Sau bản Tuyên-ngôn độc-lập của Huê-kỳ (1776) và bản Tuyên-ngôn nhân-quyền của Pháp (1789), người ta đã tưởng nhân loại bắt đầu bước vào một kỷ-nguyên mới, kỷ-nguyên Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Nhưng từ đó đến nay đã gần hai thế-kỷ, kỷ-nguyên mới đó vẫn chưa thấy hé màn, và bây giờ không ai nhắc tới nó nữa mà chỉ nói đến kỷ-nguyên Nguyên-tử, một kỷ-nguyên mà hai trái bom nổ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã hứa hẹn cho nhân loại rất nhiều. Cái kỷ-nguyên trong đó chúng ta đương sống quả thực là nguyên-tử ! Đại-chiến thứ nhất mà bốn chục năm trước người ta tưởng là chiến-tranh cuối cùng của nhân loại, đã tàn khốc một cách kinh-khủng, nhưng so với đại-chiến thứ nhì chỉ là một trò đấm đá của con nít bên cạnh một cuộc đấu võ của các lực-sĩ « hạng nặng ». Và không ai dám tưởng tượng, mà cũng không ai có thể tưởng-tượng được nếu có đại chiến thứ ba thì đại chiến nầy so với đại chiến thứ nhì sẽ ra sao. Nhân sinh kỷ-hà ! Rán quên đi, bạn ạ ! Chúng ta bất lực, hoàn toàn bất lực. Vả lại còn có điều đáng cho ta nghĩ tới hơn.
Nghệ-thuật chiến tranh dù tiến mạnh tới bực nào cũng không làm cho ta tởm bằng cái nghệ-thuật độc-tài. Vài ngàn trái bom làm tiêu diệt cả nhân loại trong nháy mắt, kể cũng đáng ghê thật, nhưng ai nấy đều chết thì là hết, có gì mà lo buồn ? Chứ hành-động của một bọn bắt hàng chục hàng trăm triệu người phải theo đường lối của mình, chẳng kể phải trái, hễ không phục tòng thì đầy, thì chém, thì bắn, thì cho vào lò thiêu, vào phòng điện… những hành-động đó mới thực đáng kinh. Chiến-tranh chỉ giết người, chính sách độc tài mới làm con người thành nô lệ. Mà nghệ-thuật độc tài từ đầu thế kỷ đến nay, tiến một cách mãnh liệt phi thường, đến nỗi Tần Thủy Hoàng có sống lại mà coi bọn phát-xít « trị » dân, tất cũng phải xanh mặt và than : « Ôi ! hậu sinh khả úy ». Hitler, Mussolini đã chết, nhưng cái nòi độc tài đâu đã tuyệt hẳn ? Từ đông qua tây, biết bao người vẫn lăm lăm nắm cơ-hội để nối gót hai hung thần ấy. Chính đó mới là mối nguy của nhân loại. Dù da trắng hay da vàng, da đen hay da đỏ, chúng ta đều có thể nhất đán thành nô lệ hết, có tai mà không dám nghe, có miệng mà không dám nói, và cứ phải nhẫn-nhục cúi đầu, vâng vâng dạ dạ để một nhóm người sai khiến.
Trước cái nguy đó, nhiều nhà tư tưởng tỏ vẻ thúc thủ, và chỉ còn trông mong ở thế hệ sau tức như ông Arnold Gesell, là một. Nhà bác học nổi danh ở Huê Kỳ, chuyên tâm nghiên cứu trẻ em ấy đã viết trong bài tựa cuốn Infan from 5 to 10 : « Tuổi thơ là hy-vọng độc nhất còn lại cho nhân loại ». Ông cho rằng muốn có một chế độ thực sự tự do và dân chủ thì phải sửa đổi nền giáo dục trước hết. Không phải cứ tuyên ngôn tự do mà nhân loại được tự do ; cũng không phải cứ san phẳng giai cấp mà nhân loại được bình đẳng ; cũng không phải cứ hô hào bác ái mà nhận loại bác ái. Con người có được dạy dỗ, đào-tạo ngay từ hồi nhỏ theo những phương-pháp tự do, bình-đẳng bác ái, có được thấm nhuần không khí tự do, bình đẳng, bác ái trong ít nhất là năm ba thế hệ liên tiếp rồi mới có thể hành động theo quy tắc tự do, bình đẳng bác ái được. Nghĩa là vấn đề giáo dục quan trọng nhất. Ta không thể mong con ta thành những người chỉ huy trọng tự do, bình đẳng, bác ái nếu ta dùng phương pháp độc đoán để nhồi nặn chúng, bắt chúng hoan hô những kẻ chúng khinh bỉ, và ngày ngày tụng những lời thù oán và gây hấn.
