Chắc hẳn khi cầm cuốn sách này trên tay, bạn sẽ nghĩ rằng mình khoan vội đọc vì bạn chưa phải là Giám đốc hay Nhà Quản lý, cũng như vì bạn đang không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng những giá trị của cuốn sách hoàn toàn có thể được vận dụng thành công vào bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống của bạn.

Và chắc hẳn đã có đôi lần, bạn phải đối mặt với tình trạng trì hoãn, trễ hẹn, hoàn thành không kịp thời hạn đặt ra,… Tưởng chừng vấn đề là không có gì nghiêm trọng và dễ dàng khắc phục nhưng hậu quả của những tình trạng này đôi khi nằm ngoài dự tính của mọi người.

Bạn có tin rằng, ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần rơi vào tình trạng này! Khi còn đi học, chúng ta đợi cho đến những ngày cuối cùng của kỳ thi mới chịu học bài và chấp nhận thức nguyên đêm và mệt mỏi để hoàn thành cho xong. Trong công việc, chúng ta bị trễ hạn do chần chừ không dám quyết định hoặc do chúng ta ôm đồm tất cả những công việc lặt vặt trước khi bắt tay vào những việc quan trọng. Với gia đình, chúng ta thường cảm thấy quá bận bịu hay mỏi mệt khi phải đưa các con đi chơi và tự nhủ rằng đợi thêm một thời gian nữa cũng chẳng sao. Để đến khi các con dần trưởng thành và có cuộc sống tự lập, chúng ta mới tiếc nuối khoảng thời gian gia đình bên nhau nhưng tất cả đều không thể quay trở lại.




Chúng ta luôn tìm một lý do để thanh minh, giải thích cho sự trì hoãn của mình; và những lý do đó thoạt tiên đều có vẻ vô cùng hợp lý. Nhưng thật sự chúng ta trì hoãn vì không hình dung rõ ràng điều gì là quan trọng, vì không hiểu rằng điều đó có thể dẫn đến những quyết định tệ hại, hiệu suất làm việc yếu kém và ngăn cản việc đạt được những kết quả tốt. Chúng ta trì hoãn bởi vì, trong khi quan tâm thực hiện một số việc nào đó, chúng ta lại thiếu sự tận tâm với những mục tiêu lớn hơn, những lý tưởng cao đẹp hơn và những nhiệm vụ quan trọng hơn.

Câu chuyện về Vị Giám đốc Hiệu quả – The On-Time, On-Target Manager – sẽ giúp bạn nhìn nhận lại bản thân cũng như đề ra giải pháp để mọi lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi đạt hiệu quả cao nhất. Những giá trị của cuốn sách này chỉ gói gọn trong ba chữ P mà mỗi chữ P là một trải nghiệm thực tế: Chữ P thứ nhất giúp bạn chiến thắng sự chậm trễ; chữ P thứ hai trao cho bạn chìa khóa để nâng cao chất lượng và chữ P thứ ba giúp bạn tìm được mục tiêu của chính mình.

Chúng tôi hy vọng rằng bằng thông điệp đầy sức thuyết phục và thực tế của cuốn sách này, bạn sẽ biết chọn thời điểm thích hợp để khởi hành cuộc hành trình của mình, biết chọn những người bạn đồng hành thích hợp và tận tâm thực hiện những việc đúng đắn trên suốt chặng đường để đích đến luôn là thành công và vinh quang.




TRỄ HẸN

Một buổi sáng thứ Hai, Bob – trưởng phòng kinh doanh của công ty Algalon Micro – thức dậy sớm hơn thường lệ. Mọi ngày, anh dậy lúc 6 giờ sáng để tranh thủ chạy bộ khoảng ba mươi phút ở công viên cạnh nhà. Nhưng vì cuộc hẹn dùng điểm tâm với sếp Dave lúc 7 giờ sáng, anh đã để đồng hồ báo thức lúc 5 giờ 30.

Bob hơi thắc thỏm lo âu về lần gặp mặt này. Có phải đây là buổi thông báo không chính thức cho giấc mơ thăng chức mà anh ấp ủ từ lâu? Hay lại là một cuộc nói chuyện không mấy dễ chịu về vấn đề “hiệu suất hoạt động yếu kém” trong quá khứ của anh? Anh không thể nào đoán trước chiều hướng diễn tiến của cuộc gặp này. Tuy vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì việc ra khỏi giường sớm hơn nửa giờ đồng hồ cũng giúp anh có đủ thời gian để chạy bộ và đến cuộc hẹn đúng giờ.




Sau khi chạy bộ, Bob nhanh chóng trở về nhà để chuẩn bị cho cuộc hẹn. Anh tắm nhanh, xịt loại nước hoa yêu thích rồi chọn bộ trang phục là áo sơ mi kẻ sọc màu vàng trang nhã và quần tây đậm màu. Phải loay hoay mất vài phút anh mới thắt xong chiếc cà vạt. Có lẽ do từ nhiều năm nay, phong cách ăn mặc trong giới doanh nhân đã thoải mái hơn trước nên Bob đã quên mất thói quen thắt cà vạt mỗi khi đi làm.

Nhìn đồng hồ đeo tay, Bob thấy mình chậm mất vài phút. Hóa ra, việc thay quần áo mất nhiều thời gian hơn anh nghĩ. “Không sao! Mình sẽ bù lại thời gian ấy trên đường đi”, anh tự nhủ rồi cầm lấy chiếc máy tính xách tay và bước vào xe.

Đường phố vào giờ cao điểm của xe cộ nên Bob chỉ biết nhích từng chút một giữa dòng xe đông đúc. Đến trụ đèn đỏ thứ ba, chiếc xe của Bob dừng lại, nối vào một hàng xe xếp dài phía trước. Anh liếc nhìn đồng hồ lần nữa và thấy rằng tốt hơn hết là gọi điện cho sếp Dave.




– Dave nghe đây? – Một giọng nói rõ to vang lên.

– Thưa ông Dave, tôi là Bob đây ạ. Tôi đến chậm một tí. Ông đã đến nhà hàng chưa ạ?

– Tôi đã đến cách đây mười lăm phút!




– Xin lỗi ông. Nhưng tôi bị kẹt xe. Tôi sẽ cố gắng đến đó nhanh nhất! – Bob nói, cảm thấy hơi xấu hổ vì thực tế là xe cộ hôm nay không đông đúc hơn thường ngày.

– Thôi được, tôi sẽ chờ anh thêm mười lăm phút nữa! – Và Bob chỉ còn nghe những tiếng tít tít ở đầu dây bên kia.

Cuối cùng, Bob cũng đến nơi hẹn. Vừa đưa xe vào bãi, anh vội chạy thẳng vào nhà hàng và lướt nhìn xung quanh để tìm Dave. Dave đón Bob bằng cái nhìn chán nản khiến anh phải vội mở lời dù vẫn còn thở dồn dập:




– Tôi xin lỗi, thưa ông! Tôi không hề muốn ông phải đợi như thế này…

Bob ngồi xuống và nhìn Dave với vẻ vô cùng bối rối.

Dave vẫn im lặng nhìn Bob, rồi ông phá vỡ bầu không khí nặng nề bằng câu hỏi:




– Bob này, cậu làm việc tại Algalon Micro được bao lâu rồi?

– Khoảng sáu, hay bảy năm gì đó, thưa ông.

– Chính xác là bảy năm. – Dave xác nhận và nói tiếp. – Và điều khiến tôi quan tâm là sau chừng ấy thời gian, dường như cậu vẫn chưa hiểu được điều gì là quan trọng đối với công việc của chúng ta.




Bob bắt đầu trở nên căng thẳng:

– Tôi thật sự lấy làm tiếc, nhưng ông có thể cho biết chính xác là tôi đã chưa hiểu được điều gì ạ?

– Chúng ta đang ở trong một ngành kinh doanh có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng, Bob ạ. Sự thay đổi của công nghệ không chỉ tính bằng năm, bằng tháng hay tuần, mà phải là hằng ngày. Chúng ta phải luôn hành động thật nhanh để bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.




– Ngay từ khi mới gia nhập công ty, tôi đã nhận thức rất rõ về điều này. – Bob khẳng định.

– Nếu muốn cạnh tranh thì chúng ta phải hiểu rõ những gì đối thủ cạnh tranh đang tiến hành và tìm cách đi trước họ một bước. – Dave tiếp tục.

– Thưa ông, tôi cũng biết điều đó.




– Bob này, nếu đúng là như thế thì tại sao rất nhiều báo cáo kinh doanh do cậu chuẩn bị lại luôn sơ sài? Tại sao mọi bản dự thảo ngân sách đều chỉ nộp cho tôi vào tận phút chót? Tại sao nhóm của cậu luôn phải vật lộn với việc quản lý hàng tồn kho cho kịp thời hạn? Là một trưởng phòng, lẽ ra cậu phải có trách nhiệm bảo đảm rằng mọi công việc cần thiết phải diễn ra đúng thời hạn chứ?

Trước những câu hỏi dồn dập của Dave, Bob bất ngờ và không kịp phản ứng. Dave nói tiếp: – Tháng vừa rồi, cậu đã giao bo mạch chủ cho khách hàng lớn nhất của chúng ta chậm mất hai ngày chỉ vì không đặt hàng một cái tụ điện nhỏ đúng thời gian. Điều đó có nghĩa là khách hàng của chúng ta đã phải mất nguyên hai ngày sản xuất.

Bob vội thanh minh:




– Thời gian đó tôi quá bận bịu với việc tổng kết hồ sơ khách hàng…

Dave nhíu mày, cắt ngang lời Bob:

– Sẽ không ai quan tâm đến lý do của cậu, mọi người chỉ biết rằng đối thủ của chúng ta là Dyad Technologies đã giành được khách hàng này. Họ không ngần ngại tuyên bố rằng tiêu chí hàng đầu của họ trong công việc là sự đúng hẹn. Hầu như khách hàng nào cũng đều cần có sự đảm bảo này và đây cũng chính là điều mà chúng ta đang thiếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *