Những giá trị sống cho tuổi trẻ gồm 12 bài học giá trị về các chủ đề Hòa bình, Tôn trọng, Yêu thương, Khoan dung, Trung thực, Khiêm tốn, Hợp tác, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Giản dị, Tự do và đoàn kết. Các chủ đề được trình bày dễ hiểu với những phân tích, diễn giải rõ ràng theo trình tự logic: mục đích của chủ đề, những hoạt động được tổ chức và cuối cùng là phần thảo luận. Từng chủ đề còn đưa ra các tình huống, các bài tập thiết thực nhằm thực hành và áp dụng.

Ngoài ra, phần cuối của cuốn sách còn có 10 phụ lục về một số chủ đề; mỗi phụ lục là một câu chuyện, một ví dụ minh họa, một trò chơi trắc nghiệm theo các thẻ tình huống sát thực với chủ đề được đề cập hoặc các bài tập thư giãn, tập trung…

Ngày nay, trẻ tập trung quá nhiều vào việc học cách để làm (doing), chuẩn bị cho mưu sinh trong tương lai. Nhưng bên cạnh những kỹ năng sống vốn rất quan trọng ấy, trẻ cũng cần biết nên sống (being) ra sao. Có nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước nhiều tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh.




Nếu trẻ không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, trẻ cũng không biết cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó, trẻ sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác.

Có nền tảng giá trị sống, trẻ sẽ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp chúng ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất. Theo UNESCO, 8 tuổi đã là quá trễ. Vì đến độ tuổi này trẻ đã hình thành cho mình phần lớn các giá trị; trừ phi có sự thay đổi sâu sắc về trải nghiệm trong đời, nếu không thì khó mà lĩnh hội thêm giá trị sau độ tuổi này. Trẻ từ dưới 2 tuổi đã bắt đầu tiếp thu từ môi trường sống xung quanh, như giọng nói của người lớn khi trò chuyện với trẻ, cách thức tiếp xúc với trẻ, tranh ảnh treo trong phòng… tất cả đều tác động đến sự phát triển của trẻ.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ vẻ ngần ngại rằng con họ còn quá nhỏ thì làm sao biết về giá trị sống. Tuy trẻ chưa thể diễn đạt bằng ngôn ngữ những gì mình cảm nhận được, nhưng chắc chắn người lớn sẽ ngạc nhiên trước hiểu biết và cảm nghiệm của chúng về giá trị. Điều chúng ta nên làm là giúp trẻ gọi tên giá trị ra để các giá trị trở nên rõ ràng hơn. Chẳng hạn như bằng cách hướng dẫn trẻ trao cây bút cho bạn, chúng ta đang dạy cho trẻ biết cách sẻ chia hoặc hợp tác.




Việc truyền đạt những kỹ năng, kiến thức về cuộc sống, cha mẹ có thể tin cậy vào giáo viên ở trường. Còn với giá trị sống lại khác, cha mẹ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến con cái vì khi nhìn thấy sự trung thực qua hành vi cư xử của cha mẹ, trẻ sẽ trải nghiệm được thế nào là lòng trung thực. Do đó, cha mẹ là nguồn hỗ trợ tuyệt vời để xây dựng giá trị nơi con trẻ. Ví dụ như việc bố mẹ bảo con cái nói với khách là mình không có ở nhà, trẻ sẽ ngạc nhiên, hoang mang khi bị buộc phải nói sai sự thật. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như thế lại có sức tác động lớn, dẫn đến thói quen thiếu trung thực về sau.

Từ giáo dục (education), gốc Latin (e-ducere) có nghĩa là khơi dậy những gì đã có sẵn ở mỗi người. Theo đó, chúng ta cần hiểu mình đang hướng dẫn về giá trị, giúp khơi dậy những giá trị cốt lõi đã có ở trẻ chứ không phải là chỉ dạy, bảo ban. Đặc biệt trẻ ở độ tuổi vị thành niên đôi khi tỏ ra chống đối lại những điều giáo viên nói với chúng. Không phải chúng bất kính với thầy cô, nhưng ở độ tuổi này điều đó thật khó tránh khỏi. Tuy nhiên chúng có thể tự tìm tòi khám phá các giá trị dưới sự dẫn dắt và hỗ trợ của người điều phối, hướng dẫn các hoạt động giá trị. Ngoài ra, một phần không thể thiếu của chương trình giáo dục giá trị sống là việc tạo lập bầu không khí dựa trên các giá trị để học sinh cảm thấy an toàn, có giá trị, được yêu thương, thấu hiểu và được tôn trọng. Nhiều nghiên cứu giáo dục cho thấy nếu trẻ mang nỗi sợ hãi hay căng thẳng, não bộ sẽ rất khó tiếp nhận thông tin. Còn khi trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái, chúng có thể tiếp thu được nhiều hơn.

Mô hình giáo dục giá trị sống không khuyến khích việc đánh mắng hay ngược đãi về thân thể mà hướng đến hình thức kỷ luật tích cực, nghĩa là khi trẻ phạm lỗi hãy khuyến khích chúng nhận sai lầm, rút ra bài học kinh nghiệm.




Nếu cha mẹ chú ý vào hành vi tiêu cực của trẻ – dưới hình thức đánh đập hoặc la mắng – chỉ trong 20 giây thôi, sự chú ý ấy càng củng cố thêm cho kiểu hành vi bạo hành. Nếu trẻ đang bị rối loạn về hành vi cư xử, giá trị sống có một hoạt động được gọi là Thời gian Tạm lắng, giúp trẻ tạm thời rút khỏi môi trường lớp học hay môi trường gia đình để đi đến một nơi trẻ có thể ngồi tĩnh lặng, ngẫm lại những điều mình đã làm mà có những điều chỉnh thích hợp.

Thông tin tác giả

Diane Tillman là một bác sĩ trị liệu tâm lý và nhân viên tư vấn về hôn nhân và gia đình ở California, Mỹ. Diane là đồng tác giả của bộ sách nổi tiếng “Living Values”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *