Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách nhỏ về “Văn hóa rượu vang” của ThS. Tô Việt, chuyên gia cao cấp về văn hóa rượu vang, thành viên tổ chức thử nếm rượu vang Quốc tế (ASI). Trong thời gian vừa qua, anh đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc quảng bá văn hóa rượu vang ở nước ta, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, văn hóa ẩm thực và kinh tế của Việt Nam với thế giới trong thời đại hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Anh Việt đã được nhiều nơi mời đến giảng dạy những kiến thức về cây nho, công nghệ sản xuất rượu vang truyền thống của Châu Âu, phong cách phục vụ rượu vang tại nhà hàng, khách sạn, quán bar… như tại các trung tâm đào tạo, các hệ thống nhà hàng, khách sạn danh tiếng ở Việt Nam để góp phần tạo ra sản phẩm ẩm thực và du lịch hoàn chỉnh, cùng với những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến với nước ta.

Cuốn sách nhỏ, nhưng quy nạp nhiều kiến thức tích lũy từ quá trình tham gia trực tiếp nghiên cứu về văn hóa rượu vang ở Pháp, Anh, Italia…, cùng nhiều hình ảnh minh họa sinh động, hy vọng sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích và nguồn cảm hứng cho tất cả những ai quan tâm đến rượu vang.




Thực ra, văn hóa rượu đã có từ lâu trong tổng thể văn hóa ẩm thực dân tộc. Tuy nhiên, về rượu vang thì còn ít người sành biết trong cảm thụ, thưởng thức. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bùng nổ du lịch, dòng khách nước ngoài vào đầu tư, làm ăn và đi du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, việc nâng cao kiến thức về văn hóa rượu vang cùng một loạt các ngành kinh tế dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, phục vụ hành khách, hàng không, đường sắt, đường thủy… và bản thân người phục vụ cho du khách biết thưởng ngoạn rượu vang là rất cần thiết.

Sau nhiều năm công tác ở nước ngoài trong lĩnh vực văn hóa rượu vang, tôi muốn dành tất cả tâm huyết của mình để giới thiệu với độc giả trong nước về vấn đề này. Tôi đã có một quá trình làm việc lâu dài ở Pháp, Monaco và Anh, tại các khách sạn nổi tiếng như “Grand Hotel du Cap Ferrat”, “Le Chateau du Domaine Saint – Martin”, “Belles – Rives”, “Monte Carlo Beach”, tổ hợp khách sạn Hotel du Vin của ông Gérard Basset, chuyên gia rượu giỏi nhất Châu Âu năm 1996, thứ nhì thế giới năm 1992 và 2004.

Là thành viên liên đoàn thử nếm rượu vang quốc tế (ASI), tôi đã giảng dạy về văn hóa rượu vang ở nhiều nước. Tại Việt Nam, tôi được vinh dự tham gia giảng về văn hóa rượu vang ở Đại học Đà Lạt, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Du lịch – Khách sạn Hoa Sữa Hà Nội, Trường Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, tập đoàn khách sạn Accord – Sofitel ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, đoàn tiếp viên hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, công ty Nông sản – Thực phẩm – Thương mại Đà Lạt, trong khuôn khổ chương trình văn hóa rượu vang (FPS Việt Nam) do tôi làm giám đốc trong 2 năm 2004 và 2005. Các khóa học đã thực sự mang lại các kiến thức cần thiết và những điều lý thú về lịch sử cây nho và rượu vang, cách làm rượu vang, các vùng rượu vang nổi tiếng trên thế giới, rượu vang và sức khỏe, và nhất là kỹ năng thử nếm và phục vụ rượu vang.




Tôi đặc biệt trân trọng cám ơn các đồng nghiệp như ông G. Vaccarini (Italia), chuyên gia rượu giỏi nhất thế giới năm 1978, Hiệp hội Chuyên gia thử nếm rượu vang quốc tế (ASI), Hội Adaly thành phố Montpellier, Hội đồng hành chính vùng Languedoc – Roussillon, ông bà Nguyễn Văn Luật – Đinh Thu Hường và công ty Thiên Linh Wine&Spirits, công ty TNHH Nông sản Thực phẩm – Thương mại Đà Lạt, ông Youri Korsakov và công ty Aple, ông Đỗ Vĩnh Bảo và Trường Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, ông Sylvain Bournigault và công ty Les Celliers d’Asie, bà Ngô Thị Hiếu Thảo và cơ quan Sopexa Việt Nam, bà Béatrice Tauziède và phòng thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, các bạn phóng viên báo chí và truyền hình Minh Diệu, Bích Diệp, Phương Anh, Lan Anh, Kim Dung, Kim Hoa, Thu Huyền, Lan Hương, Vân Nga, Tuyết Mai, Quang Tâm, Ngọc Bảo … đã dành cho tôi sự giúp đỡ quý báu trong thời gian giảng dạy tại Việt Nam và xuất bản cuốn sách này.

Là lần đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt, nên cuốn sách không tránh khỏi những sơ suất, mong được bạn đọc góp ý kiến, phê bình. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

 

 


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.