Mà phương-pháp giáo-dục cổ điển của Á Đông cũng như Âu Tây là phương-pháp độc đoán đó. Tôi không phủ-nhận thiện-chí của người xưa, nhưng cái lối uốn nắn trẻ theo một mẫu-mực mà người lớn đã định trước, không gây được hạnh-phúc cho nhân loại. Từ đầu thế-kỷ, nhiều nhà giáo, nhà tâm-lý ở Âu-Mỹ đã bỏ phương-pháp đó, tự thích nghi với trẻ, chứ không bắt trẻ phải thích nghi với mình nữa. Muốn thích-nghi với chúng, họ tìm hiểu sinh-lý và tâm-lý của chúng. Họ dò dẫm từng bước, và gần đây ông Arnold Gesell sau nhiều năm chung sức nghiên-cứu với bạn bè, đã tìm được ít nhiều luật phát triển của trẻ. Những luật đó, được các nhà giáo-dục Âu-Mỹ dùng làm cơ-sở cho phương-pháp giáo-dục mới, mà người ta gọi là phương pháp « thuận phát » (développementalisme). Theo phương pháp nầy, nhà giáo dục không được độc đoán như hồi xưa, cũng không được cho trẻ phóng túng muốn làm gì thì làm như J.J. Rousseau, Léon Tolstoi, đã chủ-trương, mà phải tùy theo luật phát-triển về sinh-lý và tâm-lý của trẻ để hướng dẫn chúng, sửa chữa chúng, giúp chúng thành những người biết tự trọng và trọng kẻ khác. Tóm lại, giáo dục ngày nay không phải chỉ là vấn-đề luân-lý nữa – nếu chỉ là vấn-đề luân-lý thì một tập Gia huấn ca của Nguyễn-Trãi hay một bài Trị gia cách ngôn của Chu bá Lư là đủ dùng rồi – mà là một vấn đề tâm-lý ; và các bậc cha mẹ cùng thầy dạy phải tìm hiểu trẻ về mọi phương-diện, tìm hiểu bằng cách nhận xét, đọc sách, thí nghiệm.
Tôi soạn cuốn nầy và cuốn Tìm hiểu con chúng ta chính là để giúp độc giả trong công việc tìm hiểu ấy.
Khu vực mênh-mông, không thể nào đi khắp được, cho nên ở đây tôi chỉ nghiên-cứu ít điểm căn bản mà chúng ta phải hiểu rõ để cải thiện cách dạy trẻ, rồi, trong cuốn sau, sẽ tóm-tắt những phương-pháp mà các tâm-lý gia dùng để dò xét trẻ và những kết quả của công cuộc dò xét ấy.
Khoa giáo-dục rất khó-khăn và phức-tạp. Không có ai dám tự hào là nắm được bí quyết ; cũng không có phương-pháp nào gọi là hoàn toàn. Xét cho cùng thì ở đời không có lý thuyết nào hoàn toàn được, vì nếu nhận là hoàn toàn tức thị là không tiến nữa, mà có ai dám nghĩ rằng từ nay đến khi bị tiêu diệt, nhân loại đứng hoài một chỗ trong một khu vực nào đó không ? Chẳng qua lý-thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi.
Vậy phương-pháp « thuận phát » mới được khai sanh đây tất nhiên không thể hoàn toàn, và nhiều lời khuyên trong cuốn nầy không thể là những quy tắc bất di bất dịch. Bạn chỉ nên coi nó như những lời dẫn dụ, đừng theo đúng nghĩa từng chữ một. Bạn phải có tinh-thần thí-nghiệm lại và phê-phán. Bản phải tự nhủ : « Người phương Tây đã thí-nghiệm và thấy kết-quả đó ; thử xem ở nước mình đúng hay không ? ». Bạn lại nên nhớ rằng về giáo dục, có khi quy-tắc tốt mà thất bại vì vấn-đề người dạy vẫn là quan-trọng hơn hết. Không sáng suốt, không kiên nhẫn, không biết thích-nghi thì phương pháp hoàn thiện cũng là vô dụng. Có nhớ hai điều đó thì đọc cuốn sách nầy mới có ích.
Saigon, ngày 11-4-1958