Năm 1987, chủ tịch sáng lập Samsung qua đời, hai tuần sau đó Lee Kun Hee, con trai thứ ba của ông tiếp quản đế chế Samsung. Mặc dù đã là một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, nhưng các sản phẩm của Samsung khi ấy hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước, vì bị “lép vế ”khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ bởi chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt.
Đứng trước tình trạng trì trệ của tập đoàn, Lee Kun Hee đã thực hiện một loạt những cải cách thay đổi. Sau 20 năm (1993-2013) kể từ ngày chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đưa ra tuyên bố hùng hồn gây chấn động tại hội nghị Bắc Kinh: “Samsung không phải là số 1 hay số 2. Chỉ duy nhất là hạng 1,5 mà thôi.”. Đến thời điểm hiện nay – năm 2013 – Samsung đã vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.
Cuốn sách này sẽ cho bạn biết những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của chủ tịch Lee đã từng bước đưa Samsung đến vị trí ngày hôm nay như thế nào. Bên cạnh đó là tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo và phần nào độc đoán của Lee Kun Hee.
Đứng trước doanh nghiệp khá trì trệ, Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách thức làm việc của Samsung bằng việc… không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Ông cũng nổi tiếng với câu nói: “Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con,” trong “Tuyên ngôn Frankfurt” năm 1993, khi quyết tâm thay đổi phong cách điều hành, làm việc và kinh doanh của Samsung.
Những điều mà Lee Kun Hee đã làm không chỉ thể hiện một ý chí mạnh mẽ điển hình cho tinh thần Hàn Quốc mà hơn thế, nó đã vượt xa tầm nhìn của những người cùng thời. Vì vậy, cuốn sách này sẽ giúp các bạn, đặc biệt là những người đang và sẽ làm chủ một doanh nghiệp có thể vững tin hơn trong những quyết định khác biệt của mình.
Với các bạn trẻ, học sinh sinh viên Việt Nam khi đọc cuốn sách này sẽ hiểu được rằng, đằng sau những thành công rực rỡ, đằng sau làn sóng văn hóa Hàn Quốc mạnh mẽ hiện nay là cả một khối quyết tâm hừng hực, kiên cường.
Khi tôi tới thăm Seoul, vài người bạn Hàn Quốc nhất định đưa tôi đi ngang qua thành phố Suwon – cách Seoul 45km, một đô thị được gọi tên “Samsung Digital City” (Thành phố Kỹ thuật số Samsung), trụ sở và đại bản doanh của tập đoàn Samsung.
Họ không ngừng tự hào về Samsung, không ngừng kể về Samsung bởi ở Hàn Quốc, Samsung đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP. Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, còn lợi nhuận sau thuế là 22,3 tỷ USD. Samsung hiện cũng đứng đầu toàn cầu về thị phần của các sản phẩm như tivi, màn hình, điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh, ĐTDĐ nói chung, DRAM…
Chứng kiến thành tựu kinh tế, kỹ thuật của nước bạn, tôi thật sự phấn khích, khâm phục và cũng không tránh khỏi việc tự đặt câu hỏi cho mình, bằng cách nào mà họ đã làm được và đạt tới vị thế như ngày nay. Xin lưu ý rằng, đất nước Triều Tiên cũng có hệ tư tưởng phương Đông như Việt Nam. Vào đầu thế kỷ XX, họ cũng chỉ là một nước nhược tiểu. Sau năm 1953, đất nước Triều Tiên phải chia đôi hai miền tại vĩ tuyến 38. Những lợi thế tài nguyên và cơ sở sản xuất lại không nằm ở miền Nam. Còn sự nghèo đói là điều không phải bàn, Nam Triều Tiên là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào thời điểm đó. Tất nhiên, thành công ngày hôm nay của họ do nhiều nguyên nhân, ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô, nhưng tôi chú ý đến sức mạnh nội lực của họ. Đó chính là tinh thần, lòng quyết tâm trong lao động, thể hiện ở từng người dân, từng doanh nghiệp, mà trong đó, Samsung là một ví dụ điển hình.
Cũng như đất nước Hàn Quốc, Samsung có một lịch sử giản dị lúc khởi đầu. Hai chục năm về trước, Samsung trở thành một trong những Chaebols hàng đầu của Hàn Quốc. Đến năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tan vỡ phần nào hình ảnh của các Chaebols. Nhưng không giống như nhiều doanh nghiệp lớn cùng thời khác, Samsung đã trụ lại và hiện nay, Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với hơn 400.000 công nhân trên toàn thế giới, kinh doanh đa ngành nghề gồm: đồ điện tử, hóa chất, thương mại, kinh doanh khách sạn, công viên giải trí, xây dựng, công nghiệp dệt, chế biến thực phẩm,… trong các công ty thành viên được cải tổ sau khủng hoảng tài chính châu Á.
Những người bạn Hàn Quốc khuyên tôi nên xuất bản cuốn sách viết về Samsung và chủ tịch Lee Kun Hee, người đã dẫn dắt Samsung làm nên thành công hôm nay.
Cuốn sách này sẽ cho bạn biết những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của chủ tịch Lee đã từng bước đưa Samsung đến vị trí ngày hôm nay như thế nào. Khi đọc cả cuốn sách, tôi thấy nổi bật lên tất cả là tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo và phần nào độc đoán của Lee Kun Hee. Tính cách đó, thái độ đó được thể hiện ngay từ năm 1987, thời điểm ông tiếp quản đế chế Samsung sau khi người cha qua đời.
Đứng trước doanh nghiệp khá trì trệ, Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách thức làm việc của Samsung bằng việc… không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Ông cũng nổi tiếng với câu nói: “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con cái bạn,” trong “Tuyên ngôn Frankfurt” năm 1993, khi quyết tâm thay đổi phong cách điều hành, làm việc và kinh doanh của Samsung.
Tôi chắc chắn rằng các bạn doanh nhân của tôi cũng hằng ngày phải đối mặt những trì trệ trong công việc tương tự, khó khăn trong điều phối và phát huy nhân lực bởi vì, một lần nữa xin được nhắc lại, Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và ý thức hệ. Tôi cho rằng những điều mà chủ tịch Lee đã làm không chỉ thể hiện một ý chí mạnh mẽ điển hình cho tinh thần Hàn Quốc mà hơn thế, nó đã vượt xa tầm nhìn của những người cùng thời. Vì vậy, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp các bạn có thể vững tin hơn trong những quyết định khác biệt của mình.
Tôi cũng hy vọng các bạn trẻ, học sinh sinh viên Việt Nam khi đọc cuốn sách này sẽ hiểu được rằng, đằng sau những thành công rực rỡ, đằng sau làn sóng văn hóa Hàn Quốc mạnh mẽ hiện nay là cả một khối quyết tâm hừng hực, kiên cường. Tôi rất mong các bạn có thể cảm nhận được khối quyết tâm ấy và truyền tải nó vào việc học tập, lao động và sáng tạo của mình.
Tiếp sau loạt sách về thành công của các dân tộc, các quốc gia như: Quốc gia Khởi nghiệp nói về sự thành công của đất nước Israel; cuốn Swiss Made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ… thì việc tìm hiểu về Hàn Quốc, về sự vươn lên của con người, của dân tộc và của các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn là ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn đem đến cho bạn đọc, các công chức, doanh nhân, nhân viên, học sinh sinh viên, những bài học kinh nghiệm thú vị đến từ một đất nước có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn.
Giám đốc Alpha Books
Mời các bạn đón đọc Lee Kun Hee: Những Lựa Chọn Chiến Lược Và Kỳ Tích Samsung của tác giả Ji Pyeong Gil.
Chia sẻ ý kiến của bạn