Khúc Ca Tú Cầu Của Ác Quỷ

  • Tác giả : Seishi Yokomizo
  • Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3 mp3
  • Chuyên mục : Kinh dị

Trong các tạp chí mà bạn bè tôi tham gia xuất bản, có một ấn phẩm khổ nhỏ gọi là Điển tích dân gian. Tuy gói gọn trong 64 trang A5 và chỉ in với số lượng có hạn phục vụ hội viên, nhưng đọc cũng khá thú vị.

Ngay từ cái tít Điển tích dân gian và tít phụ “Làng quê và tập tục dân gian”, có thể thấy ấn phẩm này tập hợp các truyện dân gian, điển tích truyền miệng, phong tục tập quán kì lạ trên khắp đất Nhật.

Bên cạnh số ít tác giả đã thành danh, đa phần bài viết ở đây đều do những cây bút vô danh gửi tới. Dù cách hành văn đôi khi non nớt, nhưng nội dung lại thú vị dị thường, đem lại nhiều kiến thức mới cho người đọc.

Thú vui của tôi là sưu tầm các số của ấn phẩm này, đóng thành tập để lấy ra đọc những lúc nhàn rỗi. Nhờ đó, gần đây tôi đã phát hiện ra một bài viết hết sức hấp dẫn mà khi trước từng bỏ sót.

Bài viết có tên “Đôi dòng suy nghĩ về khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ”. Bài này đăng trên số tháng Chín năm 1953, đề cập đến khúc đồng dao khi chơi tú cầu gần như đã bị lãng quên ở một địa phương nọ. Tác giả là Tatara Hoan, ngoài tên không có thông tin cụ thể gì khác.

Đây có lẽ cũng là một trong nhiều cây bút vô danh đóng góp bài viết cho tạp chí.

Khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ đóng vai trò then chốt trong câu chuyện đáng sợ, mà tôi sắp kể sau đây (với sự cho phép của thám tử Kindaichi Kosuke). Thế nên tôi mạn phép trích dẫn bài viết của Tatara Hoan kèm theo một vài ý kiến cá nhân.

Tôi tin rằng việc lướt qua đôi dòng này trước khi bước vào câu chuyện sẽ không hề lãng phí đâu.

Lạc đề một chút thì, tên làng lẽ ra phải là Đồ Quỷ, nhưng thường bị đọc chệch thành Đầu Quỷ.

Bản thân khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ vẫn còn những lời khác, nhưng Tatara Hoan chỉ đề cập tới ba đoạn dưới đây.

Theo tác giả này, các bài đồng dao hát khi chơi tú cầu đa phần theo thể thức hát đếm hoặc nối âm, thường triển khai dựa vào liên tưởng, ít khi có nội dung hay khuôn khổ nhất quán.

Tuy nhiên khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ lại khiến người ta cảm thấy tính nhất quán thấp thoáng tồn tại trong lời hát. Tatara Hoan nhận định, nhiều khả năng nông dân địa phương đã lồng vào khúc ca này những cảm nhận về cách chấp chính của lãnh chúa trong vùng.

KHÚC CA TÚ CẦU LÀNG ĐẦU QUỶ

Ở khu vườn sau nhà, ba chú sẻ nghỉ cánh

Chú đầu tiên cất tiếng, ta là lãnh chúa trong biệt phủ

Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú

Đằm thắm vô cùng con gái hàng hũ

Quán xá chỉn chu nhưng nát rượu quá chừng

Đong rượu bằng hũ rồi uống bằng phễu

Suốt ngày chìm đắm trong hơi men

Vẫn không thỏa mãn nên bị đuổi về, bị đuổi về.

Chú thứ hai tiếp lời, ta là lãnh chúa trong biệt phủ

Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú

Đằm thắm vô cùng con gái hàng cân

Quán xá chỉn chu nhưng tằn tiện vô ngần

Đếm củ dưa hành đo lọ nước mắm

Suốt ngày chỉ thiết tha tính toán

Ngủ cũng chi li nên bị đuổi về, bị đuổi về.

Chú thứ ba góp chuyện, ta là lãnh chúa trong biệt phủ

Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú

Đằm thắm vô cùng con gái hàng khóa

Quán xá chỉn chu nhưng lãnh cảm chán đời

Là khóa hỏng chẳng chìa nào tra nổi

Khóa không đúng chìa nên bị đuổi về, bị đuổi về.

Cũng đã muộn rồi, hãy dừng ở đây thôi.

Giờ thử tìm hiểu một chút về địa hình làng Đầu Quỷ xem sao.

Nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Hyogo và Okayama, cách biển nội địa Seto chưa đến ba mươi cây số, đây là một thung lũng vùng cao đúng nghĩa, bị cô lập bởi núi non tứ phía và cũng không có tuyến đường quan trọng nào chạy qua. Quan sát trên bản đồ thì dù xét theo địa hình hay giao thông, nơi này cũng nên được sáp nhập vào tỉnh Hyogo mới phải. Tuy nhiên, thật kì lạ là nó lại được phân về tỉnh Okayama, có lẽ do cùng đơn vị hành chính từ thời Mạc phủ.

Đặc điểm đó đã gây trở ngại lớn cho việc điều tra mỗi khi có vụ án xảy ra. Do chướng ngại địa lý và một số nguyên nhân khác, làng Đầu Quỷ bị cảnh sát tỉnh Okayama coi như con ghẻ. Còn cảnh sát Hyogo thuận tiện đi lại thì luôn viện cớ nằm ngoài địa bàn phụ trách để ngó lơ trị an ở đây. Ngay trong vụ án mà tôi sắp kể, không thể phủ nhận rằng chính điều này đã gây hại không nhỏ cho quá trình điều tra.

Về mặt sử liệu, Đầu Quỷ vốn là lãnh địa của nhà Ito, trấn thủ Shinano. Danh sách võ gia vào năm Minh Trị nguyên niên[1] ghi rõ: trấn thủ Shinano[2] Ito, gian Yanagi[3], triều tán đại phu, 10.343 thạch[4]. Đây là mức bổng lộc thuộc hàng thấp nhất trong số các lãnh chúa, nên thái ấp Đầu Quỷ của dòng họ Ito cũng chỉ là một biệt phủ chứ không phải thành quách tráng lệ gì cho cam.

Vì vậy, vị “lãnh chúa trong biệt phủ” mà khúc ca tú cầu nhắc đến nhiều khả năng là một trong các tổ tiên nhà Ito. Theo Tatara Hoan thì đó chính là Ito Sukeyuki, đương chủ thời Thiên Minh[5], một bạo chúa háo sắc dâm loạn. Hắn thường lấy danh nghĩa săn bắn để dạo quanh lãnh địa, bắt mọi cô gái vừa mắt, không kể già trẻ chồng con thế nào. Đến khi no xôi chán chè, chỉ cần cô gái kia phạm phải lỗi nhỏ là hắn vịn vào đó để xử tử.

Xoay quanh cái chết đột ngột của Sukeyuki vào khoảng những năm cuối Thiên Minh đầu Khoan Chính[6], Tatara Hoan cho rằng hắn đã bị hạ độc. Còn đoạn điệp khúc “bị đuổi về, bị đuổi về” trong khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ thật ra phải là “bị giết đi, bị giết đi” để đúng với những hành vi bạo ngược của Ito Sukeyuki.

Bên cạnh đó, hàng hũ hàng cân hàng khóa xuất hiện trong bài hát không hẳn là nghề nghiệp của mỗi cô gái, mà là tên hiệu các thường dân không họ dùng để phân biệt lẫn nhau dưới thời Mạc phủ. Từ thời Minh Trị, sau khi thường dân có quyền đặt họ, người cao tuổi thỉnh thoảng vẫn quen xưng hô bằng tên hiệu này.

Trên đây là đôi dòng giới thiệu về nguồn gốc của khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ mà tôi phát hiện được từ tạp chí Điển tích dân gian. Mong rằng chút thông tin dự bị này sẽ giúp các bạn sẵn sàng hơn để bước vào vụ giết người hàng loạt tại làng Đầu Quỷ.

Mời bạn download ebook Khúc Ca Tú Cầu Của Ác Quỷ ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *