Ở hậu kỳ trung đại, phần lớn các tác phẩm thành văn của văn học Việt Nam được viết bằng chữ Hán và số ít bằng chữ Nôm. Về sau, văn học Việt Nam được thống nhất viết bằng chữ quốc ngữ.
Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học Việt Nam chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết, nền văn học Việt Nam mới bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết.
Văn học viết chịu ảnh hưởng của văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Văn học viết cũng có tác động trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện. Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học viết cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm.
Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống văn học dân gian Việt Nam gồm có: sử thi, truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, thơ, chèo,..
Không có một quyển Văn-Học sử thì biết lấy gì để nói về nền văn-hiến bốn ngàn năm của mình ?
Nhưng khi văn-học sử ấy đã có, lại còn thêm một quyển nữa như quyển này, ắt chẳng phải vì những người trước đã không biết yêu nước mà viết. Mà chỉ vì mỗi người đã đeo một cặp mắt kính khác nhau để nhìn vào di-sản văn-hoá ấy của cha ông.
Di-sản văn-hoá đã đẹp thì với cặp mắt kính nào nhìn vào cũng phải thấy đẹp và cố-nhiên càng nhiều quan-điểm thì người ta càng thấy nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Nhưng, chỉ e lòng người quá thiên về quan-điểm (nghĩa là về phương-tiện) mà quên mất mục đích thì người ta sẽ biến thành một lũ thầy bói sờ voi, để kẻ bảo voi hình cái cột, kẻ bảo nó giống cái chổi, kẻ bảo nó giống cái quạt… thì người sống là chúng ta sẽ buồn mà vong hồn người chết là cha ông chúng ta sẽ ôm hận dài nơi chín suối
Cho nên sau cơn ly-loạn đau thương, lòng người còn nhiều phân tán, lúc này hơn lúc nào hết, phải có một thống-quan về sự-kiện văn-học của dân-tộc ta, không những để chỉnh lại một vài quan-điểm mà chỉnh lại nhiều những quan-điểm, không những để ghi chép tổng-quát lại những gì đã được ghi chép mà còn kích thích người đọc sát hạch lại những gì đã ghi chép theo con mắt thống-quan của người lành mạnh (nghĩa là người không muốn mình què quặt).
Có nhiều những vấn-đề văn-học mà người trước vì cớ này hay cớ khác đã muốn tránh không động đến, nhiều những gì còn lòng dòng mà người ta chưa chịu đồng-ý với nhau, chúng tôi muốn mời độc-giả dứt khoát một lần sau chót với quá-khứ ấy để tinh-thần được rảnh rang mà lo liệu cho tương-lai.
Bởi chạy theo ôm lấy cái « bốn ngàn năm văn-hiến » mà chết trong tự-mãn, sao bằng tự lo cho mình một ngày một xứng đáng hơn đối với nó ? Nhất là trong giai đoạn lịch-sử này là giai-đoạn quyết liệt mà tinh-thần dân-tộc được đem ra đặt cược trong một ván bài chót, để một là còn, thì còn tất cả lịch-sử, tất cả dân tộc, tất cả tương lai, mà hai là mất thì mất hết.
Chúng tôi viết sách nói về tinh-thần Việt-Nam này với một tinh-thần người Việt-Nam sống trong một kỷ-nguyên mới vừa hé mở, và một phương-pháp nhận-thức kết-tinh những phương-pháp cũ của một kỷ-nguyên cũ vừa tàn.
Chúng tôi không muốn nhắc đến thiện-chí hay nhắc đến những khó khăn vì thiếu tài-liệu để cầu xin một sự tha-thứ.
Chúng tôi không dám lợi-dụng lòng rộng rải của độc-giả để xin tha-thứ ; vì chúng tôi cho rằng đã trước-thư lập-ngôn theo cần dùng của lịch-sử thì bắt buộc người viết phải chịu trách-nhiệm về tinh-thần của tác-phẩm mình, không thể lẩn trốn được.
Nhưng không phải vì vậy mà chúng tôi đã dám nhận sách này là toàn bích. Quý vị độc-giả thấy chỗ nào sai lầm xin chỉ dạy cho, chúng tôi rất cám ơn.
Nhân đây, chúng tôi xin trân-trọng cám ơn các bạn đã khuyến-khích và giúp thêm ý-kiến cùng cám ơn các quý vị văn-học-sử-gia tiền bối mà chúng tôi đã nhờ để có được nhiều tài liệu quý giá trong sách này.
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Văn Học Việt Nam Từ Thời Thượng Cổ Đến Hiện Đại Quyển 1 của tác giả Lê Văn Siêu..
Chia sẻ ý kiến của bạn