện cùng thời gian phá án như Đảo ngục môn, Rìu, đàn, cúc hay Khúc ca tú cầu của ác quỷ, các tác phẩm thuộc thời kỳ sáng tác sau này của Yokomizo Seishi.
Nhưng Cung đàn báo oán vẫn có điểm riêng đầy cuốn hút, từ đó tạo được chỗ đứng cho tác phẩm mở đầu của cả series về thám tử Kindaichi Kosuke. Vị thám tử nổi danh trong lịch sử văn học trinh thám cổ điển Nhật Bản, cái tên đã tạo lên nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác trinh thám về sau; một bộ óc tài năng ẩn dưới vẻ ngoài có phần lôi thôi, tầm thường và là một sáng tạo văn chương độc đáo của Yokomizo tiên sinh.
Điểm riêng đấy, xuất phát từ cách dẫn truyện khá thú vị được Yokomizo Seishi sử dụng xuyên suốt ba câu chuyện: cả tập truyện được xây dựng qua hai lần mã hóa liên tiếp. Tức trọn vẹn cuốn sách Cung đàn báo oán, cấu trúc tác phẩm không đơn thuần chỉ là truyện lồng truyện, án lồng án mà còn thể loại này lồng trong thể loại kia. Từ ấy, tạo lên sự phức điệu trong giọng kể, sự đa dạng ở điểm nhìn đồng thời nối kết ba truyện ngắn riêng biệt trong cùng một tổng thể mang tên: Thám tử Kindaichi Kosuke.
Thật vậy, bản thân Cung đàn báo oán đã là một tác phẩm văn chương. Nhưng trước khi sáng tác ấy ra đời, xuất bản, chính tác giả Yokomizo Seishi đã một lần mã hóa tác phẩm bằng việc tự mình hóa thân thành một nhân vật của bộ truyện. Nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám, tên Y, đi khắp nơi thu lượm các mẩu chuyện phá án ly kỳ rồi dựng thành trước tác hoàn chỉnh. Và theo lý giải như vậy, truyện về thám tử Kindaichi cũng chỉ là một phần trong kho tàng văn chương của con người đấy.
Vì thế, ở tập truyện Cung đàn báo oán, vừa có giọng kể của “tôi”, nhân vật đứng ở điểm nhìn ngôi thứ nhất kể lại toàn bộ tiến trình anh biết tới vụ án; vừa có giọng kể của người kể chuyện, nhân vật đứng ở điểm nhìn ngôi thứ ba, điểm nhìn toàn tri hướng tới cả những tình tiết dầu là nhỏ nhất. Từ thảm án ở gia tộc Ichiyanagi, xảy ra ở làng Oka–, xóm Yamanotani, “tôi” chủ động đến tận hiện trường án mạng; tới án mạng ở gia tộc Honiden tại làng K và cỗ tử thi kinh hoàng trong quán Mèo Mun thuộc thị trấn G nhà Y “tôi” được nghe Kindaichi trực tiếp kể lại; tất cả đều được xây dựng theo cách thức đó.
Cách thức mã hóa hai tác phẩm như vậy tựa một sợi chỉ đỏ xâu chuỗi ba án mạng riêng lẻ, dù không cùng nội dung nhưng lại cùng gặp nhau ở giao điểm mang tên: Kindaichi Kosuke trong chỉnh thể một tập truyện. Đồng thời tạo cho tập truyện Cung đàn báo oán hình thức như một cuốn tiểu thuyết ba chương và đưa tới cho độc giả cái nhìn toàn diện về con người Kindaichi. Chàng thanh niên mang danh thám tử nhưng vẻ ngoài lại lôi thôi, lếch thếch cùng những thói quen kỳ lạ. Song ẩn sau vẻ ngoài ấy là óc phán đoán sắc bén, sự nhạy cảm, tinh tế mãnh liệt trước mỗi vụ án hóc búa; làm cho người đối diện, đi từ ánh nhìn hoài nghi, ngờ vực đến tin tưởng tuyệt đối vào con người vẻ ngoài bình thường mà không hề tầm thường này.
Tuy nhiên, dù xoay quanh cùng một nhân vật trung tâm trong một tập truyện thì Cung đàn báo oán vẫn là tập hợp của ba truyện ngắn với ba vụ án riêng lẻ, xảy ra ở không gian khác nhau, bối cảnh khác nhau và ba hung thủ khác nhau, đã sử dụng ba thủ pháp riêng biệt để gây án. Mà từng thủ pháp ấy như đặc trưng cho một dạng thức chung vẫn thường xuất hiện trong tiểu thuyết trinh thám. Với Cung đàn báo oán là án mạng trong phòng kín, tại Tiếng động lạ trong giếng nước là một người hai vai, còn Án mạng ở quán Mèo Mun lại là tử thi không mặt.
Nhưng dẫu có thể dễ dàng gọi rõ thể loại của mỗi vụ án mạng xuất hiện trên trang viết Cung đàn báo oán thì tác giả Yokomizo Seishi vẫn rất khéo léo trong việc dẫn dắt độc giả đến những bất ngờ liên tiếp tới tận khi tấm màn bí mật được vén lên. Và đó chính là chất riêng, khu biệt Cung đàn báo oán với các tác phẩm khác trong cùng series của Yokomizo Seishi và cả các tác phẩm trinh thám cổ điển trước kia hay cùng thời.
Như ở Cung đàn báo oán, dù là án mạng trong phòng kín nhưng cuối cùng, sự thật phơi bày trước ánh sáng lại không phải là cách thức hung thủ đã vào phòng kín gây án bằng cách nào rồi thoát ra theo phương thức gì ngay trước mắt bao người chứng kiến. Mà điểm mấu chốt lại nằm ở nạn nhân, nghi phạm cùng thủ pháp gây án kì lạ mang đầy nét ma mị: tiếng đàn tranh lạc nhịp quái dị vang lên trong nhiều đêm liên tiếp. Án mạng trong phòng kín, vừa là án mạng nhưng lại cũng không phải án mạng. Điểm độc đáo của Cung đàn báo oán chính là ở điểm này.
Hay như Tiếng động lạ trong giếng nước là trường hợp một người phải diễn hai vai: vừa là người này, cũng lại là người kia. Sự thật trong tiểu thuyết trinh thám từ cổ điển tới hiện đại, “một người hai vai” là dạng thức hết sức phổ biến, khi xuất hiện những cá nhân “vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ.” Nhưng trường hợp của Tiếng động lạ trong giếng nước, “một người hai vai” không chỉ đơn thuần như thế. Bởi vị “thám tử” trực tiếp phá giải vụ án trong câu chuyện này không phải Kindaichi mà chính là một người trong cuộc, cô bé Tsuyuro. Nhưng cũng vì là người trong cuộc, nên cô bé đã bị những ấn tượng ban đầu cùng tác động từ phía ngoài đánh lạc hướng, vô tình gán cho “hung thủ” danh tính khác. Và hung thủ, vô hình trung đã sống và đóng hai vai: vai của chính hắn và vai của người đồng đội, cũng là người em cùng cha khác mẹ đã hi sinh.
Hoặc trong Án mạng ở quán Mèo Mun, thoạt trông, đây thật sự là vụ án “tử thi không mặt” điển hình bởi cỗ thi thể lúc được phát hiện đã bị phân hủy đến không thể nhận diện gương mặt. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy bởi càng điều tra, cảnh sát càng như lạc trong mê cung danh tính nạn nhân: Shige hay Ayuko và hung thủ, là Ayuko hay Shige? Bởi, vụ án này, ngoài mang hình thức tử thi không mặt còn chứa đựng yếu tố “một người hai vai” khi hung thủ thật sự đã lợi dụng điểm mù của cả nạn nhân lẫn người điều tra để diễn trọn hai vai đúng “vừa là nạn nhân – vừa là hung thủ”.
Chính chất riêng trong nét chung đã làm nên sự độc đáo cho ba vụ án xuất hiện trên trang văn Cung đàn báo oán. Nhất là khi ba câu chuyện không quá dài nên tính cô đọng, hàm súc, tiết tấu tác phẩm cũng nhanh chóng được đẩy lên cao trào. Và tất cả, càng góp phần tăng thêm chất “cổ điển” cho cuốn truyện trinh thám vốn đã mang đậm chất truyền thống ở lối viết tỉ mỉ trong cách hành văn, ở mỗi tấm sơ đồ được vẽ chi tiết này.
Trước khi bắt tay viết câu chuyện này, bỗng dưng tôi lại muốn ngó qua dinh thự là nơi vụ án kinh hoàng kia đã xảy ra. Nên một chiều đầu xuân, tôi chống ba toong rời nhà, làm chuyến tản bộ tới đó.
