Mộ đom đóm là một câu chuyện về chiến tranh.
Một chiến tranh mà khói xám và lửa hồng chỉ điểm xuyết.
Một chiến tranh mà trạng thái chết chỉ phảng phất, còn “đang chết” mới là trạng thái thường trực, là lực lượng án ngữ, chiếm ngự từ thể xác đến tâm hồn con người, cuối cùng thẳng tay nhấn chìm tất thảy.
Một chiến tranh được tiếp cận ở bình diện thô ráp và nguyên thủy nhất từng thấy: cái đói.
Vì đói mà kiết lị, vì đói mà lở loét, vì đói mà chấy rận, vì đói mà hao mòn.
Không chỉ đói ăn, còn đói nhân cách. Mộ đom đóm kéo giật tới trước mắt người đọc những chân dung thoái hóa phái sinh từ cái đói thời loạn, như khả năng ợ lên nhai lại như bò, như suy nghĩ dị dạng trong ứng xử, trong tiêu khiển bình thường.
Không chỉ người đói mà thú vật cũng đói, thậm chí chuột cũng đói, và quay ra gặm nhấm tất thảy những gì có thể, kể cả con người.
Bỏ qua những màn bom rải thảm, những trận nổ rung trời, chiến tranh trong Mộ đom đóm tự lột trần mình bằng tội ác lớn nhất của nó: không chỉ cướp đi nhân mạng, mà còn tiêu diệt nhân tính.

***
Ngày 21 tháng Chín năm 1945, một đứa trẻ lang thang chết trong ga Sannomiya.
Ở đai cuốn bụng đầy rận của cậu, người ta tìm thấy một hộp đựng kẹo.
Khi nhân viên nhà ga ném chiếc hộp vào bóng tối, những con đom đóm bay lên tán loạn, và những mẩu xương trắng lăn ra. Đó là xương đứa em gái bốn tuổi của cậu, đã chết do suy dinh dưỡng…
Tập truyện Mộ đom đóm bao gồm sáu tác phẩm khởi đầu sự nghiệp văn học của Nosaka Akiyuki, trong đó có hai tác phẩm giành Giải thưởng Naoki.
Một là truyện “Mộ đom đóm” với lối viết độc đáo, khắc họa đầy ấn tượng cuộc sống trước khi chết đói của hai anh em lang thang.
Hai là “Tảo nâu của Mỹ”.
***
NOSAKA AKIYUKI
Sinh năm 1930 ở Kamakura, tỉnh Kanagawa.
Đang học Đại học Waseda thì bỏ dở con đường bằng cấp. Sau khi trải qua nhiều nghề khác nhau, ông trở thành phóng viên.
Năm 1963 ông cho ra đời tác phẩm đầu tay nhan đề Người viết truyện khiêu dâm. Tác phẩm tiếp cận đề tài tình dục bằng giọng văn gay gắt mà hài hước, đã bất ngờ thu hút sự chú ý của dư luận.
Năm 1967, Nosaka trình làng hai tác phẩm. Tảo nâu của Mỹ lấy tư liệu từ thực trạng xã hội thời kì bị chiếm đóng, và Mộ đom đóm khắc họa những trải nghiệm chiến tranh, bom đạn và đổ nát. Một năm sau, hai tác phẩm này được trao giải Naoki.
Ngoài ra, Nosaka còn một số tác phẩm đáng chú ý như Hoa tử nhân cát nơi vách núi Honegami, 1945 – Mùa hạ – Kobe…
***

Cổng Nam ga Sannomiya, thuộc tuyến đường sắt của Bộ Vận tải.

Seita ngồi bệt dưới sàn, hai chân duỗi thẳng, rệu rã tựa lưng vào cây cột trơ cả bê tông do tróc lớp gạch ốp. Dưới cái nắng cháy da, đã gần một tháng không tắm mà đôi má hốc hác của cậu vẫn trắng nhợt, hõm xuống.




Tối đến, cậu nhìn theo bóng gã đàn ông nghênh ngang đốt đuốc, oang oang mắng chửi như phường trộm cướp. Sáng ngày, cậu ngồi phân biệt đám học sinh vẫn tới trường như chưa có chuyện gì xảy ra. Áo màu kaki nhưng mang bọc vải trắng là trường Cấp hai Kobe 1, đeo cặp là trường cấp hai công lập cấp thành phố. Học sinh các trường cao đẳng nữ* như trường công lập cấp tỉnh 1, trường dân lập Shinwa, Shoin và Yamate đều mặc quần thụng, chỉ khác nhau ở cổ áo thủy thủ.

Trong đám đông ùn ùn đi ngang qua, có người ngửi thấy thứ mùi khó chịu nên nhìn xuống, rồi vội vã nhảy ra như tránh tà. Seita đã không còn cả sức để lết đến khu vệ sinh ngay trước mặt nữa.




Ở chân mỗi cây cột vuông rộng tầm 90 phân này đều có những đứa trẻ tương tự, cứ ngồi ì như đang tìm kiếm sự chở che của mẹ. Chúng đổ về nhà ga có lẽ vì đây là nơi duy nhất chúng được vào, vì nhớ những nơi đông người qua lại, vì có nước uống, và vì may ra được ai đấy bố thí cho.

Vừa vào tháng Chín, khu chợ trời dưới gầm đường sắt Sannomiya bắt đầu hoạt động, mở hàng là món nước đường cháy hòa tan đựng trong thùng sắt, một cốc múc đầy giá 50 sen. Chẳng mấy chốc mọc lên nào khoai hấp, bánh dango làm bằng bột khoai, cơm nắm, bánh giầy daifuku, cơm rang, chè zenzai, bánh manju, mì udon, cơm tempura, cơm cà ri… rồi thì bánh ngọt, gạo, lúa mì, đường, tempura, thịt bò, sữa, đồ hộp, cá, rượu shochu, whisky, lê, cam, ủng cao su, săm xe đạp, diêm, thuốc lá, bốt tẽ ngón, tã bỉm, chăn quân đội, giày quân đội, quân phục, bốt cổ lỡ…

Mấy ông chồng rao bán cả hộp nhôm đựng cơm trộn lúa mạch buổi sáng vợ chuẩn bị cho, “10 yên đây, 10 yên đây,” tay kia ngoắc lủng lẳng đôi giày cổ ngắn đã sờn, “20 yên, 20 yên mua không?”




Bị hấp dẫn bởi mùi thức ăn, Seita bất giác đưa chân vào chợ. Cậu bán lớp áo lót dài, đai obi, cổ áo rời, dây cột eo* của người mẹ quá cố cho sạp quần áo cũ bày hàng trên tấm chiếu bằng cỏ bấc đèn, nhờ đó mà xoay xở được khẩu phần nửa tháng.

Toàn bộ đồ đem bán đều ngấm nước trong hầm trú ẩn nên đã phai màu. Bộ đồng phục dệt bằng tơ nhân tạo, rồi giày ghệt của Seita cũng lần lượt tiếp bước, cậu chần chừ có nên bán cả quần không. Chẳng biết tự lúc nào Seita đã quen qua đêm ở nhà ga.




Một thiếu niên ăn mặc chỉn chu đi cùng gia đình có vẻ vừa trở về từ nơi sơ tán, khăn trùm đầu được gấp gọn gàng vắt trên túi vải, ba lô đeo lưng lủng lẳng cặp lồng, ấm đun nước, mũ sắt. Xem chừng họ đã chuẩn bị lương thực khẩn cấp để ăn trên tàu, nhưng giờ đến nơi rồi nên yên tâm quẳng cho Seita chiếc bánh dango làm bằng cám gạo đã nhão nhoét, như thể vứt bớt hành lý đi.

Seita còn nhận được mẩu bánh mì ăn dở, rồi bọc đậu tương rang của một anh lính phục viên thương người, hoặc của bà lão động lòng trắc ẩn vì có đứa cháu trạc tuổi. Họ rón rén đặt xuống ở đằng xa như đem đồ dâng Phật, dù gì cậu cũng rất biết ơn.

Thỉnh thoảng, Seita bị nhân viên nhà ga đuổi đi, nhưng hiến binh canh gác ở cửa soát vé lại đánh họ để bảo vệ cậu. Ít nhất trong ga muốn bao nhiêu nước có bấy nhiêu, nên cậu cứ mọc rễ ở đây. Nửa tháng sau thì không đứng lên được nữa.




Seita bị tiêu chảy, liên tục ra ra vào vào khu vệ sinh của nhà ga. Mỗi lần đứng dậy lại loạng choạng, tì cả người vào cánh cửa đã long mất tay cầm để gắng gượng đu mình lên, khi đi thì một tay phải bám vào tường. Cứ thế, cậu như quả bóng xì hơi, cuối cùng chỉ đành ngồi dựa vào cột, không nhấc nổi người lên nữa. Nhưng cơn tiêu chảy vẫn dồn dập tấn công, chẳng mấy chốc quanh mông đã vàng khè. Seita cuống quýt, xấu hổ muốn độn thổ mà không sao động đậy được, đành gắng lấy tay vun chút cát bụi trên sàn phủ lên, hòng giấu đi thứ màu đó. Nhưng tay cậu không với được xa, người ta nhìn có khi lại tưởng đứa trẻ lang thang đói đến mất trí nghịch cả nước phân mình thải ra.

Không còn thấy đói hay khát, Seita nặng nề gục đầu xuống ngực.

“Ôi bẩn quá!”




“Chết rồi à?”

“Quân Mỹ sắp đến mà nhà ga lại có cái của này, xấu hổ quá!”

Chỉ đôi tai cậu là còn hoạt động và nghe được vô vàn thanh âm. Đến tối, bỗng nhiên lặng ngắt như tờ. Không còn tiếng guốc vang vọng trong nhà ga, tiếng tàu chạy lanh canh trên đầu, không còn tiếng giày đột nhiên biến thành bước chạy, tiếng trẻ gọi mẹ, tiếng đàn ông nói chuyện lào khào gần đó, hay tiếng nhân viên nhà ga ném thùng một cách thô bạo.




Hôm nay là ngày bao nhiêu rồi? Ngày bao nhiêu nhỉ, mình ở đây bao lâu rồi? Khi tỉnh lại, Seita thấy sàn bê tông ở ngay trước mắt, nhưng không nhận ra mình đã đổ nằm xuống mà vẫn giữ nguyên tư thế co ro lúc ngồi. Cậu đăm đăm nhìn lớp bụi mờ cuốn lên khỏi sàn theo hơi thở yếu ớt của mình. Không biết là ngày bao nhiêu rồi nhỉ? Seita bám dính lấy băn khoăn ấy mãi, rồi ra đi.

Đó là ngày 21 tháng Chín năm 1945, sau hôm chính phủ thông qua “Đại cương Chính sách bảo vệ trẻ mồ côi do chiến tranh”.

Đến đêm nhân viên nhà ga dè dặt lục soát quần áo đầy chấy rận của Seita và tìm thấy một hộp kẹo giắt trong đai quấn bụng. Anh ta cố mở nắp, nhưng có lẽ hộp bị gỉ nên không mở được.




“Cái gì đây?”

“Kệ nó, kệ nó, vứt đi cho xong. Thằng này nữa, đến lúc rồi, mắt mở trừng trừng thế là sắp đi tong.” Một người khác lên tiếng. Người đó đang nhòm khuôn mặt rũ xuống của một đứa trẻ lang thang nhỏ tuổi hơn ở ngay cạnh xác Seita.

Seita vẫn nằm nguyên tại chỗ, chờ người của ủy ban Hành chính Quận đến dọn, chẳng được ai đắp cho dù chỉ một tấm chiếu manh.




Dường như không biết làm sao, tay nhân viên lắc hộp kẹo khiến nó kêu lọc xọc. Trước nhà ga có chỗ bị thiêu rụi, anh ta lấy đà liệng hộp ra khoảng tối cỏ mọc um tùm chỉ sau một mùa hè ấy.

Hộp kẹo rơi xuống, bật nắp, chất bột màu trắng đổ ra, ba mẩu xương nhỏ lăn lóc, khuấy động những con đom đóm đang trú ngụ trong cỏ. Hai ba chục con đom đóm lập lòe tán loạn bay lên, một lát sau lại trở về yên tĩnh.

Những mẩu xương trắng nọ là của Setsuko em gái Seita, mất ngày 22 tháng Tám dưới hầm trú ẩn ở Manchitani thành phố Nishinomiya. Người ta bảo là tại viêm ruột cấp tính, nhưng thật ra cô bé bốn tuổi đã bất động từ lâu và ra đi trong trạng thái li bì. Cô chết vì kiệt sức do suy dinh dưỡng, giống anh mình.




Mùng 5 tháng Sáu, 350 chiếc máy bay B29 ném bom xuống Kobe, khiến năm thị trấn Fukiai, Ikuta, Nada, Suma và Đông Kobe bị thiêu rụi hoàn toàn.

Seita mới học lớp Chín đã bị tổng động viên đi lao động ở nhà máy thép Kobe.

Hôm đó là ngày tiết kiệm điện. Cậu đang ngồi chờ trong nhà ở thị trấn Mikage gần bờ biển thì nghe báo động, liền hấp tấp vùi lò than Seto* xuống cái hố đã đào sẵn ngoài vườn, giữa những luống cà chua, cà tím, dưa chuột, rau mầm. Lại gom toàn bộ gạo, trứng, đậu tương, cá ngừ bào khô, bơ, cá trích khô, mơ muối, đường saccharin, trứng muối vào đấy rồi phủ đất lên trên.




Mẹ đang ốm, Seita phải thay mẹ cõng em. Bố là đại úy hải quân, nhưng đã bặt tin từ ngày theo tàu tuần dương ra trận. Cậu tháo ảnh chụp bố mặc quân phục mùa đông ra khỏi khung, nhét vào ngực áo.

Sau hai trận không kích ngày 17 tháng Ba và 11 tháng Năm, Seita hiểu ra, đèo bòng phụ nữ trẻ con không thể dập tắt bom cháy*, mà căn hầm đào dưới sàn nhà cũng không an toàn nữa, cậu đành đưa mẹ đến trú trước ở hầm bê tông do ủy ban xã bố trí đằng sau trạm cứu hỏa.




Đang mở tủ vơ vội quần áo ngày thường của bố vào ba lô, Seita nghe thấy tiếng kẻng leng keng ở vọng gác máy bay, bèn chạy ào ra cửa, và lập tức chìm trong tiếng bom rơi vang trời.

Sau đợt đánh bom kinh hoàng đầu tiên, cậu có ảo giác là mọi thứ bất chợt tĩnh lặng, nhưng rồi tiếng gầm gào nặng nề của những chiếc B29 lại ầm ĩ không thôi.




Seita ngước mắt nhìn lên.

Trước giờ cậu mới chỉ thấy vệt mây mập mờ phết ra từ mấy cái chấm nhỏ xíu bay về hướng Đông*. Hay như năm ngày trước trong trận ném bom ở Osaka, từ hầm trú ẩn của nhà máy, cậu nhìn đội máy bay mà tưởng đâu đàn cá đang luồn lách giữa những đám mây trên bầu trời vịnh Osaka.

Còn hôm nay, cậu thậm chí nhìn rõ đường kẻ đậm vẽ ra từ thân dưới máy bay. Nó đang bay từ biển về núi ở độ cao chỉ hơn tầm với, rồi đột nhiên chao cánh biến mất ở phía Tây.

Lại một tiếng bom rơi. Bầu không khí trở nên ngột ngạt, Seita đứng chôn chân tại chỗ, người như bị ai trói chặt.

Bỗng cậu nghe tiếng lạch cạch. Một quả bom cháy màu xanh đường kính 5 phân, dài 60 phân từ mái nhà lăn xuống, nảy đom đom như một con sâu đo, phun đầy dầu ra đất. Seita vội chạy vào nhà, nhưng từ trong nhà, một luồng khói đen cũng đang chầm chậm lan rộng, cậu lại lao ra cửa.




Cả dãy nhà vắng tanh, yên ắng như chẳng có chuyện gì. Căn nhà đối diện đã dựng sẵn chổi dập lửa và thang cạnh tường.

Dù thế nào cũng phải đến hầm tránh bom của mẹ đã, Seita tự nhủ. Trên lưng cậu, em gái bật khóc nức nở. Cậu vừa dợm bước thì một cột khói đen phun lên từ cửa sổ tầng hai căn nhà trong góc đường.

Cứ như được sắp đặt sẵn, bom cháy âm ỉ ở gác xép trước đó cũng đồng loạt bùng lên thành lửa, đốt cây cối trong vườn nổ lép bép. Lửa chạy dọc mái hiên, thiêu cửa chớp đến long ra, rơi đánh thình.




Seita thấy trước mắt tối sầm. Không khí lập tức nóng rực. Cậu bật chạy như bị ai xô mạnh. Kế hoạch ban đầu là sơ tán ở bờ đê sông Ishiya nên cậu chạy dọc theo đường tàu Hanshin trên cao về phía Đông, nhưng nơi này sớm đã nhung nhúc dân đi lánh nạn. Kẻ kéo xe bò. Ông nọ cõng bọc chăn đệm, bà kia the thé gọi người.

Sốt ruột, cậu chạy ra biển, lúc này tàn lửa vẫn bay tán loạn, bom rơi ầm ầm xung quanh. Thùng rượu cỡ 5400 lít được tận dụng làm bể chữa cháy bị vỡ, nước tràn ra lênh láng. Có người đang loay hoay chuyển bệnh nhân bằng cáng. Vừa qua một khoảnh đất hầu như không có ai, thì lại đến một quãng ồn ào bát nháo như tổng vệ sinh nhà cửa (kiểu kĩ càng tới mức lật tung cả chiếu trải sàn lên ấy).

Seita rời khỏi đường quốc lộ cũ, chạy mải miết trên con ngõ hẹp, đi qua khu phố vắng hoe, có lẽ dân chúng đã sơ tán cả rồi. Cậu trông thấy hầm rượu Nadagogo đen thui quen thuộc. Mùa hè mà ra đây sẽ ngửi thấy mùi biển phảng phất. Mỗi bể chứa rượu cách nhau tầm mét rưỡi, qua đó người ta có thể thấy bờ cát lấp lánh dưới nắng hè, mặt biển xanh ngắt trải rộng đến tận chân trời.

Bây giờ không phải lúc nghĩ ngợi vẩn vơ.

Bờ biển chẳng có hầm, nhưng mọi người đều nghĩ muốn tránh lửa thì cần nước, cho nên trên bờ cát chỉ rộng 50 mét mà tập trung bao nhiêu người, chẳng ai bảo ai cùng nép mình trong thuyền đánh cá hay dưới bóng tời kéo lưới.

Mời các bạn đón đọc Mộ Đom Đóm của tác giả Nosaka Akiyuki.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.