Khoảng 10 giờ sáng, một chiếc xe lửa chạy tới nhà ga ngoại ô. Một ông già theo đám đông bước xuống sân ga.
Bề ngoài của người hành khách không có gì đặc biệt, râu ria đều bạc trắng và xén ngắn, đôi mắt đen dửng dưng và hơi có vẻ mệt mỏi, cái mũi nhỏ và cân đối. Ông ta mặc bộ áo quần bằng thứ vải rẻ tiền, đội mũ chụp bằng da cừu, thân hình khô đét, dáng điệu nhanh nhẹn, cứng rắn.
Sau khi ra tới quảng trường trước ga, ông ta đi về phía bể. Ở đây là những dãy nhà một tầng cũ kỹ xây bằng đá ong sù sì. Ông già đội mũ chụp lững thững dạo bước dọc theo dãy phố, liếc nhìn số nhà rồi cuối cùng đi đến một căn nhà lụp xụp đằng trước có mảnh vườn con.
Ông ta lượn hai lần trước căn nhà như để nghiên cứu. Sau đó tiến về phía cửa hàng thực phẩm gần đấy và đứng vào đuôi đoàn người đang xếp hàng dài trên vỉa hè cạnh lối ra vào.
Một giờ qua, ông già đã tới sát trước cửa ngôi hàng thì có một người từ trong căn nhà nhỏ đi ra. Nhác thấy người đó, ông già đằng hắng, nhấp nhổm đổi từ chân này sang chân nọ, rồi vội vàng móc trong túi ra một chiếc ví bằng da nai vàng. Ông ta mở ví, ngửng đầu lên, bắt gặp cái nhìn của người đàn bà có tuổi bế con đứng cạnh, liền lắc đầu ra vẻ bực tức. Bà kia hỏi:
– Có việc gì thế cụ?
Ồng lão ngán ngẩm nhếch mép cười, bối rối càu nhàu:
– Đứng chầu chực mất bao nhiêu là thời gian! Thế mà lại quên mất phiếu ở nhà!
– Thế thì cụ chạy về nhà đi, quàng lên, nếu không thì quá lượt mất.
Ồng già gật đầu ra vẻ cảm ơn rồi chạy lon ton trên hè phố.
Cái người vừa từ căn nhà nhỏ có vườn con đi ra đang bước đằng trước, cách chừng hai trăm bước. Đó là một người đàn ông cao gầy, mặc áo bờ-lu-dông bằng da hải ly và đội mũ bịt tai của bộ đội.
Chả mấy chốc hai người đã tới bến xe điện. Hành khách đang đợi đông nghịt. Hai mươi phút sau xe điện mới chạy đến. Mọi người đổ xô lên xe, rồi đoàn xe điện lao về phía trung tâm thành phố. Qua từng bến xe, người lên mỗi lúc một đông.
Ông già và người đội mũ quân phục đứng cạnh nhau.
Đột nhiên ông già vồ lấy túi áo và rú lên:
– Kẻ cắp!
Trong toa xôn xao. Ông ta thì vẫn sờ nắn trong mình, vỗ túi, thọc tay vào ngực áo rồi cả quyết nói:
– Mất cắp rồi! Nó cuỗm cái ví của tôi, trong đó lại có cả phiếu thực phẩm nữa chứ!
Bỗng ông già im bặt, suy nghĩ điều gì và quay phắt lại, mặt giáp với người đội mũ trùm tai.
– Đồ chó đẻ, chính mày xoáy của tao! Ví tao đâu? Giả đây hay là để tao gọi công an!
Lảng tránh ông già xấn xổ, gã kia bước giật lùi về phía cửa. Chợt khổ chủ kêu lên:
– Trông kìa! Trông đây này!
Ai nấy ngó xuống dưới. Chiếc ví da nai vàng đang nằm lăn lóc trên sàn xe bẩn thỉu, ẩm ướt. Ông già xông tới túm lấy ngực gã ăn cắp.
Xe điện đã đến bên đỗ. Ổng già vừa chửi mắng không ngớt miệng vừa lôi tên móc ví ra cửa. Khi họ đã xuống đến bậc vỉa hè chợt tên này ưỡn thẳng người lên thụi cho ông già một quả rất nhanh vào đúng giữa ngực ngã lăn ra, rồi ù té chạy.
Hắn lủi theo phố vắng, nghiêng đầu, giơ quả đấm lên đe dọa.
Chỉ còn mấy chục bước nữa là hắn rẽ vào một ngõ ngang, chạy qua đó cho tới đại lộ đông đúc và ở đây thì có mà giời tìm ra hắn trong dòng người cuồn cuộn.
Một đội tuần tra hiện ra trước mặt. Tên ăn cắp ngoái nhìn quanh. Đằng sau khoảng chừng mười người rượt theo, chạy tỏa ra khắp phố. do anh công an dẫn đầu. Khó mà lọt qua lưới bổ vây này. Nhưng thoát khỏi ba người lính có súng đang tiến đến đón đầu lại càng gay hơn.
Trong giây phút quyết định tên thủ phạm thoáng thấy cái cổng trước sân nhà ai liền đâm bổ vào đó.
Khi những người đuổi bắt chạy được vào sân thì tên ăn cắp đang trèo thoăn thoắt trên chiếc thang cứu hỏa dựng vào tường một tòa nhà lớn. Hắn đã lên đến tầng thứ ba.
Hai chiên sĩ tuần tra đeo súng tiểu liên vào sau lưng rồi cùng trèo lên thang. Người lính thứ ba cùng với anh công an chạy vội vào cửa để trèo lên mái nhà bằng lối khác. Đám người hiếu kỳ xúm xít trong sân. Tên phạm tội trèo hết bậc thang và lẩn mất trước mắt họ…
Nhưng chỉ lát sau bóng người công an đã nhô lên trên mái nhà. Anh ta vẫy mũ để mọi người hiểu rằng tên ăn cắp đã bị bắt.
Anh công an trao hắn cho các đồng chí bộ đội giữ rồi chạy đi tìm khổ chủ. Nhưng lão già biến mất tăm…
Mời các bạn đón đọc Hầm Bí Mật Bên Sông En-Bơ của tác giả Aleksandr Nasibov.
Leave a Reply