Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, có thể nói lạm phát là đề tài luôn dành được sự quan tâm thường xuyên và to lớn từ tất cả mọi người: giới học thuật, các Chính phủ và các cơ quan điều tiết, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động v.v… Lạm phát gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và theo đó là hành vi kinh tế của tất cả chúng ta. Cuốn sách này nói về chính đề tài luôn nóng bỏng này – lạm phát ở nước Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây chính là một khoảng trống lớn trong lịch sử nước Mỹ. Trong tác phẩm đầy tính thách thức này, theo tác giả Robert J.Samuelson – một phóng viên chuyên mục của Washington Post và Newsweek – cuộc Đại Lạm phát là sai lầm chính sách tệ hại nhất của nước Mỹ trong giai đoạn sau Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi chính trị, kinh tế cũng như đời sống hàng ngày tại đất nước này, thế nhưng câu chuyện về nó lại chưa hề được lắng nghe hay quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn kinh tế bất ổn hiện nay, chúng ta lại càng cần phải tìm hiểu cho rõ những gì đã xảy ra vào những năm 1960 và 1970, nếu không muốn lặp lại những sai lầm đã qua!
Từ 1960 đến 1979, lạm phát tại Mỹ đã leo thang từ mức hơn 1% lên gần 14%. Đây là giai đoạn lạm phát trong thời bình lớn nhất tại Mỹ, gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của tất cả mọi người. Những hậu quả trực tiếp của đợt lạm phát này bao gồm việc Ronald Reagan đắc cử Tổng thống năm 1980, sự trì trệ trong mức sống, cùng với niềm tin phổ biến rằng sức mạnh siêu cường của nước Mỹ đang đi vào hồi kết. Tác phẩm Cuộc Đại Lạm phát và những hệ lụy truy tìm căn nguyên của thời kỳ lạm phát bùng nổ lên mức hai chữ số, sự sụt giảm tiếp theo của lạm phát trong giai đoạn suy thoái 1981-1982 do quyết tâm và đường lối của Cục Dự trữ Liên bang (FED), với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tổng thống Reagan.
Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự kết thúc của lạm phát cao lại châm ngòi cho những thay đổi về kinh tế và xã hội hiện vẫn đang hiện diện cùng chúng ta ngày hôm nay. Các bong bóng nhà đất và chứng khoán là những hậu quả trực tiếp, ngoài ra còn có những hậu quả khác như doanh nghiệp Mỹ trở nên có năng suất cao hơn, ít bảo vệ người lao động hơn, và toàn cầu hóa được khuyến khích.
Theo tác giả Robert J.Samuelson, chúng ta sẽ không thể hiểu thế giới ngày nay nếu như không hiểu cuộc Đại Lạm phát và những hệ lụy của nó. Chúng ta cũng không thể chuẩn bị tốt cho tương lai nếu không học được những bài học từ thời gian này. Tác phẩm sắc sảo và nhiều thông tin này xứng đáng là một bản tổng kết có giá trị về một sự kiện quan trọng trong thời đại của chúng ta.
Leave a Reply