Một chuyện tình từ thời Dân quốc giữa thương nhân Diệp Côn và thầy giáo Đồng Nhạn Linh. Hay bức tranh về cuộc đời họ, từ vinh nhục, từ trắc trở, từ hạnh phúc cho đến khi cái chết chia lìa.
Vào một buổi chiều tà, à lại là buổi chiều bởi mỗi khi vào khoảng ấy trong ngày thì tâm trí tôi lại thường không nghe lời, nó thường buông mình bay theo những làn gió, mải mê với nhân sinh vô thường. Có một lần khi đang lang thang giữa những tầng mây, bỗng một cánh chim đâu đó bay qua làm xáo trộn tâm trí, và rồi một câu bật ra: “Nhạn bay qua, chợt đau lòng.”

Ồ, câu này là của ngài Diệp – Sương chiều não nề đây mà, ngài đây cảm thán một chút vì thầy Đồng đi trước ngài, nhưng cảm thán thôi, chứ ngài vẫn là hài lòng lắm, thỏa mãn lắm với kiếp người đã đi qua.
SƯƠNG CHIỀU NÃO NỀ – TIẾNG THỞ DÀI NHÂN SINH MỸ MÃN
Câu chuyện giữa Đồng Nhạn Linh và Diệp Côn bắt đầu từ năm 1926.
1926, năm Dân quốc thứ mười lăm.
Dân quốc, một thời đại không hẹn ước.
Buổi đầu gặp gỡ chẳng có gì là đẹp đẽ lưu lại cho nhau.
Thầy Đồng là người đọc sách, một hình tượng khiêm khiêm quân tử, ôn nhuận như ngọc. Nhưng chính bản thân thầy cũng lại là một bức tranh thể hiện sự mâu thuẫn, tràn đầy ý bất đắc dĩ.
Nhưng cái nhìn của tôi lại quá thiếu sót, thầy Đồng vẽ thế nào ư, có lẽ nên vẽ qua lời của ngài Diệp “Nhã nhặn, thể diện, cung kính, khiêm tốn, tuy không giỏi che giấu cảm xúc cá nhân nhưng vẻ tự nhiên hòa quyện với điệu bộ đè nén, vẻ vui sướng mà không dung tục, đau đớn mà ẩn nhẫn, khí chất nội liễm nhu hòa, cùng thái độ không kiêu ngạo không siểm nịnh, chúng mâu thuẫn với nhau, nhưng cũng thống nhất, kết hợp, đan quyện vào nhau, khắc ra một Đồng Nhạn Linh hoàn chỉnh.”
Đồng Nhạn Linh sinh ra trong một gia đình gia giáo, là con cả trong cặp anh em song sinh. Tuy đồng tuổi nhưng vì đeo trên vai cái danh con lớn ấy mà Nhạn Linh buộc mình phải bất đắc dĩ nhiều thứ. Anh phải đạo mạo đoan trang vì ý của cha, dù rất buông thả mà làm nũng với mẹ, phải gồng mình chống đỡ gia đình, dù rất muốn vô ưu như em trai. Có thể anh không thích giới nhà giàu nhưng vẫn nhận lời đi dạy chỉ vì đảm bảo thu nhập cho gia đình. Dù anh nhiệt tình như hỏa thì cũng phải khép mình vào bốn chữ “Khiêm khiêm quân tử”. Rất muốn, rất muốn làm nhiều thứ nhưng rốt cuộc chỉ có thể dồn ép bản thân vào chỗ mâu thuẫn.
Tất cả chỉ là một thứ gì đó khuất nghẹn, mà Đồng Nhạn Linh có thể sẽ nguyện ý giữ chặt cả đời nếu như không có giây phút gặp gỡ ấy.
Diệp Côn – Đại thiếu gia nhà họ Diệp, một thương nhân tận chức. Tri thư lễ nghĩa đều giỏi “Trong sắc bén lại lộ ra nghiêm túc cẩn thận, nhìn quy củ thể diện nhưng thật ra trong khung vẫn có nét hung tàn”, một kết luận đầy đủ của cậu em Diệp Bằng đã phác họa tốt chân dung của ngài Diệp.
Một Diệp Côn thương nhân có thể thoải mái bàn bạc chuyện trao đổi thân xác với người đọc sách như thầy Đồng như là đang bàn bạc một vụ mua bán bình thường. Một người đầy tự tin rằng mình là hùng ưng nên đỉnh cao, xem thường mọi con mồi, vậy mà cuộc đời lại định là kẻ để Nhạn Linh có thể thả lỏng dựa vào, có thể buông lơi để mà làm nũng.
Là bởi hùng ưng khi mải mê săn đuổi chú nhạn bé nhỏ đã sơ ý hạ thấp vị trí của mình mất rồi, trong lúc vô tình mà lộ ra ôn nhu vững chãi. Chú nhạn dưới móng vuốt hùng ưng là nguy hiểm cận kề hay che chở quẩn quanh.
Một Nhạn Linh bị nhìn thấu, bị chọc thủng dần bước ra ánh sáng, thể hiện rõ sự quật cường lẫn kiên trì cất giấu sâu trong nội tâm. Dù có đau khổ thì vẫn phải nhớ thu thập cho đạo mạo.
“Công việc vẫn phải làm, tiền vẫn phải kiếm, nhà cũng vẫn phải nuôi,
Chung quy anh chẳng thể nào bỏ nhà bỏ cha bỏ mẹ mà đi tìm cái chết.”
Hay khi phát hiện ra sự phản bội của người cha, anh vẫn bình tĩnh giải quyết. Khi cha chết, anh vẫn một tay xử lý mọi việc kế cả chăm lo cho đứa con rơi. Anh vẫn làm thật tốt.
Thật cảm kích ngài Diệp! Hẳn là nên cảm ơn vì ngài đã luôn có mặt bên cạnh trong những lúc Nhạn Linh cần.
Một Diệp đại thiếu gia quen thói kiêu ngạo ương ngạnh cũng có lúc phải nóng nảy nhăn mày.
Cũng sẽ đọc thơ tình cho Nhạn Linh, cũng sẽ trao tặng một đóa hoa quỳnh đương kì nở rộ đẹp nhất.
“Tôi bảo em đi em bèn đi thật? Em có biết em mang luôn cả thế giới tôi đi?” Bá đạo mà thâm tình. Mạnh mẽ nhét thẳng vào tim người, Nhạn Linh trốn đi đâu được chứ!
Một quyết định quan trọng cả đời người lại được đưa ra chóng vánh như thế.
“Tôi trước giờ làm việc chưa từng rối rắm lâu, cũng không lo nghĩ chuyện hối hận hay không. Lúc trước tôi tới tìm em cũng không suy nghĩ quá mười giây”.
Một lời tỏ tình sặc mùi tiền lại có thể động nhân như thế.
“Chỉ cần em không hối hận, vui vẻ ở bên tôi, tôi nhất định sẽ không phụ lòng em. Nếu em thật sự không có điều kiện gì, nếu sợ tương lai chúng ta không thể ở chung, tôi ký một bản hợp đồng cho em, sản nghiệp đứng tên tôi sẽ phân cho em một nửa, sau khi tôi chết di sản cũng thuộc về em. Nếu một ngày nào đó em chán tôi rồi, khi rời đi có thể lấy một nửa ‘giang sơn’ của tôi. Còn nếu em đợi không được ngày tôi chết, vậy trước tiên xử lý tôi, khắp thiên hạ đều sẽ là của em.”
Đó là một Diệp Côn đến khi yêu vẫn không mất chất.
Vậy nên, thầy Đồng dù là phải bỏ gia đình thì cũng muốn đồng bước cùng ngài Diệp.
“Hãy dẫn em đi! Giang sơn của anh em không cần, em giúp anh bảo vệ!”
Họ đã trao nhau một lời tuyên thệ. Cùng nhau hoàn thiện bức tranh đời mình.
Nếu có dịp đọc thì tôi nghĩ mọi người cũng nên chú ý đến phần tả H, thực sự thì tôi không sắc nhưng tôi lại sợ mọi người ngại mà bỏ qua. Bởi vì H trong truyện nhất là lần đầu của hai người thật sự rất thơ, không dung tục, đủ ý mà thản thành mà ngợi ca nguyên vẹn cảm xúc. (Này thì phải cảm ơn tác giả và người chuyển ngữ rồi)
Thật ra thì lần đầu đọc truyện tôi cũng không có ý viết cảm nhận đâu, đến khi bạn chủ nhà bảo đọc phiên ngoại, xong tôi mới có ý định viết.
Đọc xong phiên ngoại tôi có cái cảm nhận rằng những chương chính văn kia thực chất chỉ là đoạn tiết tự giới thiệu nhân vật, còn chính văn mới chân chính là những phiên ngoại này đây. Chỉ là một ít câu chữ rời rạc, chỉ là những dòng nhật kí ố vàng kể lại những phận đời đã bị bụi thời gian phủ mờ, những bước đường bôn ba, những vinh nhục một thời, những hạnh phúc đau khổ của tiền nhân, rồi sẽ chỉ còn trong kí ức nhạt nhòa của lớp con cháu, hoặc phai mờ theo thời gian.
Phải mượn lời thầy Đồng để hiểu thế nào là nhân sinh mỹ mãn “…Trôi qua những ngày tháng của riêng mình, thưởng thức buồn vui mà chính mình tự tạo ra, thống khổ cùng quê hương đất nước, cách xa người thân thương, chờ mong ngày sau, tháng sau, năm sau có thể được đoàn tụ. Có lẽ đời này mãi chẳng thể đoàn tụ, có lẽ sự ly biệt ấy chính là biệt ly cả một đời, nhưng chúng tôi sẽ không dừng chân, chúng tôi sẽ tiếp tục dùng hết toàn lực bôn ba từng bước, theo đuổi, kiếm tìm. Vậy là đủ rồi, vậy là đã đủ để có thể an ủi, có thể thỏa mãn.”
Nhân sinh bao năm, thấy đủ thì chính là mỹ mãn.
Có lẽ lần tới tôi sẽ chuẩn bị ít bánh ngọt cùng tách cafe và đọc lại ngoại truyện này lần nữa.

“…Mà ánh nắng càng ngày càng sáng sủa cũng đang mơn trớn ô cửa sổ màu xanh đậm, xuyên thấu qua lớp thủy tinh vương đầy bụi trần, rắc lên mỗi một vật chứng của thời gian, phiếm ra thứ ánh sáng vàng nhạt nhẹ nhàng, ấm áp, trăm vị hòa quyện……”
Đây mới chính là chút ngọt, chút đắng hoàn hảo trong nhân sinh. Giá trăm năm sau đời mình cũng “vương chút bụi trần, phủ chút ánh sáng vàng nhạt, ấm áp.”
Sẽ còn những lần xem lại, cả câu chuyện chứ không riêng ngoại truyện. Vì nhân sinh mấy mươi năm, tin chắc rằng sẽ có những khoảng lặng mà ta cần hiểu rằng đó là “bụi trần, là sương chiều, là ánh sáng ấm áp, là nhân sinh não nề.”

Mời các bạn đón đọc Sương Chiều Não Nề của tác giả Viburnum.

Comments are closed.