Đường về Cánh Đồng Chum gồm mười bốn chương viết về cuộc chiến đấu của quân đội nhân dân Lào chống lại bọn thổ phỉ tay sai Mỹ giai đoạn những năm 1970. Đây là cuộc chiến đấu can trường, thể hiện sự bền bỉ, gan dạ, quyết tâm và hy sinh mất mát của bộ đội Pa-thét (Lào).
Xuyên suốt tác phẩm là cuộc đấu tranh của 2 tuyến nhân vật chính Đuông-chăn và Bun-ma. Đó là hai người bạn cùng trang lứa, lớn lên trong cùng một bản, nhưng ở hai hoàn cảnh gia đình khác nhau, lý tưởng sống khác nhau đã hình thành nên hai hướng đi trái ngược nhau . Vì thù hằn cá nhân, chính Bun-ma đã đang tâm thiêu sống mẹ Đuông-chăn, cưỡng bức người con gái mà Đuông-chăn sau này lấy làm vợ… họ trở thành hiện thân cho mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc Lào trong giai đoạn này. Nếu như Đuông-chăn là hình mẫu tiêu biểu của quân giải phóng nhân dân cách mạng Lào thì Bun-ma là hiện thân của bọn phỉ tay sai Mỹ.
Với lối viết giản dị, giọng văn mộc mạc, trong sáng, Nhà văn Bùi Đinh Thi đã tái hiện lại cuộc chiến tranh đau thương gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng của quân đội giải phóng nhân dân cách mạng Lào. Những nỗi đau, mất mát, hy sinh, nợ nước xen lẫn thù nhà, cùng chung cảnh “nồi da nấu thịt” khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ lúc bấy giờ.
Bữa ăn sáng đã xong. Các tiểu đội mang soong nồi lại trả anh nuôi chồng thành một chồng cao ngoài thềm bếp. Đuông-chăn ngó quanh rồi ra ngồi dưới nắng, vén tay áo lên. Vết thương rạch một vệt dài ngang cánh tay trên, đã mọc da non, ngứa ngấy làm anh khó chịu. Đuông-chăn đưa tay xoa nhẹ quanh vết xẹo, mắt ngó sang một vết sẹo khác đã lành bên cạnh. Ngoài lối mòn có tiếng loạt xoạt cành lá và một bóng người đi nhanh tới. Đuông-chăn ngẩng lên kéo cánh tay áo xuống, nhìn ra.
– Anh Đuông-chăn không ngủ trưa à?-Cậu liên lạc đại đội hỏi
– Không? Có việc gì thế?
– Đại đội trưởng gọi anh.
Đuông-chăn đứng lên đi theo cậu liên lạc sang lán ban chỉ huy. Sổm-si đang hí húi giở nhanh một xáp giấy có nhiều nét chữ khác nhau. Thấy Đuông-chăn vào, anh ngấng lên:
– Vào đây- Đại đội trưởng Sổm-si quay sang nhìn Đuông-chăn một cái nhanh rồi lại chăm chú lật giở xấp giấy.
Đuông-chăn ngồi xuống giường, bên cạnh đại đội trưởng với một vẻ phân vân.
– Đuông-chăn giấu ban chỉ huy nhá-Sổm-si đột nhiên nói nhỏ, miệng tủm tỉm cười-Lập công thế này mà không nói.
Sổm-si chìa xấp giấy ra.
– Thư của bà con mình ở các bản gửi đến báo cáo về thành tích diệt phỉ của Đuông-chăn đây. Mười ba lá.
Đuông-chặn ngỏ tập thư, cười ngượng nghịu:
– Mình đi mua rau quả gặp nó thì đánh thôi, có gì mà phải báo cáo – Đuông-chăn nói lúng búng.
Sổm-si ngửa mặt cười vang, anh vừa vui với những điều viết trong tập thư vừa mến cái nói rụt rè ngộ nghĩnh của Đuông-chăn:
– Thôi, bây giờ Đuông-chăn giao nhiệm vụ anh nuôi cho đồng chí khác, sang làm tiểu đội trưởng.
Đuông-chăn giật mình, nhìn Sổm-si, cặp mắt mở to bỡ ngỡ, nói buột ra:
– Mình chưa làm được nhiệm vụ đó đâu.
– Đuông-chăn bảo chưa làm được, nhưng ban chỉ huy bảo làm được thì sao?
Đuông-chăn cúi đầu, gương mặt đó bừng lên như đứng trưỏc con gái.
– Lúc nào mình nhận nhiệm vụ mới!
– Ngay bây giờ.
Đuông-chăn quê Phong-xa-ly một tỉnh thuộc bắc Lào. Phong-xa-ly có nhiều rừng cây “mạy may” (1). Mạy may mọc bát ngát trên những ngọn đồi cao, mạy may có sức sống rất dai, gió bão mạy may ngả rạp, lặng gió nó lại tựa nhau đứng thẳng lên vươn ngọn cao ngang trời và trổ hoa như một rừng cờ.
Mời các bạn đón đọc Đường Về Cánh Đồng Chum của tác giả Bùi Bình Thi.
Chia sẻ ý kiến của bạn