Người Rỗng
Người rỗng là tác phẩm đỉnh cao của John Dickson Carr trong thể loại “mật thất án mạng”. Xuyên suốt truyện là bí ẩn của hai vụ giết người: một vụ xảy ra trong căn phòng khóa kín, nạn nhân chỉ có thể mấp máy vài từ đứt đoạn; một vụ diễn ra trên con phố vắng, có nhân chứng ở hai đầu. Trong cả hai vụ, kẻ thủ ác đều biến mất không dấu vết. Nhân chứng nhìn thấy hắn, rồi để hắn thoát đi như một màn ma thuật. Kẻ thủ ác là ai? Có chăng hắn là người rỗng dưới vỏ bọc hữu hình để rồi sau khi giết người lại biến mất vào không khí? Độc giả như bị đặt vào mê lộ của sự bất khả, và rồi những suy luận của các nhà điều tra cũng đều dần dần đi vào ngõ cụt. Án chồng án, quá khứ vươn dài xoắn xít vào thực tại khiến người đọc rối trí, nút thắt này chưa gỡ xong đã bị Carr buộc vào một nút thắt khác khó gỡ hơn. Chính những điểm gút liên hoàn được buộc và gỡ một cách xảo diệu, bất ngờ như vậy đã tạo nên sức hút cho Người rỗng, giúp tác phẩm đứng vững trong hàng ngũ những tiểu thuyết trinh thám hay nhất mọi thời đại.
***
NGƯỜI RỖNG – JOHN DICKSON CARR
Thấy cuốn này được tâng bốc đến tận trời cao nên mình cũng thử sức đọc xem sao. Kết quả là, mình khá đồng ý với đa số các review mình đã đọc. Mình không phải là người giỏi lần theo các manh mối và suy luận để tìm ra lời giải cho các vụ án trong truyện nên mình cũng không cố gắng nhọc công làm việc đó, đỡ mệt bao nhiêu. May đấy, vì thủ thuật gây án trong phòng kín mà tiến sĩ Fell trình bày đúng là làm mình lóa mắt. Ấn tượng đầu tiên của mình chính là thủ phạm làm mình liên tưởng đến “Những chiếc răng cọp” của Maurice LeBlanc (cuốn Arsene Lupin đầu tiên mình đọc). Còn lại vềthủ thuật thì quá là phức tạp và mặc dù được giải thích kĩ càng nhưng đầu mình vẫn không thực sự tiêu hóa hết toàn bộ vấn đề. Một điều nữa mà mình cũng đồng ý với các review là cách thức hành động của thủ phạm gần như diễn ra dựa trên các sự kiện tình cờ, không được tính toán trước, ngược lại hoàn toàn với dụng ý ban đầu của thủ phạm. Lẽ dĩ nhiên, điều này cũng thể hiện phần nào trí thông minh và cách giải quyết vấn đề rất nhanh nhạy của thủ phạm, lợi dụng mọi sự ngẫu nhiên xảy ra ngay tại thời điểm đó để thực hiện tiếp những việc tiếp theo theo đúng kế hoạch.
Cái hay của truyện, ngoài cách gây án của hung thủ làm mình sững sờ ra, còn nằm ở việc nhận định và giả thuyết sai lầm. Chính lỗi vô cùng lớn như thế này đã khiến cảnh sát điều tra và tiến sĩ Fell rơi vào ngõ cụt. Vậy kết luận rút ra từ đây là, giả thuyết chỉ là giả thuyết thôi, không nên quá coi trọng nó và mặc định nó nhất định phải như thế. Đến khi tiến sĩ Fell lật lại hoàn toàn những giả thuyết mà tác giả cố định vào đầu người đọc ngay từ đầu, mình mới òa ra, bây giờ mọi chuyện mới sáng tỏ và hợp lý.
Các nhân vật thì mình không thực sự thích ai cả. Ấn tượng của mình với các nhân vật trong truyện đều có gì đó rất xấu xa, trừ mấy người điều tra phá án thôi, còn lại ai cũng có vẻ ích kỉ và to mồm, nói nhiều nhưng làm ít, ai cũng thấy có vẻ nói dối – chỉ là mình không đủ nhạy bén để nhận ra họ nói dối cái gì thôi. Thực ra đến cả thanh tra Hadley và tiến sĩ Fell cũng đôi lúc làm mình buồn cười. Họ cũng to mồm không kém các nghi phạm. Từ đầu truyện khi diễn ra cuộc thẩm vấn, mình thấy các nhân vật – cả nghi phạm lẫn người điều tra – đều mất bình tĩnh. Họ quát lên, rồi họ tức giận, ai cũng nói rất to! Có thể đây là một sự hài hước vô ý của tác giả chăng?
Một nhân vật mình không thích nhất là người không có vai trò gì trong quá trình điều tra cả, đó là vợ của Rampole là cô Dorothy. Cô này nhiều chuyện và tọc mạch quá, toàn đưa ra những giả thuyết này nọ phi thực tế, hầu như chỉ dựa vào quan điểm và sở thích cá nhân của cô, mà cô đưa ra những ý kiến đó chỉ thông qua mỗi lời kể của chồng. May mắn là Dorothy chỉ xuất hiện có hai lần, mau miệng thật đấy nhưng làm mình khó chịu quá.
Mặc dù cuốn này ngắn nhưng mình vẫn đọc chậm hơn tốc độ bình thường của mình vì có những đoạn mình phải đọc đi đọc lại và thỉnh thoảng mình không tập trung được, vì cứ mỗi trang là lại có thêm chi tiết mới, và thám tử phải rà soát lại từ đầu kết hợp với những gì mới phát hiện. Nhưng bù lại, đọc phần phá án lại làm mình rất thỏa mãn, kèm theo một phần bài giảng của tiến sĩ Fell về các loại án mạng phòng kín nữa, vô cùng bổ ích.
Điểm: 4/5
(Cảm ơn đã đọc đến đây. Mọi người ủng hộ góc booktube siêu nhỏ của mình nhá – thanks ạ)
Hương Spy
***
NGƯỜI RỖNG – JOHN DICKSON CARR
Đối với trinh thám cổ điển mình ít khi đọc (đặc biệt là tác phẩm Âu-Mỹ) vì không quen với văn phong tác giả. Vì thế Người rỗng là một thách thức với mình từ những trang đầu tiên. Mình đã mất 6 ngày để đọc xong.
Phải nói là không quá khi bìa sách phí sau ghi Người rỗng tác phẩm đỉnh cao của John Dickson Carr. Những sự việc tác giả đưa vào khiến cho người đọc lẫn nhân vật hiểu lầm và sau đó lí giải thật tuyệt vời. Hình tượng thám tử-tiến sĩ Fell lẫn những người bạn của ông khiến mình cảm thấy gần gũi vì Carr không ưu ái cho ai cả, mỗi nhân vật đều được nêu suy nghĩ về vụ án, ai cũng có đất diễn cả. Và không người bạn nào của Fell làm nền cho ông.
Về phần mạch truyện thì diễn ra chầm chậm, sau đó nhanh từ từ về sau. Truyện cũng có những điểm gây cấn. Tuy nhiên, nó cũng có phần giống những trinh thám cổ điển như Đảo ngục môn, Án mạng trên sông Nile,… ở chỗ giải quyết vấn đề sau khi thám tử phá án xong xuôi, nó diễn ra rất nhanh và kết thúc ngay sau đó chỉ với 1 sự lựa chọn của hung thủ và tòng phạm. Về điểm này mình hơi hụt hẫn nhưng nhìn chung mình rất khâm phục bác Carr vì đã lừa và khiến mình rối não.
Mức độ yêu thích: 5/5
Neko Sayuri
***
NGƯỜI RỖNG
Book review: “Người Rỗng”
Tác giả: John Dickson Carr
Thể loại: Trinh thám cổ điển, giết người trong phòng kín
Đánh giá: 9/10
Mình là người rất thích đọc các tác phẩm trinh thám lấy đề tài mật thất, giết người trong phòng kín, vì mình thích tìm hiểu về những vụ án tưởng chừng như bất khả, nhưng hóa ra luôn có một lời giải thích hợp lý. Vì thế, khi biết cuốn “Người Rỗng” của John Dickson Carr – nhà văn trinh thám Mỹ nổi tiếng, được mệnh danh là “ông hoàng mật thất” – được xuất bản là mình mua đọc ngay. Công nhận là hay lồng lộn, hay ghê gớm luôn các bạn ạ.
“Người Rỗng” là cuốn tiểu thuyết về hai vụ giết người. Một vụ là cái chết kỳ bí của giáo sư Charles Grimaud – một người không bao giờ tin vào ma quỷ hay thế giới tâm linh. Trước ngày vụ án xảy ra, Pierre Fley – một nhà ảo thuật gia – đã xuất hiện tại quán rượu mà giáo sư Grimaud thường tụ họp với bạn bè của mình và buông ra một lời đe dọa. Vài ngày sau đó, giáo sư Grimaud có hẹn gặp một người đàn ông cao lớn, bí ẩn trong chiếc áo khoác đen và đeo mặt nạ Guy Fawkes màu hồng như thịt, để rồi giáo sư được phát hiện đang thoi thóp trong căn phòng khóa kín cửa, chỉ có thể mấp máy vài từ đứt đoạn, người lạ đó đã biến đâu mất. Nền tuyết trắng không hề có dấu chân ai cả. Cửa sổ quá bé để một người trưởng thành chui ra được. Căn phòng cũng không có cánh cửa bí mật nào thông ra bên ngoài. Như thể hung thủ đã tan biến vào không khí vậy.
Vào cùng đêm giáo sư Grimaud bị bắn, và sau đó qua đời, Pierre Fley cũng bị bắn ở một con phố vắng bởi chính khẩu súng đã giết giáo sư Grimaud. Có nhân chứng đứng ở hai đầu đường nhưng đều không thấy được chuyện gì xảy ra, hay hung thủ là ai. Như thể kẻ thủ ác là một người rỗng dưới vỏ bọc hữu hình, hiện ra gây án để rồi sau đó lại biến mất vào không khí. Và Pierre Fley – người trước đó đã đe dọa giáo sư Grimaud, là kẻ dường như có động cơ giết giáo sư nhiều nhất – cũng chết trong cùng một đêm, hai vụ án chỉ cách nhau vài phút. Vậy rốt cuộc hung thủ thực sự là ai? Có phải là một trong những nhân chứng của hai vụ án hay không?
Bên cạnh bí ẩn về “người rỗng” gây án và sự khó giải thích nổi của hai vụ giết người mà việc tìm hiểu xem chuyện gì thực sự đã xảy ra dường như là bất khả, điều mà mình thích nhất ở cuốn tiểu thuyết này, có lẽ chính là những suy luận của tiến sĩ Fell – một trong những hình tượng thám tử “không chuyên” mà John Dickson Carr sáng tạo nên. Chỉ bằng cách quan sát tỉ mỉ những gì còn lại ở hiện trường trong căn phòng kín, cùng việc lắng nghe lời khai của nhân chứng và cả những từ ngữ đứt đoạn mà nạn nhân Grimaud mấp máy trước khi bị đưa đi chăm sóc y tế, mà tiến sĩ Fell đã có thể dần dần khám phá và phác họa nên cuộc sống trước kia của nạn nhân Grimaud, và tự mình đưa ra những suy luận khả dĩ có thể đưa ra một hướng điều tra cho những người có chuyên môn điều tra phá án.
Lẽ dĩ nhiên, với một cuốn tiểu thuyết giết người trong phòng kín nổi tiếng dường này, thuộc hàng ngũ những tiểu thuyết trinh thám hay nhất mọi thời đại, thì mọi thứ không như những gì chúng ta và cả tiến sĩ Fell luôn hình dung. Nếu bạn chỉ suy luận đơn giản, chỉ suy nghĩ theo cách thông thường, thì sẽ không bao giờ có thể phát hiện ra được sự thật, cùng “màn ảo thuật” gây kinh ngạc đã đánh lừa rất nhiều người. Và quan trọng hơn nữa, là làm sao chúng ta có thể, từ những lời khai của nhân chứng luôn nói thật, suy luận ra được điều gì đã thực sự xảy ra, và nhìn ra chân tướng của toàn bộ vụ việc.
Đoạn kết khi tiến sĩ Fell bóc trần sự thật đã thực sự làm mình ngỡ ngàng, vì mình không bao giờ có thể tưởng tượng được mọi chuyện lại là như thế. Có một chút may mắn giúp hung thủ thực hiện được một phần kế hoạch của mình – cái chút may mắn đã thay đổi và xoay vần toàn bộ cách lẽ ra chúng ta phải suy luận. Phần còn lại là một chuỗi ứng biến có, đã lên kế hoạch sẵn cũng có, để đánh lừa các nhân chứng và xoay chuyển bản chất thật của cả hai vụ án. Nói chung là cá nhân mình không thể nào ngờ được lời giải đáp lại là như thế, và mình cũng không thể nào biết được làm cách nào tác giả John Dickson Carr lại có thể nghĩ ra được một câu chuyện như vậy luôn ????
Giờ mình chuẩn bị đặt mua tiếp hai cuốn khác của John Dickson Carr là “Vụ án viên nhộng xanh” và “Chiếc bản lề cong” để ở nhà đọc trong dịp Tết đây ^^ Hy vọng là cũng sẽ hay như cuốn “Người Rỗng” này ????
P.S.: Chụp cái hình sẵn khoe luôn kệ sách mới hí hí hí ????)))
Nguyễn Việt Ái Nhi
***
NGƯỜI RỖNG – JOHN DICKSON CARR
Giáo sư Grimaud trong một buổi tối khi đang nói chuyện với đám bạn thì một kẻ lạ mặt xưng tên là Fley đến thách thức đe doạ. Không lâu sau đó một người khách lạ che mặt đến viếng thăm nhà Grimaud trong phòng làm việc khoá kín. Một tiếng súng nổ vang, mọi người ùa vào phát hiện Grimaud hấp hối nhưng hung thủ biến mất như có phép xuyên thấu. Fley đươc cho là nghi phạm nhưng sau đó mọi người phát hiện hắn bị bắn chết trên phố vắng đầy tuyết trước mặt 3 nhân chứng mà không ai thấy hung thủ. Tiến sĩ Fell sẽ giải đáp 2 tội ác bất khả thi như thế nào…”Người rỗng” hay có tên khác “3 cỗ quan tài” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Carr, một cột mốc quan trọng của thể loại trinh thám mật thất. Đây là một vụ án phức tạp với nhiều tình tiết rối rắm xoắn lại với nhau khiến người đọc phải cẩn thận theo dõi. Được cái tác giả khéo léo trong cách dẫn dắt và đan cài các tình tiết bí ẩn bất ngờ khiến người đọc tò mò và không bị nhàm chán.
Chân tướng vụ án có thể mượn câu nói của Sherlock Holmes “khi ta loại trừ được các khả năng khác thì khả năng duy nhất còn lại dù phi lý đến đâu thì chính là sự thực”. Dĩ nhiên giải đáp của Fell có chi tiết trùng hợp một cách khó tin khiến bạn đọc sẽ phải ngẩn người kiểu “sao có thể như vậy được?” nhưng thì công nhận đó là cách giải đáp hợp lý nhất và kết nối được các chi tiết khó hiểu lại với nhau. Thủ pháp thì các bạn đọc trinh thám Conan hay Kindaichi sẽ thấy quen thuộc vì cuốn này đã viết gần 90 năm và motif kinh điển này đã được không ít hậu bối quen thuộc học tập biến tấu. Gần cuối tác giả có phần “mật thất giảng nghĩa” nổi tiếng thống kê các kiểu mật thất và biến tấu. Các bạn có thể tham khảo kĩ để mấy cuốn sau của Carr có thể suy đoán được tốt hơn.
Nhưng cảnh báo mấy bạn quen kiểu đơn giản dễ vào của trinh thám Tung Của hay kiểu nhanh dồn dập của hiện đại Tây thì nên cân nhắc thận trọng. Dù vậy vẫn khuyến khích các bạn không nên bỏ qua cuốn kinh điển về suy luận mật thất này.
P.S Đọc thể loại mật thất hơi mệt não nên sẽ đổi vị một cuốn nhẹ nhàng đã rồi quay về Carr sau. Chấm cá nhân 8/10.
Nam Do
***
Ta có thể dùng rất nhiều từ ngữ li kì để mô tả vụ sát hại giáo sư Grimaud, cũng như vụ án mạng ở phố Cagliostro sau đó vốn cũng phi thường không kém – quý độc giả sẽ sớm hiểu lí do vì sao thôi. Những người bạn của tiến sĩ Fell yêu thích các vụ án bất khả thi sẽ không thể tìm thấy trong sổ tay vụ án của ông một bí ẩn nào khó hiểu và kinh hoàng hơn thế này. Bởi, để gây ra hai vụ án này, hung thủ không những phải vô hình, mà còn phải nhẹ hơn không khí. Chứng cứ cho thấy hắn hạ sát nạn nhân đầu tiên và biến vào không khí theo đúng nghĩa đen. Chứng cứ cũng cho thấy hắn giết nạn nhân thứ hai ngay giữa một con phố vắng, có nhân chứng ở cả hai đầu. Vậy mà không một ai nhìn thấy hắn, và cũng không có dấu chân nào xuất hiện trên tuyết cả.
Lẽ dĩ nhiên, chánh thanh tra cấp cao Hadley không bao giờ tin vào ma thuật. Và ông hoàn toàn đúng – trừ khi quý độc giả tin vào loại phép thuật sẽ từ từ được giải thích trong cuốn sách này vào thời điểm thích hợp. Nhưng có vài người bắt đầu phân vân không biết nhân vật bí ẩn rình rập trong suốt vụ án này có phải là một kẻ vô hình thật sự hay không. Họ bắt đầu tự hỏi nếu bỏ đi cái mũ, tấm áo choàng đen, và chiếc mặt nạ trẻ em, thì liệu có thật là không có gì bên trong không, như người đàn ông trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn H. G. Wells vậy. Nhưng dù có phải thế hay không thì kẻ giết người bí ẩn của chúng ta cũng đã đủ ghê rợn rồi.
Đoạn văn mở đầu có dùng cụm từ “chứng cứ cho thấy”. Nhưng chúng ta phải rất cẩn thận với những chứng cứ không do mắt thấy tai nghe. Và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, trong vụ án này quý độc giả phải được thông báo ngay từ đầu về những chứng cứ mà quý độc giả có thể tin tưởng tuyệt đối. Điều này có nghĩa là ta phải giả định rằng có người nào đó nói thật – nếu không thì làm gì còn bí ẩn nào nữa, và do đó, cũng chẳng có chuyện gì để kể.
Vì thế hẳn phải giả định rằng anh Stuart Mills ở nhà của giáo sư Grimaud đã kể lại toàn bộ sự việc chính xác như những gì anh ta đã chứng kiến trong mỗi vụ án mà không nói dối, không bỏ sót, hay thêm thắt bất kì chi tiết nào. Và cũng phải giả định rằng ba nhân chứng độc lập trong vụ án ở phố Cagliostro (ông Short, ông Blackwin và cảnh sát Withers) đã nói đúng sự thật.
Trong trường hợp này, cũng cần phải trình bày một trong những sự kiện dẫn đến hai vụ án trên một cách kĩ càng hơn thay vì để các nhân vật hồi tưởng lại sau này. Sự kiện này chính là điểm then chốt, là bước ngoặt, là thách thức. Và nó sẽ được thuật lại dưới đây theo đúng những gì có trong ghi chép của tiến sĩ Fell, với đầy đủ các chi tiết thiết yếu mà Stuart Mills đã khai với tiến sĩ Fell và chánh thanh tra cấp cao Hadley.
Sự kiện này xảy ra vào đêm thứ tư, ngày sáu tháng Hai, ba ngày trước vụ án mạng, ở phòng khách phía sau của quán rượu Warwick trên phố Museum.
Tiến sĩ Charles Vernet Grimaud đã sống ở nước Anh được gần 30 năm, và nói thứ tiếng Anh chuẩn giọng Anh. Mặc dù ông hành xử cộc lốc trong lúc hứng khởi, và có thói quen đội chiếc mũ quả dưa chóp vuông lỗi mốt và thắt chiếc ca vát dây màu đen, nhưng trông ông còn giống người Anh hơn cả bạn bè của mình. Không ai biết nhiều về quá khứ của ông. Dù đủ tiền sống mà không cần làm lụng, ông vẫn làm việc vì thích được “bận rộn” và cũng có thu nhập khá. Giáo sư Grimaud từng là một giáo viên, cũng như một giảng viên đại học, và một nhà văn nổi tiếng. Nhưng dạo này ông không làm gì mấy mà chỉ đảm nhiệm một chức vụ không lương gì đó ở Bảo tàng Anh. Đổi lại ông được tiếp cận cái mà ông gọi là “những bản thảo phép thuật cấp thấp”. “Phép thuật cấp thấp” là sở thích đem lại rất nhiều hứng thú cho ông: bất kì thứ ma quỷ siêu nhiên kì lạ nào, từ ma cà rồng cho tới lễ Đen thờ quỷ Satan, đều khiến ông gật gù và cười khúc khích như trẻ con – và chính nó cũng đã đem lại cho ông một viên đạn xuyên qua phổi.
Nói chung, Grimaud là một người thông minh, với ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh sự tinh quái. Ông nói nhanh nhưng với thái dộ cộc cằn và giọng nói ồm ồm cứ như gồng từ cuống họng lên, và ông có cái điệu cười khùng khục không hở răng. Ông có vóc dáng trung bình, nhưng lại có khuôn ngực tráng kiện và thể chất vạm vỡ. Mọi người ở quanh khu Museum đều quen với bộ râu đen được cạo ngắn đến mức nhìn như đang bạc dần, gọng kính đồi mồi, cùng dáng đi cương nghị mỗi khi ông rảo bước trên đường và giơ mũ chào hay giương ô lên ra hiệu cho họ môt cách vội vã.
Ông sống trong một căn nhà cũ vững chãi ở phía tây quảng trường Russell cùng cô con gái Rosette, bà quản gia Dumont, thư kí Stuart Mills, và cựu giáo viên ốm yếu Drayman, một kẻ ăn bám được ông thuê để trông coi sách vở.
Nhưng cánh hẩu thực sự của ông thì lại tụ tập ở một cái hội do chính họ lập nên ở quán rượu Warwick trên phố Museum. Họ gặp nhau bốn hay năm tối một tuần – một kiểu họp kín không chính thức – trong một căn phòng biệt lập phía sau quán được dành riêng cho mục đích này. Thực ra đây không phải là phòng riêng của họ, nhưng không có mấy người ngoài từ quầy bar đi lạc được vào đó, mà có vào cũng không được chào đón. Những thành viên thường trực của hội là một chuyên gia kể chuyện ma nhỏ con, đầu hói và kiểu cách tên là Pettis, anh chàng nhà báo Mangan và ông nghệ sĩ Burnaby. Nhưng chính giáo sư Grimaud mới là tiến sĩ Johnson của cả hội – đây là điều không thể bàn cãi.
Ông cầm trịch mọi thứ. Gần như mọi tối trong năm (trừ thứ bảy và chủ nhật – những ngày ông dành riêng cho công việc), ông đều được Stuart Mills hộ tống tới quán Warwick. Ông luôn ngồi trên chiếc ghế bành ưa thích của mình trước ngọn lửa nóng rực, với một cốc rượu rum pha nước nóng trên tay, và hò hét diễn xướng theo phong cách mà ông ưa thích. Cuộc nói chuyện, Mills kể, thường rất tuyệt vời, mặc dù không một ai có thể tranh luận được với giáo sư Grimaud, ngoại trừ Pettis và Burnaby. Mặc cho vẻ ngoài nhã nhặn, ông là người rất nóng tính. Không ai bảo ai, mọi người đều hài lòng với việc ngồi yên lắng nghe kho kiến thức của ông về phép phù thủy và những trò phù phép bịp bợm mà kẻ gian trá sử dụng để lừa bịp kẻ cả tin, về tình yêu như trẻ con của ông với bí ẩn và kịch tính: nhiều khi ông kể chuyện về phù thủy thời trung cổ, để rồi vào phút chót lại đột ngột giải thích hiện tượng bí ẩn ấy theo đúng phong cách truyện trinh thám. Những tối như thế thật thú vị và luôn phảng phất phong vị của các quán trọ miền thôn dã, dù họ đang ngồi ấm áp trong một quán rượu dưới ánh đèn dầu của khu Bloomsbury. Những tối thật thú vị, cho tới buổi tối ngày mùng sáu tháng Hai, khi điềm báo của nỗi kinh hoàng ập tới đột ngột như cơn gió thổi toang cánh cửa.
Mời các bạn đón đọc Người Rỗng của tác giả John Dickson Carr.
Leave a Reply