Khi Loài Vật Lên Ngôi

  • Tác giả : Karel Capek
  • Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3
  • Chuyên mục : Tiểu thuyết

Đây thực chất là một cuốn tiểu thuyết khôn ngoan, dí dỏm về bản chất man rợ của con người, và sa giông chỉ là một công cụ để biểu đạt cái ẩn dụ sâu sa ấy.

Thuyền trưởng người Hà Lan, Đại úy Van Toch, trong một cuộc đi săn tìm ngọc trai, đã phát hiện ra những con sa giông khổng lồ, chỉ có thể được tìm thấy trên một hòn đảo gần Sumatra. Những người bản địa gọi chúng là “tapa”, hoặc “quỷ biển”.

Những con sa giông muốn ăn hàu nhưng chúng không thể tách vỏ được. Van Toch muốn ngọc trai nhưng rất khó khăn trong việc lặn sâu để bắt được hàu. Ngoài ra các loài động vật ăn thịt lớn như cá mập luôn là mối đe dọa với sa giông. Và chính từ đó, Van Toch đã nghĩ ra một phi vụ làm ăn, có thể xem là mấu chốt của mọi vấn đề.




Vị thuyền trưởng bắt đầu cung cấp cho những con sa giông dao để chúng có thể tách hàu, và đâm cá mập. Hơn nữa, kế hoạch nhân rộng sa giông sang những vùng khác cũng bắt đầu được lan rộng.

Thuyền trưởng Van Toch tìm thấy một người đầu tư tài chính, và bắt đầu từ đó những con sa giông được rao bán trên thế giới. Sa giông không chỉ thu gom ngọc trai và san hô, chúng con được thuê để làm tất cả những công việc dưới nước như xây đập, thủy điện, đê điều, kéo dài đường bờ biển…

Khi Van Toch chết, công ty mang tên Salamander Syndicate đã được thành lập, và bắt đầu khai thác sa giông giống như một lực lượng lao động giá rẻ. Hàng tỷ con sa giông đã lan rộng đến tất cả các bờ biển và các quốc gia. Cuối cùng, con người và sa giông đã đi đến xung đột, để tranh giành địa bàn, tranh giành sự sống, và quyền lực.




Karel Capek chính xác là một bậc thầy của thể loại hài hước đen. Ông đã biến tất cả mọi thứ âm mưu xấu xa thành một câu chuyện mang lại niềm vui thú vị.

Ông chế giễu cách thủy thủ nguyền rủa sa giông, châm biếm sự thông minh, chợ đen, các doanh nhân, chủ nghĩa tư bản, Ki Tô giáo, nhà sưu tập, rượu, xu hướng và lý thuyết trong giáo dục, khai thác, một nhất thời, thời trang, chú thích, thói tham lam, đạo đức giả, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Phát xít, những người cố gắng để tiếp tục chương trình nghị sự của của chính họ.

Ông chế giễu ô nhiễm, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, thói tự cao tự đại, ngụy biện, chiến tranh, những người giàu có, những câu lạc bộ phụ nữ, và đặc biệt là khoa học, những nghiên cứu, hội nghị, khám phá tranh luận dài dòng về loài sa giông…. đã khiến câu chuyện trở thành một bức tranh châm biến lý thú, vạch trần đầy đủ bộ mặt của xã hội, với một thứ văn chương sâu cay, hài hước, và thông minh.




Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1936, “khi nó vẫn còn có thể cười vào Adolph Hitler”. Trong cuốn sách có nhiều đoạn thú vị về nước Đức. Ví dụ chi tiết  người Đức quyết định rằng con sa giông của họ là cấp trên, nhạt màu, đi bộ nhiều hơn xây dựng, và có những đặc tính vượt trội hơn hẳn sa giông ở nơi khác. Với thái độ khinh bỉ, họ mô tả những con sa giông Địa Trung Hải thoái hóa, còi cọc cả về thể chất và đạo đức, xem chúng là các con sa giông man rợ nhiệt đới, và hoàn toàn là loài sa giông cấp dưới.

Khi loài vật lên ngôi hài hước, châm biếm, bất ngờ, súc tích. Với cách giới thiệu nhân vật mới, phong cách tự sự mở, trong hầu hết các chương, chỉ với một không khí châm biếm.

Câu chuyện sa giông cũng có thể được xem là một câu chuyện ngụ ngôn cho những kinh nghiệm của nhiều dân tộc bị áp bức và những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, luôn bị yếu thế, nhưng cũng luôn có ý thức nỗ lực để được văn minh, để trở thành thành viên của xã hội da trắng châu Âu, chiếm đoạt các nghi lễ văn hóa, và tất nhiên là chế độ nô lệ.




Đây là một cuốn sách, trong đó có đám đông, và cần được đọc bởi đám đông.

Không có nhân vật chính trong Khi loài vật lên ngôi, thay vào đó câu chuyện được trình bày như một bài học lịch sử lâu dài mang tính giải trí. Người kể chuyện trích từ bài báo khoa học, các cuộc phỏng vấn, và những bài báo được sưu tập bởi ông Povondra.

Povondra là một nhân vật khá xuyên suốt, và thú vị trong cuốn sách. Ban đầu ông cảm thấy rất tự hào rằng mình là một người có tác động to lớn quan trọng đến sự phát triển của lịch sử văn minh loài người, nhưng rồi đến cuối đời, lại chết trong nỗi ám ảnh tội lỗi về sự xuất hiện của sa giông tại dòng sông nơi quê hương mình.




Capek tự hỏi mình: “Này anh, anh không thấy hối tiếc cho loài người hay sao?”

 Ông tự đáp:” Lạy Chúa, hãy để tôi yên! Tôi biết làm sao bây giờ?”

“Tôi nói cho anh biết: ngay cả lúc này, khi một phần năm châu Âu đã chìm dưới nước, anh có biết ai vẫn ngày đêm làm việc như điên cuồng trong các phòng thí nghiệm để cố sáng chế ra những máy móc và vật liệu phá hủy cho hiệu quả hơn không? Anh có biết ai vẫn cho sa giông vay tiền, ai đang tài trợ cho sự tận diệt thế giới này, cho trận Tân Đại Hồng Thủy hay không?”




Capek hẳn có tiếc, nhưng đó là tiến trình phát triển tự nhiên của loài người. Các ông nhà văn chẳng bao giờ có thể can thiệp vào điều đó. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó.

Khi loài vật lên ngôi dành được rất nhiều lời khen ngợi của những tác giả nổi tiếng. Nhà văn Milan Kundera từng nói “Khi loài vật lên ngôi sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng… Čapek có lẽ là nhà văn châu Âu đầu tiên có những tác phẩm hình dung trước được viễn cảnh khủng khiếp của thế giới toàn trị.”

Cuốn sách này còn là cảm hứng cho vô số tác phẩm lừng danh được xuất bản sau, có thể liệt kê ra như: 1984 hay Trại súc vật của George Orwell; hay The Sirens of TitanHarrison Bergeron của Kurt Vonnegut… và ngay cả ý tưởng sinh sản đơn tính của khủng long trong Công viên kỷ Jurassic




Čapek được đề cử giải Nobel Văn học bảy lần, nhưng ông không bao giờ giành chiến thắng. Tuy nhiên, một số giải thưởng lại mang tên ông, như giải Karel Čapek, được trao tặng hàng năm bởi Czech PEN Club cho tác phẩm văn học góp phần củng cố và duy trì các giá trị dân chủ và nhân văn trong xã hội.  Ông cũng là một nhân vật chủ chốt trong việc tạo ra các PEN Club Tiệp Khắc là một phần của Văn Bút Quốc tế. 

Phong Linh – Zing.vn

Tôi thường được hỏi, điều gì đã thôi thúc tôi viết “Khi loài vật lên ngôi”, và tại sao tôi lại chọn loài động vật lưỡng cư để làm hình tượng cho cái gọi là tiểu thuyết viễn tưởng của mình về sự diệt vong của nền văn minh loài người. Thành thực mà nói, ban đầu tôi không hề có ý định viết tiểu thuyết viễn tưởng. Tôi cũng không có mối quan tâm yêu thích nào đặc biệt đối với hình thức viễn tưởng; trước khi bắt đầu viết về những con vật lưỡng cư này, thậm chí trong đầu tôi là một tiểu thuyết hoàn toàn khác. Tôi nghĩ ra hình mẫu một người tốt, hơi giống với người cha quá cố của tôi, một bác sĩ tỉnh lẻ với các bệnh nhân; đó phải là một bài ca về ngành y, và phần nào đó về bệnh lý xã hội. Tôi đã khá hứng thú với ý tưởng đã nghiền ngẫm trong đầu tuần này qua tháng khác, nhưng lại không tài nào thấu cảm hoàn toàn. Tôi hoài nghi, liệu nhân vật bác sĩ tốt bụng có thể làm gì trong cái thế giới hỗn loạn này, như bấy lâu nay. Vâng, ông ấy có thể chữa lành vết thương cho mọi người, nhưng hầu như không liên can gì đến sự bất lực và nỗi đau mà thế giới chúng ta đang chịu đựng. Tôi nghĩ về người bác sĩ tốt bụng, nhưng cả thế giới này lại đang quay cuồng với khủng hoảng kinh tế, bành trướng dân tộc và ngòi nổ chiễn tranh. Tôi không thể nào hóa thân vào nhân vật bác sĩ của mình, bởi tôi – cho dù không ai đòi hỏi điều này ở các nhà văn – vẫn luôn trăn trở một điều: Cái gì đang đe dọa thế giới loài người? Sự thật hiển nhiên là tôi không thể xoay chuyển được hiểm họa của văn minh nhân loại, nhưng ít nhất tôi không thể ngồi nhìn và không thể thôi nghĩ đến điều đó.




Mùa xuân năm ngoái, thời kỳ mà kinh tế thế giới xấu đi và chính trị còn tồi tệ hơn, tôi có lần đã viết câu này: “Bạn không được phép nghĩ rằng, sự phát triển đang bùng nổ trong cuộc sống của chúng ta là cơ hội phát triển duy nhất trên hành tinh này”. Và đây rồi. Câu này là nguyên nhân khiến tôi viết “Khi loài vật lên ngôi”.

Điều này luôn đúng: Chúng ta không thể loại trừ khả năng là, trong những điều kiện phù hợp, một loài sinh vật khác con người cũng có thể trở thành cái nôi của sự phát triển văn minh. Nếu xét theo con người với nền văn minh và văn hóa của mình, trong suốt lịch sử phát triển từ một loài linh trưởng, từ các bộ lạc nguyên thủy, ta có thể mường tượng một nguồn năng lượng tiến hóa tương tự có thể chi phối quá trình phát triển của các loài động vật khác. Không thể loại trừ khả năng là, trong những điều kiện sống nhất định, ong hay kiến có thể trở thành những giống loài thượng đẳng, năng lực văn minh của chúng không thua gì chúng ta. Cũng không thể loại trừ khả năng này ở các sinh vật khác. Trong những điều kiện sinh học thuận lợi, một nền văn minh khác có thể xuất hiện, không thấp kém hơn nền văn minh của chúng ta, kể cả dưới sâu thẳm đại dương.

Đấy là ý tưởng ban đầu; và ý tưởng thứ hai: Giả sử một loài động vật khác con người đạt được cái trình độ mà chúng ta gọi là nền văn minh, thì bạn nghĩ gì? Chúng cũng làm những điều vô nghĩa như loài người? Cũng châm ngòi các cuộc chiến tranh? Cũng gây ra các thảm họa lịch sử? Và chúng ta nhìn nhận thế nào về chủ nghĩa đế quốc của loài bò sát, chủ nghĩa dân tộc của loài mối, về sự bành trướng kinh tế của chim hải âu hay cá mòi? Chúng ta sẽ nói gì khi một loài động vật khác con người, với tri thức và số đông áp đảo, tuyên bố rằng chỉ có chúng mới có quyên ngự trị cả thế giới và thống soái muôn loài?




Khi so sánh với lịch sử loài người, và với những gì nóng bỏng nhất vừa xảy ra, tôi buộc phải ngồi vào bàn mà viết “Khi loài vật lên ngôi”. Giới phê bình liệt nó vào tiểu thuyết viễn tưởng. Tôi phản đối từ này. Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó. Đây không phải truyện hoang đường, thứ mà tôi có thể cho không và còn tặng thêm bất cứ lúc nào, bao nhiêu tùy thích và cho bất cứ ai. Đây chính là hiện thực. Biết làm sao được, nhưng văn chương nếu không quan tâm đến thực tại và những gì thực sự xảy ra trên thế giới, nếu không có những phản ứng mạnh mẽ mà chỉ là ngôn từ và ý nghĩ sáo rỗng, thì đó không phải văn chương của tôi.

Thế đấy, tôi viết về những con vật lưỡng cư vì tôi nghĩ đến loài người, tôi đã chọn một loài vật giống con sa giông làm hình tượng, không phải vì tôi thích hay không thích nó hơn những sản phẩm khác của Tạo Hóa, mà vì chuyện dấu tích của loài sa giông khổng lồ tiền sử ở Phân kỷ Đệ tam đã từng bị lầm tưởng là hóa thạch của tổ tiên loài người; do đó trong tất cả các loài vật, sa giông có vị trí lịch sử đặc biệt để có thể bước lên khán đài như là hình ảnh của chúng ta. Và nếu như có một cái cớ để có thể miêu tả những việc liên quan đến con người mà tác giả buộc lòng phải hóa thân vào những con sa giông thì đây là một trải nghiệm hơi lạnh lẽo, nhưng rốt cuộc nó cũng quyến rũ và kinh hoàng như khi hóa thân làm Nhân loại.

KAREL ČAPEK (1936)

Mời bạn download ebook Khi Loài Vật Lên Ngôi ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.