Dịch Học khái quát ( Tác giả : Trừ Mê Tín )
Trời Đất vạn vật nói chung là một đại vũ trụ và con người là một tiểu vũ trụ và cũng hàm chứa Âm Dương và Ngũ Hành. Khởi đầu là Thái Cực, chưa có sự biến hóa. Thái Cực này vận động biến thành hai khí Âm và Dương. Hai khí Âm Dương luôn luôn chuyễn hóa làm cho Vũ Trụ động và vạn vật sinh tồn. Người ta thường nói: Thái Cực thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Chú ý rằng “thị sinh” ở đây không có nghĩa là từ cái “không” mà sinh ra cái “có”, mà có nghĩa là đã có sẵn trong đó rồi, và có thể nhận thấy được khi phân hai (sinh) mà hoạt động. Thái (lớn quá, cao xa quá) Cực (là chỗ tận cùng, chỗ chấm dứt, và cũng có nghĩa là rất lắm, quá nhiều, quá lớn) là nguyên lí tạo dựng và chi phối Vũ Trụ. Lí Thái Cực là lí Nhất Nguyên Lưỡng Cực có nghĩa là một nơi (Nhất Nguyên) khi nói chung (khi bất động) có hai phần Âm Dương (Lưỡng Cực) khi nói riêng ra (khi hoạt động). Nói ngược lại thì sự hoạt động của Âm Dương là cái lí của Thái Cực. Toàn thể cuộc Trời Đất này (Vũ Trụ) sinh tồn là do lí Thái Cực, và mọi vật đều do Âm Dương tác tạo, nên cũng có một lí Thái Cực cho riêng mình. Âm Dương là khí vô hình, có hai phần khác nhau là Dương và Âm để bù đắp cho nhau mà sinh động lực.
Hai khí Âm Dương giao tiếp tuần hòan sinh hóa ra vạn vật theo 4 trạng thái phát triển và suy tận được gọi là Tứ Tượng (Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm). Tứ Tượng lại sinh Bát Quái. Bát Quái là tám tướng chính của Âm Dương, sinh hóa ra 5 khí chất chính là Ngũ Hành. Theo Đổng Trọng Thư thì “Khí của trời đất, hợp thì là một, chia thì là Âm và Dương, tách ra làm bốn mùa, bày xếp thành Ngũ hành.”Âm Dương là một, nhưng Âm Dương thiên biến vạn hóa (Bất Trắc) để sinh Ngũ Hành, và với tính cách tương phản tương thành đã sinh hóa vạn vật, muôn lòai, tạo ra một chuỗi nhân quả liên tục không dứt. Vạn vật trong Vũ Trụ này sở dĩ có được là do sự Diệu Hợp Nhị Ngưng, phối hợp với nhau một cách kỳ diệu mà ngưng đóng lại của nhị ngũ (2, 5) tức Âm Dương Ngũ Hành từ Hình Nhi Thượng (khí năng, khí chất vô hình) qua Hình Nhi Ha (Thể Chất, Hữu Hình). Khi biến thì Hình hóa, ở Trời là Tượng, ở Đất là Hình. Âm Dương chuyển hóa, tiêu trưởng, thuận nghịch, đắp đổi cho nhau sinh ra Ngũ Hành, tạo nên vạn vật. Thái Cực động thì sinh Dương, động cực thì Tịnh, Tịnh thì sinh Âm, Tịnh cực thì lại động, một Tịnh một động cũng làm căn bản cho nhau, đó là trở về cái gốc (Hổ Vi Kỳ Căn).
CÁC QUI LUẬT BIẾN ĐỘNG CỦA VẠN VẬT
Các hiện tượng của Vũ Trụ chỉ là trạng thái khác nhau trong vòng Sinh Tử, Tử Sinh (tức là Thành Thịnh Suy Hủy, Thành Trụ Họai Không, Sanh Lão Bệnh Tử) của vật thể biến động. Tư tưởng Đông Phương cho rằng Vũ Trụ có một mãnh lực vô hình chu du khắp không gian và thời gian gọi là Thái Cực, tác động do hai trạng thái động Tịnh của chính mình, tức là hai khí Âm Dương, đễ biến hóa muôn lọai, tạo ra một cuộc sống động và vĩnh cữu. Đó là lí Nhất Nguyên Lưỡng Cực, tức lí Thái Cực, Âm Dương. Khởi thủy, vua Phục Hi đã vạch và xếp Tiên Thiên Bát Quái và 64 trùng quái đễ biểu tượng cho Âm Dương chuyển hóa, rồi tìm hiểu và sự sinh khắc chế hóa của Ngũ Hành, do tác động của Âm Dương sinh ra, biểu hiện nơi các con số trên Hà Đồ. Đầy cả khỏang Trời Đất này duy chỉ có một cái lí ấy mà thôi, lí ấy là lí tự nhiên, lí của Thái Cực. Lí ấy nằm trong Tượng, nghĩa là trong các hào quái đã được dựng nên để biểu tượng cho sự chuyển hóa của Âm Dương. Sự chuyển hóa của Âm Dương là cái lí của Thái Cực. Âm Dương chuyển hóa tạo ra Ngũ Hành Khí, biểu hiện bởi các con số nằm trong Hà Đồ và Lạc Thư. Thái Cực là Lí tự nhiên, Hào Quái là Tượng của Âm Dương, Hà Đồ và Lạc Thư là số của Ngũ Hành. Có lí thì có Tượng, có Tượng thì có Số. Vũ trụ vạn vật chỉ có một cái lí chung và duy nhất nhưng mang nhiều Tượng Số, do đó mà mọi vật có từng nhóm số. Mọi vật đều có một Thái Cực (Các hữu Thái Cực), nghĩa là mọi vật, cũng như con người, đều là một tiểu Vũ Trụ, Vũ Trụ có tính chất nào, tính cách nào thì mọi vật cũng có như vậy. Vua Phục Hi và các người đời sau đều đã dùng Tượng Số ấy mà tìm hiểu Vũ Trụ trong mọi quan hệ với nhân sinh. Vũ trụ và nhân sinh có mới liên hệ nhất quán, chỉ khác nhau ở chỗ cao thấp, thanh trọc, lớn nhỏ mà thôi. Đó là Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, đó là Thiên Nhân tương dữ và tương hợp. Lẽ Trời sao thì lẽ người vậy, việc trời sao thì việc người vậy.
Vạn vật đều biến động đổi dời tuân theo các qui luật như luật Biến Hóa, luật Tương Sinh Tương Khắc (Tướng Phản tương Thành), luật Tiêu Trưởng, luật Tương Ứng Tương Cầu, luật Tích Tiệm, luật Phản Phục, luật Biến Dịch. Luật Biến Hóa nghĩa là biến động mãi mãi, chu lưu khắp chốn, lên xuống không cùng, luân phiên thay đổi nhau: cứng mềm, nóng lạnh, sinh tử cho nên không thể lấy cái gì làm chủ yếu điển hình được. Chết (tử) chỉ là Biến và Hóa, chết mà không mất (Tử nhi bất vong). Biến là do cùng: Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu, nghĩa là có cùng thì mới có biến, có biến mới có thông, có thông mới có lâu bền. Một đóng, một mở gọi là biến. Qua rồi lại, lại rồi qua, và qua lại không cùng gọi là thông.
Luật Tương ứng tương cầu (giao cảm) nghĩa là hai khí Âm Dương có giao cảm với nhau thì vạn vật mọi hóa sinh, vạn vật sinh rồi lại tiếp tục sinh mãi đưa đến cuộc biến đổi trở thành vô tận. Âm Dương có hòa xướng là cái trạng thái bình, Âm Dương xung khắc là cái trang bĩ lọan. Vạn vật trong Vũ Trụ bao giờ cũng tìm bạn đồng hành để tương ứng, đồng khí để tương cầu. Âm Dương tìm lẫn nhau, hoặc Âm cũng tìm Âm, Dương cũng tìm Dương nhưng phải là đồng vọng hay đồng độ, nghĩa là Nội Ngọai tương ứng và tùy thuộc vào thời. Do đó trong một quẻ thì chỉ có hào Dương và hào Âm mới tương ứng, còn nếu toàn Âm hay tòan Dương thì có tương sinh cũng không sinh được, có tương khắc cũng không khắc được. Bởi vậy Âm Thủy mới sinh Dương Mộc, Dương Mộc mới sinh Âm Hỏa. Về tương khắc cũng theo lẽ ấy thì mới có sự hóa sinh. (Chú ý: để có sự hóa sinh thì cần phải khác Âm Dương và ngũ hành phải tương sinh hoặc tương khắc.) Tương khắc không đưa đến hóa sinh mà đưa đến hủy diệt thì đòi hỏi phải cùng Âm Dương và ngủ hành tương khắc, ví dụ Dương Kim thì khắc Dương Mộc (ví như kim khí cứng rắn mà gặp cây cứng rắn thì mới khắc mạnh, mới đưa đến sự hủy diệt, còn Dương Kim tuy có khắc Âm Mộc nhưng không mạnh được, trái lại lại đưa đến sự hóa sinh)
Luật Tích Tiệm: Tích có nghĩa là chất chứa, tích lũy từ lâu dài. Biến và hóa đều có nghĩa là đổi dời, nhưng biến thì đổi từ từ, khó nhận thấy, còn gọi là tiệm biến, hóa xảy ra ngay khi cuộc chuyển biến đã hoàn tất, gọi là đột biến Luật Phản Phục: trở lại nơi khởi điểm, trở về cái gốc cũ. Sự tiến triễn của vạn vật không đi luôn mà sẽ trở lại. Vật cùng tắc phản, nghĩa là khi cùng cực thì trái nghịch trở về cái gốc, cái trước. Nếu không đi thì sẽ không trở lại, đã có đi thì sẽ có lại (Vô vãng bất phục)
Luật bất dịch (bất di bất dịch): sự biến hóa ở vạn vật diễn biến trong vòng trật tự, theo một qui luật nhất định, không thay đổi, thuờng hằng. Tất cả mọi vật đều rất động, nhưng nhờ qui luật này chi phối mà sự động ấy không bị rối lọan, không đổi khác. Tất cả sự vật đều cùng về một nguồn (gọi là Thái Cực), nhưng mọi vật theo con đường riêng của mình, cùng về nhà mà đi khác đường (Đồng qui nhi thù đồ). Luật thuờng hằng do chi phối tất cả mọi cuộc biến hóa trong trời đất, điều hòa mọi trạng thái động tĩnh, không cho sự gì đi đến thái quá hay bất cập, thiếu thì nó bù vào, thừa thì nó bớt đi, đưa đến quân bình
Leave a Reply