Dạ khúc là một chuỗi năm truyện ngắn không liên quan về tình tiết, nhưng hợp lại thành tổng thể quanh một chủ đề chung: “âm nhạc và đêm buông”.
Xuất hiện trong Dạ khúc là một dàn nhân vật toàn cầu với những câu chuyện đặt trong những bối cảnh khác nhau. Một nhạc công ghi ta quê Đông Âu chật vật tìm chỗ đứng ở quảng trường Venice. Một nhóm bạn bè đại học gặp lại nhau ở London khi tuổi trẻ đã gần cạn, nhớ lại thời sinh viên xa xôi giữa tình yêu âm nhạc và những say mê lý tưởng. Một nhạc sĩ trẻ trốn nền công nghiệp âm nhạc London về khu đồi Malvern của tuổi thơ mình, tình cờ gặp gỡ cặp vợ chồng nhạc công Thụy Sĩ.
Một tay kèn saxo Mỹ tài cao nhưng phận thấp, đụng độ giới giao tế trong khách sạn ở Beverly Hills. Một nghệ sĩ cello Hungary ôm mộng thiên tài giữa lúc dùng tiếng đàn kiếm miếng ăn. Những con người thuộc những giai tầng xã hội rất khác, được kết nối với nhau, và với người đọc, bằng âm nhạc – thứ ngôn ngữ quốc tế chung cho mọi tâm hồn.
Nhưng đó không phải thứ âm nhạc công cộng hoành tráng hay âm nhạc thính phòng sang trọng, mà là âm nhạc vào thời khắc lặng lẽ, chiêm nghiệm riêng tư. Trong mỗi câu chuyện có sự đụng chạm rất khẽ giữa hai thế giới: thế giới cá nhân nhỏ bé nhưng chân thực, nơi các ước vọng hoài bão còn ấp ủ, và thế giới của thành công, hào nhoáng, nơi các ước vọng đã thành hiện thực, nhưng cũng có quá nhiều điều có thể mất đi. Nỗi lưu luyến của mỗi nhân vật với thế giới thứ nhất, và khao khát nhưng e dè trước thế giới thứ hai, khiến ta nhớ lại bài hát của cô bé trong Mãi đừng xa tôi, và khiến mỗi câu chuyện đều nhuốm một vẻ buồn rầu dịu ngọt.
Ishiguro từng theo đuổi âm nhạc thời trẻ, chơi nhạc đường phố trong ga điện ngầm ở Paris và gửi băng thu thử cho các hãng đĩa, khi đã thành nhà văn nổi tiếng, ông còn tham gia sáng tác cho một album nhạc jazz. Trong các tiểu thuyết của ông, âm nhạc vẫn thường xuất hiện làm bối cảnh phụ, hoặc một chi tiết quan trọng trong cốt truyện. Nay với Dạ khúc, Ishiguro được dịp khám phá trọn vẹn nỗi đam mê ngày trước, và ý nghĩa của nó trong đời sống của những con người hàng ngày mà mỗi độc giả đều có thể thấy mình trong đó.
Về tác giả Kazuo Ishiguro
Kazuo Ishiguro là một trong những nhà văn hàng đầu trong nền văn chương Anh đương đại. Sinh 8/11/1954 tại Nagasaki, gia đình ông chuyển tới Anh sống năm 1960, nơi ông lấy bằng cử nhân rồi thạc sĩ về sáng tác văn học. Năm 1982, Ishiguro chính thức nhập tịch Anh, cho ra đời tiểu thuyết đầu tay A Pale View of Hills, trở thành một cây bút trẻ sáng giá “ngang với Martin Amis, Salman Rushdie và Ian McEwan” (The Guardian).
Hai cuốn sách đầu tiên của ông đều lấy bối cảnh ở Nhật, cuốn thứ hai, An Artist of the Floating World (1986), bắt đầu chuỗi giải thưởng dồn dập đổ xuống ông. Bốn trên sáu tiểu thuyết của Ishiguro đã được đề cử Booker, gần nhất là Never Let Me Go (2005, Nhã Nam ấn hành 2008 dưới tên Mãi đừng xa tôi) chỉ đứng sau cuốn Biển của John Banville. Cuốn sách được giải thực sự là The Remains of the Day (1989), được dựng thành phim năm 1993 có Anthony Hopkins và Emma Thompson đóng với 8 đề cử Oscar.
Kazuo Ishiguro có viết truyện ngắn rải rác trên các báo, nhưng Dạ khúc là tập truyện ngắn đầu tiên của ông. Đây cũng là cuốn sách mới nhất ông xuất bản năm 2009.
Leave a Reply