Nhận được cuốn tiểu thuyết O, Mari! của tác giả Robert Enghibarian từ tay bà Raisa Vardanyan, Đại sứ Armenia mới nhận nhiệm vụ ở Việt Nam, với đề nghị tôi sớm tổ chức dịch ra tiếng Việt để có cơ hội sắp tới giới thiệu với đông đảo bạn đọc chúng ta thêm hiểu về đất nước của bà, tôi thấy có cảm tình ngay với cuốn sách. Sách dày dặn, in ấn chững chạc, bìa các tông cứng, mặt bìa trang nhã với gương mặt xinh đẹp hiền hậu của một cô gái phương Tây bên cạnh ngọn tháp Epphen Pari quen thuộc. Linh cảm mách bảo tôi cuốn sách hẳn nói đến một mối tình có dính líu giữa chàng trai Armenia – xứ sở thuộc châu Á, vốn là một nước Cộng hòa Xô viết nằm ở cực Nam Liên xô trước đây, và cô gái bên trời Âu – cô gái Pari chăng?
O, Mari! Bất giác tôi nhớ ngay tới khúc hát quen hình như đã được nghe ở đâu đó chỉ một hai lần mà cứ nhớ mãi: “Ô, Mari! Đóa hoa hồng. Trên đồng nội nơi em đi qua hoa cỏ ngả rạp mình đón chào em…”. Có lẽ trong bộ phim đạo diễn điện ảnh Liên xô nổi tiếng Rôman Karmen quay những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ có cảnh nhiều gương mặt các sĩ quan Pháp bị bắt làm tù binh buồn rầu ngẫm nghĩ trong tiếng hát của ca sĩ giọng teno da diết “Ô, Mari! Đóa hoa hồng…” Về nhà, tôi đã bắt tay vào đọc cuốn sách O, Mari! và càng đọc càng thấy hấp dẫn. Đúng là câu chuyện về một tình yêu sét đánh, say đắm giữa chàng trai người bản địa, sinh viên năm thứ hai khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Erevan Armenia và cô gái “tóc sáng màu, cao không dưới một mét bảy lăm, dáng thể thao,…. gợi nhớ hình ảnh một nữ diễn viên nước ngoài…với một sự khác biệt chưa từng thấy, hoàn toàn nổi bật so với các khuôn mẫu sắc đẹp địa phương…Một thân hình được luyện tập, một bộ ngực nhỏ nhắn gần như không lộ ra, cặp chân dài, cần cổ cao, mái tóc vàng, ánh bạch kim chấm vai…” Chàng tên là Đavid, con trai một cán bộ cao cấp- tổng biên tập phụ trách một tờ báo lớn của một nước cộng hòa, từ bé đã luyện tập thể thao, đã đạt tới danh hiệu cấp quốc gia về môn vật tự do, là một trang nam nhi tuấn tú, học giỏi, nghĩa hiệp, được bạn bè cùng trường kính nể. Còn tên nàng chính là Mari, như trong bài hát quen thuộc, sinh ra ở Pari, bố là người gốc miền tây Armenia đã phải lưu lạc sang sống ở Pari từ sau Đại chiến thế giới thứ nhất, mẹ là một phụ nữ Pháp. Lên chín tuổi Mari theo cha mẹ hồi cư theo lời kêu gọi chiêu hồi của chính phủ Liên xô vào năm 1948, nay là sinh viên khoa Ngữ văn cùng một trường Đại học Tổng hợp Erevan.
Một lần làm nhiệm vụ đội trưởng đội tự quản sinh viên ở cổng trường, Đavid đã tình cờ để ý thấy Mari…lập tức hình ảnh của Mari gây ấn tượng mạnh cho Đavid và chàng trai đã mê mẩn tìm cách làm quen với nàng. Chàng đã có cơ hội tự nguyện giúp nàng từ việc nhỏ nhất, mua hộ bữa ăn trưa cho nàng đến việc giải thoát cho nàng khỏi sự quấy quả hăm dọa của bọn côn đồ đường phố. Từ những sự quan tâm và nghĩa hiệp ấy dần dần nàng có cảm tình lại với Đavid. Mặc cho sự can ngăn chân thành của người bạn “nối khố” ngay từ sau những rắc rối đầu tiên xảy ra khi Đavid bắt đầu “dính” Mari, anh chàng Rapha hơn tuổi nhưng cùng khoa Luật: “tớ không khuyên cậu lằng nhằng với con búp bê đó. Quanh nó có cả trung đoàn bọn lượn vè vè, lại thêm một số cậu nghiêm túc nữa. Cậu sẽ vất vả, sẽ nhận được là: “vĩnh biệt, chàng trai, au revoir!”. Cô ta không dành cho cậu. Cô ta cần một chàng trai trí thức chững chạc, có tương lai chứ không phải một sinh viên năm thứ hai, dù là nhất đẳng môn vật tự do…”
Bố mẹ Đavid cũng can ngăn con trai. Bố Đavid khuyên: “…Mari – không nghi ngờ gì, là một cô gái tốt, nhưng nó đã biết nó cần gì trong cuộc đời này, còn con thì chưa. Người vợ tương lai của con hiện đang học cấp một. Đấy, con xem mẹ con lấy bố trẻ hơn bố đến tám tuổi…Mari là người đồng niên với con nhưng trong cuộc sống nó già dặn và thông minh hơn con nhiều, phải đến bảy – tám năm. Con có thể là người đàn ông yêu quý của nó, nhưng không bao giờ là uy tín thực sự. Con cứ đi lại với con bé, làm bạn, nếu có thể có tình bạn đơn thuần, đừng ngu ngốc, đừng làm hỏng đời của con và của nó”.
Nhưng tình yêu giữa đôi trai gái vẫn cứ mỗi ngày một khăng khít gắn bó. Đavid và Mari quấn quýt bên nhau như hình với bóng, như đôi sam bể…Vượt qua biết bao trở ngại thử thách trong bối cảnh xã hội có nhiều vấn đề phức tạp của lịch sử thời kỳ “băng tan” những năm 50, 60 thế kỷ trước ở Liên xô. Tình yêu khăng khít kéo dài suốt hơn bốn năm trời ăn học cho đến khi cả hai người cũng đã nhận được bằng tốt nghiệp, bắt đầu thu xếp công ăn việc làm… Đavid và Mari lại phải chia tay… Tình yêu không trọn vẹn mặc dù cả hai phía đều có thiện chí…Mari theo bố mẹ một lần nữa đi tái định cư ở Pari. Còn Đavid kiên quyết ở lại đất nước, quê hương với những người thân: cha mẹ, em trai mình, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả những người bạn cùng học không tốt đẹp gì. Đavid đã từng khẳng định suy nghĩ và quyết định đúng của mình. Phản đối lại cái nhìn của ông Varugian, chuyên gia hóa học cũng là người hồi hương, luôn thất vọng từ khi trở về nước, Đavid khẳng định: “Chú cứ yên tâm, cháu ở đất nước của mình cảm thấy mình là người chủ!”
Điều chia cắt mối tình không phải hai người cùng lứa tuổi, không phải những ghen tuông hờn giận thỉnh thoảng lại bột phát ở anh ở chị, cái thói thường của bất cứ đôi trai gái yêu nhau nào, không phải ở những hiểm nguy xã hội luôn rình rập…mà là ở cái nhìn một hiện thực xã hội khác nhau xuất phát từ môi trường văn hóa giáo dục của mỗi người, như có lần chính Đavid cũng đã nhận thức ra…
Đavid và Mari chia tay nhau một cách đau đớn đầy nước mắt: “trước khi ra máy bay cùng cha mẹ trở lại Pari, Mari òa khóc nức nở. Không e ngại những người chung quanh, nàng ôm chặt lấy tôi, ghì sát vào ngực tôi”. Và chàng trai cũng: “Mái tóc sáng của Mari vừa mất hút không còn thấy, tôi mặc cho tình cảm bùng ra. Lấy cổ áo bành tô che đi, tôi nức nở khóc tức tưởi”.
Một câu chuyện tình yêu, rất chân thật, được kể lại với những bối cảnh xã hội chân thật, được viết ra bởi tác giả, gần như tự sự cuộc tình duyên của chính mình. Những điều tác giả, một nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, trên cương vị với trách nhiệm của một nhà hoạt động xã hội có uy tín, hiện giữ các trọng trách trong giới trí thức đương đại ở Liên bang Nga, đưa ra trong cuốn tiểu thuyết đem cho người đọc nhiều hiểu biết, nhiều suy nghĩ như những bài học trong cuộc sống đang đi lên, hướng đến cái thiện, cái đẹp, hạnh phúc của con người.
Đối với riêng tôi, như một người đọc, tôi vô cùng biết ơn tác giả. Có lẽ tôi hân hạnh được là người cùng thế hệ với tác giả, tuổi đời sấp xỉ hơn kém nhau chút ít. Tôi may mắn được sống ở Liên xô những năm tác giả miêu tả trong sách. Tôi cũng đã có lần từng được đến Erevan thủ đô của quê hương Armenia của tác giả, đến thăm ngôi trường Đại học Tổng hợp quốc gia Erevan, quảng trường Lênin, nơi nhân vật của cuốn sách đã ăn học, đã sinh sống…
Cám ơn tác giả đã cho tôi sống lại tuổi trẻ của tôi, cho tôi thấy rõ thêm quê hương của ông, cho tôi thấy rõ hơn những bước đường tôi đã đi qua và hướng đi tiếp tới tương lai trên đoạn đường đi tiếp cùng với nhân dân, đất nước quê hương của mình. Và hy vọng rằng cuốn sách cũng để lại cho không ít bạn đọc khác ở Việt Nam có được những trải nghiệm như bản thân tôi…
Dịch giả: THÚY TOÀN
Robert Enghibarian – Giám đốc viện Quốc tế điều hành (Đại học tổng hợp) MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Tiến sĩ khoa học luật pháp, Giáo sư, Nhà hoạt động công huân các khoa học của Liên bang Nga, Tiến sĩ Danh dự của Viện Hàn lâm khoa học nước cộng hòa Armenia và nhiều nước ngoài (Serbia, Sloveniya, Canada), nhiều trường cao đẳng Nga và nước ngoài.
Trong cuốn tiểu thuyết tâm lý – bi kịch: những sự việc bi thảm của cuộc sống những người đương thời của tác giả đã diễn biến trên nền rất nhiều sự kiện xã hội – chính trị, nhiều biến thái của các quan hệ xã hội.
Con người và thể chế, tình yêu và tình cảm, nghĩa vụ, tình bạn và sự phản bội, sự nóng vội của tuổi trẻ và sự sáng suốt của tuổi trưởng thành, những mô típ của các hành động con người, những sự thất thường của số phận luôn thay đổi – đó chỉ là một ít vấn đề mà tác giả suy nghĩ tới. Các hoạt động được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết, đều được dựa trên các sự việc có thật, tất cả các nhân vật đều có nguyên mẫu của mình và nhiều khi mang tên họ thật.
Cốt truyện sinh động, các nhân vật sáng rõ mạnh mẽ, sự thật chướng tai gai mắt về sự không giới hạn trên bình diện quốc gia tái hiện lại bức tranh sống động của quá khứ vừa qua – mặt trái của thời kỳ băng tan(1) – thời kỳ Khơrusốp, …. được tiểu thuyết hóa.
Mời các bạn đón đọc O, Mari! của tác giả Robert Enghibarian.
Leave a Reply