Kỹ Năng Buông Bỏ – Leo Babauta

“Quyển sách này được viết tặng cho những độc giả tuyệt vời, những người đã ủng hộ và hỗ trợ tôi không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua. Không lời nào có thể thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với các bạn.Tôi cảm ơn các bạn rất nhiều! ”

– Leo Babauta –

***




Về tác giả

Leo Babauta là người sáng lập Zen Habits, một blog vềlối sống đơn giản hóa, phát triển thói quen và nâng cao sức mạnh tinh thần. Anh sống ở San Francisco cùng vợ và 6 đứa nhóc. Leo bắt đầu cuộc hành trình thay đổi đời mình vào năm 2005, bỏ thuốc lá và tập chạy bộ. Trong suốt những năm sau, anh đã tham gia chạy marathon, giảm hơn 13kg (sau này là 32kg), bắt đầu ăn chay (sau này chuyển dần từ vegetarian sang vegan), giảm và trả hết nợ, bắt đầu dậy sớm, ít chần chừ, và xử lí hoàn toàn mọi thứ bừa bộn về vật chất và tinh thần.Anh bắt đầu viết Zen Habits để chia sẻ những gì mình đã học được trong quá trình thay đổi các thói quen. Ngày nay, anh giúp mọi người thay đổi cuộc sống thông qua các quyển sách và chương trình thay đổi thói quen Sea Change.

Quyển sách Kĩ Năng Buông Bỏ mà các bạn đang đọc được ecoblader dịch từ bản tiếng Anh The One Skill – How Mastering the Art of Letting Go Will Change Your Life của Leo Babauta. Tác giả cho phép mọi người chia sẻ quyển sách này miễn phí, với mong muốn những bài học trong sách có thể giúp mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn.




Leo Babauta thường lặp đi lặp lại nhiều ý trong quyển sách mình bởi hai lí do. Thứ nhất, những nội dung trong sách rất đơn giản, nhưng chỉ có thể hiểu bằng cách tự cảm nhận. Thế nên, Leo Babauta luôn lặp lại các ý tưởng để từng ý có thể thấm dần dần trong quá trình đọc. Thứ hai, nếu bạn thực hành cùng lúc với việc đọc sách (chứ không đợi đến kết thúc mới bắt đầu nghĩ xem nên làm theo hay không), bạn sẽ thấy quan điểm mình dần thay đổi mỗi lần nhìn lại những ý tưởng, những ví dụ cũ đã nói đến ở những chương trước.

Kĩ Năng Buông Bỏ có thể được đọc xong chỉ trong một tiếng đồng hồ, nhưng để tối ưu hóa lợi ích, dịch giả khuyến nghị độc giả nên đọc một vài chương, sau đó nghiền ngẫm làm theo, để rồi hôm sau lại đọc các chương này và thêm một số chương khác nữa. Có thể bạn sẽ mất cả tháng để đọc xong quyển sách hơn 100 trang, nhưng chính 1 tháng đó lạilà 1 tháng giúp bạn thay đổi đời mình gần như toàn diện.

Ngoài ra, các bạn có thể download miễn phí một quyểnsách khác của Leo Babauta: Biết Hài Lòng, dịch từ bản tiếngAnh Little Book of Contentment. Các bạn có thể đọc cả hai, hoặc chỉ đọc một vài chương cũng được, bởi vấn đề không phải là nội dung, mà là thấu hiểu tinh thần sống. Chúc các bạn có thể bình tâm hơn trong mọi chuyện vàthấy được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh mình!




ecoblader

***

Không thể buông bỏ là nguồn gốc của mọi vấn đề.




Tôi bắt gặp ý tưởng này trong một quyển sách về Thiền vài năm trước, và tôi vô cùng bất ngờ vì sự đơn giản của ý tưởng ấy

Có thật là như thế không?

Hãy tưởng tượng một con chim đang bay. Con chim hoàn toàn sống trong thực tại ấy, hoàn toàn tập trung bay lượn và dùng đôi mắt tinh tường của mình tìm kiếm thức ăn.




Nó không hề nghĩ: “Tại sao trên cao lạnh thế này? Mấy con chim khác sẽ nghĩ gì về mình? Chút nữa mình sẽ làm gì khi gặp mấy con chim khác? Mình có phải là kẻ thành công trong nghiệp xây tổ không? Tại sao ngực mình không bự như mấy con khác? Tại sao mình không dậy sớm được như mấy đứa kia?”

Vân vân và vân vân.

Dĩ nhiên là não con người lớn hơn chim, nên ta mới có khả năng giải quyết vấn đề, làm thơ và xây những tòa nhà chọc trời. Ta có nhiều khả năng và việc để nghĩ hơn là một con chim đơn giản chỉ bay trong gió.




Tuy nhiên, cũng vì thế, ta lại bắt đầu gặp vấn đề. Vấn đề ở đây không phải là nghèo đói, bệnh tật, mà là suy nghĩ quá nhiều, từ đó con người bắt đầu khó ở, bực bội, buồn chán và tức giận với những gì đã và sẽ xảy ra với mình.

Nhận ra được vấn đề, tôi bắt đầu thực hành ý tưởng Thiền này trong những năm qua, và kết quả cực kì tuyệt vời: Tôi giảm stress, ít chần chừ hơn, nâng cao chất lượng các mối quan hệ, tăng cường khả năng đối diện với thay đổi, học được cách thay đổi thói quen, và chú tâm hoàn toàn vào thực tại cuộc sống của mình.

Kĩ năng buông bỏ là một kĩ năng cực kì quan trọng. Và ngạc nhiên thay, nhiều người lại có xu hướng phản đối ý tưởng này.




Hãy xem một số ví dụ (tôi sẽ nói rõ hơn ở những chương sau):

– Stress: Ta thường muốn mọi việc diễn ra theo ý mình, và khi thực tại không được như ý, ta bắt đầu stress. Nếu ta có thể buông bỏ hình ảnh lí tưởng ấy để chấp nhận và trân trọng thực tại, ta có thể giảm stress rất hiệu quả.

-Sự chần chừ: Ta chần chừ vì sợ thất bại, sợ làm việc khó, sợ sự rối loạn và khó chịu. Nhưng nếu ta có thể buông bỏ tham vọng về sự dễ dàng, sự thành công, sự dễ chịu… trong ý nghĩ, và chấp nhận rằng cuộc đời ta sẽ có nhiều trải nghiệm khác hơn, ta sẽ có thể dấn thân làm mọi thứ mà không suy nghĩ nhiều nữa.




-Thói quen và sự mất tập trung: Nhiều người không thể thay đổi thói quen hay thường mất tập trung cũng vì lí do tương tự như trên.

-Sự khó chịu với người khác: Ta bực mình với người khác vì họ không cư xử theo ý ta. Từ đó, quan hệ giữa ta với họ bắt đầu xấu đi khi ta trút giận lên họ. Thay vì đó, ta có thể thôi không khăng khăng họ phải hành động theo ý mình, chấp nhận con người họ, thế thôi. Như thế, mối quan hệ giữa ta và họ sẽ tốt hơn. Tôi đã áp dụng thành công với cha tôi, vợ tôi và các con.

-Sự mất mát: Khi một người bạn yêu thương mất đi, hay khi ta mất việc, hay khi ta bệnh nặng, ta thường rất đau. Vì đây là chuyện không thể tránh được (và ta nên chấp nhận sự đau thương, mất mát này), nên nếu có thể buông bỏ, ta sẽ đối mặt với sự mất mát tốt hơn.




-Ham muốn hiện diện: Rất nhiều người muốn hiện diện

ởmọi nơi để không bỏ qua bất kì sự kiện nào, bởi theo họ, chỉ có như vậy họ mới tận hưởng cuộc sống hoàn toàn được. Thế nhưng, cứ tưởng tượng bạn đang có một dĩa đồ ăn hấp dẫn trước mặt, và vẫn vừa ăn vừa suy nghĩ về công việc, thì rõ ràng bạn đã bỏ qua mùi vị tuyệt vời của thức ăn rồi. Nếu bạn có thể chú tâm hoàn toàn vào thưởng thức, trân trọng trải nghiệm khi ăn, thì mọi thứ tốt đẹp hơn nhiều. Cuộc sống là thế đó, ta thường bị ám ảnh bởi những thứ khác, muốn hiện diện ở những nơi khác, nên lại không thể tận hưởng bản thân trong thực tại. Ta có thể học cách bỏ qua những suy nghĩ về bản thân trong tương lai hay quá khứ, để hoàn toàn chú tâm vào cuộc sống thực tại, để có thể cảm nhận rõ ràng hơn.

-Nỗi sợ hãi: Nguồn gốc của mọi vấn đề là sự sợ hãi – sợ hãi không dám khởi nghiệp, cho đến sợ hãi không dám giảm cân. Nguồn gốc của sự sợ hãi lại đến từ những viễn cảnh lí tưởng ta tự đặt ra cho mình. Ta sẽ nói đến việc này kĩ hơn ở phần sau. Còn ở đây, ta đơn giản sẽ để ý rằng nếu mình có thể buông bỏ những viễn cảnh lí tưởng ấy, ta sẽ có thể buông cho nỗi sợ bay theo gió.




Những điều ở trên sẽ cho bạn cảm nhận cuộc sống của ta sẽ thay đổi thế nào nếu biết buông bỏ. Khi đó, bạn sẽ đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống dễ dàng hơn nhiều.

Buông bỏ là một kĩ năng có thể luyện tập được. Rõ ràng là không dễ, nhưng bạn có thể luyện thành chỉ với 5 phút luyện tập mỗi ngày. 5 phút ngắn ngủi mỗi ngày ấy nghe có vẻ đơn giản, nhưng sẽ tạo nên những thứ cực kì lớn lao.

Trong quyển sách nhỏ này, ta sẽ nghiên cứu xem kĩ năng buông bỏ sẽ giúp ta xử lí các vấn đề khác nhau như thế nào, cũng như chỉ rõ cách phát triển và luyện tập kĩ năng buông bỏ một cách hiệu quả.

Mời các bạn đón đọc Kỹ Năng Buông Bỏ – Leo Babauta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *