Oscar và bà áo hồng được viết bởi nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt. Ngay khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng gặt hái nhiều thành công, với vô số giải thưởng như giải Chronos, giải Jean Bernard của viện hàn lâm Y học… Bên cạnh đó, tác phẩm còn được chuyển thể thành phim, kịch và luôn được đánh giá cao trong lòng công chúng.
Ở Việt Nam, tác phẩm được giáo sư Ngô Bảo Châu và Nguyễn Khiếu Anh đồng dịch, xuất bản năm 2015.
Oscar và bà áo hồng là những bức thư gửi đến Chúa của cậu bé Oscar 10 tuổi, biệt danh Sọ Trứng bởi cậu có cái đầu trọc lốc – hệ quả của những đợt điều trị hóa chất. Cậu kể cho Chúa nghe về căn bệnh ung thư của mình, về bà Hoa Hồng – người tình nguyện viên già luôn ở bên Oscar trong bệnh viện.
Có thể nói, chính bà Hoa Hồng đã trao cho cậu bé hy vọng sống trong những ngày còn lại của cuộc đời, chi tiết bà kể với cậu bé về truyền thuyết: “Ở quê bà, Oscar ạ, có một truyền thuyết kể rằng trong 12 ngày cuối cùng của một năm, người ta có thể dự đoán được 12 tháng của năm tiếp theo sẽ như thế nào. Chỉ cần quan sát từng ngày một để có được bức tranh thu nhỏ của từng tháng… Đấy là truyền thuyết. Ta muốn bà cháu mình thử chơi trò đó, cháu và ta. Đặc biệt là cháu. Từ ngày hôm nay cháu sẽ quan sát mỗi ngày và tự nhủ là mỗi ngày tương ứng với 10 năm”. Chính truyền thuyết hư cấu này đã mang đến hy vọng sống cho cậu bé.
Từ giây phút ấy, mỗi ngày trôi qua đối với cậu bé Oscar đều là một ngày tuyệt diệu. Cậu được sống trọn vẹn với ý muốn và tình cảm của mình, trải qua những năm tháng “dậy thì” đầy rắc rối với vài người bạn trong bệnh viện và biết rung động trước cô bạn gái.
Hay những năm tháng “tuổi trẻ” đáng nhớ khi Oscar dũng cảm đứng ra bảo vệ người yêu, kết hôn và ở bên cạnh “vợ” của mình trong cuộc phẫu thuật quan trọng, giải quyết bất hòa với bố mẹ trong đêm Giáng Sinh… Rồi đến độ tuổi “xế chiều”, cậu trầm tư suy nghĩ về tất cả những gì đã trải qua trong đời mà không hề hối hận…
Oscar sống hết mình, học cách yêu thương và nghĩ về người xung quanh, về cuộc sống nhiều hơn là cái chết. Từng là một cậu bé luôn trách bố mẹ, gọi họ là “nhát cáy” vì không dám cười nói, gần gũi với cậu như khi khỏe mạnh. Nhưng nhờ bà Hoa Hồng, Oscar đã hiểu ra nỗi đau, việc né tránh của họ khi phải chứng kiến con mình ngày càng yếu và có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Thấu được nỗi lòng cha mẹ, cậu không còn trách họ, ngược lại Oscar đã can đảm nói “Con yêu bố mẹ, hãy luôn ở bên con”. Và chính câu nói ấy đã khiến bố mẹ Oscar thức tỉnh, can đảm để dẹp nỗi sợ mất con, thay vào đó là sự yêu thương con trọn vẹn từng ngày.
Đối với vị bác sĩ tận tụy Dusseldorf, Oscar đã suy nghĩ trưởng thành hơn, cậu nói: “Bác sĩ hãy sống thoải mái lên vì bác sĩ đã cố gắng chữa trị cho cháu hết sức có thể rồi, đừng coi đó là tội lỗi để mà ôm rơm nặng bụng…”. Chính câu nói ấy của Oscar đã khiến Dusseldorf mỉm cười nhẹ nhõm, suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn để tiếp tục công việc cứu người cao cả.
Chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang sách, nhưng Schmitt đã kể cho chúng ta thấy những nỗi buồn, nỗi đau, niềm hy vọng và cả tình yêu giữa con người với con người qua cái nhìn của một cậu bé và cả cảm xúc trước khi lìa xa thế giới của rất nhiều người.
Qua hình ảnh Oscar, tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng trong cuộc sống hiện tại, hàng ngàn “Oscar” đang sống những ngày tháng ngắn ngủi xung quanh chúng ta. Bạn hãy trân trọng, yêu cuộc sống này bởi không phải ai cũng có cơ hội để thực hiện điều đó. Nếu ta có tình cảm với ai đó đừng ngại bày tỏ, buồn hãy tìm người chia sẻ, muốn gì nhất định phải thực hiện ngay…
Nguyên Phương – Zing.vn
Cháu tên là Oscar, cháu mười tuổi, cháu từng châm lửa đốt mèo, đốt chó, đốt nhà (hình như cháu đã từng rán cả mấy con cá vàng nữa) và đây là bức thư đầu tiên cháu gửi cho ông bởi vì trước đây cháu bận học nên không có thời gian.
Báo trước với ông luôn, cháu ghét viết lắm. Phải bị ép thì cháu mới viết. Bởi vì viết là cái trò buộc nơ, kết hoa, tủm tỉm cười duyên, vân vân… Viết chỉ là nói dối để làm cho đẹp hơn. Đấy là trò của người lớn.
Bằng chứng à? Đây nhé, đầu thư cháu viết thế này: “Cháu tên là Oscar, cháu mười tuổi. Cháu từng châm lửa đốt mèo, đốt chó, đốt nhà (hình như cháu đã từng rán cả mấy con cá vàng nữa) và đây là bức thư đầu tiên cháu gửi cho ông bởi vì cháu bận học, không có thời gian” đáng ra cháu cũng có thể viết là: “Mọi người gọi cháu là Sọ Trứng, trông cháu có vẻ mới bảy tuổi, cháu sống ở bệnh viện vì bệnh ung thư, cháu chưa bao giờ nói chuyện với ông vì cháu chẳng tin là ông có thật.”
Chỉ tội cháu viết thế thì hỏng bét, ông sẽ khó để ý đến cháu hơn. Mà cháu lại cần ông để ý đến cháu.
Thậm chí còn tiện cho cháu nếu ông dành thời gian giúp cháu đôi ba việc.
Thế này nhé.
Bệnh viện là một nơi cực-kỳ-dễ-thương, với hàng đống người lớn vui vẻ và nói to, với đầy đồ chơi và các bà áo hồng* thích chơi với trẻ con, với bọn bạn lúc nào cũng rảnh rang như Thịt Rán, Einstein hay Bỏng Ngô, tóm lại, bệnh viện thật là đỉnh nếu ông là một bệnh nhân làm người khác vui.
Thế mà cháu không làm cho người khác vui nữa. Sau khi ghép tủy, cháu cảm thấy mình không làm cho người ta vui nữa. Sáng nay, ông bác sĩ Düsseldorf khám cho cháu mà chẳng vui vẻ gì, cháu làm ông ấy thất vọng. Ông ấy nhìn cháu mà chẳng nói gì, cứ y như là cháu đã làm gì sai. Mà cháu cũng cố gắng lúc phẫu thuật đấy chứ; cháu ngoan, cháu để người ta gây mê, cháu đau mà không kêu, cháu uống đủ thứ thuốc. Có những hôm cháu muốn thét lên với ông ấy, để nói với ông ấy rằng có thể chính ông ấy, bác sĩ Düsseldorf, với cặp lông mày đen sì, đã đánh hỏng vụ phẫu thuật ấy. Nhưng trông ông ấy đau khổ quá cho nên những lời xỉ vả của cháu bị nghẹn lại ở cổ họng. Bác sĩ Düsseldorf càng im lặng, ánh mắt buồn bã, cháu lại càng có mặc cảm tội lỗi. Cháu hiểu ra mình đã thành một bệnh nhân tồi, một bệnh nhân ngăn người ta tin rằng y học thật là tuyệt diệu.
