Quyển một “Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về Sáng tạo học và Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTVĐM).

Quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo” và quyển ba “Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống” có mục đích trình bày các kiến thức, được rút ra một cách chọn lọc từ những khoa học có đối tượng nghiên cứu là tư duy, hoặc liên quan, hỗ trợ hoạt động tư duy. Các kiến thức này đóng vai trò các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM, theo nghĩa, chúng giúp bạn đọc hiểu cơ sở khoa học của PPLSTVĐM và sử dụng các công cụ có trong PPLSTVĐM (sẽ trình bày từ quyển bốn trở đi) một cách chủ động với hiệu quả cao.

Như bạn đọc đã biết, quyển hai dành nói về tâm lý học, lý thuyết thông tin, điều khiển học, nhằm giúp bạn đọc biết, hiểu và sử dụng những hiện tượng phong phú thuộc thế giới bên trong của mình tốt hơn. Từ đó, bạn đọc có thể thấy rằng, cần có những nỗ lực cá nhân hướng đến phát triển khả năng điều khiển thế giới bên trong cũng như các hành động của chính mình, đáp ứng nhu cầu phát triển các nhân cách sáng tạo.




Quyển ba này trình bày các kiến thức lấy từ lôgích học hình thức, phép biện chứng duy vật và khoa học hệ thống. Theo chủ quan của người viết, cùng với quyển hai, đây là những kiến thức cần thiết nhất và phục vụ tốt nhất trong tư cách là các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM.

Giống như trong quyển hai, những gì trình bày trong quyển ba này là kết quả người viết được học, tự học, nghiên cứu và sử dụng chúng. Bạn đọc nên xem những gì viết ở đây chỉ là tối thiểu, mang tính chủ quan, do vậy, cần tự suy xét, đánh giá và tìm hiểu sâu, rộng thêm các kiến thức liên quan thông qua những nguồn khác.

***

Dự kiến, bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” sẽ gồm những quyển sách trình bày từ đơn giản đến phức tạp, từ những kiến thức cơ sở đến những kiến thức ứng dụng của PPLSTVĐM với các tên sách sau:




1. Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới.

2. Thế giới bên trong con người sáng tạo.

3. Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống.




4. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (1).

5. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (2).

6. Các phương pháp sáng tạo.




7. Các quy luật phát triển hệ thống.

8. Hệ thống các chuẩn dùng để giải các bài toán sáng chế.

9. Algôrit (Algorithm) giải các bài toán sáng chế (ARIZ).




10. Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới: Những điều muốn nói thêm.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội loài người trong quá trình phát triển trải qua bốn thời đại hay nền văn minh (làn sóng phát triển): Nông nghiệp, công nghiệp, thông tin và tri thức. Nền văn minh nông nghiệp chấm dứt thời kỳ săn bắn, hái lượm, du cư bằng việc định cư, trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng các công cụ lao động còn thủ công. Nền văn minh công nghiệp cho thấy, mọi người lao động bằng các máy móc hoạt động bằng năng lượng ngoài cơ bắp, giúp tăng sức mạnh và nối dài đôi tay của con người. Ở thời đại thông tin, máy tính, các mạng lưới thông tin giúp tăng sức mạnh, nối dài các bộ phận thu, phát thông tin trên cơ thể người như các giác quan, tiếng nói, chữ viết… và một số hoạt động lôgích của bộ não. Nhờ công nghệ thông tin, thông tin trở nên truyền, biến đổi nhanh, nhiều, lưu trữ gọn, truy cập dễ dàng. Tuy nhiên, trừ loại thông tin có ích lợi thấy ngay đối với người nhận tin, các loại thông tin khác vẫn phải cần bộ não của người nhận tin xử lý, biến đổi để trở thành thông tin có ý nghĩa và ích lợi (tri thức) cho người có thông tin. Nếu người có thông tin không làm được điều này trong thời đại bùng nổ thông tin thì có thể trở thành bội thực thông tin nhưng đói tri thức, thậm chí ngộ độc vì nhiễu thông tin và chết đuối trong đại dương thông tin mà không khai thác được gì từ đại dương giàu có đó. Thời đại tri thức mà thực chất là thời đại sáng tạo và đổi mới, ở đó đông đảo quần chúng sử dụng PPLSTVĐM được dạy và học đại trà để biến thông tin thành tri thức với các ích lợi toàn diện, không chỉ riêng về mặt kinh tế. Nói cách khác, PPLSTVĐM là hệ thống các công cụ dùng để biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới.

Rất tiếc, ở nước ta hiện nay chưa chính thức đào tạo các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu Sáng tạo học và PPLSTVĐM với các bằng cấp tương ứng: Cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ như một số nước tiên tiến trên thế giới. Người viết tin rằng sớm hay muộn, những người có trách nhiệm quyết định sẽ phải để tâm đến vấn đề này và “sớm” chắc chắn tốt hơn “muộn”. Hy vọng rằng, PPLSTVĐM nói riêng, Sáng tạo học nói chung sẽ có chỗ đứng xứng đáng, trước hết, trong chương trình giáo dục và đào tạo của nước ta trong tương lai không xa.




***
Vào thế kỷ 17, 18, cơ học cổ điển của Galileo, Newton… đạt được nhiều thành tựu lớn cả trong nhận thức thế giới lẫn giải quyết các bài toán thực tiễn đề ra, tạo nên sự phát triển xã hội mạnh mẽ. Có lẽ vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu khái quát hóa các luận điểm cơ học cổ điển thành thế giới quan (chủ nghĩa) cơ giới: Giải thích sự phát triển của tự nhiên và xã hội bằng các quy luật của hình thức cơ học vận động vật chất. Những quy luật đó được xem là phổ biến và đúng cho tất cả các hình thức vận động vật chất. Theo nghĩa rộng, chủ nghĩa cơ giới là sự đánh đồng một cách trừu tượng hình thức vận động vật chất bậc cao với hình thức vận động vật chất bậc thấp: Ví dụ, hình thức xã hội với sinh học; sinh học với hóa học hoặc/và vật lý… cho đến cơ học.
Tuy có những hạn chế, thế giới quan cơ giới là sự tiến bộ vào thời kỳ đó và đóng vai trò tích cực trong việc phát triển khoa học, triết học. Các kiến thức cơ học giúp người ta hiểu, giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên, thoát khỏi các quan điểm thần bí, tôn giáo giáo điều.

Việc dùng các quy luật cơ học ra ngoài phạm vi áp dụng của chúng (xem mục nhỏ 6.5.4. Tính ì tâm lý do ngoại suy ra ngoài phạm vi áp dụng của quyển hai) và tuyệt đối hóa chúng tạo nên bức tranh cơ giới về thế giới: Toàn bộ vũ trụ (từ nguyên tử đến các hành tinh) là hệ cơ học khép kín, bao gồm những yếu tố không thay đổi mà sự vận động của chúng tuân theo các quy luật của cơ học cổ điển. Tư duy tương ứng với mức phát triển nói trên của khoa học chính là tư duy siêu hình.

Sự phát triển tiếp theo của khoa học cho thấy, các cố gắng dựa trên các quy luật cơ học cổ điển để giải thích các hiện tượng điện–từ, hóa học, sinh học, đặc biệt, các hiện tượng xã hội đã hoàn toàn thất bại. Các thành tựu khoa học tự nhiên, xã hội của thế kỷ 19, 20 đã phá vỡ bức tranh cơ giới về thế giới, cũng như cách tư duy siêu hình.

Thay thế cho cách tiếp cận cơ giới (Mechanistic Approach), được dùng phổ biến từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, là cách tiếp cận hệ thống (Systems Approach). Từ giữa thế kỷ 20, cách tiếp cận hệ thống được dùng rộng rãi trong nghiên cứu các đối tượng phát triển phức tạp như các hệ thống sinh học tự tổ chức, tâm lý, xã hội, các hệ kỹ thuật lớn, hệ thống “người và máy móc”…
Cách tiếp cận hệ thống có các nhiệm vụ: 1) Nghiên cứu các phương tiện mô tả, biểu diễn các đối tượng được nghiên cứu hoặc được thiết kế chế tạo như là các hệ thống; 2) Xây dựng các mô hình khái quát hệ thống, các mô hình về các loại hệ thống và các tính chất của hệ thống; 3) Nghiên cứu cấu trúc của các lý thuyết về hệ thống cùng các quan điểm, phương pháp hệ thống; 4) Là cơ sở lý thuyết và phương pháp luận của phân tích hệ thống.


Mời các bạn đón đọc Giải Quyết Vấn Đề Và Ra Quyết Định Tập 3 của tác giả Phan Dũng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *