Trong một thành phố nhỏ ở hậu phương, đàn ông con trai không phải ra chiến trường vì một nhà máy ở đây đang cần họ. Trong khi cách đó không xa, biết bao sinh linh đang chịu cảnh thịt nát xương tan thì một vài án mạng có nghĩa lý gì? Thế nhưng, có một cái chết che lấp cả hàng ngàn cái chết, có một cái chết xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, cái chết của Hoa bìm bìm, một bé gái mười tuổi. Khi xác con gái của chủ quán Bourrache được tìm thấy bên một bờ kênh thì cả thành phố bàng hoàng, dò xét nhau, thậm chí nghi ngờ nhau.
Ai đã giết chết bé gái này? Thủ phạm đáng ngờ nhất là Pierre-Ange Destinat, một quan chức làm nghề kết án tử hình, một ông kiểm sát trưởng. Nhưng thằng nhóc người Bretagne, một kẻ đào ngũ, sau một đêm bị hành hạ dã man, đã thú nhận mình là thủ phạm. Viên cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra về vụ án lại là một kẻ đang chán sống, đã thấy quá nhiều điều ghê tởm, phải đối mặt với cái chết thê thảm của người vợ yêu…
Có thể nói màu xám bao trùm lên toàn bộ tác phẩm này: không khí tỉnh lẻ ảm đạm, yên tĩnh và đầy bí ẩn, cô đơn và lo lắng, tòa Lâu đài tường gạch và ngói đá đen, khu nhà máy rộng lớn với những ống khói chọc trời, đời sống nội tâm của người kể chuyện, sự bí ẩn trong con người ông kiểm sát trưởng. Chính một nhân vật trong tiểu thuyết này đã thốt lên: “Những thằng đểu cáng, những bậc thánh nhân, em đã thấy bao giờ đâu? Chẳng có gì thật là đen, cũng chẳng có gì thật là trắng. Chỉ có màu xám là vượt trội. Con người và linh hồn của họ cũng vậy… Anh là một linh hồn xám, xám một cách dễ thương, như tất thảy chúng ta…”
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Philippe Claudel đã đoạt giải Renaudot 2003- một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp, được tạp chí Lire uy tín bầu chọn là quyển sách hay nhất năm 2003. Cuốn sách cũng được dịch ra 25 thứ tiếng và đã được dựng thành phim.
***
Trước mắt quý bạn đọc là ngót 300 trang cuốn tiểu thuyết Những linh hồn xám (Les Âmes grises) của Philippe Claudel, tác giả mà người Việt Nam đã biết qua các tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt như Cháu gái ông Linh (La Petite fille de Monsieur Linh), Thế giới không trẻ con (Le Monde sans les enfants). Ông cho in tác phẩm đầu tay, Meuse l’oubli, năm 37 tuổi (1999). Hai năm liên tiếp sau đó, người đọc đón nhận ba cuốn khác của ông: Quelques-uns des cent regrets, J’abandonne, Au revoir Monsieur Friant.
Nhưng phải đến Les Âmes grises, tác phẩm thứ năm, tài năng của tác giả trẻ này mới thật sự được khẳng định.
Năm 2003, Những linh hồn xám được trao giải Renaudot (cùng với Goncourt, Renaudot là giải văn chương có uy tín ở Pháp). Theo tổng kết của các báo Le Nouvel Observateur, Le Point, L’Express, đây là một trong những tác phẩm được người đọc tìm mua nhiều nhất và được bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2003. Sự thành công của tiểu thuyết này càng được khẳng định vào năm 2005, khi nó được chuyển thành bộ phim cùng tên do Yves Angelo đạo diễn.
Cùng năm ấy, hàng loạt các bài của các nhà phê bình quen thuộc viết về Những linh hồn xám được đăng trên những tờ báo lớn ở Pháp. Béranghère Adda viết trên Le Parisien (04/11/2003), Alain Salles trên Le Monde (05/11/2003), Annie Coppermann trên Les Echos (29/9/2003), Philippe Lancon trên Libération (11/9/2003). Như một việc làm phá cách, Le Figaro đăng tải đến 2 bài của Eric Ollivier (04/9/2003) và Francois Nourisser (20/9/2003).
Cũng thế, trên tờ Le Point sau bài của Sebastien Fumaroli (28/8/2003) là bài viết nồng nhiệt của Marie-Francoise Leclère (20/11/2003)…
Bốn năm lao động sáng tạo say mê của Phililppe Claudel để hoàn thành tác phẩm Những linh hồn xám hoàn toàn xứng đáng được nhận những lời khen tặng, đánh giá cao của giới phê bình cũng như công chúng chọn lọc của nước Pháp.
