Phải qua một con đường dài lắt léo để đem những hàng hóa mà chúng ta tiêu thụ từ các xưởng ở Trung Quốc đến các kệ hàng tại Hoa Kỳ. Không có bản đồ nào vẽ con đường này; không có quy định nào; các bản hợp đồng và thỏa thuận cũng không thường xuyên được tôn trọng; không có cảnh sát trên con đường cao tốc về thương mại này. Không ngạc nhiên khi kết quả của các thiếu sót mang tính hệ thống như vậy dẫn đến một loạt các vụ bê bối sản xuất. Nào là mê-la-min độc hại trong các sản phẩm sữa, nào là sơn chì trên đồ chơi trẻ em và vô số trường hợp khác đã được ghi nhận trên báo chí toàn cầu. Trong câu chuyện sinh động này, Paul Midler đồng hành với chúng ta trên con đường thương mại quốc tế lắt léo, cho chúng ta thấy những gì đã bị làm sai tại Trung Quốc ngày nay bằng cách đưa chúng ta đến thăm vô số nhà máy ẩn danh. Ông giới thiệu cho chúng ta rất nhiều doanh nhân phương Tây đã đến Trung Quốc bởi sự hấp dẫn của việc thuê ngoài. Trong quá trình này, ông tiết lộ những mối nguy hiểm của một nền kinh tế thiếu minh bạch; ông cho chúng ta thấy người Trung Quốc sắc bén cỡ nào, và quan trọng không kém, người Mỹ lại sẵn lòng cả tin đến mức nào. Đối với tôi, là một chuyên gia Trung Quốc [2] trong hơn ba mươi năm, đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi trên kệ mà trong đó vạch trần đầy những thủ đoạn và tội lỗi sai trái: “Đúng vậy! Thực tế chính là thế đó”.
Midler là một trung gian đi làm thuê, một người môi giới kiếm sống bằng cách kết nối các nhà nhập khẩu Mỹ với các nhà cung cấp Trung Quốc, và ông giám sát việc thực hiện các thỏa thuận nhằm đảm bảo đạt được sự hài lòng giữa hai bên. Các chuyên gia quản lý người Mỹ có rất ít, nếu họ thực sự có, hứng thú đối với các giao dịch tẻ nhạt và không rõ ràng, và do đó vai trò của Midler là người trung gian, đàm phán và kiểm tra là không thể thiếu đối với nhiều người. Qua nhiều năm đàm phán (có vẻ tẻ nhạt) về các sản phẩm như nồi gốm, giàn giáo và đồ nội thất kiến trúc (tôi chỉ liệt kê rất ít trong số các hàng hóa mà ông đã thương thảo, những mặt hàng mà ông đã mô tả trong sách mà thôi), ông đã đạt được hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế và xuất khẩu Trung Quốc.
Những hiểu biết của ông đưa chúng ta đến trung tâm của xã hội Trung Quốc theo cách khác lạ; những hiểu biết này là những kho báu thực sự trong cuốn sách của ông. Trung Quốc là nhà của Midler. Ở đó, mà không phải một nơi nào khác, chính là cuộc sống của ông. Ở đó, ông kiếm sống nhờ biết cách khiến mọi việc được hoàn tất, một kỹ năng mà thậm chí các chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiệp nhất cũng không có. Những hiểu biết như vậy không bị giới hạn trong một danh mục hàng hóa nào hay bị bó hẹp trong một khu vực bao gồm những sản phẩm nhất định nào cả. Hơn thế, đúng theo bản chất, những hiểu biết đó phải toàn diện. Những thứ hiện hữu trong kinh doanh cũng sẽ hiện hữu trong các lĩnh vực khác của đời sống, từ tình bằng hữu cho đến chính trị.
Vì vậy, chúng ta phải đọc cuốn sách của Midler ở hai cấp độ. Ban đầu, Poorly Made in China có vẻ là một bản kể lể đơn thuần và có chút phiêu lưu về những chuyến đi và những tai nạn bất tận của ông với các thương gia Trung Quốc và các nước khác, mỗi người đều muốn giành phần hơn người khác. Chuyện kể đầu tiên trong sách là dự án của tác giả về sản xuất xà phòng và dầu gội đầu cho chuỗi cửa hàng giảm giá của Mỹ. Có lẽ đó không phải là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng nó có những kịch tính như trong một cuốn tiểu thuyết hồi hộp. Người kể cò cưa tới lui, xoay quanh những vấn đề nhỏ trong sản xuất như việc làm mỏng chai nhựa (dùng để đóng gói dầu gội đầu giá rẻ) một cách bí ẩn. Nhà máy trong câu chuyện này đã rất hoang mang vì khách hàng cứ khăng khăng vào những điều cơ bản, chẳng hạn như các đặc tính của sản phẩm phải trước sau như một, không được thay đổi. Trong khi đó, bên phía nhập khẩu Mỹ trong câu chuyện này đã gần như phát điên lên vì lo rằng việc nhập khẩu một thành phần lỗi của sản phẩm có thể khiến ông thua lỗ hàng triệu đô-la vì mất hợp đồng.
Là một hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc nhiều năm trước, tôi đã trải qua rất nhiều trường hợp về các hành vi vô đạo đức và gây phiền phức, dọc theo dòng sự kiện mà Midler mô tả trong cuốn sách này, thậm chí tôi còn nhận ra chính mình trong những sự việc đó nữa cơ. Sự tương đồng có thể được rút ra từ những thỏa thuận về tài khóa và tiền tệ của chính phủ mà Trung Quốc đã có với các nước khác, và thậm chí từ cả các cuộc đàm phán hiệp ước vốn là một phần của nó. Nếu bạn có những hiểu biết vững chắc như của Midler, nhiều bí ẩn của Trung Quốc có thể bị bật mí. Nếu bạn không có những hiểu biết đó, bạn sẽ thấy mình lênh đênh trên biển, nhanh chóng trôi xa khỏi điểm đến mà bạn đã nhắm trong tâm trí.
Leave a Reply