Mỹ học – Denis Huisman

Huyền Giang dịch

“Mỹ học sinh ra vào một ngày nào đó từ một nhận xét và một sự thích thú của Triết gia”, Paul Valéry đã nói như vậy. Cùng với Đạo đức học và Logic học, nó tạo thành bộ ba “các khoa học chuẩn mực” như Wundt nói, và là một trong những tập hợp quy tắc mà đời sống tinh thần buộc phải có. Người ta có thể nói rằng ba mục tiêu này của Mỹ học: các quy tắc của Nghệ thuật, các quy luật của cái Đẹp, và quy tắc của Sở thích, hoàn toàn phù hợp với những quy tắc của hành động và của khoa học, với các quy luật của cái Thiện và cái Chân. Thật ra, sẽ đúng hơn nếu nhắc lại sau Hegel: “Triết học về Nghệ thuật là một mắt khâu tất yếu trong tập hợp triết học”.




Nhưng đúng ra Mỹ học là gì?

Theo một nghĩa đầu tiên – cũng là ý nghĩa đầu tiên của nó – Triết học về Nghệ thuật lúc đầu chỉ TÍNH NHẠY CẢM (về mặt từ nguyên, aisthésis có nghĩa là tính nhạy cảm trong tiếng Hy Lạp) với hai nghĩa: nhận thức cảm tính (tri giác) và mặt cảm tính của sự việc động. Chính vì thế Paul Valéry có thể nói rằng: “Mỹ học, đó là CÁI MỸ HỌC”. Theo một nghĩa thứ hai, cập nhật hơn nhiều, nó chỉ “mọi suy nghĩ triết học về Nghệ thuật”, Nghĩa là đối tượng và phương pháp của Mỹ học sẽ phụ thuộc vào cách người ta định nghĩa Nghệ thuật. Việc làm sáng tỏ khái niệm này sẽ là đối tượng của nhiều chương trong cuốn sách này (1 đến IV), trước tiên theo một dàn ý theo thứ tự niên đại, sau đó theo một trật tự logic.

Sau đó sẽ bàn lại tâm lý học về con người trước Nghệ thuật (V) hoặc xã hội học về con người đứng trước cái đẹp (VI); tiếp theo sẽ thử phân tích Nghệ thuật trong số những giá trị khác nhau (VII) hoặc qua những sự xác định tính chất khác nhau của nó (VIII); và sẽ kết thúc bằng một vài nhận xét về phương pháp của Mỹ học nhằm thử xác định thật chặt chẽ một lĩnh vực rất khó nắm bắt là lĩnh vực giáp ranh với khoa học, với phê bình và với sử học (IX).

Xin tuyệt đối đừng tìm kiếm ở những chương khác nhau ấy một lối biện hộ (pro modo), bảo vệ và minh họa cho mỹ học. Không ai thấy rõ hơn tác giả về ưu thế của nội dung đối với cái chứa đựng nó. Bên trên Triết học về Nghệ thuật, chính là bản thân Nghệ thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *