Cuốn sách Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp do nhiều tác giả cùng viết về cuộc đời và sự nghiệp mang văn hóa Việt đi giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới của GS-TS Trần Văn Khê. Trong đó, đặc biệt là phần 1 – “Cuộc đời qua hồi ức của con trai”, GS-TS Trần Quang Hải, được coi như “đệ tử chân truyền” của GS-TS Trần Văn Khê, đã kể lại về thời thơ ấu của cha mình, các thời kỳ học tập khi ông là học sinh Trường Petrus Ký, năm nào cũng đứng đầu lớp; cùng với nhóm Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường.
Trong 27 năm làm nghiên cứu, GS-TS Trần Văn Khê đã đăng tới gần 200 bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh; dự gần 200 cuộc hội nghị quốc tế ở 67 nước trên thế giới; tự ghi âm 600 giờ âm nhạc, trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam và trên 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi; chụp hơn 8.000 tấm ảnh về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và ở những nước ông đã đi qua; thu thập gần 500 đĩa hát của các nước trên thế giới…
Cuộc đời miệt mài nghiên cứu âm nhạc dân tộc và nỗ lực truyền bá văn hóa dân tộc của GS-TS Trần Văn Khê để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới trí thức và những người làm văn hóa.
***
Hơn nửa thế kỷ lập thân nơi đất khách quê người, giáo sư Trần Văn Khê tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.
Là thành viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc lớn trên toàn cầu. Gần 200 bài nghiên cứu của ông đăng trên sách báo, bách khoa từ điển, tạp chí chuyên môn của các nước được đánh giá cao về học thuật và được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.
Khi tích lũy đủ “vốn liếng”, giáo sư TrầnVăn Khê bắt đầu bôn ba như con thoi đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu “sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam” như ông vẫn luôn khẳng định.
Hành trang ông mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á, đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên mọi diễn đàn.
Thế nhưng, như đã từng trải lòng trong những trang hồi ký, dù ở tận chân trời góc biển, lòng ông vẫn luôn hướng về đất nước, với tâm nguyện lớn nhất là sống những năm tháng cuối đời tại quê hương để “được nói chuyện về âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam, với người Việt Nam và bằng tiếng Việt Nam”.
Một trong những trăn trở của ông là làm sao mang theo về nước toàn bộ “gia sản tinh thần” là những tư liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và các nước mà ông đã một đời chắt chiu góp nhặt. Muốn vậy thì phải có một nơi chốn phù hợp để bảo quản, một đội ngũ chuyên nghiệp để phân loại, sắp xếp, chỉnh lý, phục chế… làm tài liệu nghiên cứu âm nhạc dân tộc cho các thế hệ mai sau. Tất cả những công việc nói trên, chỉ một mình ông thì không đủ sức.
Vào năm 2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin lúc đó là ông Phạm Quang Nghị khi biết được ước mong của ông đã gợi ý tạo mọi thuận lợi để có thể mang về Hà Nội toàn bộ tư liệu ấy. Rất xúc động về sự ưu ái này nhưng vị giáo sư đã thành thật nói rằng Sài Gòn mà ông thiết tha gắn bó mới là sự chọn lựa.
Thật vui mừng, tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Khê đã được viên mãn khi cuối năm 2004, chiếc tàu viễn dương của Pháp trong đó có một container đầy ắp hiện vật, sách vở và tài liệu cập bến Cảng Sài Gòn. Thế là hoài bão của ông đã được thực hiện nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Phần lớn tư liệu mang về đã được phân loại, vi tính hoá, gắn mã số, sắp xếp theo đúng qui chuẩn của một thư viện để tiện việc tra cứu sau này. Giáo sư Trần Văn Khê thường tâm sự với thân hữu: “Trong tuổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vui mừng thấy công sức tha lâu đầy tổ của mình nay đã có chỗ hữu dụng, an tâm khi biết rằng những tư liệu bao nhiêu năm cặm cụi thu thập sẽ được sử dụng vào việc gì và để lại cho ai”.
Mười năm cuối đời là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông khi được đắm mình trong tình cảm chan hòa của mọi người. Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục hăng say gieo chất men âm nhạc dân tộc vào lòng tất cả những ai có dịp tiếp xúc với mình. Trong các buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ, từ người bình dân đến giới trí thức, đầu bạc lẫn tóc xanh, đã cùng ông du ngoạn trong khu rừng âm nhạc truyền thống đầy hoa thơm cỏ lạ. Đến đây để nghe Thầy Khê nói chuyện, để cảm nhận sâu sắc dòng âm nhạc gắn liền với đời sống người Việt, từ khi cất tiếng khóc chào đời qua những câu Hát ru đến lúc trở về với cát bụi bằng điệu Hò đưa linh.
Rất nhanh chóng, căn nhà ông ở trở thành một địa chỉ văn hoá quen thuộc, bởi ngoài những buổi giao lưu nghệ thuật còn thường xuyên tiếp đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước lui tới tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh khi có dịp đến thăm đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về công việc mà nhà nhạc học của chúng ta tận tụy theo đuổi: “Xin cám ơn giáo sư đã biến nơi đây thành một thánh đường để truyền đạo nhạc”.
Nhân ngày giỗ đầu của giáo sư Trần Văn Khê, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà liên kết với Nhà xuất bản Lao động, xuất bản ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp là một việc làm đáng quý. Mỗi bài viết trong tập sách là một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tri ân cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ phụng sự âm nhạc dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.
Mời các bạn đón đọc Trần Văn Khê – Tâm và nghiệp.
Leave a Reply