Nhà văn viết về một thời đoạn ngắn trong Thế chiến lần thứ Nhất (1914-1918), một cuộc chiến tranh vô nghĩa lý, nhưng ông không dựng lại những cảnh chạm súng trực tiếp, bom rơi đạn nổ cụ thể. Chiến tranh thường trực có mặt trong toàn bộ tác phẩm, nhưng qua tiếng gầm gừ gào thét của đạn bom từ một không gian nào đó, có lúc xa nhưng cũng không ít lúc gần, chỉ cách thành phố V. nhỏ bé – bối cảnh diễn ra mọi chuyện thương tâm – một dãy đồi. Thành phố nhỏ đến mức cư dân quá quen biết nhau và các con đường nhỏ của nó dù dài ngắn thế nào dường như bao giờ cũng giao cắt nhau. Ở đó, một cộng đồng người ít ỏi, nhạt nhoà, mờ mờ nhân ảnh, tồn tại đấy mà chập chờn hư thực.
Tác giả chọn một giọng kể lạ, cứ nhẩn nha chậm rãi như tự nói với chính mình, một cuộc nói chuyện – “một cuộc nói chuyện của thời khác”. Như ông đã bộc bạch với Clara Dupont (báo Marianne, 15/9/2003): khi viết ông không biết trang tiếp theo sẽ được viết ra sao. “Tôi thích khi không biết mình sẽ đi đâu”, Philippe Claudel đã thổ lộ như thế. Vì vậy có lúc người đọc có thể sốt ruột, ngỡ là người kể chuyện đã sa đà, lan man nhưng thực ra nội dung câu chuyện vẫn được tổ chức chặt chẽ và tâm trạng, tính cách, số phận những con người bé nhỏ, – những “linh hồn xám” – và cả vài ba con người độc ác, phi nhân tính như kiểm sát trưởng Destinat, đại tá Matziev – những “linh hồn đen” – dần dần hằn nổi, để ám ảnh người đọc mãi không thôi.
Đúng là ám ảnh dai dẳng, hình ảnh đông đảo những linh hồn xám vô danh: lớp lớp những người thanh niên mặc áo lính, vô tư lự, không hiểu gì về đối phương, lạc quan thiếu căn cứ, hăng hái đi qua thành phố V., hướng ra chiến trường. Thế rồi, ngày lại ngày hàng đoàn xe tải chở thương binh, tử sĩ ùn ùn trở về, hoặc vĩnh viễn bó mình trong bốn tấm ván gỗ thông tồi tàn, hoặc ngổn ngang rên xiết trong quân y viện dã chiến đặt tại thành phố. Có người cũng có tên – một anh Léon Castrie nào đấy – “rất hài lòng vì đã mất một cánh tay.
Sáu ngày nữa anh ta sẽ về nhà và về luôn”. Người kể chuyện đã bình luận, khó có thể gọn hơn nhưng thật chua chát: “Chiến tranh là một thế giới lộn ngược, mông chổng lên trời, đầu rạp xuống đất. Chiến tranh cố thể biến một người tàn phế thành kẻ hạnh phúc nhất trần gian”.
Sức ám ảnh của tác phẩm còn nặng nề hơn khi Philippe Claudel dẫn chúng ta đến với những người dân bình thường của thành phố: cô bé mười tuổi Hoa Bìm Bìm ngây thơ hồn nhiên, bà lão Adélaide Siffert tốt bụng, thai phụ Clémence khắc khoải chờ đón đứa con đầu lòng, cô giáo Lysia Verharine tình nguyện đến thành phố V. dạy học để được an ủi vì phía bên kia quả đồi… Cả người kể chuyện – một anh cảnh sát tư pháp không rõ tên tuổi – chồng của Clémence. Và qua số phận của từng người một, nhưng kết thúc thật đau thương cứ lần lượt nối tiếp: Hoa Bìm Bìm bị cưỡng hiếp và bóp cổ đến chết, Clémence bất lực “vượt qua” trong cô đơn, cô giáo Lysia sau những ngày khắc khoải chờ trông hy vọng đã nhậnđược tin dữ về cái chết của người yêu…
Những trang viết thật buồn, nhưng cũng thật đẹp. Đẹp, vì Philippe Claudel dù muốn giấu nhưng cảm xúc nhân văn vẫn cứ bàng bạc trong toàn bộ 27 chương sách. Tôi ngờ rằng nhà văn cố làm ra lạnh lùng tỉnh táo, nhưng nhiều khả năng trái tim ông đã run rẩy không chỉ một lần. Đẹp, vì đúng như ông Jérôme Garcin đã viết trong Le Nouvel Observateur (04/9/2003), những trang viết này đã được cha đẻ của nó “rất trau chuốt về câu chữ, chứa chan xúc cảm đến nỗi nó có vẻ như thách thức cả một gia đoạn văn học”.
Dịch giả trẻ Nguyễn Duy Bình đã chuyển ngữ tác phẩm một cách công phu, nghiêm túc và đầy cảm hứng, nên đã tặng cho chúng ta một bản dịch đáng tin cậy, và đẹp. Trân trọng mời bạn đọc làm quen với Những linh hồn xám.
TP. Hồ Chí Minh, những ngày giáp Tết Mậu Tý
TRẦN HỮU TÁ
Mời các bạn đón đọc Những Linh Hồn Xám của tác giả Philippe Claudel.
Chia sẻ ý kiến của bạn