Tuổi Già Tập 1 – Simone de Beauvoir

Simone de Beauvoir (1908 – 1986) là nhà văn, nhà triết học và một nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp.

Là một nhà văn từng được giải Goncourt nhưng cũng là một học giả uyên bác, các tác phẩm của bà được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình đồng thời đầy ắp các dữ kiện khoa học, lịch sử, thống kê… Hai tác phẩm non-fiction được biết ở Việt Nam nhiều nhất của bà là Giới tính thứ nhì và Tuổi già.

Giới tính thứ nhì (xuất bản năm 1949), được xem là một trong những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20, là một cuốn bách khoa toàn thư về các giai đoạn của cuộc đời phụ nữ từ lúc sinh ra, dậy thì, lấy chồng, làm mẹ; đồng thời vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới. Với tác phẩm này, bà được xem là “Bà mẹ của phong trào nữ quyền”.




Tuổi già được viết lúc Beauvoir hơn 50 tuổi, mô tả chi tiết cuộc sống của người già và đấu tranh giành quyền cho họ. Người ta chỉ có thể hiểu được thân phận người già khi ở tuổi đó. “50 tuổi, tôi giật nảy mình khi một nữ sinh viên Mỹ kể lại với mình câu nói của một cô bạn: “Nhưng Simone de Beauvoir là một bà già chứ sao!” Cả một truyền thống dồn cho từ ngữ này một cái nghĩa xấu; nó vang lên như một lời thoá mạ. Vì vậy, người ta phản ứng, thường bằng giận dữ, khi nghe người khác bảo mình già. Tôi có biết nhiều người phụ nữ được biết tuổi tác của mình một cách khó chịu qua một kinh nghiệm giống như kinh nghiệm Marie Dormoy: một người đàn ông, bị vẻ trẻ trung của hình bóng bà đánh lừa, đi theo bà trên đường phố; đến khi đi vượt qua bà và trông thấy gương mặt bà, thì thay vì bắt chuyện, ông ta rảo bước.”

“Bạn có biết khuyết tật nào lớn nhất trong các khuyết tật không? Đó là tuổi trên 55” – Tourgueniev. Vào tuổi 55, Trotsky phàn nàn người mệt mỏi, mất ngủ, hay quên; ông có cảm giác sức lực sút kém; và lo lắng. Ông gợi lại quá khứ: “Anh buồn bã nhớ lại tấm ảnh của em, tấm ảnh của chúng ta, trong đó chúng ta trẻ trung biết chừng nào”.

Già đi – đó là một điều không thể tránh khỏi và cũng là một quá trình chấp nhận đầy đau đớn. “Wagner kinh hãi thấy mình già đi, 80 tuổi, ông viết: “Hình hài tôi làm người ta khiếp sợ và khiến tôi u sầu một cách xót xa”.




Sự suy sụp về thể chất khiến người già không còn có thể tham gia sản xuất hay xây dựng, do đó họ bị xem như gánh nặng, phải phụ thuộc vào người khác. Beauvoir viết về những trại dưỡng lão ở ngoại ô Paris với những người già như bị xã hội bỏ quên, sống mòn mỏi chờ đợi những cuộc viếng thăm của con cháu. Theo Beauvoir, đối đãi công bằng với người già là cách ứng xử có trước có sau mà nếu khác đi là làm lung lay gốc rễ của xã hội hiện đại.

***

Khi còn là thái tử Siddharta, bị vua cha nhốt trong một tòa lâu đài tráng lệ, nhiều lần Thích Ca trốn đi dạo chơi bằng xe ngựa trong vùng. Trong lần dạo chơi đầu tiên, thái tử gặp một người tàn tật, tóc bạc, răng rụng, da nhăn nheo, cúi gập người trên một cây gậy, miệng lập cập, hai tay run rẩy. Chàng lấy làm ngạc nhiên và người xà ích giải thích đó là một ông già. Thái tử liền thốt: “Những kẻ hèn yếu và dốt nát, chuếnh choáng vì niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ, không thấy được tuổi già. Khốn khổ biết chừng nào! Hãy trở nhanh về nhà thôi. Các trò chơi và niềm vui mà làm gì, vì ta là nơi ẩn náu của tuổi già mai sau”.




