Thế nào là “người đàn ông Mỹ”? Cuốn sách kỳ lạ, lôi cuốn của Elizabeth Gilbert, tác giả của Ăn, cầu nguyện, yêu, dẫn ta đi sâu tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Eustace Conway, “người đàn ông Mỹ”, có niềm tin quyết liệt rằng sứ mệnh của mình là làm mọi cách sao cho người dân Mỹ thấy lẽ ra họ có thể mạnh mẽ và đảm lược như cha ông họ ngày xưa – những người Mỹ thời lập quốc – ra sao, họ đã sa đọa và trở nên kém cỏi đến thế nào vì tiện nghi vật chất của cuộc sống hiện đại. Conway là “thần tượng” với nhiều người bởi ý chí kiên định đi theo con đường mình đã chọn, cho dẫu anh không phải không có những nhược điểm riêng khiến cho công cuộc xây chốn địa đàng theo tâm nguyện của anh thật không dễ dàng. Song cái lớn ở anh là những khiếm khuyết và bất thành đó không làm anh gục ngã; anh luôn luôn là anh, con người xứng đáng với cái danh xưng đẹp mà gây bứt rứt, “Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng”.
“Conway là một nhân vật đẹp đến nỗi khó tin là thật. Ở Gilbert, có lẽ anh đã tìm được nhà văn hoàn hảo để viết ra câu chuyện của anh… Từ cuộc đời Conway, Gilbert bàn rộng ra về bản chất của nam tính, sự hấp dẫn của các cộng đồng không tưởng chủ nghĩa, lịch sử vùng biên cương và huyền thoại dai dẳng về người đàn ông vùng biên cương. Chủ đề trở nên rộng lớn hơn nhiều so với một đời người. Cuốn sách cho ta thấy sự tiến bộ đã khiến ta đánh mất những gì và ta có thể phục hồi lại những gì.”
Elizabeth Gilbert thực sự “gây chấn động” giới văn chương với cuốn tự truyện Eat, Pray, Love: One Woman’s Search For Everything Across Italy, India And Indonesia (NXB Viking – 2006).
Thành công của Eat, Pray, Love… là tác phẩm này gây ấn tượng với độc giả không phải bằng những thủ pháp thông thường như đánh vào cảm giác mạnh, khêu gợi những bản năng hay thú tính tầm thường. Vấn đề mà nó đặt ra đầy mới mẻ và thời sự… Cố gượng dậy sau vụ ly dị người chồng đầu tiên, Elizabeth Gilbert quyết định dành một năm đi qua Italia, Ấn Độ và Indonesia để tìm kiếm những trải nghiệm mới cho sự nghiệp sáng tác của mình, dù khi đó chị đã 34 tuổi…
Ngay sau khi xuất hiện tại các hiệu sách, cuốn tự truyện này lập tức có tên trong danh sách các tác phẩm ăn khách thể loại không hư cấu trên tờ New York Times. Eat, Pray, Love… còn được hãng Paramount Pictures chọn chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với diễn xuất của “Người đàn bà đẹp” Julia Roberts. Tác phẩm thứ tư này của chị được tạp chí Entertainment Weekly suy tôn là “1 trong 10 tác phẩm không hư cấu hay nhất năm 2006” và đã đến với khoảng 5 triệu độc giả ở 36 quốc gia, đa phần là độc giả nữ. Khi mới 18 tuổi, Elizabeth Gilbert đã bắt đầu gửi đăng các truyện ngắn của mình, với mục đích mà như chị nói là “phải đem đến cho công chúng một cái gì đó trước khi chết”. Nhưng đáp lại, mấy năm sau đó, chị chỉ nhận được những lá thư từ chối. Mãi đến năm 1993, tạp chí Esquire mới chọn đăng truyện ngắn Pilgrims của Elizabeth Gilbert với lời quảng cáo “Sự ra mắt của một nhà văn Mỹ” và ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng yêu văn chương.
Elizabeth Gilbert là nhà văn đầu tiên chưa có tác phẩm xuất bản xuất hiện trên Esquire kể từ sau Norman Mailer (1923 – 2007) hồi năm 1964. Pilgrims được nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Annie Proulx ca ngợi là “tác phẩm của một tài năng trẻ rực sáng”. Thành công của Pilgrims giúp Elizabeth Gilbert có công việc viết báo khá ổn định cho nhiều tạp chí có uy tín như SPIN, GQ, New York Times Magazine, Allure, Real Simple, Travel + Leisure. Elizabeth Gilbert sinh ngày 18/ 7/1969 trong một gia đình nông dân ở Connecticut (Mỹ). Năm 1991, chị tốt nghiệp ngành Khoa học chính trị tại Đại học Tổng hợp New York. Cho đến nay, Elizabeth Gilbert mới có 4 tác phẩm được xuất bản, nhưng khá đa dạng về thể loại, gồm tập truyện ngắn Pilgrims (1997), tiểu thuyết Stern Men (2000), cuốn tiểu sử The Last American Man (2002) và tác phẩm mới đây nhất là tự truyện Eat, Pray, Love… (2006).
Là một người sở hữu cá tính mạnh, trong Elizabeth Gilbert luôn có sự giằng xé giữa ham muốn được tự do với việc phải tuân thủ một cách rập khuôn, đôi khi quá gò bó những nguyên tắc hoặc các ràng buộc xã hội. Elizabeth Gilbert từng sống như một “nhà văn lang thang” – trải nghiệm cuộc đời của một đầu bếp, người phục vụ quán bar, chân sai vặt ở một tạp chí… tại nhiều bang của Mỹ, rồi qua cả châu Âu, châu Phi… để viết về chính những con người, sự việc mà chị gặp thường ngày.
Các ghi chép của Elizabeth Gilbert trong những ng ngày rong ruổi đã làm nên tập truyện ngắn đầu tay Pilgrims (NXB Houghton-Mifflin – 1997, đoạt giải văn học Pushcart và vào chung khảo giải PEN/Hemingway). Bài báo “The Muse Of The Coyote Ugly Saloon” của Elizabeth Gilbert trên tạp chí GQ năm 1997, một ký sự về quãng thời gian chị làm người phục vụ quán bar Coyote Ugly Saloon ở East Village (Manhattan, New York), được lấy làm cốt truyện cho phim Coyote Ugly (ra mắt năm 2000 và từng giành được một số giải thưởng điện ảnh). Elizabeth Gilbert sau đó còn chuyển thể bài báo “Eustace Conway Is Not Like Any Man You’ve Ever Met” trên GQ năm 1998 thành cuốn tiểu sử về nhà tự nhiên học đương đại người Mỹ Eustace Conway mang tên The Last American Man (NXB Viking – 2002, tác phẩm này vào chung khảo giải Sách quốc gia Mỹ ở thể loại Tác phẩm không hư cấu và Giải thưởng Hội phê bình Văn học quốc gia Mỹ). Elizabeth Gilbert ở Việt Nam hồi tháng 8/2006.
Bạn không thể giải quyết nó. Bạn không thể vứt bỏ nó đi.
Tôi chẳng biết bạn định làm gì với nó, nhưng tôi biết mình sẽ làm gì với nó. Đơn giản là tôi sẽ bỏ nó ra đi. Có thể một phần nhỏ của nó sẽ chết nếu tôi không ở bên chăm sóc cho nó nữa.
– Lew Welch
Tiểu sử của Eustace Conway chính là lịch sử phát triển của con người trên lục địa Bắc Mỹ này.
Đầu tiên, anh ngủ trên mặt đất và mặc đồ da thú. Anh đánh lửa bằng que củi và ăn những gì có thể săn bắn hái lượm. Khi đói, anh ném đá vào chim chóc và phóng tên vào thỏ và đào rễ củ từ lòng đất, và thế là anh sống sót. Anh đan giỏ từ thân cây cối trong lãnh thổ của mình. Anh là dân du cư; anh chỉ đi bộ. Rồi anh chuyển vào sống trong lều vải và trở thành kẻ bẫy thú tinh vi hơn. Anh đánh lửa bằng đá lửa và thép. Khi thành thạo việc này rồi, anh dùng diêm. Anh bắt đầu mặc đồ len. Anh không ở lều vải nữa mà chuyển vào sống trong nhà gỗ đơn sơ. Anh trở thành nông dân, phát quang đất đai và trồng vườn. Anh kiếm được gia súc. Anh mở lối vào rừng, lối đi ấy trở thành đường mòn rồi thành đường cái. Anh hoàn thiện đường cái bằng những cây cầu. Anh mặc vải bò.
Ban đầu anh là thổ dân da đỏ, sau đó trở thành nhà thám hiểm, rồi thành người khai hoang. Anh xây cho mình căn nhà gỗ và trở thành người định cư thực thụ. Là con người mang mộng tưởng về xã hội không tưởng, giờ đây anh duy trì cuộc đời mình với niềm hy vọng rằng những người có cùng chí hướng như anh sẽ mua đất quanh Đảo Rùa và nuôi nấng gia đình mình như anh sẽ nuôi nấng gia đình của chính anh một ngày nào đó. Những người hàng xóm ấy sẽ canh tác trên đất đai của họ với máy móc sử dụng sức kéo gia súc, đến giúp đỡ nhau vào đúng vụ mùa, tham gia bữa tiệc nhảy nhót vui vẻ của nhau, và họ sẽ cưỡi ngựa sang nhà nhau để trao đổi hàng hóa.
Chừng nào tất cả điều này xảy ra, Eustace sẽ trở thành một người làng. Đó là điều anh muốn – xây dựng một thị trấn. Và khi tất cả đã đâu ra đó, anh sẽ xây ngôi nhà mơ ước của mình. Anh sẽ rời căn nhà gỗ mà chuyển vào sống trong một ngôi nhà xa hoa rộng thênh thang đầy các phòng thay đồ khổng lồ và trang thiết bị và con cái đề huề và đủ thứ. Và cuối cùng anh sẽ bắt kịp thời đại mình. Tới lúc đó, Eustace Conway sẽ là hình mẫu của một người Mỹ hiện đại.
Anh biến đổi liên tục trước mắt chúng ta. Anh cải tiến và mở rộng rồi lại cải tiến và mở rộng bởi vì anh thông minh và tháo vát tới mức không dừng được. Anh không muốn nghỉ ngơi vui thú với những gì anh đã biết rõ cách làm; anh phải không ngừng tiến lên. Anh không dừng lại được. Và chúng ta cũng không dừng lại được. Con người chúng ta trên lục địa này xưa nay vẫn không dừng lại được. Tất cả chúng ta đều tiến lên, như de Tocqueville từng nhận xét, “giống như một dòng lũ người, cứ cuồn cuộn dâng lên không hề suy giảm, và tiến lên phía trước từng ngày dưới bàn tay điều khiển của Thượng đế.” Chúng ta vắt kiệt sức mình và mọi người khác. Chúng ta vắt kiệt nguồn lực – cả tự nhiên lẫn nội tâm – và Eustace chỉ là đại diện rõ ràng nhất cho tình trạng khẩn cấp của chúng ta.
Tôi nhớ có một buổi cuối chiều, tôi cùng anh lái xe trở lại Đảo Rùa sau khi tới thăm Trại Sequoyah, đế chế cũ xưa của ông ngoại anh. Chúng tôi sắp về đến nhà, đang đi qua Boone, và dừng lại tại một đường giao. Bỗng nhiên Eustace quay ngoắt đầu lại hỏi, “Hai ngày trước, hôm chúng ta đi Asheville, tòa nhà kia đã ở đó chưa?”
Anh chỉ vào khung của một tòa nhà văn phòng nhỏ mới. Chưa, hai ngày trước tôi không thấy nó ở đó. Nhưng trông có vẻ như nó sắp hoàn thiện rồi. Chỉ cần lắp cửa sổ vào nữa thôi. Một tốp thợ xây đang rời khỏi công trường vào cuối ngày.
“Không thể thế được,” Eustace nói. “Chẳng lẽ họ xây được một ngôi nhà nhanh đến thế sao?”
“Tôi không biết nữa,” tôi nói, thầm nghĩ anh phải biết rõ hơn ai hết. “Tôi nghĩ họ làm được đấy.”
Anh thở dài. “Đất nước này…” anh than.
Nhưng Eustace Conway là đất nước này. Và, từ thực tế đó, sẽ còn lại cái gì? Sẽ còn lại gì sau tất cả hoạt động này? Đó là câu hỏi Walt Whitman từng đặt ra. Ông nhìn khắp lượt nhịp độ thần tốc của đời sống Mỹ, sự phát triển công nghiệp, sự ồn ào gồng mình trong tham vọng của đồng bào mình, và tự hỏi, “Sau khi ta đã vắt kiệt những gì có trong buôn bán, chính trị, tiệc tùng… – nhận ra rằng rốt cuộc chẳng thứ gì trong số này làm ta thỏa mãn, hay tồn tại lâu bền vĩnh cửu – sẽ còn lại cái gì?”