Tôi sơ tán về vùng nông thôn tỉnh Okayama này từ tháng Năm năm ngoái. Ở đây, hễ gặp dân làng, tôi lại được nghe kể về vụ án tiếng đàn sát nhân xảy ra với gia tộc Ichiyanagi.
Vốn dĩ khi biết tôi là nhà văn trinh thám, mọi người thường kể cho tôi những vụ án giết người mà họ được mắt thấy tai nghe. Dân ở đây cũng vậy, song tình cờ tất cả luôn nhắc tới cùng một vụ. Thế thôi là đã đủ thấy vụ án này để lại ấn tượng sâu đậm nhường nào với dân địa phương. Tuy nhiên nhiều người trong số họ lại chưa biết đến điều kinh hoàng nhất của vụ án.
Trong những vụ án tôi từng nghe, chẳng có mấy vụ thực sự thú vị như người kể tưởng, hay ít nhất là tôi chưa gặp được vụ nào đáng đem ra làm tư liệu viết tiểu thuyết. Tuy nhiên vụ này thì khác. Mới qua vài chi tiết vụn vặt, tôi đã rất hứng thú. Đến khi biết được chân tướng sự việc qua một người tường tận là anh F, tôi càng phấn khích hơn. Nó hoàn toàn khác với các vụ giết người thông thường, bởi kế hoạch của hung thủ vô cùng tỉ mỉ, hơn nữa còn là “án mạng trong phòng kín”.
Nhà văn trinh thám nào chẳng muốn một lần viết về “án mạng trong phòng kín”. Thật khó cưỡng lại mong muốn phá giải vụ giết người xảy ra trong căn phòng nội bất xuất ngoại bất nhập, nên phần lớn họ đều thử sức với đề tài này ít nhất một lần. Theo lời anh bạn đáng kính Inoue Eizo[1], các tác phẩm của Dickson Carr[2] đều là biến thể của “án mạng trong phòng kín”. Tôi cũng mang danh nhà văn trinh thám, nên định sẽ thử sức khi có dịp. May thay, giờ tôi đã có cơ hội mà chẳng phải tốn công tốn sức. Xem ra tôi phải cảm ơn tên hung thủ tàn nhẫn máu lạnh, kẻ đã dùng phương cách đáng sợ để đâm đôi nam nữ kia.
Lúc mới nghe chân tướng vụ án, tôi liền lục lại kí ức, xem trong số tiểu thuyết từng đọc đã xuất hiện tình tiết tương tự chưa. Đầu tiên là Bí mật căn phòng vàng của Leroux[3]. Sau đó đến Những chiếc răng cọp của Leblanc[4], Án mạng Canary[5] và Án mạng Kennel[6] của Van Dine[7], Vụ mưu sát tại biệt thự Plague Court[8] của Dickson Carr. Cuối cùng là một biến thể của án mạng trong phòng kín, Vụ thảm sát gia đình Angells[9] của Scarlett[10]. Nhưng tình tiết trong những tiểu thuyết ấy đều khác hẳn vụ này. Phải chăng hung thủ đã đọc hết chúng, giải mã từng thủ đoạn, rồi nhặt ra các yếu tố cần thiết, từ đó xây dựng cho mình một cách thức hoàn toàn mới? Dám lắm chứ!
Nếu so sánh thì vụ án này có nhiều điểm tương đồng nhất với Bí mật căn phòng vàng. Tuy nhiên, điểm giống không phải chân tướng sự việc, mà là bầu không khí tại hiện trường. Gian phòng trong vụ án này không dán giấy tường màu vàng, mà thay vào đó, từ cột trụ, trần nhà cho đến xà ngang, cửa chớp đều sơn màu đỏ son. Thật ra nhà màu đỏ son không hiếm ở vùng này. Căn nhà tôi đang ở cũng thế, chỉ khác là khá cũ nên đã ngả sắc đen. Còn gian phòng hiện trường thì vừa được sơn sửa trước khi vụ án xảy ra, nên lúc đó hẳn vẫn đậm sắc đỏ. Chiếu và cửa trượt còn mới tinh, lại thêm bình phong dát vàng quây trước đôi nam nữ nằm trong vũng máu. Quang cảnh xem chừng vô cùng ấn tượng.
Ngoài ra, tiếng đàn tranh xuyên suốt vụ án cũng là yếu tố bí ẩn lôi cuốn tôi. Mỗi lần xảy ra chuyện, tiếng đàn đều vang lên điên cuồng! Tôi vốn không bỏ được tính lãng mạn sến sẩm, nên thấy chi tiết đó có sức hút cực kì khó cưỡng. Giết người trong phòng kín, căn phòng tuyền đỏ son, và tiếng đàn… Vụ án này có quá đủ yếu tố để trở thành tiểu thuyết, nên nếu không viết ra, tôi thật chẳng đáng mặt nhà văn nữa.
Hơi lan man rồi. Nhà tôi cách hiện trường vụ án là dinh thự gia tộc Ichiyanagi khoảng mười lăm phút đi bộ. Dinh thự nằm ở làng Oka—, xóm Yamanotani. Y như cái tên, xóm này có ba mặt giáp núi[11], núi non không cao lắm, uốn lượn tựa chân loài sao biển vươn ra vùng đồng bằng. Và ở một mũi chân của sao biển chính là dinh thự rộng lớn của gia tộc Ichiyanagi.
Phía Tây dãy núi “chân sao biển” kể trên có một dòng suối, còn phía Đông là con đường nhỏ dẫn sang làng Ku—, xuống tới vùng đồng bằng không bao xa thì dòng suối giao với con đường, tạo nên khu đất hình tam giác méo mó, diện tích hơn sáu nghìn năm trăm mét vuông. Dinh thự gia tộc Ichiyanagi nằm trên khu đất đó, Bắc giáp rìa núi, Tây sát dòng suối, Đông nhìn ra con đường dẫn tới làng Ku—. Cổng chính của dinh thự dĩ nhiên hướng ra con đường này.
Đầu tiên, tôi đi đến trước cổng chính của dinh thự. Cánh cổng lớn màu đen gắn nhũ sắt[12], hai bên là tường bao sừng sững, dài hơn hai trăm mét. Nhòm qua cổng thì thấy bên trong lớp tường ngoài còn một lớp tường nữa che kín khuôn viên dinh thự. Quả là nhà quyền thế.
Tôi bèn vòng sang mạn Tây, men theo dòng suối ngược lên phía Bắc. Đến chỗ cuối bức tường bao, tôi băng qua cây cầu đất đằng sau cái guồng nước hỏng để lên vách núi nằm ở phía Bắc, nơi có một rừng tre. Tôi len vào bụi tre rậm rạp ở rìa vách để nhìn về phía Nam. Cảnh trí khu dinh thự thu hết vào tầm mắt.
Trước hết, tôi để mắt tới mái căn biệt thất nằm ngay dưới vách núi. Án mạng xảy ra ngay dưới lớp mái này. Nghe nói đây vốn là nơi gia chủ đời trước xây để ẩn cư dưỡng già. Bên trong có một gian tám chiếu và một gian sáu chiếu. Biệt thất dẫu nhỏ song vẫn là nơi ẩn cư, nên sân vườn được thiết kế rất kì công, từ Nam qua Tây bày trí nhiều cây cảnh và non bộ tới mức hơi quá đà.
Chuyện về biệt thất sau này tôi sẽ kể chi tiết hơn, còn giờ thì phóng tiếp tầm mắt về phía Nam sẽ thấy căn nhà chính một tầng rộng rãi quay mặt về hướng Đông, tiếp đến là nhà của chi thứ, nhà kho hay lán nằm không theo quy tắc. Nhà chính được ngăn cách với biệt thất bằng hàng rào tre, thông nhau chỉ qua một cánh cửa tre nhỏ. Cả rào lẫn cửa tre giờ đều đã hư hỏng nặng, không sao nhìn ra hình dạng ban đầu, nhưng lúc vụ án xảy ra thì hẵng còn mới và kiên cố. Chính chúng đã ngăn mọi người từ nhà chính ập tới hiện trường ngay sau khi nghe thấy tiếng la hét.
Vậy là đã nhìn bao quát xong một lượt dinh thự gia tộc Ichiyanagi nên tôi rời bụi tre, qua ủy ban làng Oka—.
Ủy ban nằm ở mé Nam của làng, mấy dãy nhà dân chạy tới đây là hết. Từ đây đi tiếp về phía Nam cho tới khi gặp làng Kawa sẽ toàn là đồng ruộng. Giữa các cánh đồng là con đường thẳng tắp, rộng độ ba, bốn mét. Cứ thẳng đường này đi bộ khoảng bốn mươi phút sẽ tới ga tàu hỏa, Vì thế, những người ngồi tàu tới đây sau đó muốn vào làng thì kiểu gì cũng phải đi theo con đường này, qua phía trước ủy ban.
Đối diện ủy ban là một căn nhà có phần nền đất[13] rộng, mặt ngoài lắp cửa kính thô sơ. Đây vốn là một tiệm cơm nhỏ, nơi nghỉ chân dành cho dân thồ hàng bằng ngựa. Tiệm cơm này liên hệ mật thiết với vụ án mạng xảy ra tại dinh thự Ichiyanagi, bởi là nơi đầu tiên người đàn ông bí ẩn với bàn tay phải chỉ có ba ngón ghé vào.
Chuyện bắt đầu vào chiều tối 23 tháng Mười một năm 1937, hai ngày trước khi án mạng xảy ra.
Bên ngoài tiệm cơm, bà chủ tiệm ngồi ghế gấp, đang tán gẫu với một cán bộ ủy ban và một dân thồ hàng là khách quen. Bỗng từ hướng làng Kawa có người đàn ông lê bước tới.
“Xin hỏi đi lối nào thì tới được nhà Ichiyanagi ạ?”
Đang nói dở câu chuyện, nghe hỏi, bà chủ tiệm, viên cán bộ ủy ban và tay dân thồ hàng bèn cùng quan sát trang phục của người đàn ông rồi nhìn nhau. Cả ba đều thấy lạ vì hắn có vẻ ngoài vô cùng nhếch nhác, chẳng ra dáng có quan hệ với gia tộc lớn như Ichiyanagi chút nào. Đầu đội mũ tai bèo nhăn nhúm, mặt đeo khẩu trang to, tóc tai bờm xờm thò ra bên dưới mũ, râu ria lởm chởm từ cằm lên tới má, dáng vẻ cực đáng nghi. Hắn không mặc áo khoác nhưng cổ chiếc áo đang mặc lại cài kín như sợ lạnh. Áo quần đầy bụi bẩn, vị trí khuỷu tay và đầu gối bị mài đến bạc phếch. Đôi giày há mõm, bụi bám trắng bệch. Trông hắn cực kì mệt mỏi, tuổi độ trên dưới ba mươi.
“Nhà Ichiyanagi đằng kia kìa, nhưng cậu tìm nhà ấy có việc gì?”
Trước ánh nhìn chòng chọc của viên cán bộ ủy ban, người đàn ông chớp mắt như bị chói, miệng lẩm bẩm gì đó sau lớp khẩu trang.
Đúng lúc ấy, cũng từ hướng làng Kawa—, một chiếc xe kéo chạy ngang qua. Bà chủ tiệm thấy thế liền bảo, “Này cậu gì ơi, gia chủ nhà Ichiyanagi mà cậu hỏi vừa mới đi qua đấy.”
Ngồi trên xe là một người đàn ông trạc tứ tuần, da ngăm, vẻ mặt nghiêm nghị. Anh ta mặc âu phục đen, ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng, không hề ngó ngang liếc dọc. Má hóp, mũi thẳng cao, trông qua có vẻ khó gần.
Đó chính là Kenzo, gia chủ nhà Ichiyanagi. Chiếc xe kéo chở anh ta chạy ngang qua trước mặt mấy người kia rồi mất hút ở ngã rẽ.
“Bà chủ này, nghe nói gia chủ nhà Ichiyanagi sắp lấy vợ. Có thật không?” Không thấy bóng dáng xe kéo đâu nữa, tay dân thồ hàng mới hỏi.
“Thật đấy. Nghe bảo ngày kia là tổ chức đám cưới rồi.”
Mời bạn download ebook Cung Đàn Báo Oán ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog
- Đừng quên like hoặc share ebook nếu bạn thấy hay nhé!
- Fanpage : https://www.facebook.com/tieudaoblog
- Bộ sưu tập sách hay : https://tieudao.info/bosuutapsach ( Nếu bạn muốn biết bản thân cần đọc loại sách gì thì hãy xem những bộ sưu tập sách được gợi ý )
Chia sẻ ý kiến của bạn