Ý nghĩ của bác sĩ là một thứ truyền nhiễm. Bây giờ cả tầng, tất cả các y tá, các bác sĩ nội trú và các bà lao công đều nhìn cháu như thế. Họ có vẻ buồn rầu khi cháu vui vẻ; họ cố rặn cười khi cháu pha trò. Đúng là bây giờ người ta cười không còn như trước nữa.
Chỉ có bà Hoa Hồng là không thay đổi. Theo cháu thì bà ấy đằng nào cũng già quá rồi, không thay đổi được nữa. Với lại bà ấy Hoa Hồng quá. Cháu chẳng cần giới thiệu bà Hoa Hồng với ông đâu, Chúa nhỉ, bà ấy là một bà bạn tốt của ông mà, vì bà ấy chính là người bảo cháu viết thư cho ông. Vấn đề là ở chỗ chỉ có một mình cháu gọi bà ấy là bà Hoa Hồng. Thế nên ông phải cố gắng một tí để biết xem cháu đang nói về ai nhé: trong số các bà mặc áo bờ lu hồng đến chơi với bệnh nhân trẻ con, bà ấy là bà già nhất.
– Bà Hoa Hồng ơi, bà bao nhiêu tuổi?
– Cháu có nhớ được số có mười ba chữ số không, nhóc Oscar?
– Ôi! Bà bốc phét!
– Không. Không được để ai ở đây biết tuổi của bà đâu đấy, nếu không bà sẽ bị đuổi và bà cháu mình không được gặp nhau nữa.
– Sao lại thế?
– Vì bà ở đây trái phép. Có giới hạn tuổi cho các bà áo hồng. Mà bà đã vượt xa cái giới hạn ấy rồi.
– Bà bị quá đát à?
– Đúng rồi.
– Giống như sữa chua?
– Im nào!
– OK! Cháu sẽ không nói gì đâu.
Bà ấy thật là dũng cảm khi tiết lộ bí mật với cháu. Nhưng bà ấy gặp đúng người tốt đấy. Cháu sẽ câm như hến, mặc dù cháu cũng lấy làm lạ là với chừng ấy nếp nhăn trông như các tia nắng xung quanh mắt mà bà ấy lại không bị ai nghi ngờ gì.
Một lần khác, cháu biết thêm một bí mật của bà ấy, mà nghe đến nó thì chắc chắn là ông, Chúa thân mến, sẽ nhận ra bà ấy là ai.
Bà Hoa Hồng và cháu đi dạo trong hoa viên bệnh viện, và bà ấy giẫm phải một cục phân.
– Tổ sư!
– Bà Hoa Hồng ơi, bà nói bậy đấy.
– Ranh con, để cho ta yên, ta muốn nói gì thì ta nói.
– Ơ kìa, bà Hoa Hồng!
– Nhấc cái mông lên. Đi dạo chứ có phải là đua ốc sên đâu.
Khi đã ngồi xuống một cái ghế băng để mút kẹo, cháu mới hỏi:
– Sao bà nói năng dữ tợn thế?
– Bệnh nghề nghiệp đó, nhóc Oscar à. Trong nghề của bà, nói năng ỏn ẻn thì bà toi rồi.
– Thế bà làm nghề gì?
– Bà nói cháu cũng không tin đâu…
– Cháu thề là cháu sẽ tin.
– Đô vật.
– Cháu không tin bà đâu!
– Đô vật. Người ta đặt cho bà biệt danh là Bà bóp cổ vùng Languedoc*.
Từ đó, mỗi khi cháu buồn chán, và khi bà Hoa Hồng tin chắc không có ai nghe thấy, bà lại kể cho cháu nghe về những giải đấu vật lớn mình từng tham gia: Bà bóp cổ vùng Languedoc đấu với Mụ bán thịt vùng Limousin*, cuộc đấu suốt hai mươi năm với Diabolica Sinclair, một bà người Hà Lan có vú là quả đạn cối, và nhất là trận đấu ở Cúp thế giới với Ulla-Ulla, còn gọi là Con chó ở Büchenwald*, người chưa từng thua cuộc, ngay cả khi phải đối mặt với Cặp đùi thép, hình mẫu của bà Hoa Hồng hồi còn là đô vật. Các trận đấu của bà Hoa Hồng làm cháu mơ mộng mãi, vì cháu cứ tưởng tượng cái cảnh bà bạn của mình như lúc này đang ở trên võ đài, một bà già nhỏ bé mặc áo bờ lu màu hồng, hơi lập cập, đang ra tay xay ra cám mấy con quỷ cái mặc may ô. Cháu có cảm giác như đấy chính là mình. Cháu trở thành kẻ mạnh nhất. Cháu đi trả thù.
Đấy, với chừng ấy chỉ dẫn, bà Hoa Hồng hay Bà bóp cổ vùng Languedoc, mà ông không phát hiện ra bà Hoa Hồng là ai thì Chúa ạ, ông phải thôi làm Chúa và nên về hưu là vừa. Cháu nghĩ là mình đã nói rõ rồi đấy nhỉ?
Quay về chuyện của cháu nhé.
Tóm lại là vụ ghép tủy của cháu làm mọi người ở đây thất vọng. Vụ hóa trị cũng đã gây thất vọng rồi nhưng không nghiêm trọng bằng, vì người ta còn hy vọng vào việc ghép tủy. Bây giờ cháu có cảm giác là mấy ông lang kia chẳng biết đề xuất gì nữa, đến là đáng thương. Bác sĩ Düsseldorf, người mà mẹ cháu cứ bảo là đẹp trai, dù cháu thì thấy lông mày hơi rậm, ông ấy tỏ vẻ chán nản hệt như một ông già Noel hết sạch quà trong túi.
Không khí tồi tệ dần. Cháu nói chuyện với thằng bạn Thịt Rán. Thực ra nó không phải tên là Thịt Rán, mà là Yves, nhưng chúng cháu gọi nó là Thịt Rán vì tên ấy hợp với nó hơn, vì nó bị bỏng nặng.
– Thịt Rán này, tớ có cảm giác là các bác sĩ không thích tớ nữa, tớ làm họ thấy tuyệt vọng.
– Cậu đùa à, Sọ Trứng! Các bác sĩ ấy, họ không biết mệt mỏi đâu. Lúc nào họ cũng có đầy ý tưởng phẫu thuật cho cậu. Tớ đếm rồi, họ đã hứa thế với tớ ít nhất là sáu lần.
– Có lẽ là câu tạo cảm hứng cho họ.
– Chắc thế.
Éric-Emmanuel Schmitt thu hút người đọc trước hết bởi giọng văn mượt mà, ấm áp và các cốt truyện mang tính giáo dục, nhân văn cao cả. Ông từng chia sẻ: “Tôi không viết để thuyết giáo. Ngược lại, tôi thích làm người đọc suy nghĩ bằng cách kể một câu chuyện hay”.
Có lẽ chính vì suy nghĩ này của tác giả mà truyện và kịch của ông đã được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học tại Pháp và Đức như những tác giả đương đại kinh điển. Người ta đã viết về các tác phẩm của ông: Đề cập đến những vấn đề phức tạp bằng ngôn từ đơn giản, bằng tiếng nói từ trái tim và làm người ta suy nghĩ đến ý nghĩa thực sự của sự việc đó.
Các tác phẩm của Schmitt đặt ra những câu hỏi lớn như : Nếu không có chiến tranh và xung đột các tôn giáo sẽ nói gì với nhau, sẽ tồn tại như thế nào? Nên nhìn sự sống và cái chết như thế nào ? Yêu thương, sự tôn trọng, thù hận, cô đơn, chủng tộc, màu da, đức tin, trẻ em, người già, xã hội, tệ nạn… người ta đã đang và sẽ nhìn nhận những cảm xúc và thực tại đó như thế nào ?
6 tác phẩm của Éric-Emmanuel Schmitt đã được dịch sang tiếng Việt:
1. Nửa kia của Hitler (giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008).
2. Con của Noé.
3. Một mối tình ở điện Élysée.
4. Một ngày mưa đẹp trời.
5. Chàng Sumo không thể béo.
6. Oscar và bà áo hồng.
Mời các bạn đón đọc Oscar Và Bà Áo Hồng của tác giả Éric-Emmanuel Schmitt.
Leave a Reply