Tập III của bộ sách Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam viết về các quan điểm, tư tưởng quân sự Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945, gồm 4 chương. Ở chương I, sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, các tác giả giới thiệu về tư tưởng quân sự Việt Nam dưới triều Nguyễn trước năm 1858; từ năm 1858 đến năm 1884; tư tưởng quân sự của văn thân, sĩ phu yêu nước và các phong trào nông dân chống thực dân Pháp ở cuối thế kỷ XIX. Trong chương II, các tác giả trình bày về tư tưởng quân sự Việt Nam thời kỳ 1897-1930 với các quan điểm quân sự theo xu hướng dân chủ tư sản và những quan điểm quân sự đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chương III: Tư tưởng quân sự của Đảng trong thời kỳ 1930-1939, viết về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và các quan điểm quân sự cơ bản trong văn kiện Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), trong thời gian sau Hội nghị thành lập đến trước Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng, trong các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng (3-1935) và trong những năm 1936-1939. Chương IV được dành để viết về tư tưởng quân sự của Đảng trong thời kỳ từ cuối năm 1939 đến tháng 9-1945 với chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược; các quan điểm về xây dựng thực lực cách mạng; về khởi nghĩa toàn dân, khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa; chủ động và nhạy bén phát hiện và nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền gắn liền với bảo vệ chính quyền cách mạng.

Có thể nói, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giai đoạn 1858-1945 là giai đoạn diễn ra nhiều biến động, đổi thay hết sức dữ dội, sâu sắc, có tính chất bước ngoặt trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Gắn liền với quá trình lịch sử đó là sự xuất hiện và phát triển các quan điểm, tư tưởng quân sự của từng thời kỳ. Cuốn sách Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam – tập III thể hiện sinh động, chân thực, toàn diện những nội dung chính yếu nhất của tư tưởng quân sự Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố vừa đau thương, bi tráng, vừa hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, viết về lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam giai đoạn 1858-1945, là một công việc không dễ dàng, đơn giản, lại thêm khó khăn, hạn chế cả về khách quan và chủ quan nên mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng, cuốn sách không tránh khỏi còn có những hạn chế, thiếu sót nhất định. Nhà xuất bản và các tác giả mong nhận được những nhận xét, góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Tháng 12 năm 2014

 Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Tư Tưởng Quân Sự Việt Nam Tập 3 của tác giả Bộ Quốc Phòng Viện Lịch Sử Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *