Việt Nam là một quốc gia ở Đông Nam Á, có mối quan hệ gắn bó lâu đời với các nước trong khu vực. Trải qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm, mối giao lưu văn hóa và kinh tế, chính trị và ngoại giao đã hình thành và phát triển.
Ngày nay, Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), quan hệ láng giềng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, việc tìm hiểu lịch sử Đông Nam Á trở thành một nhu cầu thực tế ở nước ta.
Tác phẩm Lịch sử Đông Nam Á của D.G.E. Hall được dịch và xuất bản sẽ góp phần giới thiệu về các nước Đông Nam Á và mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc.
Cuốn sách chia làm 4 phần:
Phần thứ nhất đề cập lịch sử Đông Nam Á từ thuở ban đầu cho tới khi người châu Âu xuất hiện ở khu vực này.
Sau hai chương giới thiệu chung về cư dân và văn hóa, tác phẩm đi vào lịch sử một số quốc gia cổ đại Đông Nam Á đã một thời hưng thịnh, bờ cõi mở mang như các đế chế vùng đảo: Srivijaya, Java, Majapahit… và các vương triều vùng lục địa: Ăngco, Ayuthaya, Pagan, Đại Việt…
Phần thứ hai đề cập lịch sử các nước Đông Nam Á từ thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XVIII.
Trong khoảng ba trăm năm ấy, đã diễn ra sự xâm nhập của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, của Công ty Đông Ấn Hà Lan (V.O.C.), của người Anh, người Pháp qua những hoạt động truyền giáo, thương mại và bước đầu thôn tính. Cùng thời gian này đã xảy ra bao biến động với các vương triều Toungoo và Konbaung ở Miến Điện, cuộc chiến tranh Miến – Xiêm và sự ứng phó của triều đình Băng Cốc trước sự xâm nhập của người Âu, cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn và sự thiết lập triều đại Tây Sơn ở Việt Nam…
Phần thứ ba đề cập sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây và sự thiết lập chế độ cai trị thuộc địa, tính đến đầu thế kỷ XX.
Chỉ trong vòng một trăm năm, chủ yếu là ba mươi năm cuối thế kỷ XIX, người Âu đã hoàn thành việc thôn tính lãnh thổ và xây dựng nền hành chính thực dân ở các nước Đông Nam Á. Các quốc gia khu vực này lần lượt biến thành thuộc địa: Inđônêxia thuộc Hà Lan; Philippin thuộc Tây Ban Nha, sau đó rơi vào tay Mỹ; Mã Lai, Miến Điện thuộc Anh và ba nước Đông Dương thuộc Pháp. Vương quốc Xiêm nằm ở vị trí nước đệm giữa hai thế lực Anh và Pháp, lại tiến hành một số cải cách dưới thời vua Mongkut và Chulalongkorn nên tuy không bị rơi vào tình trạng thuộc địa nhưng cũng chẳng thoát khỏi số phận lệ thuộc nước ngoài.
Phần thứ tư đề cập sự quật khởi của các dân tộc ở Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh giành độc lập nửa đầu thế kỷ XX.
Sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc đã làm bừng lên một cao trào đấu tranh yêu nước, dẫn tới sự ra đời của nhiều quốc gia độc lập ở Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Đông Nam Á của tác giả D. G. E. Hall.
Chia sẻ ý kiến của bạn