Thế Giới Khi Loài Người Biến Mất (The World Without Us)
Loài người có vị trí như thế nào trong tiến trình hoạt động vĩ đại của hành tinh? Câu trả lời là khá quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là yếu tố quyết định sống còn. Những dấu vết, cổ vật hóa thạch từng tồn tại chứng tỏ chúng ta cũng chỉ là một dạng sống tham gia vào hoạt cảnh vĩ đại này.
Trong cuốn sách “The world without us” tạm dịch là “Khởi nguyên lại thế giới”, Alan Weisman đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn mang tính bản nguyên cho các câu hỏi về sự tác động của loài người lên hành tinh trái đất. Dưới góc nhìn của những chuyên gia trong các lĩnh vực: khoa học khí quyển, bảo tồn nghệ thuật, động vật học, hóa dầu, vật lý thiên văn, lãnh tụ tôn giáo (từ giáo sĩ Do Thái tới các đức Đạt Lai Lạt Ma), cổ sinh vật học … Weisman đã vẽ nên bức tranh hành tinh trái đất có thể sẽ như thế nào nếu không có chúng ta.
Để cảm nhận thế giới sẽ như thế nào nếu không có chúng ta, trước tiên chúng ta phải xem lại thế giới trước khi có loài người. Chúng ta không phải là những nhà du hành vượt thời gian, và những dấu vết hóa thạch chỉ là những mẫu vật rời rạc. Thậm chí nếu vết tích đó có hoàn chỉnh thì cũng sẽ không phản chiếu chính xác quá khứ. Tuy nhiên, do con người đã làm một vài điều không thể thay đổi, nên những gì còn lại khi chúng ta biến mất sẽ không thể giống hệt như khi chúng ta chưa từng xuất hiện lần đầu. Nhưng nó cũng không thể quá khác biệt.
Trước đây thiên nhiên đã từng trải qua nhiều mất mát tồi tệ, và cũng đã chữa lành những vết thương. Thậm chí đến ngày nay, ở một vài nơi trên trái đất chúng ta vẫn có thể tận hưởng ký ức sống động về một Vườn địa đàng trước khi chúng ta xuất hiện. Chắc chắn chúng đang mời gọi chúng ta suy nghĩ về viễn cảnh thiên nhiên sẽ hưng thịnh như thế nào nếu giả thiết này xảy ra. Khi nhân loại cáo chung, liệu hành tinh này có suy tàn hơn vì thiếu vắng những đóng góp của chúng ta?
Nhưng vì chúng ta đang tưởng tượng, tại sao chúng ta lại không mơ về cách thức tự nhiên sẽ phát triển không dựa trên sự diệt vong của chúng ta? Xét cho cùng, chúng ta cũng chỉ là động vật có vú. Mọi dạng sống đều tham gia vào hoạt cảnh lịch sử vĩ đại này.
Cuốn sách “Khởi nguyên lại thế giới” đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và được tạp chí Time và tuần báo Entertainment bình chọn là cuốn sách viễn tưởng hay nhất năm 2007. Nhận xét về cuốn sách, báo Boston Globe viết: “Cuốn sách của sự cảnh tỉnh. Lời than thê thiết của tự nhiên về nạn phá rừng, ô nhiễm và thay đổi khí hậu …”
“Alan Weisman đã viết nên một tuyệt tác, nếu không phải là thánh kinh thì đó cũng hẳn là cuốn khải huyền của nhân loại.” – Newsweek.
***
Alan Weisman là một nhà báo và tác giả viết sách. Ông viết bài cho nhiều tờ báo lớn của thế giới như: Harper’s, The New York Times Magazine, The Atlantic Monthly, The Los Angeles Times Magazine, Condé Nast Travele. Cuốn sách gần đây nhất của ông “Thế giới không có chúng ta” đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và được tạp chí Time và tuần báo Entertainment bình chọn là cuốn sách viễn tưởng hay nhất năm 2007.
***
Một buổi sáng tháng sáu năm 2004, Ana María Santi ngồi tựa lưng vào chiếc cột bên dưới một mái vòm lớn lợp bằng cọ, khuôn mặt bà tư lự khi nhìn thần dân tụ tập ở Mazàraka, ngôi làng của họ ở Rio Conambu, một nhánh thượng nguồn dòng sông Amazon ở Ecuado. Ngoại trừ mái tóc vẫn còn dày và đen sau bảy thập niên, những nét khác của Ana Maria đều khiến người khác liên tưởng đến một cái vỏ đậu khô. Đôi mắt xám tựa như hai chú cá nhợt nhạt mắc kẹt trên gương mặt nhăn nheo. Bà mắng các cô cháu gái và con của họ bằng thổ ngữ Quichua và một ngôn ngữ đã gần như biến mất, tiếng Zápara. Một giờ sau khi mặt trời ló dạng, mọi người trong làng, trừ Ana Maria, đều đã say khướt.
Đây là dịp lễ minga, một từ tiếng Amazon đồng nghĩa với lễ dựng trại. Bốn mươi thổ dân Zápara để chân trần, một số vẽ lên mặt, ngồi sát nhau thành vòng tròn trên những chiếc ghế gỗ. Để bồi dưỡng những người sẽ đi phát quang và đốt rừng làm nương sắn cho em trai của Ana María, họ uống hàng vại chicha. Thậm chí trẻ nhỏ cũng xì xụp những chiếc bát sứ to đựng loại bia màu trắng sữa, có vị chua được ủ từ bột khoai mì lên men bằng nước bọt của những phụ nữ Zápara, họ đã nhai những nắm bột khoai mì này cả ngày. Hai cô gái tết tóc bằng cỏ quanh quẩn giữa đám đông, châm đầy những chiếc bát chicha và phục vụ những đĩa cháo cá trê. Đối với bậc trưởng lão và khách mời, họ sẽ tiếp đãi những khoanh thịt luộc to, màu sậm như sô-cô-la. Nhưng Ana María Santi, người cao niên nhất tại đó, lại không dùng gì cả.
Mặc dù phần còn lại của nhân loại vừa chạm ngõ kỷ nguyên mới, Zapara chỉ mới bước vào thời kỳ đồ đá. Giống như loài khỉ nhện mà họ cho là tổ tiên của mình, người Zápara về cơ bản vẫn trú ngụ trên cây, buộc những thân cây cọ bằng dây leo __bejuco để đỡ mái nhà được kết bằng lá cọ. Trước khi có khoai mì, ruột cây cọ là rau củ chủ yếu của họ. Để có chất đạm, họ đánh cá và săn lợn vòi, lợn cỏ, chim cút, và gà rừng châu Mỹ bằng tên tre và ống thổi. Họ vẫn làm như thế, nhưng không còn nhiều thú để săn. Khi ông bà của Ana María còn trẻ, bà kể lại, khu rừng dễ dàng nuôi sống họ, ngay cả khi Zápara là một trong những bộ lạc lớn nhất vùng Amazon, với khoảng 200 ngàn thành viên sống trong những ngôi làng dọc bờ sông. Thế rồi, ở một nơi cách đó rất xa đã xảy ra một sự kiện, và không thứ gì trong thế giới của họ – hay của bất kỳ người nào – còn giữ nguyên như cũ nữa.
Đó chính là sự kiện Henry Ford tìm ra phương thức sản xuất ôtô hàng loạt. Nhu cầu đối với săm lốp tăng nhanh chóng thôi thúc những cư dân châu Âu tham vọng tiến về mọi nhánh sông Amazon có thể tiếp cận bằng tàu bè, để khai thác đất trồng cây cao su và bắt giữ lao động cạo mủ cao su. Ở Ecuador, người Quichua Indian ở cao nguyên, được những nhà truyền giáo Tây Ban Nha cải đạo trước đó, tiếp tay cho họ và vui vẻ giúp đỡ họ xích những người đàn ông Zápara ngoại đạo ở vùng đất thấp vào thân cây để làm việc cho đến khi gục ngã. Phụ nữ và trẻ em gái Zápara bị bắt đi chăn nuôi súc hoặc làm nô lệ tình dục, bị cưỡng hiếp cho đến chết.
Đến thập niên 1920, đồn điền cao su ở Đông Nam Á đã hủy hoại thị trường mủ cao su tự nhiên Nam Mỹ. Hàng trăm cư dân Zápara may mắn trốn thoát trong thời kỳ diệt chủng cao su vẫn biệt tăm. Một số tự cho mình là người Quichua vẫn sống chung với những kẻ thù nay đã chiếm hết đất đai của họ. Số khác bỏ trốn đến Peru. Bộ lạc Zápara ở Ecuador chính thức bị xem là tuyệt chủng. Thế rồi, vào năm 1999, sau khi Peru và Ecuador giải quyết được một tranh chấp từ lâu về đường biên giới, người ta phát hiện ra một pháp sư Zápara gốc Peru đang đi trong rừng Ecuador. Ông nói rằng mình đến gặp họ hàng lần cuối.
Việc tái phát hiện người Zápara gốc Ecuador trở thành sự kiện nhân chủng học nổi tiếng. Chính phủ công nhận quyền lãnh thổ của họ, mặc dù nó chỉ tương đương một khu nhỏ trong đất đai của tổ tiên họ, UNESCO cấp một khoản viện trợ để họ hồi sinh văn hóa và bảo lưu ngôn ngữ. Vào thời điểm đó, chỉ còn bốn thành viên trong bộ lạc có thể nói được thứ tiếng này, Ana María Santi là một trong số đó. Khu rừng họ từng biết gần như biến mất: họ đã học cách đốn cây bằng rựa sắt và đốt gốc cây để trồng khoai mì từ những người xâm lược Quichua. Sau mỗi vụ thu hoạch, khoảnh đất đó sẽ bị bỏ hoang trong nhiều năm; ở khắp nơi, khu rừng lá tán cao chót vót đã bị thay thế bằng những cây nguyệt quế, mộc lan và cọ copa thứ sinh khẳng khiu. Giờ đây, khoai mì là lương thực chính của họ, được tiêu thụ hàng ngày dưới dạng chicha. Zapara đã sống sót đến thế kỷ 21, nhưng họ bước tới trong hơi men chuếnh choáng, và cứ giữ nguyên lối sống ấy.
Họ vẫn săn bắt, nhưng nay thì những người đàn ông có thể phải đi nhiều ngày mà vẫn không tìm được một con lợn lòi hay chim cút nào. Họ đã phải chuyển sang săn khỉ nhện, trước đây ăn thịt chúng là điều cấm kỵ. Ana María lại đẩy chiếc bát do cô cháu gái dâng lên sang một bên, trong bát chứa miếng thịt màu sô-cô-la với một bàn chân không ngón nhỏ. Bà hất chiếc cằm xương xẩu về phía món thịt khỉ hầm bị từ chối. “Khi chúng ta đã đến nước phải ăn thịt tổ tiên của mình,” bà hỏi, “liệu sẽ còn lại gì đây?”
Cách xa những khu rừng và thảo nguyên của tổ tiên, số ít người trong chúng ta vẫn còn cảm nhận được mối liên hệ với các tổ tiên động vật xa xưa của mình. Việc bộ lạc Zápara vùng Amazon thực sự có được khả năng đó thật đáng kinh ngạc, vì sự kiện loài người thoát li khỏi những loài động vật linh trưởng khác đã xảy ra ở một châu lục khác. Tuy nhiên, gần đây chúng ta lại dần dần linh cảm được điều Ana María muốn nói. Kể cả khi không bị đẩy tới cảnh phải trở thành những kẻ ăn thịt người, phải chăng chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với những lựa chọn nghiệt ngã khi lẩn tránh tương lai?
Cách đây một thế hệ, loài người đã lảng tránh thảm hoạ hủy diệt nguyên tử; nhờ may mắn, chúng ta sẽ tiếp tục né tránh được nó và nhiều mối đe doạ kinh hoàng khác. Nhưng hiện tại, chúng ta lại thường xuyên nhận ra mình đang tự hỏi liệu có phải chúng ta đang vô tình hạ độc hoặc hun nóng hành tinh, bao gồm cả chính bản thân mình không. Chúng ta cũng lạm dụng nước và đất trồng đến mức chúng chỉ còn lại rất ít, và tiêu diệt hàng ngàn giống loài khiến chúng có lẽ sẽ không bao giờ tái xuất hiện nữa. Thế giới của chúng ta, như vài tiếng nói đáng kính đã cảnh báo, một ngày nào đó có thể sẽ thoái hóa thành thứ gì đó giống hệt một khu đất bỏ hoang, nơi lũ quạ và chuột lẩn trốn giữa đám cỏ dại, săn lùng lẫn nhau. Nếu điều đó có xảy ra thật, thì khi nào là thời điểm mà con người chúng ta, với tất cả trí thông minh tuyệt đỉnh đáng tán dương của mình, không còn nằm trong số những kẻ sống sót nữa?
Sự thật là, chúng ta không biết. Mọi phỏng đoán đều bị xáo trộn bởi chính bản tính cứng đầu, không dám thừa nhận rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra của chúng ta. Có lẽ chúng ta bị chính bản năng sinh tồn của mình hủy hoại, thứ bản năng đã được mài giũa qua hàng niên kỷ giúp chúng ta phủ nhận, coi thường, hoặc phớt lờ những điềm báo thảm hoạ do lo sợ rằng chúng sẽ khiến chúng ta tê liệt vì hoảng loạn.
Nếu những bản năng đó lừa phỉnh chúng ta, để đến nỗi loài người cứ ngoan cố chờ đợi cho tới khi đã quá muộn, thì đó là một điều xấu. Nếu chúng giúp củng cố sức chịu đựng của chúng ta đối với điềm gở, thì đó lại là điều tốt. Hơn một lần, niềm hy vọng điên rồ, ngoan cố đã khơi nguồn cảm hứng cho những hành động sáng tạo giúp cứu vớt loài người khỏi bị diệt vong. Vì thế, chúng ta hãy thử một thí nghiệm sáng tạo thế này: Giả sử điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Nhân loại diệt chủng là việc đã rồi. Không phải do thảm họa hạt nhân, do va chạm của thiên thạch, hoặc bất kỳ thảm họa nào đủ sức phá hủy hầu hết những thứ khác, bỏ lại một trái đất trong tình trạng kiệt quệ hoàn toàn. Cũng không phải một kịch bản sinh thái bi thảm nào đó, trong đó chúng ta tàn lụi trong đau đớn cùng nhiều chủng loài khác.
…
Mời các bạn đón đọc Thế Giới Khi Loài Người Biến Mất của tác giả Alan Weisman.
Leave a Reply