Cho Là Nhận – Ken Blanchard & S. Truett Cathy
“Cho là nhận”
Cho nỗi hận nhận niềm đau,
Cho cay đắng ắt nhận đắng cay,
Gieo nỗi sầu lòng đâu thanh thản…
Hãy cho đi những điều tốt đẹp
Cho sự tha thứ lòng thanh thản
Cho sự đồng cảm nhận sẻ chia
Cho một nụ cười nhận niềm vui…
Cho đi cái gì…
Nhận lại cái đó.
Cho đi chính là nhận được
“Cho là nhận”, một triết lí sống cao đẹp mà ít người thực sự có được, đó cũng là tên của một cuốn sách vô cùng hay và ý nghĩa “Cho là nhận” của tác giả Ken Blanchard & S.Truett Cathy. Tôi đã đọc đi đọc lại gần chục lần tất cả nội dung bên trong cuốn sách ấy trong giờ sinh hoạt đầu giờ của lớp, nhưng mà…thật buồn vì tôi vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc cho đi chính là nhận được. Nôm na tôi chỉ hiểu được, sống là phải biết cho đi mà không cần nhận lại, đã cho đi thì cái mà bạn nhận được là sự hạnh phúc, đôi khi còn là sự thanh thản trong tâm hồn. Bạn cho đi không nhất thiết phải là thứ hiện hữu trước mắt, cũng không nhất thiết là của cải vật chất, mà bạn phải thêm vào đó tình cảm của mình… Đó mới là cho đi. Đấy, tôi hiểu nó như thế… Muốn hiểu sâu hơn thì các bạn hãy tìm cuốn sách “Cho là nhận” về đọc nhé. Còn giờ hãy đọc phần cảm nhận của riêng tôi về cuốn sách đó trước.
Cuốn sách này không dày, kích thước chỉ bằng một cuốn sổ ghi chép cỡ vừa, cũng chỉ có khoảng một trăm hơn trang nhưng cái mà người đọc (nghe) nhận được lại là cả một triết lí sống cao đẹp khiến cả người nhận và cho đều cảm thấy hạnh phúc. Anh chàng môi giới chứng khoán trẻ tuổi thành đạt nhưng sống vô tình, có phần lạnh nhạt và vô tâm với những người xung quanh, vì vậy cuộc sống của nhà môi giới trẻ trôi qua tẻ nhạt… Chỉ luôn kiếm tiền mặc dù anh ta đã có rất nhiều tiền.
Tình cờ nhà môi giới trẻ đã đọc được bài phóng sự về một người thành đạt khác, nói về sự hào hiệp và cho đi không cần nhận lại của ông ta. Nhà môi giới trẻ không tin nên đã tìm cách liên lạc với người “kì quặc” đó. Nhà môi giới đã gặp, nói chuyện với người đó và cảm thấy cuộc sống của bản thân thật vô vị. Sau đó mỗi ngày anh ta bắt đầu “tìm hiểu” về triết lí sống này.
Hơi xấu hổ một chút khi chia sẻ với các bạn điều này, nhưng tôi đã phê bình và thậm chí là cảm thấy cuốn sách này nhảm nhí khi vừa đọc nó lần đầu tiên. Tôi nghĩ mình cảm thấy như vậy khi đọc lần đầu tiên là vì tư duy của tôi còn khá non nớt, hơn nữa…các bạn biết đấy, đa phần giới trẻ như tôi (tôi mới 16 tuổi thôi) thường thích đọc những câu triết lí, châm ngôn hay status về tình bạn và tình yêu hơn là những chuyện trong lĩnh vực quản trị đời sống như thế này… Nếu bạn đọc lần đầu mà cảm thấy như tôi thì hãy thử đọc lại thật kĩ nhé, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy điều kì diệu trong cuốn sách đó
Nhà môi giới trẻ nghĩ nhà điều hành là kẻ “kì quặc” từ lần đầu nói chuyện, chính tôi cũng cảm thấy như vậy vì nhà điều hành luôn giúp đỡ người khác mà không cần nhận lại một thứ gì từ họ, nhà điều hành có những đứa con nuôi, giúp đỡ người khác khi họ cần giúp đỡ… Và còn nhiều hành động của ông ấy tôi cũng thấy “kì quặc” lắm cơ. Mấy việc cho đi tình cảm và vật chất của ông ấy cho tôi thấy một con người rất tốt, giàu lòng thương người, hiểu nhiều điều về cuộc sống nhấp nhô này, đó không phải việc làm tôi cảm thấy ông ấy rất “kì quặc” mà là việc ông ấy nói nhà môi giới về lập “bản danh sách hạnh phúc”, bạn có ngờ được không? Sự hạnh phúc còn có thể lập ra được bản danh sách sao? Tôi đã choáng khi đọc xong chương đó đấy, thực sự phải dùng từ choáng cho chương 12 mang tên “bản danh sách hạnh phúc”. Vừa choáng tôi lại vừa suy nghĩ, nếu tôi là nhà môi giới thì chắc tôi sẽ chẳng viết nổi chữ nào vào bản danh sách đó, có chăng cũng chỉ viết được hai từ hạnh phúc mà thôi!
Có vẻ tôi hơi lan man rồi thì phải!!!
Cuốn sách chỉ đơn giản có từ ngữ và đa phần lời đối thoại, chẳng có hình ảnh gì như những cuốn sách khác, đấy là trừ bìa sách nhé, bìa nó có hai màu chủ đạo là trắng và đỏ, tôi thích nó – cái bìa ấy. Những trang đầu chỉ kể lại chuyện của nhà môi giới trẻ với người tài xế, về sự lạnh nhạt với mọi người xung quanh và cả việc nhà môi giới trẻ ăn vận chỉnh tề, ngày ngày đi làm có xe riêng đưa đón, người tài xế luôn tận tuỵ với công việc luôn luôn giúp ông chủ của mình dù những việc nhỏ nhặt nhất vậy mà nhà môi giới trẻ chưa từng để ý hay quan tâm đến người tài xế, cũng chẳng có hỏi han người tài xế một câu. Đơn giản vì nhà môi giới trẻ luôn nghĩ đó là việc đương nhiên, anh ta trả tiền cho người tài xế làm những việc như thế này mà!
Tôi không hề cảm thấy bất bình cho người tài xế, tôi chỉ cảm thấy buồn cho nhà môi giới vì không hoà nhập với những người xung quanh thôi. Ý tôi không phải nhà môi giới bị cô lập hay khác người đâu, ý tôi là nhà môi giới tự cô lập tình cảm của mình với người tài xế, dĩ nhiên nhà môi giới và người tài xế còn chưa cười với nhau lấy một lần ấy chứ, mỗi chuyến đi của họ thật ngột nhạt trong khi họ có thể bắt chuyện với nhau và kể về ngày hôm qua của bản thân chẳng hạn… Tôi cá là nhà môi giới sẽ cảm thấy đến nơi nhanh hơn mọi ngày đấy, còn có thể tạo sự thoải mái bắt đầy một ngày mới hay bắt đầu công việc…
Sau đó nhà môi giới trẻ còn cảm thấy khó chịu và thậm chí yêu cầu cảnh sát đến bắt một người đàn bà ăn mặc rách rưới muốn gặp nhà môi giới và hay “lảng vảng” trước toà văn phòng của nhà môi giới vì lí do là bà ấy gây ảnh hưởng đến an ninh.
Lần này thì tôi thực sự phê bình nhà môi giới trẻ giàu có này, thậm chí nhà môi giới vô tâm đến mức chẳng chịu gặp người đàn bà và yêu cầu cảnh sát bắt bà ta khi thấy bà ta cứ “lảng vảng”. Tôi nghĩ nhà môi giới trẻ làm vậy là vì cách ăn mặc rách rưới của người đàn bà, nếu thay vào đó là một người ăn mặc sang trọng hay đại loại như thế thì nhà môi giới chắc chắn đã ra gặp.
Tiếp đó nhà môi giới gặp và nói chuyện với nhà điều hành, nhà môi giới cảm thấy cuộc sống của mình thật vô vị, chưa thực sự hạnh phúc dù đã có rất nhiều tiền, cũng như phần tôi lan man ở trên đấy, sau đó nhà môi giới bắt đầu đi “tìm hiểu” về triết lí sống “cho là nhận”.
Nhà môi giới tìm thấy “những cánh cửa mở” và “bốn yếu tố quan trọng của lòng chia sẻ”, còn bốn yếu tố đó là gì tôi sẽ không tiết lộ đâu, nếu tiết lộ cho các bạn biết hết thì các bạn chỉ cảm nhận được cái mà tôi cảm nhận, vậy nên bạn nào tò mò thì tìm đọc cuốn sách đó nhé. Nó có bán ở các nhà sách trên toàn quốc đấy!
Nhà môi giới trẻ đã từng ngày thay đổi trong suy nghĩ và hành động. Biết quan tâm đến người tài xế và giúp đỡ khi người tài xế lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhà môi giới còn gặp lại người đàn bà ăn mặc rách rưới lần trước, lần này bà ấy ăn mặc trang trọng đúng chất một quý bà. Nhà môi giới đã chẳng nhận ra người đàn bà ăn mặc rách rưới và quý bà này là cùng một người, rồi quý bà cũng nói cho nhà môi giới biết điều đó, nhà môi giới đã sửng sốt và hỏi tại sao bà ấy làm vậy. Bà ấy đã nói trước kia (trước khi giàu có ấy) bà ấy cũng chỉ là một người ăn mặc rách rưới trong những khu tàn tạ, phải đi xin ăn… Hiện tại bà ấy giàu có là nhờ người chồng. Bà ấy muốn chia sẻ với những người nghèo khó, giúp đỡ họ và ăn mặc như họ để họ không cảm thấy bà ấy do thương hại mà làm vậy, cho họ cảm thấy bà ấy đồng cảm và thực sự muốn giúp đỡ họ… Nhà môi giới đã nghiệm ra thêm nhiều điều từ cuộc nói chuyện với quý bà đó, biết đồng cảm và chia sẻ với những người xung quanh, biết rằng cho đi vật chất hay hành động giúp đỡ phải thêm vào cả sự chân thành, tình cảm… Nhưng mà nhà môi giới vẫn chưa cảm thấy bản thân đã thay đổi mặc dù anh ta thật sự đã có những thay đổi rõ rệt, mỗi ngày trôi qua đều là một cơ hội cho nhà môi giới cũng như mọi người hiểu thêm về việc cho và nhận và tương lai của nhà môi giới trẻ sẽ mở rộng tươi đẹp…
Đọc và bị cuốn sâu vào trong những vần chữ… Bạn biết không? “Cho là nhận” – cuốn sách tôi yêu
Ban đầu nhà môi giới có rất nhiều thắc mắc về việc nhà điều hành quan tâm nhân viên…
Nhà điều hành đưa nhà môi giới đến ngôi nhà hạnh phúc, một ngôi nhà và trái tim, ở đó có những đứa trẻ nhà điều hành nhận nuôi và nuôi dưỡng tâm hồn chúng… Sau nhiều câu chuyện khác nhau nhà điều hành đã giúp nhà môi giới trẻ hiểu ra chân lí sống. Tôi đã khá “ngấm” những điều nghiệm ra từ những câu chuyện của nhà môi giới trẻ và nhà điều hành, đương nhiên cuối cùng nhà môi giới trẻ đã hiểu rõ “cho là nhận”, cảm nhận được cuộc sống không hề tẻ nhạt khi biết chia sẻ vơi những người khác. Tôi cảm thấy thế giới cần những người như nhà điều hành, cần những phẩm chất tốt. Bạn đã bao giờ nghĩ tới:
– Những đứa trẻ mồ côi vô gia cư?
– Những đứa bé vô tội bị cha mẹ chúng ruồng bỏ?
– Sinh viên không đủ tiền để vào đại học?
– Những con người phải hứng chịu hạn hán, không có nước uống đang chết dần chết mòn?
…
Còn nhiều người rất cần giúp đỡ của xã hội, rất cần những người thấu hiểu “cho là nhận”. Dĩ nhiên những thứ bạn có mới có thể cho đi….
Đã bao giờ bạn vui vẻ cho những người quen và những người xa lạ dù chỉ là:
– Một ổ bánh mì?
– Một tấm lòng đồng cảm sẻ chia?
– Một hành động giúp đỡ ai đó?
– Thời gian của bạn?
…
Một trong số đó, bạn đã từng cho đi và cảm thấy thoải mái, vui vẻ hay hạnh phúc chưa?
Những người nhận được sẽ cho bạn thứ gì:
– Một nụ cười?
– Giọt nước mắt hạnh phúc?
– Lời cảm ơn?
– Một cái ôm?
– Cho bạn cảm thấy cuộc sống của bản thân không tẻ nhạt?
– Cho bạn thấy xã hội cần bạn?
– Cho bạn thấy bạn không phải người dư thừa như bạn từng nghĩ?
– Bạn là một người tốt?
…
Bạn đã từng cho đi thứ gì hay chưa?
Nếu chưa thì hãy thử cho đi một lần nhé! Rồi bạn tìm thấy một triết lí quý báu “cho là nhận”.
Bạn có biết? chúng ta có thể cho đi:
– Một lời oán trách nặng nề?
– Một nỗi hận?
– một lời giận vô cớ?
– Một sự khinh bỉ?
…
Nhưng bạn cho đi những thứ đó thì bạn nhận được gì:
– Sự suy nghĩ và hối hận?
– Bạn đau khổ?
– Bạn tự trách?
– Bạn nhận được sự xa lánh từ những người bạn từng khinh bỉ?
…
Tôi nghĩ bạn cần biết phải cho đi cái gì, cái gì có thể nhẫn thì cố nhẫn, hãy tha thứ cho một lỗi lầm người ta gây ra cho bạn…. Khi đó bạn sẽ nhận được nhiều thứ bổ ích, sẽ cảm thấy yêu cuộc sống hơn…
Mời các bạn đón đọc Cho Là Nhận của hai tác giả Ken Blanchard & S. Truett Cathy.
Chia sẻ ý kiến của bạn