Tựa gốc: A Tale of two cities
Phiên dịch: Thái Bìng Dương
Bản dịch khác của Đăng Thư: Hai Kinh Thành
Sách bảo Anh-Mỹ hiện nay có rất nhiều. Tuy nhiên ngoại trừ mốt số người có một trình độ Anh Văn khá, phần đông độc giả người Việt, nhất là giới học sinh, vẫn còn bở ngỡ, ngại ngùng khi đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc một tờ báo Anh ngữ. Lý do chính là sự thiếu ngữ vựng và thành ngữ để có thể hiểu nghĩa một cách thấu đáo và mau chóng,
Với dụng ý góp một phần nhỏ trong việc giải quyết vấn đề nói trên, chúng tôi cho ra đời loại sách song ngữ nầy. Chúng tôi chủ tâm dịch sát nghĩa để quí vị độc giả có thể đối chiếu một cách dể dàng bằng Việt văn và bản Anh văn. Tuy vậy để bản dịch có hành văn Việt Nam chúng tôi đã bỏ đi hoặc thêm vào một vài từ ngữ cần thiết.
Những chuyện dịch về loại này, chúng tôi đều chọn những bản đã thu ngắn và dể đọc của những tác giả thuộc chương trình của ban trung học đệ nhị cấp để các bạn học sinh ban chuyên khoa có thể, với một quãng thời gian tương đối ngắn, có một khái niệm về những tác phẩm của các tác giả có trong chương trình học.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phiên dịch những chuyện hay của những nhà văn hiện kim Anh-Mỹ với mục đích cung cấp cho quí vị độc giả những tinh hoa văn chương nước ngoài.
NGƯỜI CHẾT PHỤC SINH
Một buổi chiều tháng mười một năm 1775 trong phòng giải lao của khách sạn “Hoàng Gia” ở Đa Vân có hai người khách: một người đàn ông trạc độ 60 tuổi, bận y phục màu xám, cách phục sức rất đứng đắn, trên đầu mang một mớ tóc giả ngắn, và một thiếu nữ trạc độ 17 tuổi vận y phục lữ hành, nàng người nhỏ và xinh xắn, mắt xanh, tóc vàng óng ánh.
Người đàn ông là ông Lưu Kỳ, chủ ngân hàng có văn phòng ở Luân Đôn và Ba Lê hiện có rất nhiều khách hàng người Pháp. Người thiếu nữ là nàng Liễu Chi, sanh tại Pháp Quốc, mồ côi cả cha lẫn mẹ, trước đây đã từng học tại Anh Cát Lợi (England) dưới sự chỉ dẫn của ông Lưu Kỳ.
Ông Lưu Kỳ nói:
– Liễu Chi, sở dĩ bác bảo cháu tới đây là vì bác có câu chuyện đặc biệt quan trọng cần nói cho cháu rõ.
– Dạ, bác đã bảo cháu là phải sẵn sàng chịu đựng mọi sự kink ngạc, cháu xin vâng lời, vậy bác cứ nói.
– Câu chuyện này có liên quan tới ba cháu. Để bác kể lại từ đầu cho cháu nghe. Ba cháu trước đây là một bác sĩ Pháp nổi tiếng mà cũng là một khách hàng của bác ở Ba Lê. Ba cháu kết hôn với một thiếu nữ người Anh tức là má cháu, và như là cháu đã biết đấy, má cháu mất năm cháu mới lên hai. Trước khi qua đời, má cháu căn dặn rằng chỉ nên bảo cho cháu hay là ba cháu cũng đã quá cố. Thực ra thì ba cháu chưa chết, ba cháu chỉ bị giam cầm một cách oan ức tại Ba Lê mà thôi. Ngày ấy không ai biết đích xác ba cháu bị giam ở chỗ nào mà cũng chẳng nhận được tin tức gì về ba cháu cả, mãi đến bây giờ mới biết là ba cháu còn sống và đã được phóng thích sau 18 năm vòng lao lý. Tên của ba cháu chìm sâu vào trong sự lãng quên của người đời thì ngày nay, ba cháu lại xuất hiện. Chắc ba cháu đổi thay nhiều lắm, có lẽ đau ốm cũng nên. Hiện giờ ba cháu đang ở với người lão bộc tại Ba Lê và bác sắp đưa ba cháu trở về Anh Cát Lợi. Lúc này mà tính chuyện rửa hận để minh oan cho ba cháu thì chưa thể được, vừa vô ích mà lại còn nguy hiểm là đằng khác. Nhưng kìa Liễu Chi cháu làm sao đó?
Từ nãy, nàng Liễu Chi càng nghe chuyện lại càng xúc động rồi ngất đi. Ông Lưu Kỳ vội gọi người tới vực nàng dậy và người nhũ mẫu của nàng là chị Bột liền chạy tới săn sóc nàng. Ông Lưu Kỳ để mặc người nhũ mẫu trông nom nàng và đi lo thu xếp cuộc hành trình ngày hôm sau.
Review tama:
Hơn một trăm năm sau khi cách mạng tư sản thành công, nước Anh bước vào thời đỉnh cao của cách mạng công nghiệp, trở nên bá chủ thế giới. Cùng lúc đó, bên kia biển hẹp, không khí cách mạng sục sôi rộng khắp, một thể chế già cỗi dần đi đến hồi kết, nước Pháp đang thay da đổi thịt. Giữa cơn tao loạn, người chết tái sinh từ lãng quên, mang theo nỗi ám ảnh trải khắp hai kinh thành – một câu chuyện sống động, một ví dụ xuất sắc thể hiện sự bất toàn trong nhân cách con người, và cũng chính vì lẽ đó, nó mô tả vẹn toàn bức tranh nhân loại.
Có thể nói quyền thống trị là một yếu tố quan trọng bậc nhất định hình xã hội loài người. Theo bước tiến văn minh, chúng ta tạo ra vô số công cụ – mà thường hiện diện dưới vỏ bọc đạo lý, tư tưởng – để kiềm toả chính mình, bằng cách này hay cách khác, nhằm duy trì lợi ích của một thiểu số nắm giữ quyền lực. Đến thời điểm nhất định nào đó, khi thế cân bằng bị phá vỡ, cách mạng tất xảy ra. Cách mạng sinh ra bởi ý chí, và từ trong cách mạng, vỏ bọc bị xoá bỏ, bản chất nguyên thuỷ được hé lộ. Về điểm này, nữ công dân Defarge là sáng tạo tuyệt vời của Dickens. Ra đời từ hận thù và được cách mạng nuôi dưỡng, bà Defarge như một quả bom hai màu xanh đỏ, nhập nhằng giữa tình yêu nước và hận thù mù quáng. Bà ta đe doạ nổ tung bất kỳ lúc nào bà ta muốn, rồi cuối cùng cũng nổ, kéo theo nhiều cái chết khác. Defarge đại diện cho những gì u ám nhất của cuộc cách mạng, cho những điều không ai muốn xảy ra nhưng đã xảy ra theo những cách không ngờ nhất, cho bóng tối thẳm sâu trong tâm hồn con người.
Nhưng chớ hiểu lầm, không phải toàn bộ là bi kịch. Với Dickens, ánh sáng và bóng tối luôn song hành. Nếu chết chóc thường trực quanh Defarge, thì Lucie toát lên hào quang cứu rỗi. Nếu hận thù kéo Defarge xa khỏi cõi người, biến bà ta thành cỗ máy giết chóc thì tình yêu của Lucie giúp cha cô vượt qua cơn loạn trí, trở lại làm người. Nếu Defage gieo nỗi kinh hoàng với mỗi đường len, thì bên ngoài nhà giam, Lucie ươm mầm hy vọng. Sự hiện diện của Lucie mang lại cân bằng đáng kể cho Hai kinh thành. Trước bản tính lương thiện của cô, quyền lực của Defarge dường như không thể thắng được, không phải bởi cái ác yếu kém, mà bởi lòng thiện tâm lan toả của Lucie. Sydney Carton, dù bất hạnh, nhưng là minh chứng rõ nhất ảnh hưởng của Lucie.
Dưới con mắt của Dickens, một người chỉ sống ở London thời điểm mấy chục năm sau ngày phá ngục Bastille, những nguyên nhân sâu xa của cách mạng Pháp và triều Bourbon mục ruỗng không được thể hiện trọn vẹn trong Hai kinh thành. Tuy vậy, nhờ điều đó, chúng ta không bị chính trị làm sao nhãng, không quá sa vào nghị trường rối ren, mà vẫn cảm nhận được tinh thần cách mạng trong từng trang sách. Điều này, đến lượt nó, tạo thuận lợi giúp cho ta nhìn nhận toàn diện bức tranh tự sự cùng chân dung nhân vật. Do đó, những người khó tính nhất vẫn có thể có phần cảm thông với Defarge và cả những người dễ tính nhất có thể không đồng tình với Lucie ở vài điểm nhỏ nhặt. Sự bất toàn đẹp như vậy đấy.
Charles Dickens đã có lý khi nói Hai kinh thành là áng văn hay nhất của ông. Tác phẩm được viết rất khéo léo, không kém phần khôn ngoan và hài hước. Muôn tầng ý nghĩa được truyền đạt thành thạo đồng thời Hai kinh thành xây dựng hàng loạt nhân vật hành xử kỳ quặc nhưng cũng rất mực hợp lý và thông qua những nhân vật này, ý chí tác giả len lỏi khắp câu chuyện. Ở Hai kinh thành, Dickens không chủ tâm viết một tiểu thuyết dài dòng, khó hiểu hay phức tạp. Nó đơn giản là tiếng nói cuối đời của ông được cô đọng trên giấy, vì thế, muốn hiểu Dickens, nhất định phải đọc Hai kinh thành.
Ngày nay, lúc văn học đã đi đến hậu hiện đại, không phải ngẫu nhiên mà Hai kinh thành vẫn giữ được sức hút của nó. Vào những ngày trống trải, khi đã quá chán ngấy thế giới lung lay mơ hồ, quá đau đầu vì thời gian phi tuyến tính, quá hụt hẫng với những kết mở ngày càng phổ biến, hay đơn giản quá mệt mỏi để suy nghĩ, hãy quay về văn học kinh điển như Hai kinh thành. Vào những ngày ấy, hãy đọc Hai kinh thành không phải vì kinh điển, mà vì sức cám dỗ trên bề mặt con chữ của nó; hãy để dòng tự sự thuần tuý là động lực duy nhất thúc đẩy ta lật từ trang này sang trang khác, cho đến hết mới thôi.
Charles John Huffam Dickens sinh năm 1812 tại Portsmouth, Anh quốc. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã phải làm việc vất vả để giúp gia đình. Cuộc sống khổ cực trong nhà máy và những khu phố nghèo đã giúp ông hình thành tư tưởng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng về sau.
Được xem là tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời nữ hoàng Victoria, sự nghiệp văn chương của Dickens đầy ắp các tác phẩm, các bài báo và rất nhiều buổi diễn thuyết thành công, trong đó tiêu biểu là Oliver Twist (tiểu thuyết, 1837-1839); Nicholas Nickleby (tiểu thuyết, 1838-1839); Bài ca lễ Giáng sinh (truyện vừa, 1843); David Copperfield (tiểu thuyết, 1849-1850); Kỳ vọng vĩ đại (tiểu thuyết, 1860-1861)… Nhiều cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc kịch, hoạt hình… và đến nay các phiên bản mới vẫn tiếp tục ra đời.
Dickens mất năm 1870 tại hạt Kent, Anh quốc.
Một số tác phẩm của tác giả Charles Dickens được dịch, xuất bản tại Việt Nam:
- Hồn ma đêm giáng sinh (Bài Ca Mừng Giáng Sinh)
- Chuyện Vặt Ông Pickwick
- Oliver Twist
- David Copperfield
- Hai Tòa Tháp (Người Tử Tù)
- Những Kỳ Vọng Lớn Lao
- …
Mời các bạn đón đọc Người Tử Tù của tác gải Charles Dickens.
Chia sẻ ý kiến của bạn