Đã nhiều năm trôi qua, kể từ khi Liên bang Xô Viết tiến hành cải tổ, một cuộc đổi mới trong suy nghĩ của nhân dân được tiến hành với những động cơ rất tốt đẹp ở đất nước từng là cái nôi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, một quốc gia có ảnh hưởng lớn và là đối trọng với phương Tây đồng thời là một siêu cường đối trọng với Hoa Kỳ. Thế nhưng, cải tổ đã chẳng mang lại được cái gì cho nhân dân Xô Viết. Chỉ vài năm sau cải tổ, Liên bang Xô Viết đã tan rã và đến nay vẫn đang là một khu vực bất ổn và phải chịu rất nhiều những xung lực cả bên trong lẫn bên ngoài. Nguyên nhân sự tan rã của Liên bang Xô Viết là gì? Đã có rất nhiều những ý kiến, những đề tài nghiên cứu, những cuốn sách đề cập và phân tích nhưng chắc chắn sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực nữa để giải đáp vấn đề này. Trước khi Goócbachốp lên Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô và tiến hành cải tổ thì phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ với vai trò “chọc gậy bánh xe” đã ngấm ngầm công khai phá hoại từ bên trong lẫn bên ngoài Liên Xô với mục đích xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội. Cho đến khi tiến hành cải tổ, Goócbachốp đã không có một chiến lược rõ ràng với tầm nhìn xa trông rộng. Tính hấp tấp của Goócbachốp đã làm quyết định cải tổ lợi bất cập hại. Ông cũng không đưa ra được chương trình cải thiện nền kinh tế Liên Xô cũ (đã và đang bị phương Tây và Hoa Kỳ ra sức phá hoại) theo hướng thị trường có điều tiết dẫn đến Mátxcơva như một con bệnh không có thuốc chữa, nặng dần và đi đến tử vong.

Để giúp bạn đọc tham khảo một nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết, Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản cuốn “Chính phủ Ri-gân làm tan rã Liên Xô như thế nào” do Vương Mộng Bưu biên soạn từ sách của tác giả Peter Schwecer.

Cuốn sách này đã thuật lại những biện pháp và hành động cụ thể trên bốn phương diện của Mỹ để đánh đổ Liên Xô:




• Thứ nhất: Ngấm ngầm chi viện cho Công đoàn Đoàn kết Ba Lan về tài chính, tình báo, hậu cần để phái phản đảng có thể tồn tại trong đất nước đó.

• Thứ hai: Viện trợ tài chính và quân sự cho phe đối nghịch ở Ápganistan đồng thời qua phe này đưa chiến tranh vào đất Liên Xô.

• Thứ ba: Dùng trăm phương ngàn kế làm giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế hạ thấp với mục đích giảm thiểu sự thu nhập ngoại tệ mạnh của Liên Xô khiến đất nước này gặp khó khăn về tài chính.




• Thứ tư: Phong toả Liên Xô về mặt kỹ thuật để trong quá trình chạy đua kỹ thuật Mỹ luôn giữ được vị trí hàng đầu và làm tiêu hao tài lực của Liên Xô.

Đây là một cuốn sách tác giả của nó nguyên là nhân viên CIA, do vậy cách nhìn nhận đánh giá về Liên Xô theo một phía, nhiễu chỗ chưa được khách quan. Ngoài ra cách dùng câu từ để chỉ quân đội Liên Xô; thể chế nhà nước Liên Xô cùng những vai trò quan trọng của nó trong lịch sử không được chính xác. Nhưng chúng tôi vẫn cho xuất bản để cung cấp cho bạn đọc nhất là những nhà nghiên cứu tìm hiểu về nguyên nhân Liên Xô bị tan rã, ngoài nguyên nhân tự thân của Liên Xô còn có nguyên nhân quan trọng do Mỹ thực hiện chiến lược thù địch chống Liên Xô thành công bằng bốn phương diện trên.

Chính vì vậy, bạn đọc nên coi đây là tài liệu tham khảo, nghiên cứu để nâng cao cảnh giác chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.




Nhà xuất bản Công An Nhân Dân
***
Cuối năm 1986, do sự kiện I-ran – Ni-ca-ra-goa[164], chính phủ Ri-gân phải đối mặt với một sự rắc rối về chính trị, Uỷ ban An ninh quốc gia lập tức rơi vào tình trạng hỗn loạn; đồng thời Cục trưởng Cục Tình báo trung ương Uy-li-am Cô-xây lâm bệnh nặng, đầu năm 1987 ông qua đời! Tiếp theo Bộ trưởng Quốc phòng, Cai-xpa Uyn-pak từ chức. Thế là nhóm người rất thành thạo về mặt kĩ xảo để triển khai một thế công về chiến lược với Liên Xô đã “danh tồn thực vong”! Số người còn lại, hoặc một số người khác có ý định kiên trì ở lại, ít lâu sau họ cũng tự cảm thấy lo cho mình còn chưa xong. Đối mặt với cơn bão táp của sự kiện I-ran – Ni-ca-ra-goa ai nấy đều như tượng đất qua sông – ngay bản thân mình cũng khó bảo toàn! Tuy nhiên, một bộ phận then chốt của chiến lược này vẫn tồn tại.

Cho đến năm 1989, trước kì Tổng tuyển cử, nước Mỹ tiếp tục ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan về mặt tài chính và hậu cần. Những sự viện trợ này là một cống hiến quan trọng về mặt sinh tồn và phát triển đối với Công đoàn Đoàn kết. Dù rằng sau tháng 5 năm 1988, Liên Xô bắt đầu rút quân ở Ap-ga-ni-xtan, nước Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ về mặt quân sự và tình báo cho du kích Mu-xlim. Sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, nước Mỹ cũng vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu kĩ thuật sang tập đoàn Liên Xô. Cho đến tận nay, giá năng lượng tương đối thấp và thu nhập ngoại tệ mạnh giảm bớt vẫn là một vấn đề gây lúng túng cho Mat-xcơ-va. Vào giữa thập kỷ 80, dự toán quốc phòng của nước Mỹ trên thực tế đã ở vào một thời kì ổn định ở mức cao, mà về mặt xây dựng quốc phòng vẫn tiếp tục kế hoạch nghiên cứu vũ khí hiện đại đổi mới, trong đó bao gồm “Sáng kiến phòng thủ chiến lược”. Chiến lược và những tham số về tài nguyên trong cuộc chạy đua với Liên Xô của một siêu cường được xây dựng từ thời kì đầu chấp chính của Chính phủ Ri-gân vẫn được tiếp tục và giữ một cách hoàn chỉnh tới khi Liên Xô tan rã.

Liên Xô không phải do mọi “tác động” của nước Mỹ mà tan rã, cũng không phải do thời gian có lợi đối với nước Mỹ mà tan rã. Phải chăng do Krem-li phải đối mặt với “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” và với sự xây dựng quốc phòng của Mỹ; phải chăng do sự vấp váp, trắc trở về chính trị ở Ba Lan và ở Ap-ga-ni-xtan; phải chăng do tổn thất hàng vài chục tỉ đôla Mỹ do xuất khẩu năng lượng; phải chăng do không có cách nào giành được kỹ thuật của phương Tây. Thật ra nếu không phải do hiệu ứng tích luỹ của tổng hợp các nhân tố trên thì chúng ta có lí do để tin rằng Liên Xô có thể vượt qua cái của ải khó qua này! Thể chế Cộng sản Liên Xô không phải là một thổ hữu cơ mà trong bất cứ một hoàn cảnh quốc tế nào cũng có thể huỷ diệt được. Chính sách của nước Mỹ có thể, mà cũng nhất định cải biến được tiến trình lịch sử của Liên Xô, nhưng có một điều đáng nực cười là, rất nhiều các nhà quan sát ở phương Tây trước kia cứ một mực cho là thể chế kinh tế của Liên Xô cũng tốt đẹp như thể chế kinh tế của nước Mỹ. Họ cho rằng chính sách đối kháng sẽ không có kết quả, ngược lại sẽ làm cho địa vị của Liên Xô tăng cường. Giờ đây, họ lại quay ngoắt 180o, họ cho rằng sự suy nhược và đổ bể của đế quốc Liên Xô, về một ý nghĩa nào đó mà nói thì đó là điều không tài nào tránh khỏi!

Mời các bạn đón đọc Những Âm Mưu Sách Lược Của Chính Phủ Rigan Làm Tan Rã Liên Xô Viết của tác giả Peter Schwecer.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.