Và như mọi khi, nhà thơ già Walt đáng mến đưa ra cho chúng ta một câu trả lời: “Còn lại tự nhiên.”
Đó cũng là thứ còn lại cho Eustace. Tuy nhiên, giống như tất cả chúng ta (và đây là điều trớ trêu nhất của anh), Eustace không có nhiều thời gian như anh ao ước để tụng ca thế giới
Đúng như anh nói với tôi qua điện thoại vào một đêm đông, “Tuần này trên Đảo Rùa chúng tôi có một cơn bão tuyết. Một người bạn lên thăm có bảo, ‘Này Eustace, cậu đã làm việc vất vả quá đấy. Cậu nên nghỉ tay ra ngoài nặn người tuyết. Đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa?’ Ôi trời ơi, tất nhiên là tôi đã từng nghĩ đến điều đó chứ. Buổi sáng hôm ấy chỉ cần bước một bước chân ra khỏi cửa là tôi đã có thể thấy lớp tuyết tuyệt vời để làm người tuyết. Tôi đã tưởng tượng sẵn người tuyết mà tôi sẽ đắp, nếu thật sự phải đắp. Tôi nhanh chóng phân tích độ đặc của tuyết và quyết định chính xác chỗ đặt người tuyết để trưng bày đẹp nhất, chính xác nó to cỡ nào, và tôi có thể tìm mẩu than làm đôi mắt ở đâu trong xưởng rèn của mình. Tôi tưởng tượng ra mọi chi tiết của người tuyết đến tận cái mũi làm bằng củ cà rốt, với cái mũi này tôi phải nghĩ trong một giây: Bọn mình có còn đủ cà rốt dự trữ để mình có thể thửa một củ cho người tuyết này không? Sau khi thôi chơi người tuyết mình có thể lấy lại củ cà rốt để cho vào món hầm kẻo phí phạm không? Hay là một con thú nào đó sẽ chén mất củ cà rốt trước rồi? Tôi suy nghĩ lướt qua tất cả điều này trong khoảng năm giây, ước tính xem mình phải bỏ ra bao nhiêu thì giờ trong một ngày bận rộn để đắp người tuyết ấy, tôi cân nhắc thấy thời lượng đó tỉ lệ nghịch với mức độ niềm vui mà việc đắp người tuyết sẽ mang đến cho tôi – và quyết định không làm.”
Thật quá đáng buồn, bởi vì anh thực sự thích được ở bên ngoài kia và biết đâu anh đã có được nhiều niềm vui từ người tuyết hơn bản thân anh có thể ước lượng một cách logic. Bởi vì anh thực sự yêu thiên nhiên, bất chấp mọi cam kết và nghĩa vụ của anh. Anh yêu mọi thứ thuộc về thiên nhiên – cái bao la của rừng; đốm nắng xuyên xuống qua một tấm mái thiên nhiên tươi tốt; vẻ đẹp của các từ bồ kết, bu lô, hoàng dương… Hơn cả tình yêu, anh cần thiên nhiên. Như ông ngoại của Eustace từng viết, “Khi trí óc mệt mỏi hay tâm thần bất an, chúng ta hãy đi vào rừng để hít vào đầy ắp phổi làn không khí được tắm gội trong mưa và thanh lọc trong nắng, để đong đầy trái tim ta vẻ đẹp của cây cối, hoa lá, pha lê, đá quý.”
Người đàn ông tốt nhất mà Eustace có thể làm là người đàn ông mà anh trở thành khi một mình trong rừng thẳm. Đó là lý do tại sao lần nào lên Đảo Rùa tôi cũng lôi anh ra khỏi phòng làm việc và bắt anh đưa đi dạo. Mặc dù nói chung anh không có thời gian cho việc này, tôi buộc anh phải làm, bởi vì chưa đi được mười bước vào rừng là anh đã thao thao, “Đây là hương phong thảo. Cô có thể dùng cái thân rỗng của nó làm ống hút để uống nước ẩn nơi những viên đá cuội nằm trong lòng suối cạn quá nên có thể ta không dùng miệng uống được.”
Hoặc, “Đây là hoa huệ đốm tím, loài hoa này rất giống hoa huệ đốm da cam, chỉ có điều trông lạ mắt hơn. Nó cực hiếm đấy. Tôi ngờ là chỉ có năm cây hoa này trên toàn bộ một nghìn mẫu đất Đảo Rùa.”
Mời các bạn đón đọc Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng của tác giả Elizabeth Gilbert.
Leave a Reply