Trong khóa Đông-phương cổ-sử tôi nhận giảng ở trường Đại-học cách đây mấy tháng, tôi mới bắt đầu giảng về Việt-nam cổ-sử được ít lâu thì trường Đại-học đình giảng. Có mấy người sinh viên yêu cầu tôi cho xuất bản luôn cả tập giảng khóa ấy, hoặc công bố những tập khảo biện về Việt-nam cổ-sử mà tôi đã căn cứ để soạn bài giảng, để giúp những người sinh-viên học cổ-sử có thể tiếp tục sự nghiên cứu của họ. Cố nhiên tôi không thể xuất bản tập giảng khóa được, vì chương trình cả năm tôi mới giảng được hai tháng, còn tập khảo biện về cổ-sử thì trong tình trạng xuất bản hiện thời tôi không thấy có một cơ quan xuất bản chuyên môn nào để công bố nó được. Nhưng muốn thù đáp một phần nhỏ cái kỳ vọng của các bạn muốn nghiên cứu cổ-sử nước nhà để tìm biết nguồn gốc của dân tộc, tôi viết quyển sách nhỏ này, không phải là lược thuật cả lịch sử cổ-đại của ta, mà chỉ xét về một vấn-đề chủ yếu, có thể nói là vấn đề tổng hợp trong cổ-sử.

Nhưng tôi xin nói trước rằng đây chỉ là một quyển sách phổ thông, rất phổ thông, cho nên tôi nhất thiết tránh những chi tiết rườm rà, tránh không viện dẫn thư tịch, mà cũng không thể trưng dẫn chứng minh và biện giải những vấn đề cần thảo luận, chỉ trích những điều đại cương và những điều kết luận trọng yếu mà trực thuật để độc giả có thể xem qua và nhận thấy ngay con đường hình thành của dân tộc và văn hóa Việt-nam ở đời xưa.

Tôi lại phải xin các nhà sử-học chuyên môn lượng xét cho rằng vì những điều kiện xuất bản chưa thuận tiện nên tôi không thể đem những chủ-trương riêng ra chất chính cùng các ngài trước khi trình bày công chúng. Tôi biết làm như thế là đắc tội với các ngài nhiều lắm, chỉ xin bày tỏ hai lẽ sau này để mong các ngài lượng thứ cho.




1. Về phương diện chủ quan, thì tôi tự xét là đã gắng sức dùng hết những tài liệu mà ở trong phạm vi nhỏ hẹp của tôi bây giờ tôi có thể tìm được.

2. Về phương diện khách quan thì tôi thấy từ trước đến nay chưa có một tác phẩm nào cấp cho người ta một ý thức rõ ràng quán xuyến và khoa học về nguồn gốc của dân tộc ta để xóa bỏ những điều mê tín đối với nguồn gốc Tiên Rồng, khiến người ta nhất là thanh niên, thấy rằng cái nguồn gốc chân thực và tầm thường cũng đủ khiến ta tự tin hơn cái nguồn gốc thần bí được.

Đó là những lẽ khiến tôi không ngại viết tập sách này.




Tôi xin thú thực rằng cái hy vọng của tôi ở đây chỉ là mong khêu gợi được chút ít hứng thú của các bạn thanh niên đối với sự nghiên cứu cổ-sử, nói chung là lịch sử nước nhà và mong reo được vào lòng những độc giả của tôi một chút ít tự tin đối với giống nòi và tổ quốc.

Nếu các nhà sử học chuyên môn thấy trong sách nhỏ này có điều gì không hợp với chủ-trương của các ngài thì tôi rất mong rằng sẽ có được cơ hội thuận tiện để thảo luận rộng rãi về các vấn-đề trọng yếu thuộc về cổ sử nước ta mà tôi tưởng rằng từ trước đến nay chưa có vấn đề nào có thể xem là giải quyết xong rồi.

Thuận-hóa, ngày 18 tháng 3 năm 1946.
TÁC GIẢ CHÍ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *