Giải Mã Dục Vọng

“Cuốn sách nghiên cứu rất sâu sắc về vấn đề ngoại tình và lột tả được nhiều sự thật này đáng được dịch và phổ biến rộng rãi… Những định hướng đúng đắn về đạo đức được nối lại với nhau một cách liền mạch và được khắc họa thật tinh tế bằng kĩ năng khéo léo của phóng viên Druckerman.”

— The Economist

 




“Câu chuyện được phác họa đầy màu sắc… Rất thú vị.”

— The New York Times

 




“Chứa đựng nhiều mẩu chuyện đầy kích thích.”

— Reuters

 




“Rất thú vị và ý nghĩa… Druckerman rất giỏi về các câu văn tinh tế và kích thích… Thật sinh động và đáng đọc.”

— Bookslut.com

 




“Mở rộng tầm mắt… Nhìn chung, cuốn sách này nhẹ nhàng và bổ ích nhưng cũng rất tinh tế và có cái nhìn rất sâu. Nó tương tự như những câu chuyện truyền miệng hay nhất trong giới công sở.”

— Colorado Springs Independent

 




“Sau khi phỏng vấn nhiều người ngoại tình, chuyên viên tình dục học, chuyên viên tư vấn hôn nhân và ‘những nhà mai mối’ từ Pháp đến Trung Quốc, Druckerman đã cho ra một cái nhìn thú vị từ nhiều xã hội khác nhau.”

— The San Diego Union-Tribune

 




“Cuốn sách này thật hài hước, thú vị, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ cứ như thể nhiều cuốn phim truyền hình dài tập tái hiện lại chuyện tình của con người vậy.”

— The Observer (London)

 




“Cuốn sách được viết bằng một giọng văn lôi cuốn và những tình tiết cực kì kích thích này xứng đáng được đem ra thảo luận bởi nhiều nhóm chuyên gia hay những người muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người”.

— Booklist

 




“Cực kì thú vị. Với quyển sách đầu tay hóm hỉnh này, Druckerman sẽ đưa độc giả vào những câu chuyện tưởng như đùa cợt vòng quanh thế giới nhưng đồng thời sẽ làm cho những người mộ đạo ở Mỹ bất ngờ khi khám phá ra những bí mật của các nền văn hóa khác. Tất cả những chuyện ngoại tình sai trái được tái hiện lại một cách chân thực không chút tội lỗi.”

— Elisabeth Eaves,

tác giả cuốn Bare: The Naked Truth About Stripping (Sự thật trần trụi về chuyện thoát y)




***

Pamela Druckerman nguyên là phóng viên của The Wall Street Journal . Cô lấy bằng thạc sĩ về lĩnh vực quan hệ quốc tế tại đại học Columbia và từng công tác tại São Paulo, Buenos Aires, Jerusalem, Paris và New York. Cô hiện sinh sống tại Paris.

“Khó lắm ai ơi phận nữ nhi




Yêu ai duy nhất oán than gì

Người ta bay nhảy không ngưng nghỉ

Khổ đau tình lặng vẫn trao đi”




— Tammy Wynette (Lặng Lẽ Bên Anh)

***

Trên tay bạn là cuốn sách lột tả nhiều khía cạnh về vấn đề ngoại tình. Nếu bạn là người Mỹ và không muốn lật tiếp trang kế thì cũng dễ hiểu thôi. Vì theo thống kê của tôi, chuyện ngoại tình tại Mỹ dễ gây phản ứng bực bội mạnh mẽ nhất so với các nước khác (trừ Ireland và Philippines). Khi tôi đề cập đến chuyện lăng nhăng của người Mỹ, họ thường nhìn chằm chằm tôi một lúc lâu, dường như đang tìm hiểu xem họ có đang mắc tội gì hay tôi có đang gạ gẫm họ lên giường không vậy. Một vài người sẽ huênh hoang về tầm quan trọng của chế độ một vợ một chồng. Còn một số sẽ tự động ngấp nghé phun ra những bí mật về chuyện ngoại tình của họ.




Tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về đề tài ngoại tình khi được chuyển đến Châu Mỹ Latin làm việc cho Wall Street Journal. Ở đó, lần đầu tiên trong đời tôi bị một người đàn ông đã có gia đình dụ dỗ tôi lên giường với anh ta. Thật không may, đột nhiên tôi lại không trở nên yếu đuối trước anh ta, mặc dù nhiều bạn gái tôi từng bị cưa đổ trong trường hợp như vậy. Dù phải công nhận rằng những kẻ tán gái trông rất lịch lãm nhưng những lời ve vãn của họ thì lại thật đáng ghét. Trách nhiệm với vợ của họ để ở đâu rồi nhỉ? Đối với tôi, sự quyến rũ không phải là điều quan trọng. Và tôi cũng đâu đến nỗi tệ tới mức phải làm kẻ thứ ba? Vào lúc đó, tôi còn độc thân, vừa bước sang tuổi ba mươi, còn đủ điều kiện để có một tấm chồng cho riêng mình.

Trong một lần gặp gỡ, những ý nghĩ mộ đạo chợt lóe lên trong tâm trí tôi, thế là thay vì tống cổ tên Lothario[1] này đi thì tôi lại quyết định thẳng thắn bàn luận vấn đề này cùng anh ta. Anh ta là giám đốc một công ty chế biến thịt bò Argentina, và vừa đề nghị cùng tôi dùng một bữa tối lãng mạn. Khi tôi giải thích rằng bản thân mình cảm thấy không hài lòng với lời mời này vì có vẻ chúng tôi đang ngoại tình, thì anh ta tỏ ra lúng túng. Nhưng anh ta cũng bào chữa rằng chuyện này chỉ có hai chúng tôi biết thì làm sao ảnh hưởng đến vợ mình được. Rốt cuộc anh ta chẳng nói gì xúc phạm tôi cả mà thay vào đó lại kết luận bằng một lời giải thích đầy cám dỗ, “Anh chỉ muốn làm em sung sướng thôi mà.”

Mặc dù từ chối lời mời nhưng sau đó tôi vẫn suy ngẫm về cuộc đối thoại với anh ta suốt. Tôi tự cho mình là một phụ nữ có học thức và hiểu biết nhiều về thế giới này, nhưng những người đàn ông ấy lại đề cập đến những thứ mê muội và lạ lẫm mà tôi chưa từng biết tới. Những thứ quái quỷ đó ở đâu ra vậy nhỉ? Có lẽ được sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên tư tưởng của Thanh Giáo đã đè nặng trong tôi, làm tôi mất cơ hội nếm thử những sung sướng ấy chăng?




Vào lúc ấy tôi không có nhiều kinh nghiệm yêu đương, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi biết được rằng cho dù ở nơi nào thì việc ngoại tình hay không sẽ thể hiện rất nhiều điều về tính cách của con người. Và bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Tham nhũng không còn xa lạ gì ở Argentina và sự tồn tại ngang nhiên của nó giữa thế giới thượng lưu ở đây quả thật vô liêm sỉ. Các chính trị gia có thu nhập cao ngất ngưởng nghiễm nhiên sống trong những căn hộ sang trọng ngay trung tâm thị trấn. Tạp chí thì đăng tải hàng loạt hình ảnh cô con gái rượu của cựu tổng thống đang mua sắm vô độ ở Miami. Lúc tôi ở đó, tất cả những mảnh ghép ấy cho thấy sự sụp đổ của giá trị đồng tiền của đất nước này. Trong khi người dân Argentina đang than vãn về nạn tham nhũng thì nhiều người vẫn tỏ ra đồng tình và tự nhủ rằng khi có cơ hội trong tay họ cũng sẽ hành động như vậy thôi. Và việc lừa dối vợ mình có lẽ cũng nằm chung một loại suy nghĩ như vậy: Chung thủy đương nhiên là tốt, nhưng chỉ có những con mèo ngu mới chê mỡ phải không nào!

Càng ngày tôi càng cảm thấy hứng thú và muốn hiểu thêm về những quy luật ngoại tình của các nước trên thế giới. Nhưng đến khi bắt đầu điều tra thì mới biết rằng cho dù ở Mỹ hay bất kì nơi nào khác, việc moi tin chẳng dễ chút nào. Ngoài một số câu bông đùa rằng người Pháp không màng để tâm đến chuyện ngoại tình hoặc những bài nghiên cứu của các nhà nhân loại học về những người bộ lạc (suốt ngày đóng khố như thế thì còn gì mà nói nữa) sống cách xa xã hội văn minh thì không tìm được gì nhiều hơn về vấn đề này cả. Còn nói đến tài liệu về chuyện ngoại tình của những tầng lớp trung lưu trên thế giới thì lại càng hiếm hoi hơn. Cũng không có bằng chứng rạch ròi nào cho thấy rằng người Mỹ ít ngoại tình hơn những nước khác vì họ ghét cay ghét đắng điều này cả.

Tóm lại, muốn biết trên thế giới này người ta ngoại tình như thế nào thì chỉ có một cách là đi hỏi trực tiếp họ mà thôi. Thế là tôi lên đường và đã đi qua 24 thành phố thuộc 10 quốc giakhác nhau. Trên hành trình, tôi đọc những chuyên mục tư vấn tình cảm, những mục quảng cáo kết bạn, và những bài báo viết về chuyện ngoại tình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; tôi còn phỏng vấn những nhà sử học, tâm lý học và chuyên gia về tình dục học hàng đầu nữa. Ngoài ra, bất cứ nơi đâu có những bài nghiên cứu hàn lâm về vấn đề này tôi đều kinh qua hết cả.




Dĩ nhiên không thể thiếu việc phỏng vấn hằng hà sa số những kẻ ngoại tình và bạn tình của họ. Nhằm giúp cho độc giả Mỹ dễ nắm bắt và so sánh hơn về những đối tượng khảo sát, tôi chủ yếu trao đổi với người dân trung lưu thành thị. Mặc dù tôi là người lạ, tiếp cận họ với chiếc máy thu âm cùng lời hứa sẽ thay đổi tên tuổi của họ (tôi có thực hiện điều đó, cả những chi tiết nhận dạng nữa) để phỏng vấn thì thật ngạc nhiên khi người ta lại thoải mái kể ra bao bí mật tình dục của mình cho tôi. Khi rời khỏi một nơi nào tôi thường phải tránh né rất nhiều người. Phần lớn những người được phỏng vấn muốn được hưởng lợi từ việc cung cấp thông tin. Những người Anh tưởng rằng tôi đang phỏng vấn cho những bài báo cạnh tranh nhau nên đòi nhận thù lao (dĩ nhiên là tôi từ chối). Một nhà tâm lý học ở Moscow lại kéo dài buổi ăn trưa đến 3 tiếng đồng hồ, tới khi không còn gì để nói nữa thì ông ta vẫn đi lấy thêm nhiều đĩa thức ăn vì lúc đó tôi mời ông ta đi ăn buffet tại nhà hàng Uzbek. Trước khi ra về, ông ta còn lôi ra hai chiếc túi nhàu nát ra và nhồi bánh quy vào cho đầy mới thôi.

Nhưng cũng có nhiều người trao đổi với tôi như bằng hữu. Vài phụ nữ nước ngoài muốn có bạn bè để thổ lộ tâm tình, một người đàn ông Trung Quốc lại hi vọng buổi phỏng vấn trở thành một buổi hẹn hò. Còn một nhân viên ngân hàng đã có vợ ở London thì lại muốn khoe khoang những cuộc chinh phục phụ nữ của mình qua Internet nhưng lại không dám vì sợ ngay cả bạn thân mình cũng không hiểu cho. Nhiều đàn ông Pháp chưa bao giờ dám kể với ai về chuyện ngoại tình của mình thì bảo rằng họ chỉ muốn gặp tôi để thực tập tiếng Anh thôi.

Còn người Mỹ thì lại khác, cho dù thuộc bất cứ ngành nghề hay theo đảng phái nào – từ nhà sản xuất chương trình truyền hình ở New Jersey đến một người bán máy tính ở Plano, Texas – hầu hết đều mong mỏi rằng những câu chuyện của mình sẽ giúp ích cho người khác. Một bà nội trợ ở Atlanta thì lại không biết phải liệt cuốn sách này vào loại tiểu thuyết hay sách tự vấn; bà ta còn hỏi liệu rằng tôi có dự định thêm vào danh sách các số điện thoại và website hữu ích không nữa. Ngoài nước Mỹ ra thì chẳng ai đề cập đến những điều như vậy cả. Họ không nghĩ rằng việc thổ lộ chuyện ngoại tình của mình có thể giúp ích cho cộng đồng.




Mọi người hỏi ngược lại tôi rất nhiều, nhất là “Nước nào có tỉ lệ ngoại tình cao nhất?” và “Vì sao cô lại chọn đề tài này?”. Để trả lời câu hỏi thứ nhất, mời bạn đọc chương 2, còn câu hỏi sau, thế nào nhỉ, là vấn đề cá nhân thôi. Tôi bị cuốn hút bởi những quy luật của việc ngoại tình mà tôi được thấy qua nhiều quốc gia khác nhau, hơn nữa, tôi thật sự muốn hiểu được những quy tắc phức tạp và đôi khi rất mâu thuẫn về chuyện lăng nhăng ở Mỹ. Một điều nữa là sau 6 năm làm việc cho báo Journal , tôi khát khao muốn viết về một đề tài gì đó không liên quan đến tiền bạc (nhưng viết về chuyện ngoại tình này xem ra lại là một lựa chọn sai lầm).

Từ khi tập trung vào đề tài ngoại tình, dường như mọi cuốn phim hay tiểu thuyết tôi xem đều liên quan đến đề tài này. Và một sự thật làm tôi ngỡ ngàng hơn nữa là nếu loại bỏ yếu tố quan hệ ngoài hôn nhân đi thì nền văn hóa nghệ thuật Tây Phương bao gồm sách, nhạc, phim sẽ là một con số 0 tròn trĩnh. Vấn đề ngoại tình không những có trọng lượng đối với riêng người Mỹ mà bất kì ai đến từ nước nào cũng đều cho tôi nhiều ý kiến đanh thép về nó. Đi đến đâu, họ đều lôi tôi vào một góc để miêu tả về những ông chủ, bạn bè hay các bậc cha mẹ hay lăng nhăng. (Một vài mô-tuýp truyện đã được bắt gặp trong sách vở.) Đột nhiên tôi phát hiện ra rằng, tiềm ẩn dưới lớp vỏ yên bình chung thủy của cuộc sống thường nhật là cả một thế giới hoàn toàn đối lập với bao chuyện vụng trộm nhiễu nhương. Duy chỉ có người bà đã 90 tuổi được nuôi dưỡng từ tầng lớp thượng lưu ở miền Nam Carolina của tôi là không hứng thú với đề tài ngoại tình này. Khi bạn bà hỏi rằng tôi đang viết lách gì thì chỉ nhận được câu trả lời hờ hững “nó đang viết một cuốn sách về tình yêu thôi.”

Ở mỗi nước khác nhau người ta miêu tả về việc ngoại tình theo những kiểu khác nhau. Chẳng hạn như theo tiếng lóng ở Mỹ, khi ngoại tình gọi là “có bồ nhí”, thì cụm từ này được dùng hoàn toàn không giống ở những nước khác trên thế giới. Ở Thụy Điển và Nga thì gọi là “đi ngược đường/lén qua bên trái”, ở Israel thì nói là “ăn vụng” (họ bảo bị nói vậy là rất nặng), còn Nhật dùng từ “lạc lối”. Ai-len gọi bằng thuật ngữ thể thao “việt vị”, trong khi người Anh thì lại nói là “đi ăn chơi”. Còn đối với người Hà Lan thì ngoại tình là một cuộc phiêu lưu, trong đó thủ phạm “trở nên xa lạ”, hay cụm từ gây tò mò hơn là “véo mèo trong bóng tối”. Cuối cùng cách nói của người Pháp xem ra mông lung nhất: “aller voir ailleurs ”, dịch ra là “đi tìm của lạ.”




Một số biểu hiện làm giảm đi mức độ nghiêm trọng của việc ngoại tình. Một chàng Indonesia bông đùa rằng “thật khó mà cảm thấy buồn về khoảng thời gian tuyệt vời đó được” cứ như chuyện lăng nhăng này không ảnh hưởng gì đến hôn nhân của mình vậy. “Bạn tình” Nhật thì nghe có vẻ như những ca sĩ hoạt hình. Nhưng không phải cụm từ thanh tao nào dành cho chuyện ngoại tình cũng vô hại đâu nhé. Như trong thời kì Cách mạng văn hóa cực đoan của Trung Quốc vào những năm 70, một người bị buộc tội có “phong cách sống bất thường” sẽ có thể bị mất việc và bị nhục mạ giữa công chúng.

Những cách biểu hiện khác thì phản ánh thực tế hơn. Một kẻ hay tán gái ở Nam Mỹ là một “vận động viên điền kinh”, ám chỉ cả về thể lực sung sức cần cho cả việc hẹn hò bất chính lẫn việc thực tế hơn là chạy trốn vợ mình. (Khi bị bắt gặp thì anh ta sẽ bảo rằng người phụ nữ kia “chỉ mới chạy ngang đây thôi”.) Một người đàn ông Trung Hoa khác cố gắng “một chân hai thuyền” để giữ cho cả vợ và tình nhân được hạnh phúc, mặc dù nếu như ở Đài Loan thì ông ta sẽ bị liệt vào loại “củ cải trắng to có ruột màu mè.” Nếu như vợ bạn mà tằng tịu với ai khác ở Tel Aviv thì hàng xóm sẽ chỉ nhún vai và bảo “Con lừa cái đã kết hôn ấy cũng biết ăn vụng.”

Nhưng biểu hiện muôn màu muôn vẻ nhất lại dành riêng cho những người chồng/vợ không may bị lừa dối. Người Ba Lan thì “phùng mang trợn má” với bạn đời, còn người chồng Trung Hoa thì bị “đội nón xanh”. Người Anh và nhiều nước khác gọi người chồng bị lừa dối là “chim cúc cu già” (nguyên văn cuckold – ND) – giống như số phận của chim cu trống khi chim mái của nó đi đẻ trứng vào tổ của con khác. Ít nhất 8 ngôn ngữ khác, bao gồm cả Ả Rập và Ru-ma-ni thì gọi là bị “cắm sừng”. (Ở Pháp người ta chỉ cần làm dấu bằng hai ngón tay trỏ thành cặp sừng trên đầu là hiểu được rồi.) Cách gọi này xuất phát từ phong tục thiến gà trống, sau đó để làm dấu là nó không còn khả năng sinh sản nữa, người ta ghép chiếc cựa bị cắt ra từ sau cẳng gà rồi ghép lên đầu nó, trông như mọc sừng. Các bạn hãy tìm hiểu thêm nhé. Người Mỹ cũng biết dấu hiệu “cắm sừng” ấy nhưng ngày nay họ thích dùng cụm từ phản ánh đạo đức hơn là “bạn đời lừa dối” để khẳng định sự hiện diện của tội danh và nạn nhân.




Thế giới thì quá bao la và rộng lớn, bởi vậy tôi chỉ đến những quốc gia mà có bạn tôi đang ở đó để thông dịch cho tôi hoặc nơi nào tôi đánh hơi thấy những câu chuyện hay ho. Tôi đã bỏ qua một số quốc gia quan trọng, thật xin lỗi Ấn Độ và Brazil, lần sau tôi sẽ ghé thăm các bạn nhé. Mặc dù tôi có trao đổi với các chuyên gia và so sánh những quan sát của tôi với số liệu thống kê nhưng ví dụ tiêu biểu về ngoại tình của tôi không phải sản phẩm khoa học đâu nhé. Nó lắt léo, mang tính cá nhân và đôi khi là tình cờ ngẫu nhiên nữa cơ. Sau nhiều cuộc phỏng vấn thất bại ở Hongkong, tôi liều mình tiếp cận một người đàn ông đang ngồi uống cà phê Starbucks với một cô gái hấp dẫn và trẻ tuổi hơn ông ta rất nhiều. Thực tế không phải họ đang lăng nhăng gì nhưng lại bị thu hút bởi đề tài tôi đang theo đuổi nên quyết định giới thiệu cho tôi làm quen với bạn của họ, câu chuyện này sẽ xuất hiện ở chương 10.

Quyển sách này không đề cập đến vấn đề rằng chúng ta có máu ngoại tình do bị di truyền hoặc ngoại tình có lợi gì về sau hay không. Bản thân tôi cho rằng bất cứ ai cũng có những ham muốn như nhau mà thôi. Cái tôi muốn biết là con người thuộc các nền văn hóa khác nhau sẽ điều tiết chúng ra sao.

Theo đúng mục đích của tôi, một kẻ được gọi là ngoại tình là khi đã kết hôn nhưng lại có quan hệ tình dục bí mật với người khác. À, ngay cả quan hệ bằng miệng cũng được tính nhé. Hay đầy đủ hơn là tất cả những gì họ sợ bạn đời của mình biết được – từ những nụ hôn âu yếm nhẹ nhàng cho đến những cuộc mây mưa thỏa mãn. Ngày nay, những kẻ ngoại tình không cần phải là người đã kết hôn, vì ở Châu Âu, hôn nhân ngày càng ít phổ biến nhưng những cặp tình nhân vẫn chung sống, sinh con và nguyện trọn đời chung thủy cùng nhau. Còn ở Mỹ, những cặp tình nhân ăn ở cùng nhau có tỉ lệ lăng nhăng cao hơn nhưng họ lại có địa vị xã hội thấp hơn so với những cặp vợ chồng, vì vậy tôi chủ yếu nhắm vào những cặp đã kết hôn. Nếu bạn mong đợi đây là cuốn sách về những người tân thời thì ngừng đọc được rồi đấy. Cuộc sống tình dục của họ đã quá cởi mở và ngoại tình liên miên, nhưng điều này chẳng còn gì là bí mật hay ho để khám phá nữa.




Khi tôi gọi điện đề cập đến những chữ “lăng nhăng” và “không chung thủy” thì chưa bị gác máy điện thoại bao giờ, nên các bạn cũng đừng gấp cuốn sách này lại nhé. Trong cả một cuốn sách chỉ toàn nói về đề tài ngoại tình này sẽ có rất nhiều cách thức để biểu đạt nó. Sau vài chương, bạn sẽ cảm thấy mừng vì tôi không dùng những cụm từ như “hơn một cặp đôi” hay cách nói của người Phần Lan là “quan hệ song song.”

Một triệu chứng của bệnh tưởng gọi là “bệnh của sinh viên y khoa” biểu trưng cho việc những sinh viên học về một loại bệnh và sau đó tự cho là mình cũng mắc phải nó. Một nhà khoa học giải thích rằng “Kiến thức mơ hồ về bệnh viêm ruột thừa làm nó từ chuyện vô hại nhất thành triệu chứng đe dọa nghiêm trọng thật sự.”

Nghiên cứu về ngoại tình cũng tương tự như vậy. Nếu cứ suốt ngày ngồi đọc sách về chuyện ngoại tình và thấy chồng mình đi đá bóng về muộn một tiếng đồng hồ hoặc không trả lời điện thoại khi đang đi công tác thì đầu óc bạn sẽ bấn loạn lên ngay. Và thật tội cho những đức ông chồng đó khi phải tìm cách thanh minh cho mình. Trong trường hợp này thì việc cắt phăng khúc ruột thừa sẽ dễ dàng hơn nhiều.




Chồng tôi cũng hay lo lắng về tôi, và cũng có lý do chính đáng đấy. Vì tiếp xúc với những kẻ lăng nhăng cũng giống như cặp kè với những con nghiện thuốc lá vậy; thế nào bạn cũng ngứa ngáy muốn thử một điếu cho mà xem. Thật sự tôi cũng bị cưa cẩm, nhưng bao nhiêu tội lỗi đáng nguyền rủa người Mỹ gây ra mà bạn sắp đọc tới đây luôn làm cho tôi tỉnh táo.

Mời các bạn đón đọc Giải Mã Dục Vọng: Chuyện ngoại tình từ Tokyo đến Tennessee của tác giả Pamela Druckerman.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.