Đồng dao (僮謠) là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em. Nói chung, đồng dao trong các trò chơi trẻ em ở các vùng miền đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác một vài tiếng địa phương.

Tuổi thơ của chúng ta, không ai là không lớn lên cùng những bài nói quen thuộc “Chi chi chành chành”, “Con vỏi con voi” hay “Kéo cưa lừa xẻ”…. Những bài đồng dao của các bà các mẹ ngày xưa không chỉ đơn thuần là những lời thơ vần điệu vui tai mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều giá trị giáo dục, dạy bé mẫu giáo biết đi ngủ sớm, biết tự mặc đồ hay biết lễ phép, vâng lời. Đối với trẻ sơ sinh, những bài đồng dao dễ thuộc mẹ đọc cho con còn giúp bé phát triển trí não, nhanh biết nói hơn.

Đồng dao không phải là một loại dân ca, mà chính là tài liệu bồi dưỡng cho lớp trẻ nhỏ. Từ xưa, ông cha ta không được học hành, không có trường lớp – nhất là các trường mẫu giáo. Vậy mà cha ông ta đã dạy cho bao nhiêu thế hệ trẻ em được trưởng thành, có kiến thức đa dạng, biết quan sát, biết yêu thương, hiểu được quê hương và lịch sử.

Đồng dao đúng là một kho tàng học thức bình dị, nhưng là vĩ đại. Ta không chỉ phải sưu tầm đồng dao như sưu tầm văn học dân gian, mà phải dùng nó để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.