Qua một ông già Thích Ca nhận ra số phận của chính mình, sinh ra để cứu vớt loài người, Thích Ca muốn chia sẻ hoàn toàn với số phận của họ. Và về điểm này, Người khác họ: họ lẩn tránh những gì không làm họ vui lòng. Và đặc biệt là tuổi già. Châu Mỹ đã loại trừ ra khỏi từ vựng của họ từ: người chết: mà chỉ nói người khuất bóng thân yêu; cũng giống như vậy, họ tránh liên hệ tới tuổi già. Ở nước Pháp ngày nay, đó là một đề tài cấm kỵ. Khi bắt buộc phải vi phạm điều cấm kỵ ấy, tôi đã bị người ta la ó! Chấp nhận mình đã bước vào ngưỡng cửa của tuổi già, tức là cho rằng nó rình rập tất cả mọi người phụ nữ, rằng nó đã tóm cổ nhiều người. Với thái độ dễ thương hay giận dữ, nhiều người, nhất là người già, không ngớt nhắc đi nhắc lại với tôi rằng làm gì có tuổi già! Có những người không trẻ bằng những người khác, chỉ thế thôi! Đối với xã hội, tuổi già xuất hiện như một điều bí ẩn đáng xấu hổ, mà nói tới là điều khiếm nhã. Trong mọi lĩnh vực, văn học viết rất nhiều về phụ nữ, về trẻ em, về thiếu niên; ngoài các công trình chuyên môn, người ta rất ít ám chỉ tới tuổi già. Một tác giả băng hoạt hình đã phải làm lại cả một loạt tác phẩm vì trước đó ông ta đã đưa vào trong số các nhân vật một cặp vợ chồng đáng tuổi làm ông làm bà: “Hãy loại bỏ người già đi!” – người ta hạ lệnh cho ông ta[1]. Khi tôi nói mình viết một cuốn tiểu luận về tuổi già, người ta thường thốt lên: “Sao lại kỳ thế!… Bà đâu có già!… Đề tài ấy, ngán lắm…”

Chính vì lý do ấy mà tôi viết cuốn sách này: để phá tan sự đồng tình im lặng. Theo Marcuse, xã hội tiêu thụ đem một ý thức tốt đẹp thay thế cho ý thức xấu xa và bài xích mọi ý nghĩ tội phạm. Cần khuấy động sự yên ổn của nó. Đối với người có tuổi, nó chẳng những là phạm tội, mà còn là một tội ác. Ẩn náu phía sau các huyền thoại bành trướng và phong túc, nó cho người già là những kẻ khốn cùng. Ở Pháp, nơi tỷ lệ người già cao nhất thế giới – 12% dân số trên 65 tuổi – họ bị dồn vào cảnh khốn cùng, cô đơn, tàn tật, thất vọng. Ở Mỹ, số phận của họ cũng không sung sướng hơn. Nhằm dung hòa sự man rợ này với thứ đạo lý nhân văn chủ nghĩa mà họ thuyết giáo, giai cấp thống trị có cách đơn giản là không xem họ là những con người; nếu nghe tiếng nói của họ, người ta bắt buộc phải thừa nhận đó là một tiếng nói của con người; tôi sẽ buộc độc giả của mình nghe tiếng nói ấy. Tôi sẽ miêu tả hoàn cảnh của họ và cách họ sống; tôi sẽ nói những gì diễn ra thực sự trong đầu óc và trong con tim họ – những thứ bị dối trá, huyền thoại và những lời sáo rỗng của nền văn hóa tư sản xuyên tạc.

Vả lại, thái độ của xã hội đối với họ mang tính chất đồng lõa sâu sắc. Nói chung, xã hội không coi tuổi già là một lớp tuổi rõ rệt. Cuộc khủng hoảng về tuổi dậy thì cho phép vạch ra giữa một thiếu niên và người trưởng thành một đường ranh giới chỉ mang tính võ đoán trong những giới hạn chật hẹp; ở tuổi 18, 21, thanh niên được chấp nhận vào xã hội con người. Hầu như bao giờ xung quanh sự thăng tiến ấy cũng có những “nghi thức chuyển giai đoạn”. Còn thời điểm bắt đầu tuổi già thì không được xác định rõ rệt, nó thay đổi theo từng lúc, từng nơi. Không ở đâu, người ta bắt gặp “nghi thức chuyển giai đoạn” thiết lập một quy chế mới[2], về chính trị, suốt đời, cá nhân giữ nguyên những quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau. Luật Dân sự không mảy may phân biệt giữa một cụ già trăm tuổi và một người tuổi bốn mươi. Các nhà làm luật cho rằng ngoài những trường hợp bệnh lý ra, trách nhiệm hình sự của người có tuổi cũng hoàn toàn đầy đủ như của thanh niên[3]. Trong thực tiễn, người ta không coi họ là một lớp người riêng, vả lại, họ cũng không muốn như vậy; có sách, báo, sân khấu, những buổi truyền hình và truyền thanh dành cho trẻ em và thiêu niên: còn đối với người già thì không[4]. Trên tất cả những bình diện này, người ta đồng hóa họ với lớp người lớn tuổi trẻ hơn. Nhưng khi quyết định quy chế kinh tế của họ, hình như người ta cho là họ thuộc một lớp người xa lạ: họ không có những nhu cầu cũng như những tình cảm giống như những người khác, nếu chỉ cần ban cho họ một chút bố thí khốn khổ là cảm thấy hết nợ đối với họ. Các nhà kinh tế học, các nhà làm luật tin vào cái ảo ảnh thuận tiện ấy khi phàn nàn cái gánh nặng những người không hoạt động gây nên cho những người hoạt động: như thể những người này không phải là những người không hoạt động trong tương lai và không bảo đảm chính ngày mai của mình trong lúc xây dựng việc nhận lấy trách nhiệm đối với những người có tuổi. Còn các nhà hoạt động công đoàn thì không nhầm lẫn: khi đưa ra những đòi hòi, bao giờ họ cũng coi trọng vấn đề hưu trí.




Những người già không tạo nên một lực lượng kinh tế nào thì không có cách gì để đòi hỏi quyền lợi của mình: lợi ích của những kẻ bóc lột, là tiêu diệt tình đoàn kết giữa người lao động và người không sản xuất, sao cho không một ai bênh vực những người này. Những huyền thoại và lời sáo rỗng theo tư duy tư sản tìm cách chỉ ra một con người khác trong người già. “Chính với những thiếu niên sống khá nhiều năm mà cuộc đời tạo nên lớp người già” – Proust từng nhận định như vậy – họ giữ lại những nết tốt và những tật xấu của con người trong họ. Điều đó, dư luận không muốn biết tới. Nếu biểu thị những ham muốn, những tình cảm, những đòi hỏi giống như những người trẻ tuổi, thì người già làm người ta công phẫn; ở họ, tình yêu nam nữ, lòng ghen tuông hình như là bỉ ổi hay lố bịch, còn tình dục thì đáng ghê tởm và bạo lực thì chẳng có nghĩa lý gì. Họ phải là tấm gương về mọi đức tính. Trước hết, người ta đòi hỏi ở họ sự thanh thản; người ta khẳng định họ có lòng thanh thản ấy, nên cho phép người ta không quan tâm tới nỗi bất hạnh của họ. Cái hình ảnh người ta tô vẽ về họ là hình ảnh một nhà Hiền triết trong ánh hào quang của một mái tóc bạc trắng, giàu kinh nghiệm và khả kính, vượt lên rất xa thân phận con người; nếu rời khỏi hình ảnh ấy, là họ rơi xuống phía dưới; cái hình ảnh đối lập với hình ảnh trên đây, là hình ảnh một lão già điên lẩm cẩm, lố lăng, bị trẻ em chế giễu. Dẫu sao, do đức độ hay do sự đê tiện của họ, họ ở ngoài nhân loại. Vì vậy, người ta có thể không ngại ngần khước từ đối với họ những gì tối thiểu được coi là cần thiết cho một cuộc sống con người.

Người ta đẩy xa sự loại thải này tới mức làm cho nó quay trở lại chống chính bản thân mình; người ta sẽ không công nhận bản thân mình trong hình ảnh ông già mà chính mình là ông già đó. Proust nhận xét một cách xác đáng: “Trong mọi hiện thực, (tuổi già) có lẽ là hiện thực mà chúng ta giữ lại một khái niệm thuần túy trừu tượng lâu bền nhất trong đời”. Tất thảy mọi người đều khả tử: họ nghĩ tới điều đó. Nhiều người trong số họ trở thành người già: hầu như không một ai hình dung trước sự biến đổi ấy. Người ta không chờ đón, không dự kiến một cái gì khác ngoài tuổi già. Khi được hỏi về tương lai của họ, thanh niên, nhất là nữ thanh niên, cho đời mình kéo dài nhiều nhất đến tuổi 60. Một số cô gái bảo: “Em không chờ đến ngày ấy, em sẽ ra đi trước đó”. Và thậm chí, một vài cô nói: “Em sẽ tự sát trước ngày ấy”. Người trưởng thành hành động như thế không bao giờ phải trở thành người già. Thông thường, người lao động kinh hoàng khi điểm giờ nghỉ hưu: thời hạn nghỉ hưu vốn đã được ấn định trước, người đó biết thời hạn ấy, nhẽ ra họ phải chuẩn bị sẵn. Sự thật là sự hiểu biết ấy vẫn xa lạ đối với họ cho tới giây phút cuối cùng – trừ phi nó thực sự mang tính chất chính trị.

Đến ngày đó, và khi đã bước tới gần, thông thường, người ta thích tuổi già hơn là cái chết. Tuy vậy, đứng cách xa, người ta xem xét cái chết sáng suốt hơn cả. Cái chết nằm trong phạm vi những khả năng trực tiếp của chúng ta, uy hiếp chúng ta ở mọi lứa tuổi; có lúc chúng ta suýt chết; thông thường, chúng ta sợ chết. Con người ta không trở nên già nua trong chốc lát; ở tuổi thanh niên hay lúc tráng niên, chúng ta không nghĩ là tuổi già tương lai đã tiềm ẩn trong con người mình như Thích Ca: tuổi già ấy cách xa chúng ta tới mức khoảng cách ấy lẫn lộn trước mắt mình với sự vĩnh hằng: tương lai đối với chúng ta như thể phi hiện thực. Vả lại, cái chết không là gì cả; người ta có thể cảm thấy một nỗi bàng hoàng siêu hình trước cái hư vô ấy, nhưng bằng một cách nào đó, nó làm người ta yên lòng, nó không đặt thành vấn đề. “Ta sẽ không còn nữa”. : ta giữ hình tích của mình trong sự tiêu vong ấy[5]. Ở tuổi 20, hay 40, tôi nghĩ mình già, tức là nghĩ mình là người khác. Trong mọi sự biến đổi, đều có một cái gì đó khủng khiếp. Ở tuổi ấu thơ, tôi bàng hoàng, và thậm chí kinh hoàng khi hiểu ra sẽ có ngày mình sẽ trở thành người lớn. Nhưng ý muốn mình vẫn là bản thân mình, thường được bù đắp ở buổi thiếu thời bởi những lợi thế của quy chế người trưởng thành. Còn tuổi già thì xuất hiện như một nỗi bất hạnh: ngay cả ở những người mà người ta cho là vẫn giữ được vẻ quắc thước, sự suy sụp về thể chất mà tuổi già kéo theo cũng vẫn lồ lộ trước mắt. Vì ở loài người, sự đổi thay do năm tháng là nổi bật nhất. Loài vật thì gầy đi, yếu đi, nhưng không biến đổi. Còn con người thì có. Người ta se lòng khi nhìn thấy bên cạnh một thiếu phụ trẻ, phảng phất trong gương hình ảnh chính mình những năm tháng sau này: tức là mẹ mình. Theo Lévi-Strauss, người Da đỏ Namblikwara chỉ có một từ để nói “trẻ và đẹp” và một từ để nói “già và xấu”. Trước hình ảnh người già gợi ý với chúng ta về tương lai của mình, chúng ta không tin; một tiếng nói nội tâm thầm thì một cách phi lý với chúng ta rằng điều đó sẽ không đến với mình: sẽ không còn là chúng ta nữa khi điều đó xảy tới. Trước khi nó ập xuống chúng ta, tuổi già là cái chỉ liên quan tới ngườl khác. Vì vậy, có thể hiểu vì sao xã hội có thể khiến chúng ta không coi người già là đồng loại của mình.




Thôi, chúng ta đừng tự lừa dối mình nữa; ý nghĩa cuộc sống chúng ta nằm trong tương lai đang đón đợi mình; chúng ta không biết mình là ai, nếu không muốn biết mình sẽ là người thế nào: chúng ta hãy tự nhận biết mình ở ông lão kia, ở bà già nọ. Cần phải như vậy nếu chúng ta muốn đảm nhận thân phận con người của mình một cách trọn vẹn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới không còn chấp nhận một cách thờ ơ nỗi bất hạnh của lứa tuổi cuối cùng, chúng ta sẽ cảm thấy mình ở trong cuộc: và quả chúng ta ở trong cuộc. Nỗi bất hạnh ấy tố cáo một cách vang dội chế độ bóc lột chúng ta đang sống. Người ta không thể tự mình thỏa mãn nhu cầu của mình, bao giờ cũng bị coi là một gánh nặng. Nhưng trong những tập thể có một sự bình đẳng nào đó – trong lòng một cộng đồng nông thôn, ở một số dân tộc nguyên thủy – người đứng tuổi, tuy không muốn biết, vẫn biết ngày mai thân phận của mình sẽ là thân phận mà ngày hôm nay người đó quy cho người già. Đấy là ý nghĩa truyện cổ tích của Grim, được thuật lại ở mọi miền thôn dã. Một gã nông dân bắt người cha già ăn riêng, trong một cái máng gỗ nhỏ; hắn bất chợt thấy đứa con trai đang ghép những miếng ván. Nó bảo ông bố: “Cho bố đấy, khi bố về già”. Thế là ông già lại ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà. Trước lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, các thành viên còn hoạt động trong tập thể sáng tạo nên những sự thỏa hiệp. Tình trạng cấp bách của nhu cầu buộc một số người nguyên thủy giết chết bố mẹ, dù về sau, có phải chịu một số phận như thế. Trong những trường hợp ít căng thẳng hơn, sự phòng xa và tình cảm gia đình chế ngự tính ích kỷ. Trong thế giới tư bản, lợi ích dài hơn không còn tác dụng: những kẻ có đặc quyền và quyết định số phận của đám đông không sợ phải nếm trải số phận ấy. Còn những tình cảm nhân văn chủ nghĩa thì không bao giờ can thiệp tới, mặc dù những lời huyênh hoang dối trá. Cơ sở của nền kinh tế là lợi nhuận; trên thực tiễn, toàn bộ nền văn minh phụ thuộc vào nó: người ta chỉ quan tâm tới tập thể người trong một doanh nghiệp trong chừng mực tập thể ấy có lợi. Sau đó, họ bị vứt bỏ. Tại một hội nghị gần đây, tiến sĩ Leach, nhà nhân chủng học ở Cambritgiơ tuyên bố: “Trong một thế giới đang chuyển động, trong đó máy móc có những cuộc đời rất ngắn ngủi, con người không nên phục vụ quá lâu. Tất cả những gì vượt qua 55 năm tuổi đều phải loại bỏ”[6].

Cái từ “đồ bỏ đi” nói đúng điều nó muốn nói. Người ta kể lể với chúng ta rằng nghỉ hưu là thời gian của tự do và giải trí; có những nhà thơ ca ngợi “lạc thú nghỉ ngơi”. Đó là những lời dối trá vô liêm sỉ. Xã hội áp đặt cho số đông người già mức sống khốn khổ tới mức từ ngữ “già nua và đói nghèo” trở thành hầu như một từ thừa (pléonasme); ngược lại, số đông người bần cùng là người già. Nhàn rỗi không mở ra cho người nghỉ hưu những khả năng mới; vào lúc cá nhân, đến phút cuối cùng, được giải thoát khỏi những sự ràng buộc, người ta tước đoạt của họ mọi phương tiện sử dụng quyền tự do. Họ buộc phải sống lay lắt trong cô đơn và phiền muộn, như một vật phế thải không hơn không kém. Khi trong mười lăm hay hai mươi năm cuối đời, một con người chỉ còn là một vật chẳng ai đoái hoài, thì đó là sự thất bại của nền văn minh chúng ta: sự thật hiển nhiên ấy khiến chúng ta nghẹn ngào nếu chúng ta coi người già là những con người từng có một cuộc sống con người phía sau họ, chứ không phải là những xác chết dật dờ. Những ai tố cáo cái chế độ đọa đày vốn là chế độ chúng ta, phải đưa điều điếm nhục ấy ra ánh sáng. Chính bằng cách tập trung nỗ lực của mình vào thân phận những người xấu số nhất, người ta có thể làm lay chuyển một xã hội. Để phá hủy hệ thống đẳng cấp, Gandhi tìm cách giải quyết thân phận tầng lớp Tiện dân (parias); nhằm tiêu hủy gia đình phong kiến, nước Trung Hoa cộng sản giải phóng phụ nữ. Đòi hỏi con người cứ phải là con người ở lứa tuổi cuối cùng của họ bao hàm một sự đảo lộn triệt dể. Không thể thu được kết quả ấy với một vài cải cách hạn hẹp không đụng chạm tới hệ thống: chính nạn bóc lột người lao động, chính quá trình phân hủy xã hội và sự khốn cùng của một nền văn hóa chỉ dành riêng cho tầng lớp quan lại, dẫn tới những cảnh già nua phi-nhân văn ấy. Chúng chỉ ra rằng cần làm lại tất cả, từ đầu. Chính vì vậy, vấn đề này bị nhấn chìm trong im lặng hết sức kỹ lưỡng; và chính vì vậy, cần phá tan sự im lặng ấy: tôi mong đợi độc giả giúp đỡ tôi trong công việc này.

 

Mời các bạn đón đọc Tuổi Già Tập 1 của tác giả Simone de Beauvoir.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.